Huyền Anh
Giới quan sát nhận định rằng, Hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc cũng là lúc dấu sự trỗi dậy của một cường quốc châu Á, nhưng đó không phải là Trung Quốc.
Phản ứng trước cuộc chiến Ukraine – Nga kéo dài gần 9 tháng qua, tuyên bố chung của các quốc gia tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia nêu rõ, mặc dù một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập và Nam Phi “có quan điểm khác nhau”, nhưng hầu hết các nước thành viên đều lên án mạnh mẽ Nga cũng như tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc không loại trừ việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuyên bố chung G20 cũng yêu cầu quân đội Nga “rút quân hoàn toàn và vô điều kiện khỏi lãnh thổ Ukraine”.
Đài BBC hôm 16/11 đưa tin, ông John Kirton, đồng Giám đốc và người sáng lập Nhóm nghiên cứu G20 ở Canada, tin rằng, tuyên bố trên là một bước đột phá của Hội nghị thượng đỉnh và có tác động không nhỏ đến Nga.
Ông Kirton cho hay: “Điều này có nghĩa là Nga đã mất quyền phủ quyết đối với những gì G20 nói và làm; điều đó cũng có nghĩa là Bắc Kinh đã bỏ rơi Nga. Không những không còn cái gọi là tình hữu nghị không giới hạn, mà giờ đây không còn tình hữu nghị nào cả”.
Đài CNN hôm 17/11 đưa tin, trong tuyên bố chung G20 xuất hiện một câu: “Thời đại ngày nay không nên có chiến tranh”. Theo đó, đây cũng là câu nói mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp trực tiếp vào tháng 9.
Nhiều phương tiện truyền thông ở Ấn Độ ngay lập tức cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy nền dân chủ lớn nhất thế giới đang đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hẹp sự khác biệt giữa một nước Nga ngày càng bị cô lập với Hoa Kỳ và các đồng minh của họ. Trong khi đó, tờ báo tiếng Anh lớn nhất Ấn Độ, The Times of India, đã đăng một bài báo với tiêu đề: “Cách Ấn Độ thống nhất G20 dựa trên triết lý hòa bình của Thủ tướng Modi”.
Ngoại trưởng Ấn Độ Vinay Kwatra nói với các phóng viên hôm thứ Tư (16/11) rằng: “Thông điệp của Thủ tướng Modi khi cho rằng đây không phải là kỷ nguyên chiến tranh… đã gây được tiếng vang rất lớn với tất cả các phái đoàn và giúp thu hẹp khoảng cách giữa các bên”.
Cũng theo đài CNN, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã trao chiếc búa cho nhà lãnh đạo Ấn Độ và chúc mừng Ấn Độ sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch G20 2023. Theo đó, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm tới sẽ được tổ chức tại New Delhi, thủ đô của Ấn Độ, vào tháng 9/2023. Tổng thống Indonesia Joko Widodo trao búa cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Bali ở Indonesia hôm 16/11/2022. Ấn Độ sẽ giữ chức chủ tịch G20 năm 2023. (Ảnh: Willy Kurniawan/Pool/AFP/Getty Images)
Một số nhà phân tích tin rằng, khi Ấn Độ khéo léo cân bằng mối quan hệ với Nga và phương Tây, ông Modi hiện đang trở thành nhà lãnh đạo được tất cả các bên săn đón. Ngoài việc giành được sự ủng hộ trong nước, ông cũng đã củng cố Ấn Độ thành một cường quốc “môi giới” quốc tế.
Ông Sushant Singh, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở tại New Delhi, cho biết: “Truyền thông Ấn Độ cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh G20 đã được sử dụng như một biểu ngữ lớn trong chiến dịch tranh cử của ông Modi, và điều đó cho thấy rằng ông ấy là một chính khách toàn cầu vĩ đại. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ ngày nay tự coi mình là một cường quốc trên bàn đàm phán”.
Tuyên bố chung G20 lên án mạnh mẽ cuộc chiến của Nga tại Ukraine
Trong tuyên bố chung tại Bali vào ngày 16/11, các nhà lãnh đạo G20 đã nhấn mạnh nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong việc “lên án mạnh mẽ” các hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine.
Tuyên bố chung nêu rõ, hầu hết các quốc gia thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng, cuộc chiến đã gây ra những nỗi thống khổ to lớn cho con người và thậm chí làm trầm trọng thêm tình trạng mong manh hiện nay của nền kinh tế toàn cầu.
Ba nguồn tin ngoại giao quen thuộc với vấn đề nói với tờ Reuters rằng, tuyên bố đã được tất cả các thành viên G20 thông qua.
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 chỉ ra rằng luật pháp quốc tế phải được tôn trọng và mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là điều không thể dung thứ. Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh sáng kiến vận chuyển ngũ cốc ở Biển Đen.
Tuyên bố chung của G20 cũng cho biết, ngân hàng trung ương các nước thành viên sẽ tiếp tục điều chỉnh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ một cách phù hợp, đồng thời lặp lại cam kết tránh gây biến động tỷ giá hối đoái quá mức.
Huyền Anh
Theo Visiontimes