Chủ tịch công ty xi măng Vicem Hoàng Thạch bị bắt
Ông Lê Thành Long bị bắt để điều tra về vi phạm trong quy định đấu thầu.
Báo chí nhà nước ngày 18/11 đưa tin Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Thành Long, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV xi măng Vicem Hoàng Thạch để điều tra về vi phạm trong quy định đấu thầu.
Tại thời điểm bị khởi tố, ông Lê Thành Long cũng đang là thành viên HĐQT của Công ty Cổ phần bao bì Hoàng Thạch.
Theo báo cáo của Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch, ông Long có nhiều năm công tác tại các đơn vị thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem).
Từ tháng 7/2013 đến tháng 12/2014, ông Long đảm nhiệm Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV xi măng Vicem Hoàng Thạch kiêm thành viên HĐQT Công ty Cổ phần bao bì Hoàng Thạch.
Giai đoạn tháng 11/2015 đến tháng 12/2019, ông Long làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV xi măng Vicem Hoàng Thạch đồng thời là thành viên HĐQT bao bì Hoàng Thạch.
Ông Long bắt đầu làm chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV xi măng Vicem Hoàng Thạch, thành viên HĐQT bao bì Hoàng Thạch từ tháng 1/2020 đến nay.
Cùng vụ việc với ông Long, Công an tỉnh Hải Dương cũng bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Chảng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vicem Bao bì Bỉm Sơn, do vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trong thời gian ông công tác tại Công ty TNHH MTV xi măng Vicem Hoàng Thạch.
Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ.
Phạm Toàn
Vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng: Cựu Đội trưởng chống buôn lậu bị đề nghị 16 năm tù
VKSND tỉnh Đồng Nai đề nghị mức án 16-17 năm tù đối với bị cáo đứng đầu vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng. Riêng cựu Đội trưởng chống buôn lậu bị đề nghị mức án đến 16 năm tù vì tội “Nhận hối lộ”.
Ngày 18/11, TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phan Lê Hoàng Anh) và 73 bị cáo trong đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam.
Đại diện VKS cho rằng hành vi buôn lậu xăng của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, rối loạn thị trường.
Các bị cáo sử dụng phương tiện để thực hiện buôn lậu xăng hết sức rất tinh vi, lợi dụng đêm tối và dùng hồ sơ khống, giấy tờ giả để qua mặt lực lượng chức năng kiểm tra.
Theo đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phan Thanh Hữu (trùm buôn lậu) và Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng, người phụ trách vận chuyển xăng lậu từ Singapore về Việt Nam) từ 16-17 năm tù về tội “Buôn lậu”.
Bị cáo Nguyễn Hữu Tứ (ngụ Vĩnh Long, người phân phối phần lớn xăng lậu cho Phan Thanh Hữu) bị đề nghị mức án 13-14 năm tù về tội “Buôn lậu”.
Bị cáo Ngô Văn Thụy (cựu cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan) bị đề nghị 15- 16 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Đây là bị cáo duy nhất bị xét xử về hành vi nhận hối lộ.
Ngoài ra, hàng chục bị cáo bị đề nghị từ 2-10 năm tù; bị đề nghị cho hưởng án treo và phạt tiền.
Theo cáo trạng, từ tháng 3/2020 đến 2/2021, bị cáo Phan Thanh Hữu, Nguyễn Hữu Tứ, Đào Ngọc Viễn đã vận chuyển 48 chuyến tàu với tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ, trị giá gần 2.800 tỷ đồng. Trong đó đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án, hôm 15/7, Toà án quân sự Quân khu 7 xác định từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2021, 9 cán bộ biên phòng, cảnh sát biển đã nhận khoảng 38 tỷ đồng để nhóm ông Hữu vận chuyển xăng từ Singapore về Việt Nam và tiêu thụ xăng lậu trên biển trong thời gian dài.
Tòa tuyên phạt bị cáo Lê Văn Minh (cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4) 15 năm tù; Lê Xuân Thanh (cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3) 12 năm về tội “Nhận hối lộ”. Cựu đại tá Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thế Anh, bị phạt tù chung thân về tội “Nhận hối lộ” và “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. 11 bị cáo khác bị phạt từ 6 tháng 21 ngày đến 16 năm với ba nhóm tội danh “Buôn lậu”, “Nhận hối lộ” và “Không tố giác tội phạm”.
Phạm Toàn
Gần 26kg ma túy bị phát hiện trong kiện hàng gửi từ Mỹ, Đức về TP.HCM
Qua soi chiếu, dùng cảnh khuyển, Cục Hải quan TP.HCM vừa phát hiện gần 26 kg ma túy được cất giấu tinh vi trong những gói kẹo, gói cà phê, để trong 4 kiện hàng được gửi từ Mỹ, Đức về sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Theo thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM, đơn vị này vừa phối hợp cùng Công an TP.HCM và các đơn vị chức năng phát hiện gần 26 kg ma túy được giấu trong các kiện hàng, vận chuyển từ các nước Đức, Mỹ về Việt Nam qua đường hàng không.
Ngày 8/11, Đội Kiểm soát phòng chống ma túy và Chi cục Hải quan TP.HCM kiểm tra thực tế 5 kiện hàng nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh có nghi vấn, trong đó phát hiện 4 kiện hàng có chứa số lượng lớn ma túy.
Trong đó, 2 kiện hàng chuyển từ Đức qua đường bưu chính quốc tế chứa hơn 5,6kg ma túy tổng hợp MDMA, được giấu trong những gói kẹo. Hai kiện hàng vận chuyển từ Mỹ về qua dịch vụ chuyển phát nhanh chứa 19,6kg ma túy tổng hợp Methamphetamine (tức ma túy đá), được giấu trong các gói cà phê.
Số lượng tang vật thu giữ tổng cộng gần 26kg ma túy các loại. Theo Cục Hải quan TP.HCM, đây là lần đầu tiên phát hiện lượng ma túy đá và ma túy tổng hợp được vận chuyển từ Mỹ về Việt Nam với số lượng lớn như vậy.
Vụ việc hiện đang được Cục Hải quan TP. HCM phối hợp với Công an TP.HCM và Tổng cục Hải quan tiến hành xác minh và mở rộng điều tra.
Cục Hải quan TP.HCM cho hay trong 9 tháng năm 2022, số vụ bắt giữ ma túy, tiền chất ma tuý xuất, nhập khẩu trái phép qua các cửa khẩu TP.HCM tăng 20% với số tang vật tăng 17% so với cùng kỳ 2021.
Cụ thể, trong 72 vụ bị phát hiện, lực lượng hải quan TP thu giữ hơn 170,79kg ma túy và tiền chất ma túy các loại, gồm 106,9kg cần sa; 19,43kg MDMA; 18kg heroin; 11,83kg methamphetamine; 327g cocaine; 760g ketamine và 13,43kg tiền chất ma tuý Pseudoephedrine.
Số ma túy bị phát hiện, thu giữ qua đường hàng không, chuyển phát nhanh được tội phạm cất giấu, ngụy trang bên trong các gói thực phẩm, các lọ mỹ phẩm, lõi mực in, hộp trà bằng thiếc, trong các gói thức ăn cho mèo, giấu giữa vách ngăn thùng carton, trong ruột các viên kẹo trái cây, dụng cụ làm tóc… của các lô hàng quà biếu xuất nhập khẩu để đối phó với máy soi và chó nghiệp vụ của Hải quan.
Thạch Lam
Nhân viên ngân hàng lừa đảo hàng loạt người, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng
Liên tiếp nhiều cán bộ ngân hàng bị phát giác có hành vi lừa đảo như: nói dối rằng cần tiền để đáo hạn ngân hàng, nâng “khống” số tiền vay của khách hàng… từ đó chiếm đoạt từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng.
Ngày 17/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Huỳnh Tấn Anh Điệp (SN 1992, trú thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Các quyết định trên đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn.
Theo Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam, trong thời gian ngắn, đơn vị này tiếp nhận nhiều đơn thư tố giác ông Điệp có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc vay mượn tiền để đáo hạn ngân hàng.
Theo kết quả điều tra, ông Điệp là nhân viên phòng khách hàng doanh nghiệp của một ngân hàng có chi nhánh ở tỉnh Quảng Nam.
Trong năm 2021, lợi dụng mối quan hệ quen biết, ông Điệp vay mượn tiền của nhiều người với mục đích làm thủ tục đáo hạn ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Điệp đã chiếm đoạt để tiêu xài cá nhân và sau đó không có khả năng trả nợ. Tổng số tiền ông Điệp đã chiếm đoạt của các nạn nhân là gần 2,3 tỷ đồng.
Trước đó tại Quảng Bình xảy ra vụ một cán bộ ngân hàng lừa đảo hàng chục tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 11/3, TAND tỉnh Quảng Bình xét xử ông Dương Minh Phú – nguyên cán bộ ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Quảng Bình về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo cáo trạng, do cần tiền trả nợ và đầu tư chứng khoán, ông Phú – cán bộ Phòng giao dịch BIDV huyện Bố Trạch nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền thông qua việc nâng khống số tiền vay của khách hàng.
Trong quá trình làm hồ sơ vay, ông Phú nhận thấy nhu cầu vay của khách hàng thấp hơn rất nhiều so với tài sản thế chấp. Lợi dụng lòng tin của khách hàng, ông Phú đề nghị họ ký vào các hợp đồng vay vốn do mình lập, ký khống ủy nhiệm chi, giấy rút tiền mặt chưa lập nội dung, tự ý nâng hạn mức tiền vay cao hơn nhu cầu của khách hàng.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ, ông Phú tự mình tới bộ phận giao dịch khách hàng yêu cầu giải ngân với lý do khách hàng bận việc, do dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) nên không đến nhận tiền được.
Tin tưởng ông Phú, cán bộ tại Phòng giao dịch Bố Trạch cho ông Phú nhận tiền. Nhận được tiền, ông Phú chuyển cho khách hàng số tiền đúng với yêu cầu họ cần vay; số tiền khống còn lại, ông Phú dùng tiêu xài cá nhân, đầu tư chứng khoán.
Bằng thủ đoạn này, trong vòng một năm, từ tháng 6/2019 đến tháng 5/2020, ông Phú đã lập hồ sơ vay vốn, nâng khống hạn mức vay của 21 khách hàng, chiếm đoạt 27,5 tỷ đồng.
Khoảng tháng 4/2020 đến tháng 7/2020, ông Phú còn vay tiền 5 người ở huyện Bố Trạch và 1 người ở TP. HCM. Ông Phú nói dối rằng vay số tiền này để đáo hạn cho khách hàng, tổng số tiền vay mượn trên 28 tỷ đồng.
HĐXX xác định phía bị hại là Ngân hàng BIDV Việt Nam đã bị ông Phú lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên đến 30,6 tỷ đồng. Đối với 6 người cho ông Phú vay 28 tỷ đồng để đáo hạn, đây là giao dịch dân sự giữa ông Phú và các cá nhân này, không liên quan đến hoạt động của Ngân hàng BIDV Việt Nam nên ngân hàng không chịu trách nhiệm bồi hoàn.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt ông Phú 19 năm tù, đồng thời có trách nhiệm trả cho Ngân hàng BIDV Việt Nam số tiền 30,6 tỷ đồng. Đối với số tiền hơn 28 tỷ đồng ông Phú vay với của 6 người, những người này có quyền kiện ông Phú ra tòa trong một vụ án dân sự khác.
Khánh Vy