3 trụ sắt ‘kỳ lạ’ ở Nha Trang: Chủ đầu tư và đơn vị thiết kế từ chối là tác giả
Liên quan đến việc công trình 3 cây trụ sắt ‘kỳ lạ’ nằm ở đường Võ Nguyên Giáp (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) mới đây khiến nhiều người dân khó hiểu và thấy xa lạ. Mới đây, Chủ đầu tư và đơn vị thiết kế không nhận mình là cha đẻ của ý tưởng trụ sắt này.
Báo Lao Động đưa tin, câu chuyện các trụ sắt đặt trên đường phố Nha Trang với ý nghĩa của sự đoàn kết đến nay vẫn còn băn khoăn trong dư luận. Nhiều người dân chưa đồng thuận giải thích của chủ đầu tư theo nghĩa của đoàn kết, ngôi sao chiến thắng… Đó là chưa kể phác thảo mô hình biểu tượng này không có tính khả thi.
Ông Nguyễn Quốc Khánh – người dân huyện Diên Khánh, khẳng định tuyến đường Võ Nguyên Giáp nối huyện Diên Khánh về TP. Nha Trang hiện đang được xây mới với 8 làn xe.
Đây cũng được xem là tuyến đường với lưu lượng xe đông đúc, hai bên đường rất ít người. Thế nhưng trong phối cảnh các trụ sắt này có người dân vào như công viên là không hợp lý. Chưa kể có thể tiềm ẩn rủi ro về tai nạn đối với người dân băng qua đường.
Trong khi đó, nhiều người đặt câu hỏi tại sao không lấy ý kiến cộng đồng về tính biểu tượng của TP Nha Trang và huyện Diên Khánh trước khi xây mấy trụ sắt này lên.
Bà Nguyễn Thị Trà – người dân TP. Nha Trang bày tỏ: Ngay từ đầu, thay vì căn cứ vào ý kiến chủ quan của chủ đầu tư và đơn vị thiết kế, họ có thể hỏi tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư về các biểu tượng có giá trị văn hóa, lịch sử bản địa. Tôi cho rằng họ không làm vậy, thế nên khi mấy trụ sắt dựng lên, dân thấy xa lạ”
Theo giải thích của ông Quách Thanh Sơn – Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Khánh Hòa, ý tưởng thiết kế các trụ sắt này thuộc về Công ty Cổ phần Tư vấn T27 và một kiến trúc sư trong TP.HCM. Sau đó, hồ sơ phê duyệt có các ý tưởng này và được tỉnh Khánh Hòa thông qua trước đó.
Tuy nhiên cũng chính đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn T27 phủ nhận việc lên ý tưởng thiết kế các trụ sắt này.
Đại diện Công ty này chỉ thừa nhận có tham gia thiết kế đối với dự án giải phân cách trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp, tuy nhiên riêng các trụ sắt này, công ty không tham gia vào.
3 trụ sắt nói trên nằm trong kế hoạt tổng thể nhằm chỉnh trang đô thị trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp. Dự án trồng cây xanh ở dải phân cách tại đường Võ Nguyên Giáp để phủ xanh tuyến đường.
Dự án có tổng vốn đầu tư gần 85 tỉ đồng do BQLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư.
Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2023, nhưng tỉnh đề nghị cố gắng cơ bản hoàn thành trước Tết Nguyên Đán.
Thái Học
Điều tra việc công ty lâm nghiệp để mất hơn 1.700ha rừng
Ngày 19/11, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã có kết luận Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa (trụ sở huyện Kông Chro) thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, để mất hơn 1.731 ha rừng tự nhiên và hơn 321 ha đất trồng rừng. Giá trị thiệt hại do mất rừng tự nhiên là hơn 10,7 tỉ đồng.
Theo Dân Việt, trong kết luận trên, Thanh tra tỉnh Gia Lai còn phát hiện 4 cán bộ công ty này đang chiếm sử dụng 20,4ha đất rừng trồng.
Do sự việc nghiêm trọng, lãnh đạo liên ngành, gồm: Ban Nội chính Tỉnh ủy, VKSND tỉnh, UBKT Tỉnh ủy, Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Công an tỉnh và Thanh tra tỉnh Gia Lai thống nhất đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chuyển hồ sơ vụ việc sai phạm này sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Văn Đồ
Bình Dương: Chiếm đoạt tiền xử lý vi phạm, cựu Trung úy công an bị bắt
Cựu Trung úy Châu Thanh Đại được xác định lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản khi xử lý vi phạm giao thông.
Ngày 19/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam cựu Trung úy Châu Thanh Đại.
Quyết định trên đã được VKSND tỉnh Bình Dương phê chuẩn.
Ông Đại bị bắt để điều tra về hành vi “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, Trung úy Châu Thanh Đại đã bị công an tỉnh Bình Dương ra quyết định kỷ luật, tước danh hiệu công an nhân dân.
Theo điều tra, khoảng tháng 4/2022, khi đang công tác tại công an phường Tân An, TP. Thủ Dầu Một, ông Đại chỉ huy một tổ công tác gần 20 người gồm nhiều dân phòng, bảo vệ dân phố lập chốt tạm, bắt xe trên đường Nguyễn Chí Thanh đoạn chạy qua phường.
Nhóm dân phòng, bảo vệ dân phố này điều khiển xe đặc chủng và một số xe máy cá nhân truy đuổi người vi phạm đưa về chốt để lập biên bản xử lý.
Sau đó, ông Đại hẹn những người vi phạm lên trụ sở công an phường làm việc, rồi yêu cầu họ đưa tiền để ông Đại ra kho bạc đóng giúp, nhưng không có biên nhận, hóa đơn.
Sau khi có thông tin do người dân tố giác, công an TP. Thủ Dầu Một đã tiến hành kiểm tra, làm rõ vụ việc. Ông Đại sau đó bị tạm đình chỉ công tác.
Đối với các dân phòng, bảo vệ dân phố, UBND phường Tân An đã ra quyết định tạm ngưng công tác trong thời gian chờ kết quả xác minh từ công an.
Minh Long
Lừa bạn góp vốn thầu vé máy bay, một phụ nữ chiếm đoạt hơn 3,3 tỷ đồng
Với thủ đoạn rủ bạn góp vốn để thầu vé máy bay, một phụ nữ ở Đà Nẵng đã chiếm đoạt hơn 3,3 tỷ đồng. Hai người không ký hợp đồng làm ăn mà chỉ thỏa thuận bằng miệng.
Ngày 18/11, TAND TP. Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 1992, trú tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo cáo trạng, bà Trang từng là nhân viên của Tập đoàn S và có thời gian bán vé máy bay qua mạng. Bà Trang có quen biết với bà T.T.B.D. (SN 1991, trú tại phường Cẩm An, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam). Bà Trang nói dối bà D. rằng mình đã ký hợp đồng nhận thầu mua vé máy bay cho cán bộ nhân viên của tập đoàn này, và cần tiền để mua vé trước giao cho khách, đến cuối mỗi tháng sẽ được tập đoàn này thanh toán lại. Bà Trang rủ bà D. cùng góp vốn để làm ăn và chia lợi nhuận.
Cuối năm 2017, bà Trang và bà D. thỏa thuận góp vốn thầu vé máy bay khách lẻ và khách đoàn cho tập đoàn này. Hai bên không ký kết hợp đồng mà chỉ thỏa thuận miệng, không có thỏa thuận về việc trả lãi; tiền lãi do bà Trang tự tính toán, cân đối rồi chia nhau.
Nội dung thỏa thuận góp vốn như sau: vào đầu tháng, bà Trang sẽ báo cho bà D. tổng số tiền vé máy bay mà khách đặt mua trong tháng, bà Trang và bà D. sẽ góp tiền vào để mua vé và không có tỷ lệ góp vốn bắt buộc. Đến cuối tháng, bà Trang và bà D. sẽ chia đều tiền lãi thu được và chia phần trăm hoa hồng cho “bà Vân – Phó phòng Hành chính tập đoàn Sun Group tại Đà Nẵng”.
Việc giao nhận tiền hầu hết là chuyển qua tài khoản ngân hàng, bà Trang sử dụng tài khoản ngân hàng BIDV đứng tên Nguyễn Thị Thùy Trang, bà D. sử dụng tài khoản ngân hàng Sacombank đứng tên T.T.B.D.. Ngoài ra, các lần giao dịch tiền mặt không có chứng từ nhưng đã được hai bên xác nhận.
Bà D. đã nhiều lần đưa tiền cho bà Trang theo thỏa thuận. Theo biên bản đối chiếu và xác nhận giữa bà Trang và bà D., từ tháng 12/2017 đến 22/6/2020, tổng số tiền bà D. chuyển cho bà Trang là hơn 29 tỷ đồng.
Bà Trang đã sử dụng hơn 382 triệu đồng trong tổng số tiền nhận được từ bà D. để đặt mua vé máy bay. Với số tiền còn lại, bà Trang kê “khống” số lượng khách đặt vé bay để chiếm đoạt số tiền chênh lệch.
Để tạo lòng tin, bà Trang dùng tiền bà D. đưa, trả lại một phần cho bà D. và nói rằng đó là phần lợi nhuận mà bà D. được hưởng. Trong hơn 29 tỷ nói trên, bà Trang chuyển cho bà D. hơn 25,7 tỷ đồng, chiếm đoạt hơn 3,3 tỷ đồng.
Khi bà D. muốn lấy lại phần vốn đã góp, bà Trang đưa ra nhiều lý do để trì hoãn. Sau đó, bà D. đã tố cáo hành vi của Trang với cơ quan công an. Công an kiểm tra sao kê tài khoản ngân hàng BIDV đứng tên Nguyễn Thị Thùy Trang xác định từ ngày 1/12/2017 đến ngày 20/6/2020, bà Trang đã chuyển khoản hơn 382 triệu đồng để mua vé máy bay.
Qua quá trình điều tra, cơ quan công an xác định bà Trang với nhiệm vụ là Nhân viên Quản trị hệ thống dữ liệu trình duyệt hồ sơ Tập đoàn S, bà Trang không được giao nhiệm vụ đăng ký, đặt vé máy bay cho tập đoàn. Tập đoàn này cũng không có nhân viên nào tên Vân – phó phòng hành chính.
Tại thời điểm bị khởi tố, bà Trang đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên nên được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Tại tòa, bị cáo Trang khai với số tiền chiếm đoạt được của bà D., bà Trang tiêu xài cá nhân và trả nợ hết. Bị hại là bà D. yêu cầu bà Trang hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt theo quy định của pháp luật.
Sau khi nghị án, HĐXX TAND TP. Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Trang mức án 14 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc bị cáo hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của bị hại.
Khánh Vy
Dự án ga đường sắt Đà Nẵng được hủy bỏ sau gần 20 năm quy hoạch ‘treo’
Dự án ga đường sắt Đà Nẵng “treo” gần 20 năm khiến người dân phải sống trong cảnh nhếch nhác; môi trường ô nhiễm bởi mùi hôi thối từ nước hầm cầu và nước thải; phải chịu mưa ngập quá đầu người trong trận mưa lớn hồi tháng 10 vừa qua…
Báo chí nhà nước ngày 19/11 cho biết ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, vừa ký quyết định bãi bỏ các quyết định trước đó của Chủ tịch UBND TP về sơ đồ ranh giới, quy hoạch nhà ga đường sắt Đà Nẵng tại các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam và Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu).
Các quyết định bị bãi bỏ bao gồm:
Quy hoạch dự án ga Đà Nẵng có kế hoạch từ năm 2004, được công bố chính thức từ năm 2005, gồm 2 giai đoạn:
Thế nhưng, gần 20 năm, dự án di dời ga Đà Nẵng không triển khai, do thành phố thiếu nguồn vốn lên đến 12.000 tỷ đồng, khiến người dân các phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam quận Liên Chiểu sống trong quy hoạch treo, nhà cửa xuống cấp không thể sửa chữa, nâng cấp, xây mới để phòng mưa bão, dẫn đến thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lớn do ảnh hưởng bão số 5, đêm 14/10 vừa qua.
Ngoài ra, người dân bức xúc khi họ phải sống trong môi trường bị ô nhiễm bởi mùi hôi thối của nước hầm cầu và nước thải…
“Nếu tính từ khi có quy hoạch dự án ga tới nay thì ngang với một đứa trẻ sinh ra và trưởng thành; cũng có những người mất đi rồi, nhưng dự án vẫn còn… treo, chưa biết đến khi nào”, báo Tuổi Trẻ dẫn lời một người dân nói.
Được biết, theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng phê duyệt, ga đường sắt mới được di chuyển lên khu vực Bà Nà – Suối Mơ (huyện Hòa Vang).
Đối với vị trí đã quy hoạch ga đường sắt tại quận Liên Chiểu, khu vực này sẽ trở thành trung tâm thương mại dịch vụ lớn (trung tâm kinh doanh) của quận Liên Chiểu; gắn liền tuyến giao thông huyết mạch nối dài đường Vành đai phía Tây 2.
Kim Long
Ông Phạm Nhật Vượng góp 90% vốn cho Công ty VMI bằng 243,5 triệu cổ phần Vingroup
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC) – Phạm Nhật Vượng công bố việc chuyển 243,5 triệu cổ phần của Vingroup làm 90% vốn đầu tư cho Công ty CP Quản lý và Đầu tư bất động sản VMI vừa mới thành lập hồi tháng 10/2022.
Theo đó, ông Phạm Nhật Vượng thông báo với Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) về việc Công ty VMI nhận chuyển nhượng quyền sở hữu gần 243,5 triệu cổ phiếu VIC. Do đó, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của ông Vượng tại Vingroup sẽ giảm xuống còn 19,18% (tương đương giảm 6,29%). Tuy vậy, VMI ngược lại trở thành cổ đông lớn của Vingroup (tỷ lệ nắm giữ trên 5% vốn điều lệ).
Bản chất của giao dịch trên là ông Vượng chuyển vốn cổ phần từ Tập đoàn Vingroup của mình sang Công ty VMI (cũng do ông Phạm Nhật Vượng là cổ đông chính cùng với các cổ đông khác trong đó có Vinhomes).
Phiên giao dịch sáng ngày 19/11, giá cổ phiếu VIC đang ở mức 64.000 – 65.000 đồng/cổ phiếu. Nếu quy ra giá thị trường hiện tại, số cổ phiếu trên có giá trị ước tính khoảng 15.800 tỷ đồng.
Sau khi chuyển vốn tổng số cổ phần như trên, ông Vượng và nhóm nhà đầu tư liên quan vẫn giữ nguyên với tỷ lệ khoảng 63% sở hữu tại Vingroup. Cụ thể, Tập đoàn Đầu tư Việt Nam là cổ đông lớn nhất với 33% cổ phần, cá nhân ông Vượng giữ 19,18%, VMI nắm 6,29% và bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) nắm 4,5%.
Công ty cổ phần Quản lý và đầu tư bất động sản VMI do ông Phạm Nhật Vượng là cổ đông chính cùng với các cổ đông khác (trong đó có Vinhomes) thành lập vào đầu tháng 10 vừa qua.
Phía VMI cho biết sẽ đầu tư một số lượng nhất định các bất động sản sẵn có hoặc hình thành trong tương lai của Vinhomes, sau đó giá trị bất động sản được chia thành 50 phần và các khách hàng của VMI có thể tham gia đầu tư từng phần thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh, Tuổi Trẻ đưa tin.
Theo đó, các nhà đầu tư hợp tác với VMI sẽ được công ty chứng nhận quyền tài sản, được phân chia lợi nhuận phát sinh từ quyền tài sản này tương ứng với tỷ lệ đầu tư.
Tính đến đầu tháng 10, Thống kê trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết VinFast (công ty con trực thuộc Tập đoàn Vingroup) đã huy động thành công 8.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Cụ thể, báo cáo cho biết nhà sản xuất xe điện của Vingroup đã phát hành thành công 3.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu/trái phiếu, kỳ hạn 36 tháng, qua đó huy động được 300 tỷ đồng.
Lô trái phiếu này có ngày phát hành vào 26/9 và sẽ đáo hạn vào ngày 26/9/2025. Phương thức thanh toán lãi vào định kỳ hoặc cuối kỳ.
Theo thông tin công bố, toàn bộ lô trái phiếu được phát hành tại thị trường trong nước. Tuy nhiên thông tin về trái chủ, lãi suất và tài sản đảm bảo của lô trái phiếu không được tiết lộ.
Tập đoàn Vingroup đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi, bao gồm doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản ghi nhận vào thu nhập tài chính trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 88.191 tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận trước thuế Vingroup trong 9 tháng/2022 đạt 8.739 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.571 tỷ đồng.
Trọng Minh