Cát Duyên
Danh sách 100 người giàu nhất Trung Quốc mới được công bố cho thấy tổng tài sản của các doanh nhân, đặc biệt là tài sản trong ngành công nghệ Internet, đã giảm đi đáng kể. Trong khi đó, tài sản trong các ngành truyền thống lại đang tăng lên.
So với năm trước, tổng tài sản của các doanh nhân trong danh sách đã giảm 18%, xuống còn 24,5 ngàn tỷ CNY (nhân dân tệ) (3,38 ngàn tỷ USD), theo Danh sách người giàu Trung Quốc hàng năm vào năm 2022 do Viện nghiên cứu Hurun công bố hôm 08/11.
Có 1.305 (ít hơn 11%) doanh nhân Trung Quốc có tài sản cá nhân từ 5 tỷ CNY (690 triệu USD) trở lên, trong danh sách. 1.187 người chứng kiến sự giàu có của họ giảm sút hoặc vẫn giữ nguyên, với 293 người trong số họ bị loại khỏi danh sách năm nay. Chỉ có 411 doanh nhân giàu lên, trong đó có 133 người mới.
Theo ông Rupert Hoogewerf, Chủ tịch kiêm Giám đốc nghiên cứu của Viện nghiên cứu Hurun, trong năm qua, sự giàu có của các doanh nhân Trung Quốc trong danh sách – do bị ảnh hưởng bởi chiến tranh Nga – Ukraine, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất mạnh và dịch COVID tái diễn – đã giảm xuống vào lần thứ năm trong 24 năm vào năm 2022, và tổng số người giàu trong danh sách đã giảm và đây cũng là mức giảm lớn nhất, hãng truyền thông tài chính Trung Quốc Security Times đưa tin ngày 09/11.
Các doanh nhân Internet tư nhân đang nghèo đi
Cuộc khảo sát cho thấy tốc độ tăng trưởng tài sản của các doanh nhân Trung Quốc đang chậm lại và các ông trùm tham gia vào các nền tảng Internet là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất về mức độ giảm sút của cải.
Trong số 10 tỷ phú hàng đầu, đáng chú ý là ông Mã Hóa Đằng, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn đa phương tiện Tencent, đã chứng kiến tài sản của mình giảm 102 tỷ CNY (14 tỷ USD), tương đương 32%, xuống vị trí thứ 5, với 215 tỷ nhân dân tệ (29,6 tỷ USD), giảm một bậc so với năm ngoái, thứ hạng thấp nhất của ông trong một thập kỷ.
Ngoài ra, tài sản của người sáng lập Tập đoàn Alibaba, Jack Ma, đã giảm 75 tỷ CNY (10,3 tỷ USD), tương đương 29%, xuống vị trí thứ 9 với 180 tỷ CNY (24,8 tỷ USD). Trong khi đó, tài sản của người sáng lập công ty thương mại điện tử Trung Quốc Pingduoduo, Hoàng Tranh, giảm 59 tỷ CNY (8,1 tỷ USD), tương đương 26%, xuống thứ 10 với 170 tỷ CNY (23,4 tỷ USD).
Ông Tạ Điền, giáo sư kinh doanh John M. Olin Palmetto và phó giáo sư tiếp thị tại Đại học Nam Carolina Aiken, nói với The Epoch Times hôm 09/11 rằng các ông trùm công nghệ Trung Quốc chủ yếu đến từ các doanh nghiệp Internet công nghệ cao tiên tiến nhất. Giá trị của các doanh nghiệp này, lợi nhuận và lợi ích của thương mại điện tử mà họ tạo ra đều liên quan đến nền kinh tế quốc gia và sức tiêu dùng của người dân.
Ông Tạ nói, “Nếu nền kinh tế tổng thể suy giảm và mọi người thiếu tiền, thì mua sắm trực tuyến sẽ giảm và các công ty này sẽ mất giá theo. Vì vậy, rõ ràng là sự sụt giảm tài sản của các ông trùm công nghệ Internet có thể bị đổ lỗi là do cho suy thoái kinh tế và sự đàn áp của ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp tư nhân này”.
Ông tin rằng sự sụt giảm tài sản này sẽ tiếp tục khi nền kinh tế Trung Quốc về cơ bản đang quay trở lại đường lối cũ. “Đó là quay trở lại tình trạng đóng cửa, nơi các doanh nghiệp nhà nước độc quyền nền kinh tế và khu vực kinh tế tư nhân đang bị bóp nghẹt. Trong trường hợp đó, tài sản của những người giàu mới nổi một thời sẽ giảm đi”.
Ngành đồ uống, chăm sóc sức khỏe và chăn nuôi lợn giàu lên
Ông Hoogewerf nói rằng tuy vậy, tài sản của người giàu trong các ngành công nghiệp truyền thống đã tăng đáng kể trong năm nay, chẳng hạn như các ngành đồ uống, chăm sóc sức khỏe và chăn nuôi lợn.
Ông Chung Thiểm Thiểm, người sáng lập Nongfu Spring, nhà sản xuất nước đóng chai lớn nhất Trung Quốc, đã trở thành người giàu nhất quốc gia. Tài sản của ông đã tăng thêm 65 tỷ CNY (8,9 tỷ USD) so với năm ngoái, nâng tổng tài sản của ông lên 455 tỷ CNY (62,7 tỷ USD).
Sự giàu có của ông Chung đã lập kỷ lục trong hơn hai thập kỷ trong Danh sách 100 người giàu của Hu Run.
Ông Chung không chỉ tham gia vào ngành đồ uống mà còn kiểm soát Wantai Biological Pharmacy Enterprise Co., nhà sản xuất vaccine viêm gan và bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19, theo báo cáo của Financial Times vào năm 2020.
Người giàu thứ hai là ông Trương Nhất Minh, người sáng lập công ty công nghệ Internet Trung Quốc ByteDance, chủ sở hữu của TikTok. Do công ty mất giá, tài sản của ông Trương giảm 28%, tương đương 95 tỷ CNY (13,1 tỷ USD), xuống vị trí thứ hai, không thay đổi so với năm ngoái.
Ở vị trí thứ ba là ông Zeng Yuqun, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty công nghệ năng lượng mới CATL của Trung Quốc, với tổng tài sản là 230 tỷ CNY (31,7 tỷ USD), giảm 90 tỷ CNY (12,4 tỷ USD), tương đương 28% so với năm ngoái.
Ông Qin Yinglin, nhà chăn nuôi lợn lớn nhất Trung Quốc, lần đầu tiên vượt qua ông Jack Ma.
Ông Qin là người sáng lập và chủ tịch của Muyuan Foodstuff có trụ sở tại tỉnh Hà Nam. Trong danh sách Hurun 100, tài sản của ông Qin và vợ tăng 9% so với năm ngoái, lên 185 tỷ CNY (25,5 tỷ USD), giúp họ tăng bảy bậc lên vị trí thứ tám.
“Việc những người giàu có trong các ngành công nghiệp truyền thống trỗi dậy là điều tự nhiên vì đã có bong bóng trong các công ty Internet và thương mại điện tử”, ông Tạ nói, giải thích rằng công nghệ Internet toàn cầu đang đối mặt với những cơn gió ngược, với nhiều doanh nghiệp liên quan sa thải nhân viên với quy mô lớn.
Ở Trung Quốc, một khi bong bóng này vỡ, người ta sẽ thấy sự giàu có trong lĩnh vực công nghệ cao bị thu hẹp lại, khi đó các ngành truyền thống khác hoặc phi công nghệ cao sẽ bị ảnh hưởng, chẳng hạn như thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, chăn nuôi gia cầm và gia súc; các ngành liên quan đến tài nguyên sẽ nằm ngoài cuộc, ông Tạ cho biết thêm.
Truyền thông nhà nước mua cổ phần của các gã khổng lồ Internet tư nhân
Việc thắt chặt kiểm duyệt và hạn chế rõ ràng có thể chịu trách nhiệm một phần cho sự suy giảm tài sản của giới công nghệ tư nhân giàu có, với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lo sợ rằng sự phát triển của Internet đã cho phép tin tức và quan điểm lan truyền từ bên trong Trung Quốc tới phần còn lại của thế giới.
Hướng tới việc biến Internet thành công cụ tuyên truyền của mình, các phương tiện truyền thông nhà nước đã cố gắng tiếp cận một số gã khổng lồ công nghệ bằng cách mua cổ phần để tác động đến quyết định của họ.
Theo bài báo ngày 06/11 của truyền thông dòng chính Trung Quốc, Kuaishou, một nền tảng chia sẻ video ngắn đáng chú ý của Trung Quốc đã có thỏa thuận tài chính chiến lược với Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kinh, một công ty con trực thuộc Ủy ban và Chính phủ Thành phố Bắc Kinh.
Đài phát thanh và truyền hình Bắc Kinh kiểm soát 1% cổ phần của Kuaishou, theo Tianyancha, một nền tảng tìm kiếm thông tin doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy.
Theo hãng truyền thông dòng chính của Trung Quốc được Reuters trích dẫn, trước đó vào năm 2021, 1% cổ phần của ByteDance được nắm giữ bởi Công ty TNHH Quản lý Quỹ Đầu tư Internet Trung Quốc, vốn được thành lập bởi Ủy ban Các vấn đề Không gian mạng Trung ương và Bộ Tài chính và được kiểm soát một phần bởi một công ty đa phương tiện của cơ quan ngôn luận CCTV.
Douyin và phiên bản TikTok ở nước ngoài là những ứng dụng chia sẻ video ngắn chính do ByteDance sản xuất.
Ông Tạ cho biết, mặc dù chỉ nắm giữ 1% cổ phần, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kinh hoặc CCTV, có nguồn gốc từ ĐCSTQ, vẫn sẽ có cổ phần quản lý đặc biệt với “một phiếu phủ quyết”.
Vào tháng 01/2017, Văn phòng Ủy ban Trung ương và Hội đồng Nhà nước đã tuyên bố rằng các đơn vị quản lý đặc biệt nên được thành lập trong các lĩnh vực tin tức và dịch vụ thông tin trên Internet, dịch vụ xuất bản trực tuyến, và dịch vụ truyền dẫn mạng thông tin và chương trình nghe nhìn trên cơ sở thí điểm. Vào tháng 5 cùng năm, Văn phòng Thông tin Internet Nhà nước đã ban hành các quy định để “áp dụng một hệ thống đơn vị quản lý đặc biệt cho các nhà cung cấp dịch vụ thông tin và tin tức Internet đủ điều kiện”.
Ông Tạ nói tiếp, “Rõ ràng là ĐCSTQ đang chuẩn bị cho các vụ sáp nhập và mua lại tiếp theo với 1% cổ phần. Họ sẽ yêu cầu tham gia vào các cuộc họp của hội đồng quản trị và thậm chí chống lại hội đồng quản trị… Ai dám phản đối họ? Ai dám chống lại những người đại diện của ĐCSTQ trong hội đồng quản trị? Vì vậy, về cơ bản, nó có thể kiểm soát các công ty này”.
“ĐCSTQ không tự tin và tin tưởng vào các doanh nghiệp tư nhân, và nó ghen tị với tài sản của các doanh nghiệp tư nhân, bộc lộ bản chất cướp bóc và thổ phỉ của ĐCSTQ, vì vậy nó sẽ chiếm đoạt tài sản này bằng vũ lực”.
Ông Tạ nói thêm, “Mục đích của ĐCSTQ là nắm giữ huyết mạch của nền kinh tế Trung Quốc, các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp trung ương, trong tay của chính mình”.
Cát Duyên