Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Argentina, hôm 30/11/2018. (Ảnh: Alejandro Pagni/AFP/Getty Images)
Cuộc đối đầu giữa Thủ tướng Canada Trudeau và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia) đã khiến mối quan hệ Trung Quốc – Canada trở thành tâm điểm toàn cầu. Trước một loạt những động thái gần đây giữa hai nước, một số chuyên gia tin rằng, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Canada có thể sẽ trải qua một sự thay đổi lớn.
Xem nhanh
Đầu tháng này, tờ Global News của Canada đưa tin rằng, các cơ quan chức năng đã đệ trình một báo cáo lên Thủ tướng Trudeau vào tháng 1/2022 do nghi ngờ Trung Quốc có thể can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2019.
Theo đó, cơ quan Tình báo An ninh Canada (Canadian Security Intelligence Service – CSIS) đã cáo buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) can thiệp vào cuộc bầu cử, trong khi Thủ tướng Trudeau cáo buộc Trung Quốc tham gia vào một “trò chơi gây hấn” (agressive game) đối với nền dân chủ nước này.
Tuần trước tờ Reuters tiết lộ rằng, tại hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Trudeau đã thảo luận riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về những quan ngại của ông trước sự can thiệp của Trung Quốc vào nội các Canada, bao gồm cả việc Bắc Kinh tài trợ cho 11 ứng cử viên liên Canada tham gia tranh cử năm 2019.
Ngày hôm sau, một phóng viên của cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV đã quay đoạn video ông Tập Cận Bình chỉ trích ông Trudeau vì đã tiết lộ nội dung cuộc trò chuyện của họ cho giới truyền thông, làm dấy lên những cuộc tranh luận trên toàn thế giới.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói riêng với Thủ tướng Canada Trudeau rằng: “Những gì chúng ta trao đổi đều được đưa lên báo. Như vậy là không phù hợp”.
Hôm 7/11, tờ Global News tiết lộ rằng, Bắc Kinh đã tài trợ cho ít nhất 11 ứng cử viên trong cuộc bầu cử liên bang Canada năm 2019. Nhưng ông Trudeau nói với giới truyền thông trên Đồi Capitol vào ngày 20/11 rằng, ông chưa bao giờ nhận được thông tin về việc có ứng cử viên trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019 nhận được tài trợ từ Bắc Kinh. Ông cũng nhấn mạnh rằng, cuộc bầu cử năm 2019 không bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp của nước ngoài.
Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019, Đảng Tự do do Thủ tướng Trudeau lãnh đạo đã mất 20 ghế, dù vẫn giữ được vị trí cầm quyền nhưng chỉ có thể thành lập chính phủ phe thiểu số.
‘Canada mong muốn tách rời khỏi Trung Quốc’
Trong 5 năm qua, cả Canada và Trung Quốc liên tục xảy ra xung đột về các vấn đề như Huawei, Hong Kong, Tân Cương, nguyên liệu thô, vụ việc bà Mạnh Vãn Chu và vụ việc “con tin” của hai người Canada. Tất cả những vấn đề này đã khiến quan hệ Canada – Trung Quốc xấu đi nhanh chóng.
Đầu năm nay, Thủ tướng Trudeau tuyên bố cấm hoàn toàn Tập đoàn công nghệ Huawei tham gia hệ thống mạng không dây 5G vì lo ngại về vấn đề an ninh, điều này đã khiến quan hệ Trung Quốc – Canada rơi vào trạng thái đóng băng.
Gần đây, chính phủ liên bang Canada đã tiếp tục chống lại sự xâm nhập của ĐCSTQ vào đất nước trong nhiều năm qua.
Ngoài cáo buộc về khả năng Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử ở Canada, vào giữa tháng 11, Cảnh sát Hoàng Gia Anh đã bắt giữ một cựu nhân viên người Trung Quốc của Hydro-Quebec với tội danh gián điệp. Hydro-Quebec là tiện ích công cộng của Quebec quản lý việc sản xuất, truyền tải và phân phối điện trong tỉnh của Canada, cũng như xuất khẩu điện đến các khu vực phía đông bắc Hoa Kỳ.
Đồng thời, Canada cũng đang điều tra ba đồn cảnh sát Trung Quốc được thiết lập bất hợp pháp ở Khu vực Greater Toronto và bị tình nghi tham gia vào hoạt động đàn áp ở hải ngoại mang tên “Chiến dịch Săn Cáo”.
Phát biểu tại một sự kiện ở Washington hôm 21/10, Bộ trưởng Khoa học và Công nghiệp Canada Shang Pengfei tuyên bố, Canada mong muốn tách rời khỏi Trung Quốc và các quốc gia khác “không có chung hệ giá trị”.
Mặc dù Canada vắng mặt trong Đối thoại An ninh Bốn bên (QUAD) do Hoa Kỳ dẫn đầu ở Thái Bình Dương và Thỏa thuận An ninh Ba bên Hoa Kỳ – Anh – Australia (AUKUS), Canada đã thành lập Ủy ban Cố vấn Ấn Độ Độ Dương – Thái Bình Dương vào tháng 6 năm nay và tuyên bố vào tháng 10 rằng, họ sẽ tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) do Hoa Kỳ lãnh đạo, cũng như chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới được công bố vào tháng 12.
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax ở Canada hôm 18/11, Bộ trưởng Quốc phòng Anita Anand cho biết, Canada sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới.
Chiến lược này được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cấp Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD). Mục tiêu của NORAD là theo dõi các mối đe dọa tên lửa từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.
Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly ngày 9/11 tuyên bố rằng, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới sẽ thách thức ĐCSTQ về các vấn đề nhân quyền. Đồng thời, bà nhấn mạnh rằng, Canada phản đối các hành động đơn phương đe dọa hiện trạng ở Eo biển Đài Loan và sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế với Đài Loan.
Chuyên gia: Canada sẽ cứng rắn với ĐCSTQ trong tương lai
Chịu ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Canada Pierre Elliott Trudeau, sau khi nhậm chức, Thủ tướng Justin Trudeau đã tập trung cải thiện mối quan hệ Canada – Trung Quốc và cố gắng đạt được hiệp định thương mại tự do, nhưng ông đã từ bỏ mục tiêu này vào tháng 9/2020.
Cựu nhân viên ngoại giao Colin Robertson, Phó Chủ tịch Viện Quốc phòng và Ngoại giao Canada, tin rằng, kể từ thời điểm đó, Canada nên xem xét lại chính sách Trung Quốc và chiến lược Trung Quốc.
Tại Quốc hội Canada, đảng đối lập cũng đang chỉ trích chính phủ Đảng Tự do không có đủ biện pháp để đối phó trước hành động ngày càng khiêu khích và phá hoại trật tự quốc tế của ĐCSTQ.
Thượng nghị sĩ đảng Bảo thủ Leo Housakos đã giới thiệu Dự luật S-237 tại Thượng viện Canada nhằm đối phó với ảnh hưởng của nước ngoài và duy trì lập trường cứng rắn hơn để chống lại “chế độ độc tài” của Trung Quốc.
Ông Wang Huiling, một Trợ lý giáo sư tại Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Nevada, Las Vegas, phân tích rằng, người dân Canada khá chán ghét ĐCSTQ sau vụ bắt giữ hai công dân Canada là ông Michael Kovrig và Michael Spavor. Giờ đây, cả hai công dân này đã được trả tự do, do đó ông Trudeau không còn phải kiềm chế bản thân nữa.
“Thủ tướng Trudeau sẽ phải lên tiếng nhiều hơn nữa, bằng không sẽ đối mặt với hậu quả bầu cử. Chúng ta sẽ thấy ông Trudeau dẫn dắt chính sách Trung Quốc của Canada theo một hướng khác”.
Anastasia Lin, Đại sứ Chính sách Trung Quốc của Viện Macdonald-Laurier (MLI) và cựu Hoa hậu Thế giới Canada, tin rằng, Canada nên nhận ra thực tế và học hỏi từ các đồng minh của mình về những chiến lược hiệu quả hoặc không hiệu quả để đối phó với các chiến lược của ĐCSTQ. Đồng thời, chính phủ Thủ tướng Trudeau cần phải đưa ra chính sách mạnh mẽ riêng.
“Đối với với những kẻ bắt nạt, nếu quý vị không tự đứng lên để tự vệ thì quý vị sẽ bị đẩy đến bờ vực và ĐCSTQ sẽ tìm mọi cách để gây tổn hại đến lợi ích của Canada”, cô khẳng định.
Lam Giang
Theo Visiontimes