Mất việc dịp cuối năm, công nhân ồ ạt rời khu công nghiệp về quê

Nhiều người đứng chờ đón xe về quê sớm do mất việc. (Ảnh: L.T/Vietnamnet).

Mọi năm, thời gian này là những tháng cao điểm của nhiều doanh nghiệp tập trung sản xuất phục vụ dịp Tết sắp đến. Tuy nhiên, trái ngược với điều đó, tình hình ở khu công nghiệp Bình Dương và TP.HCM – nơi được mệnh danh là “thủ phủ” công nghiệp lại bị khan hiếm đơn hàng, phải cắt giảm lao động hoặc giảm giờ để duy trì sản xuất. Sự việc trên đã khiến công nhân mất việc làm phải chật vật mưu sinh, số khác phải rời khu công nghiệp về quê ăn Tết sớm.

Ghi nhân của báo VnExpress, khu trọ hơn 40 phòng trên đường Lê Văn Khương, đa số người thuê là công nhân làm tại Công ty TNHH May Sun Kyoung Việt Nam (ở quận 12,TP.HCM), 100% vốn Hàn Quốc. Đầu tháng 11, doanh nghiệp thông báo sẽ dừng hoạt động do đối tác bất ngờ cắt toàn bộ đơn hàng, đồng nghĩa gần 830 người lâm cảnh mất việc. Hôm 10/11, công ty chuyển trả các khoản lương, hỗ trợ cuối cùng vào tài khoản của công nhân.

“Cả lương tháng 10 và thêm phần hỗ trợ, tôi được 12 triệu đồng”, chị Châu Thị Hà, 32 tuổi, quê Trà Vinh, có hơn hai năm làm việc ở Sun Kyoung, nói. Nữ công nhân dành hơn hai triệu đồng trả tiền thuê trọ, số còn lại phải chi tiêu dè xẻn phòng trường hợp chưa tìm được việc mới. Chồng chị, anh Lê Trần Vinh cũng vừa nhận quyết định thôi việc sau hai tháng nhà máy không có việc làm.

Hơn tuần nay, vợ chồng chở nhau đi tìm việc nhưng chưa có chỗ tiếp nhận. Cách đây 4 hôm, một công ty nhựa nhận hồ sơ xin việc của anh. Chưa kịp mừng thì hai hôm sau nhân sự nhà máy gọi anh lên nhận lại hồ sơ vì doanh nghiệp đã dừng tuyển mới. “Nếu không có việc, làm sao 10 triệu đồng cầm cự được qua Tết”, chị Hà quay sang hỏi chồng rồi tự lên kế hoạch cắt luôn hai bữa sáng, trưa. Buổi tối chị nấu nhiều cơm, ăn no, ngủ dậy trễ một chút, nếu đói sẽ ăn mì gói.

Hơn 20 năm rời Bạc Liêu lên thành phố mưu sinh, chị Trần Thị Diện, 49 tuổi, có ba năm làm việc ở Sun Kyoung, nói rằng tìm được một công việc phù hợp giai đoạn này “mừng hơn trúng số”. Sau khi bị cắt giảm, chị được một xưởng may tư nhân nhận vào làm thời vụ

“Tôi chưa bao giờ nghĩ đến cảnh một ngày cả xóm trọ túa đi tìm việc như hôm nay”, chị Diện nói. Nhiều đồng nghiệp của chị đã đóng cửa phòng trọ về quê. Một số khác tính chuyện đổi nghề vì lớn tuổi, khả năng quay lại nhà xưởng gần như bằng không.

Gần phòng trọ chị Hà, Nguyễn Thị Lai, 23 tuổi, mới mất việc ở nhà máy Sun Kyoung, vừa tìm được công việc kiểm hàng ở một công ty may gần đó. Tuy nhiên, chồng chị làm công nhân xây dựng lại bị doanh nghiệp cho nghỉ vì không còn công trình. Hơn 10 năm đi làm, anh Bâu nói chưa bao giờ khó tìm việc như giai đoạn này.

Cách đây 2 năm, khi Covid-19 bùng phát, cả nhà kéo nhau về Kiên Giang. Nửa năm trước anh chị quay lại Sài Gòn, để hai con ở quê, mỗi tháng gửi về 5-6 triệu đồng. Do đó, nếu anh thất nghiệp dài ngày, chỉ trông vào lương thời vụ 5 triệu đồng của vợ thì cả nhà không thể cầm cự được quá một tháng. Cố cầm cự một tháng rồi tính tiếp, cùng lắm lại kéo nhau về quê.

Theo nguồn tin trên, một số doanh nghiệp ở TP.HCM cắt giảm lao động, có nhà máy phải sắp xếp lại thời giờ làm việc, không tăng ca… Trong tháng 10, thành phố giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho hơn 11.000 người, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021.

Công nhân mất việc làm, rời khu công nghiệp về quê

Theo Vietnamnet, thực trạng trên cũng diễn ra tại tỉnh Bình Dương – một trong những địa phương có số lượng công nhân tập trung đông nhất cả nước.

Đứng trong dòng người chờ xe khách trên quốc lộ 13 đoạn qua TP. Thủ Dầu Một vào tối 14/11, anh Trần Văn Hòa (SN 1993, quê Đắk Lắk) cho hay, anh làm công nhân cho một công ty may mặc ở ở TP. Thuận An được 4 năm. Trước đây, công việc khá ổn định với mức thu nhập khoảng từ 8-10 triệu/tháng. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công việc của anh bắt đầu bị ảnh hưởng do ít đơn hàng, công ty cắt giảm giờ làm đối với công nhân. Tuy vậy, anh vẫn có việc duy trì thu nhập, dù ít hơn trước.

Thế nhưng, đến dịp cuối năm nay công ty thông báo không có đơn hàng sản xuất, anh và nhiều công nhân khác bị tạm dừng hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương. Anh Hòa đành ngậm ngùi đón xe về quê nghỉ Tết sớm.

Không chỉ anh Hòa, nhiều người khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hình ảnh dòng người đứng chờ đón xe về quê tại thời điểm này trên các tuyến đường ở Bình Dương khiến nhiều người bất ngờ, bởi lẽ trước đây cảnh này chỉ xuất hiện vào dịp cận Tết.

Một người dân có nhà trên quốc lộ 13, đoạn qua Ngã tư Hòa Lân (phường Thuận Giao, TP. Thuận An) cho biết, trước đây bà chỉ thấy dòng người đứng chờ xe khách vào những ngày cận Tết với không khí nhộn nhịp, vui vẻ nhưng năm nay hình ảnh này xuất hiện sớm hơn. Trong dòng người đứng chờ xe, ai cũng mang nét mặt trầm tư.

Theo ngành chức năng, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang gặp khó do đơn hàng bị giảm sút, chỉ duy trì hoạt động từ 30-50% so với trước đây. Để giảm gánh nặng chi phí, doanh nghiệp phải cắt giảm lao động…

Ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, số lao động bị tạm ngưng hợp đồng khoảng 28.000 người, khoảng 240.000 lao động bị giảm giờ làm. Riêng số lao động thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp tính đến hết tháng 9/2022 là khoảng 70.000 người. Người lao động bị tạm dừng hợp đồng hoặc cắt giảm giờ làm chủ yếu thuộc khối dệt may, da giày, ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.

Hội An

Related posts