Tin VN tối thứ Hai: Thu hồi trên cả nước lô thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Thu hồi trên cả nước lô thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Lô thuốc Viên nén bao tan trong ruột Rabesta 20 bị thu hồi vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan. (Ảnh: suckhoe.vn)

Lô thuốc Viên nén bao tan trong ruột Rabesta 20 bị thu hồi vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.

Ngày 26/12, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có văn bản số 13598 thông báo thu hồi thuốc vi phạm mức độ 2.

Theo văn bản, Cục Quản lý Dược đã ban hành công văn số 7107 ngày 26/7/2022 về việc xử lý lô thuốc viên nén bao tan trong ruột Rabesta 20 (Rabeprazol natri 20mg), Số GĐKLH: VN-18521-14, Số lô: V-159, NSX: 14/02/2022, HSD 13/02/2024 (Stallion Laboratories Pvt. Ltd sản xuất, Công ty cổ phần dược – thiết bị y tế Đà Nẵng nhập khẩu), do mẫu thuốc kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.

Cục Quản lý Dược đã ra thông báo thu hồi thuốc viên nén bao tan trong ruột Rabesta 20 tại TP. Hà Nội; đồng thời yêu cầu Công ty cổ phần dược – thiết bị y tế Đà nẵng phối hợp với cơ quan kiểm tra chất lượng, cơ quan kiểm nghiệm thuốc Nhà nước tiến hành lấy 2 mẫu bổ sung để kiểm nghiệm.

Ngày 12/12/2022, Cục Quản lý Dược nhận được kết quả của Viện kiểm nghiệm thuốc TP.HCM cho thấy lô thuốc viên nén bao tan trong ruột Rabesta 20 không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan, độ hòa tan trung bình dưới 50% so với tiêu chuẩn chất lượng.

Như vậy, lô thuốc viên nén bao tan trong ruột Rabesta 20 nêu trên được xác định là vi phạm mức độ 2. Do đó, Cục Quản lý Dược thông báo thu hồi trên cả nước lô thuốc trên.

Công ty Cổ phần Dược – thiết bị y tế Đà Nẵng phối hợp với nhà phân phối thuốc trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày ký công văn này phải gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng viên nén bao tan trong ruột Rabesta 20 và tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn.

Công ty cũng được yêu cầu gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trong vòng 18 ngày kể từ ngày ký công văn này, hồ sơ thu hồi bao gồm số lượng sản xuất, số lượng phân phối, ngày sản xuất, số lượng thu hồi, các bằng chứng về việc thực hiện thu hồi tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng đã mua thuốc theo quy định tại Thông tư số 11/2018/TT-BYT ngày 4/5/2018 của Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc…

Thuốc Rabesta 20 được chỉ định sử dụng cho người trưởng thành với tác dụng điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây viêm loét.

Minh Long

1,4 tấn bì lợn hôi thối bị thu giữ trên đường vận chuyển vào Thanh Hóa

Số bì lợn đã biến màu, bốc mùi hôi, được dự tính bán tại Thanh Hóa để chế biến thành đồ ăn. (Ảnh: thanhhoa.dms.gov.vn)

1,4 tấn bì lợn đông lạnh, đang rã đông có dấu hiệu bị phân hủy, bốc mùi hôi thối vừa được phát hiện trên xe tải vận chuyển từ Hưng Yên vào Thanh Hóa để tiêu thụ.

Vào lúc 3h sáng ngày 25/12, Vũ Trọng Hiếu (cư trú tại xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) điều khiển xe tải BKS 89C-15165 đi đến địa phận xã Triệu Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) thì bị lực lượng tuần tra Trạm cảnh sát giao thông Quảng Xương – Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa yêu cầu dừng xe để kiểm tra.

Thùng xe bị phát hiện đang chứa khối lượng lớn thực phẩm là da lợn đông lạnh, đang rã đông, dã dấu hiệu bị phân hủy, biến đổi mùi và màu sắc. Số hàng hóa này cùng phương tiện bị lực lượng chức năng bàn giao cho Đội Quản lý thị trường số 9 cơ động – Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa.

Tiếp nhận tang vật, Đội Quản lý thị trường số 9 cơ động xác định lô hàng hóa trên có khối lượng 1,4 tấn, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Bước đầu, tài xế Hiếu khai đã thu gom số hàng hóa trên tại nhiều cơ sở nhỏ lẻ ở tỉnh Hưng Yên, đang vận chuyển vào Thanh Hóa bán kiếm lời thì bị bắt giữ.

Hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý vụ việc.

Trước đó, vào lúc 13h ngày 16/12, tại TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, trên Quốc lộ 18 thuộc địa phận phường Hải Yên, Đội Quản lý thị trường số 4 – Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra ô tô BKS 15B-024.24 do tài xế Nguyễn Văn Hường (ngụ Phố Bắc Sơn, thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) điều khiển, phát hiện trên xe chở 133kg nội tạng lợn đã chảy nước, bốc mùi hôi thối.

Tài xế Hưởng khai đã mua số hàng trên của người không quen biết để đem về sơ chế, bán cho các quán cơm, hàng ăn kiếm lời.

Đội Quản lý thị trường số 4 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tài xế Hưởng số tiền 4 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên theo quy định.

Thạch Lam

Giả mạo ngân hàng cho vay lãi thấp, 3 thanh niên điều hành đường dây lừa đảo hàng tỷ đồng

Các bị can tại cơ quan công an. (Ảnh: congan.hatinh.gov.vn).

Cần tiền tiêu xài, 3 thanh niên trẻ ở Hà Nội nảy ý đồ lừa đảo cho vay qua mạng rồi rủ hàng chục người cùng tham gia đường dây. Trong gần nửa năm, từ tháng 6 đến khi bị bắt, nhóm này đã lừa đảo hàng trăm nạn nhân trên cả nước số tiền hàng tỷ đồng.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết vừa thi hành quyết định khởi tố bị can đối với 10 người để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

Trước đó, vào đầu tháng 12, một số người ở Hà Tĩnh trình báo cơ quan công an việc bị một nhóm giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo khi vay tiền qua mạng Internet.

Trong quá trình điều tra, cơ quan công an xác định Nguyễn Khắc Mạnh (SN 2000, trú tại huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội), Nguyễn Đình Dương (SN 1999) và Bùi Văn Tiến (SN 1997, cùng trú huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) là những bị can điều hành đường dây này. Ba người này cấu kết với nhiều người khác ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Thái Nguyên để thực hiện lừa đảo từ khoảng tháng 6/2022 đến nay.

Ngày 16/12, 12 người liên quan đến đường dây này bị Công an Hà Tĩnh bắt giữ và triệu tập tại nhiều địa điểm khác nhau ở Hà Nội. Qua khám xét nơi ở của những người này, công an thu giữ 5 bộ máy tính để bàn, 20 điện thoại di động và phong tỏa 22 tài khoản ngân hàng có liên quan.

Tại cơ quan công an, các bị can Mạnh, Dương, Tiến khai nhận do thường xuyên tiêu xài, hưởng thụ nhưng không có việc làm ổn định nên nảy sinh ý định giả danh nhân viên ngân hàng, lừa cho vay tiền trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo và lôi kéo nhiều người khác cùng tham gia.

Để thực hiện âm mưu, nhóm này sử dụng tài khoản Facebook ảo đăng bài, đăng bình luận quảng cáo, kêu gọi cho vay tiền với lãi suất thấp, không cần thế chấp tài sản, thủ tục nhanh gọn và để lại thông tin số điện thoại rác để khách hàng liên hệ qua Zalo.

Khi khách hàng có nhu cầu vay tiền liên hệ, những người này sẽ sử dụng điện thoại có chức năng chuyển đổi giọng nói, giả danh nhân viên ngân hàng tư vấn các gói vay, thời hạn, lãi suất, hình thức vay và đưa ra các thông tin gian dối nhằm lấy lòng tin của người vay.

Đồng thời, nhóm này yêu cầu người vay phải đóng các khoản phí thẩm định hồ sơ, phí bảo hiểm vay vào tài khoản ngân hàng không chính chủ với mức phí từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.

Khi khách hàng đã chuyển các khoản phí, các bị can chặn thông tin liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Với thủ đoạn như trên, nhóm này đã lôi kéo hàng chục người cùng tham gia vào đường dây lừa đảo, lấy tiền của hàng trăm nạn nhân ở các tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Tĩnh.

Công an xác định tổng số tiền nhóm này chiếm đoạt của các nạn nhân lên đến hàng tỷ đồng.

Hiện, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Khánh Vy

Related posts