Trong bài phát biểu trước Quốc hội ngày 23/11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhắc lại cam kết của Chính phủ Đức trong việc chấm dứt “sự phụ thuộc đơn phương” của Đức vào Nga và Trung Quốc về năng lượng và thương mại.
Các vấn đề về chuỗi cung ứng do dịch bệnh và cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến tranh Nga-Ukraine gây ra, đã khiến Đức phải suy xét lại toàn diện về chính sách thương mại của nước này.
Hôm thứ Tư (23/11), Thủ tướng Olaf Scholz phát biểu tại phiên tranh luận chung của Quốc hội Liên bang Đức: “Cái giá phải trả nếu ngồi yên và không làm gì sẽ rất cao. Đó là lý do tại sao chúng ta phải chấm dứt sự phụ thuộc đơn phương vào năng lượng của Nga hoặc Trung Quốc và chính sách thương mại.”
Ông lưu ý rằng sự phụ thuộc quá mức này “là một sai lầm không bao giờ nên lặp lại.”
Sự phụ thuộc của Đức vào Nga và Trung Quốc là kết quả của hàng chục năm tích lũy. Thủ tướng Scholz từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính và Phó thủ tướng trong 4 năm trong nhiệm kỳ của cựu Thủ tướng Angela Merkel.
Cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến Đức rơi vào khủng hoảng năng lượng, chắc chắn là một đòn giáng nặng nề đối với ông Scholz và liên minh cầm quyền của ông. Họ phải nhanh chóng tìm các nhà cung cấp thay thế khí đốt, dầu mỏ và than đá của Nga mà Đức phụ thuộc quá nhiều.
Đồng thời, Thủ tướng Scholz và liên minh cầm quyền của ông cũng đang thúc đẩy quan hệ thương mại đa dạng bên ngoài Trung Quốc ở châu Á, nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế cao của họ vào Trung Quốc.
Ông Scholz cũng đề cập rằng chính sách của Chính phủ cho thuê các cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng nổi, và kéo dài tuổi thọ hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân, là để đảm bảo an ninh năng lượng của Đức trong mùa đông này.
Tại khu vực duyên hải Biển Bắc đầy gió của Đức, các kỹ sư vừa mới xây dựng xong một tòa nhà – trong thời gian kỷ lục – một trạm đầu mối khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu đầu tiên của quốc gia này.
Phần quan trọng nhất của trạm đầu mối này – là một “kho nổi và một đơn vị chuyển đổi sang khí đốt” (FSRU) – vẫn chưa được kết nối. FSRU, về căn bản là một con tàu chuyên dụng, nơi khí LNG được chuyển ngược lại khí đốt, được cho thuê với giá 200.000 euro một ngày.
“Đức có sức mạnh để vượt qua cuộc khủng hoảng này và vươn lên mạnh mẽ hơn”, ông nói với Quốc hội Liên bang.
Đức đang đặt mục tiêu phấn đấu giảm 20% lượng tiêu thụ khí đốt, nhằm tăng cường an ninh năng lượng.
Trước đó, hôm 14/10 Đức cho biết dự trữ khí đốt đã đạt 95%, nhanh hơn hai tuần so với mục tiêu đặt ra. Đức đã chi 1,5 tỷ euro để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các nhà cung cấp chính là Qatar và Mỹ.
Tuy nhiên, đảng đối lập đã chỉ trích gay gắt các hoạt động khác nhau của “Liên minh đèn giao thông”.
Ông Friedrich Merz, chủ tịch đảng đối lập lớn nhất, Liên minh Dân chủ Kitô giáo (CDU), đã chỉ trích gay gắt liên minh cầm quyền, vì không thực hiện việc tăng ngân sách quốc phòng như đã công bố, trên thực tế lại cắt giảm ngân sách này.
“Đây là một sự vi phạm nghiêm trọng các cam kết với Quốc hội và đặc biệt là với quân đội quốc phòng Đức,” ông nói.
Ông Christian Dürr, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (FDP), một trong những đảng đối lập, cũng chỉ trích liên minh cầm quyền vì nhiều năm thất bại trong chính sách thương mại. “Các bạn không làm gì và không nhận được gì trong thương mại tự do”, ông nói với Liên minh đèn giao thông.
Ông chỉ ra rằng “Sức mạnh kinh tế của Đức phải dựa trên chủ nghĩa đa nguyên, thương mại tự do và dân chủ.” Cần có nhiều trao đổi và thương mại hơn với các nền dân chủ trên thế giới.
Theo quan điểm của ông, mô hình mua năng lượng giá rẻ trước đây từ các nhà độc tài, ngày càng tìm kiếm nhiều thị trường bán hàng dưới các chế độ độc tài, đã mất đi nền tảng của nó.
Bình Minh