Trung Quốc nới lỏng cách ly nhưng vẫn duy trì chính sách zero-COVID

Bảo Nguyên

Người đi bộ đi bộ trên Bến Thượng Hải đối diện với Trung tâm tài chính Lục Gia Chủy ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 10/06/2022, trong bối cảnh chuẩn bị cho xét nghiệm COVID-19 trên toàn thành phố. (Ảnh: Liu Jin / AFP qua Getty Images)

Mới đây, chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ nới lỏng một số hạn chế COVID-19, nhưng cũng nói rằng họ sẽ không thay đổi chính sách zero-COVID của mình. Trong khi đó, Trung Quốc đang áp đặt nhiều đợt phong tỏa hơn ở siêu đô thị phía nam Quảng Châu.

Quốc vụ viện và Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc đã công bố 20 biện pháp nới lỏng để kiểm soát dịch bệnh COVID-19 vào thứ 6 (11/11), bao gồm nới lỏng thời gian cách ly tập trung bảy ngày xuống còn năm ngày cách ly tại nhà. Chính quyền cũng hủy bỏ “cơ chế ngắt mạch” gây tranh cãi đối với các chuyến bay đến và giảm bớt hai kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ cần thiết trước khi lên chuyến bay xuống còn một. (cơ chế ngắt mạch: nếu có một lượng nhất định hành khách dương tính với COVID khi tới Trung Quốc, hoạt động vận hành của hãng bay sẽ bị đình chỉ trong thời gian tương ứng).

Mặc dù đã được nới lỏng, các hạn chế COVID-19 của Trung Quốc vẫn là nghiêm ngặt nhất trên thế giới, trong khi các chính phủ khác về cơ bản đã cho phép cư dân của họ trở lại cuộc sống bình thường.

Cũng vào ngày 11/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết trong một cuộc họp báo rằng chế độ sẽ tiếp tục “thực hiện một cách kiên quyết chính sách chung ‘zero-COVID’”.

Chính sách này đã đè nặng lên sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, và mang lại đau khổ to lớn và vô số bi kịch cho người dân Trung Quốc. Nó cũng đã gây ra sự phản đối ngày càng tăng trong nước trước các chính sách của chính phủ đối với các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt.

Nhân viên mặt đất đeo thiết bị bảo vệ cá nhân làm việc với một chiếc máy bay bay từ nước ngoài đến sân bay ở Yên Đài thuộc tỉnh Sơn Đông phía đông Trung Quốc vào ngày 18/09/2022. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Đồng thời, các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã đăng các bài bình luận đổ lỗi cho chính quyền địa phương về việc tiến hành không hợp lý các biện pháp kiểm soát COVID-19 trong khi đang thực hiện các chính sách “zero-COVID” của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình.

Về việc nới lỏng một số biện pháp kiểm soát, nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc Zhou Xiaohui đã chỉ ra trong bài báo mà ông viết cho The Epoch Times, “Trước tình hình ngày càng mất kiểm soát, cuộc sống dưới sự kiểm soát COVID-19 ngày càng trở nên không thể chịu đựng được đối với người dân”. Ông Zhou cho rằng, giữa bầu không khí xã hội ngày càng tồi tệ, ông Tập và chế độ ĐCSTQ phải nới lỏng một chút để giảm bớt sự bất bình của công chúng cũng như làm dịu bớt cuộc khủng hoảng trong nước có thể xảy ra khi chính quyền đổ lỗi cho địa phương.

Các phương tiện truyền thông quốc tế, chẳng hạn như The Wall Street JournalBloomberg, trích dẫn các nhà phân tích, cũng cảnh báo rằng cộng đồng quốc tế không nên quá lạc quan về việc nới lỏng, vì những thay đổi chỉ là những điều chỉnh nhỏ. Họ dự đoán chính sách “zero-COVID” của chế độ Trung Quốc sẽ tiếp tục vô thời hạn.

Phong tỏa tại Quảng Châu

Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc tiếp tục phong tỏa nhiều thành phố hơn và tiến hành xét nghiệm COVID-19 hàng loạt.

Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông ở miền nam Trung Quốc, hiện đang đứng trước bờ vực bị phong tỏa trên toàn thành phố, với hàng triệu cư dân đang trải qua cuộc xét nghiệm hàng loạt và bị nhốt tại nhà.

Quận Hải Châu trong thành phố đã bị phong tỏa từ ngày 11/11, theo thông báo chính thức. Tất cả cư dân trong quận phải ở nhà và trải qua xét nghiệm hàng loạt PRC thường xuyên.

Mỗi hộ một người được phép ra ngoài mỗi ngày một lần để mua các nhu yếu phẩm gần đó. Người dân xếp hàng xét nghiệm PCR để phát hiện COVID-19 tại một địa điểm ở Quảng Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc vào tháng 08/2022. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Các phương tiện giao thông công cộng đã bị đình chỉ, bao gồm tàu ​​điện ngầm, xe buýt, taxi và các dịch vụ gọi xe trực tuyến. Các lối vào và lối ra của các đường cao tốc ở quận Hải Châu đều bị đóng, và việc kiểm soát giao thông tạm thời đã được thực hiện trên toàn quận.

Ông Chen (tên giả), chủ một nhà hàng thịt nướng ở quận Hải Châu, thành phố Quảng Châu, có năm hoặc sáu nhân viên sống trong hai ký túc xá. Ông ấy nói với The Epoch Times vào ngày 11/11, “Nhà hàng của tôi không được phép mở cửa; thực phẩm và nguồn cung cấp đã không được phân phối cho chúng tôi; chỉ những siêu thị lớn mới được tiếp tục mở, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế”.

Ông Chen cho biết sau khi thông báo phong tỏa được ban hành, mọi người đã ra ngoài mua sắm để tích trữ thực phẩm. “Có rất nhiều người mua sắm, và nếu ho chậm chân, hàng sẽ hết, như rau xanh không còn để lấy”.

Kể từ ngày 10/11, một số khu vực có nguy cơ cao và các khu vực kiểm soát tạm thời đã được thêm vào danh sách phong tỏa ở các quận khác của Quảng Châu.

Ông Zhao (tên giả), chủ một studio nghệ thuật ở quận Bạch Vân, Quảng Châu, nói với The Epoch Times vào ngày 11/11 rằng đã có báo cáo về các trường hợp COVID-19 ở các quận khác nhau ở Quảng Châu, và nhiều doanh nghiệp đã bị đình chỉ hoạt động trong gần một tháng.

Ông Zhao mô tả: “Về cơ bản, có những rào cản trên đường phố ở khắp mọi nơi để phong tỏa các khu phố khác nhau, cách nhau không quá 500 mét (0,3 dặm)”.

Bảo Nguyên

Theo Alex Wu – The Epoch Times

Related posts