Tin VN trưa thứ Sáu: Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang lãnh 30 tháng tù treo

Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang lãnh 30 tháng tù treo

Ông Cao Minh Quang trong ngày đầu tiên của phiên xét xử, 21/11. (ảnh: Tuổi Trẻ).

Ông Cao Minh Quang bị đánh giá thiếu trách nhiệm gây thiệt hại 3,84 triệu USD cho Nhà nước, song sức khỏe yếu, có nhiều thành tích, tự nguyện khắc phục 1,5 tỷ đồng. Do đó, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Cao Minh Quang 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, sau 4 ngày xét xử và nghị án, sáng 24/11, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra phán quyết với cựu thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và các đồng phạm trong vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty dược phẩm Cửu Long và các đơn vị liên quan.

Theo đó, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Cao Minh Quang 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng tội danh trên, bốn bị cáo khác là cán bộ tại Vụ Kế hoạch – Tài chính và Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, lãnh từ 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 30 tháng tù.

Ba bị cáo còn lại là cựu cán bộ Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long, gồm ông Lương Văn Hóa (cựu tổng giám đốc) bị tuyên phạt 9 năm tù, Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu kế toán trưởng) lãnh 6 năm tù, Ngô Hữu Hiếu Nghĩa (cựu giám đốc chi nhánh TP.HCM) lãnh 5 năm tù cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hội đồng xét xử nhận định, các bị cáo là cựu cán bộ tại Bộ Y tế giữ nhiều chức vụ trong cơ quan Nhà nước, được giao trách nhiệm trong việc quản lý sử dụng tài sản công nhưng thiếu ý thức trong việc nghiệm thu thanh quyết toán hợp đồng, kiểm tra, rà soát đối chiếu đánh giá thực hiện hợp đồng dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước 3,84 triệu USD, (tương 62 tỉ đồng năm 2006).

Trong khi đó, hành vi của các bị cáo tại Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế trong thực hiện nhiệm vụ công vụ được Nhà nước giao.

Lợi dụng việc được nhà cung cấp giảm giá nguyên liệu thuốc, cố ý dùng các thủ đoạn che dấu về việc được giảm giá, không báo cáo bộ y tế về việc được giảm giá như vậy là không đúng quy định pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 3,8 triệu USD.

Bản án xác định, năm 2006, Bộ Y tế và Bộ Tài chính nhận chỉ đạo của Thủ tướng, ký hợp đồng sản xuất thuốc Tamiflu phòng chống cúm A (H5N1) với các doanh nghiệp, trong đó có Dược Cửu Long.

Trong quá trình đàm phán, Dược Cửu Long được phía cung cấp nguyên liệu giảm giá 3,84 triệu USD nhưng không báo cáo lại Bộ Y tế mà tạo dựng các tài liệu giả, che giấu số tiền này dùng việc khác.

Tháng 10/2008, liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính lập Đoàn kiểm tra các vấn đề liên quan mua, bảo quản, dự trữ thuốc Tamiflu, song không làm hết trách nhiệm, bỏ lọt sai phạm này.

Ông Quang khi đó là Thứ trưởng Y tế, bị cáo buộc biết rõ Dược Cửu Long chưa thanh toán 3,84 triệu USD nhưng không chỉ đạo kiểm tra. Khi Bộ Tài chính có văn bản đề nghị Bộ Y tế làm rõ bản chất số tiền trên, ông Quang không làm. Hành vi của cựu thứ trưởng bị đánh giá gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 3,84 triệu USD.

Hội An

Người dân phải gánh thêm hàng chục tỷ đồng để mua xăng dầu nhập khẩu

Ảnh minh hoạ.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hết 10 tháng năm 2022, Việt Nam đã chi hơn 7,37 tỷ USD nhập hơn 7,1 triệu tấn xăng dầu thành phẩm các loại về sử dụng, theo Dân Việt.

Bình quân, mỗi ngày, Việt Nam phải chi hơn 614 tỷ đồng để nhập xăng dầu về sử dụng trong nước nước. 

Số này tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021, và gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Lượng nhập 10 tháng năm 2022 chỉ tăng khoảng 1,3 triệu tấn so với cùng kỳ 2021, giá trị kim ngạch nhập khẩu đã tăng rất mạnh trên 4 tỷ USD, gấp đôi kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này ở cùng kỳ năm 2021.

So với cùng kỳ năm 2020, lượng xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam tăng 580.000 tấn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2019, khi nền kinh tế chưa chịu tổn hại từ đại dịch Covid-19, lượng xăng dầu nhập về Việt Nam hiện nay ghi nhận giảm gần 720.000 tấn.

Tính bình quân, mỗi tháng, Việt Nam phải bỏ ra số tiền hơn 18.400 tỷ đồng, mỗi ngày là hơn 614 tỷ đồng cho việc nhập xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.

Hiện nay, thị trường xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam phần lớn từ Hàn Quốc và các nước ASEAN nơi có thuế suất thuế nhập khẩu thấp, chỉ 8%. 

Hội An

Bắt quả tang cô gái đóng gói 8kg ma tuý trong nhà

Đối tượng Phạm Thị Quỳnh Trang (ảnh: Dân Việt).

Ngày 24/11, Công an tỉnh Quảng Bình bắt quả tang Phạm Thị Quỳnh Trang đang chia nhỏ 8kg ma túy giấu vào các gói bỉm trẻ em.

Theo NLĐ, khoảng 13 giờ ngày 23/11, tại số nhà 311, đường Trần Hưng Đạo, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, công an án đã bắt quả tang Trang (SN 1998; ngụ phường Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới) đang chia nhỏ các túi nilon chứa chất bột màu trắng để cất giấu.

Lực lượng chức năng đã thu giữ được trong phòng của Trang khoảng 8kg chất bột màu trắng. Theo khai nhận của đối tượng, đây là ma túy tổng hợp loại ketamin. Số ma túy này được đối tượng Trang cất giấu, ngụy trang rất tinh vi trong các bỉm quần của trẻ em và dự định sẽ tiếp tục vận chuyển số ma túy này đưa đi tiêu thụ.

Lực lượng chức năng tiến hành khám xét khẩn cấp tại nơi bắt giữ và thu giữ thêm 3.111 viên nén (khoảng 1,5 kg) dạng thuốc tân dược. Theo khai nhận của Phạm Thị Quỳnh Trang, số viên nén trên là ma túy tổng hợp loại thuốc lắc.

Mở rộng thêm, cơ quan công an đã bắt Phạm Văn Duẩn (SN 1962, là cha ruột của Trang). Duẩn khai nhận số ma túy trên được Trang nhờ mang đi cất giấu.

Tổng số tang vật mà công an thu giữ khoảng 9,5 kg ma túy tổng hợp các loại và nhiều tang vật liên quan khác.

Được biết, Phạm Thị Quỳnh Trang là một hot girl có tiếng tại TP. Đồng Hới vài năm qua.

Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, trước đó, đầu tháng 11 vừa qua, Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan tỉnh Quảng Bình bắt ba người gồm một tài xế xe đầu kéo từ Lào về cùng hai phụ nữ khi những người này đang giao nhận 13kg ma túy tổng hợp. Mở rộng điều tra từ chuyên án đó, Công an Quảng Bình đã tiếp tục lần ra vụ án tàng trữ ma túy của cha con hot girl Quỳnh Trang.

Huệ Liên

Quảng Nam: Dự án Khu nhà cho người thu nhập thấp xây 13 năm chưa xong

Dự án Khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp (dự án) tại Khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, dự kiến xây 3.688 căn hộ, nhưng 13 năm qua vẫn chưa xong. (Ảnh: vtc.vn)

Dự án Khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp (dự án) tại Khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) dự kiến xây 3.688 căn hộ, nhưng 13 năm qua vẫn chưa xong.

Tháng 11/2009, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án cho Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư nông nghiệp nông thôn và dịch vụ thể thao du lịch STO (công ty STO).

Đến tháng 3/2010, giới chức tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng dự án với diện tích lên đến 1.828 ha, tổng vốn đầu tư hơn 708 tỷ đồng.

Dự án sẽ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, công trình dịch vụ và 3.688 căn hộ đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.

Theo quyết định phê duyệt, dự án được chia làm 3 giai đoạn với thời hạn hoàn thành, đưa vào sử dụng chậm nhất tháng 8/2018. Tuy nhiên, đến nay dự án bỏ hoang nhiều năm và chưa có hạng mục nào được hoàn thiện.

Trong nhiều năm qua, chủ đầu tư dự án triển khai xây dựng 3 khu nhà ở nhưng khu nào cũng dở dang.

Dự án có khoảng 300 lô đất nền và 6 block chung cư nhưng mới chỉ xây dựng thô 2 chung cư, một chung cư đang đổ sàn rồi bỏ hoang, các khung sắt phơi nắng, phơi mưa đã hoen gỉ.

Các con đường trong khuôn viên dự án chưa được thảm nhựa, hệ thống nước, điện chưa được đấu nối… Trong khuôn viên rộng hàng chục ha, cây cỏ mọc um tùm, nhiều vật liệu để xây dựng bị bỏ khắp nơi.

Theo ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng từ lâu, dự án không vướng mắc gì và có điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhưng thực tế lại triển khai quá chậm.

Hiện khoảng 300 khách hàng đã góp vốn, đặt cọc đăng ký nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tại dự án bức xúc vì chờ đợi quá lâu nhưng dự án chưa hoàn thành.

Tại cuộc tiếp dân định kỳ hồi tháng 9/2022 của UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề xuất Công ty STO cùng các công ty đối tác ngồi lại với nhau, có sự tham dự của ngành chức năng tỉnh để cùng bàn, thống nhất hướng giải quyết các vướng mắc, tranh chấp với tinh thần thiện chí để thi công hoàn thành đúng tiến độ cam kết với tỉnh vào ngày 31/12/2022, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan. Tuy nhiên, các bên liên quan không có được tiếng nói chung với đề xuất này.

Ông Nguyễn Đức Tiến, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam, xác nhận đang tiến hành thanh tra toàn diện dự án trên. Theo kế hoạch, đến ngày 5/12 sẽ kết thúc thanh tra để báo cáo UBND tỉnh.

Minh Long

Hiệu trưởng cầm cố sổ đỏ của trường bị cách tất cả chức vụ

Trường Tiểu học số 2 Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình), năm 2019. (Ảnh chụp màn hình: Phuc Ho/Google Maps)

Ông Mai Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Châu Hóa – người từng cầm cố sổ đỏ của trường đi vay nặng lãi – vừa bị cách tất cả chức vụ. Quyết định do Huyện ủy, UBND huyện đưa ra khoảng 7 tháng kể từ khi vụ việc bị phát giác. 

Ngày 23/11, Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Tuyên Hóa cho biết ngày 7/11, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp và ban hành quyết định xử lý kỷ luật ông Mai Thanh Huyền bằng hình thức cách chức Chi ủy viên, Bí thư chi bộ Trường tiểu học số 2 Châu Hóa nhiệm kỳ 2020-2022.

Sau khi bị kỷ luật về mặt Đảng, ngày 22/11, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa ký quyết định xử lý về mặt chính quyền, cách chức Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Châu Hóa đối với ông Huyền.

Theo kết luận của Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Tuyên Hóa công bố trước đó, ông Huyền đã vay, mượn tiền của các tổ chức, cá nhân; thuê xe ô tô của người khác, sử dụng con dấu của trường không đúng quy định, sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất “sổ đỏ” của Trường Tiểu học số 2 Châu Hóa và quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng của bản thân để cầm cố, vay mượn tiền, dẫn đến không có khả năng thanh toán với số tiền 960 triệu đồng.

Những khuyết điểm, vi phạm của ông Mai Thanh Huyền là “nghiêm trọng, gây dư luận xấu”, vì vậy cần phải “kiểm điểm nghiêm túc và kỷ luật nghiêm minh” bằng hình thức cách mọi chức vụ hiện có, theo kết luận.

Bảy tháng trước, tháng 4/2022, báo chí phản ánh việc ông Mai Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) đã lấy sổ đỏ của trường mang đi cầm cố để vay nặng lãi kể từ tháng 6/2021.

Tại thời điểm này, ông Huyền xác nhận đã cầm sổ đỏ của trường để vay 200 triệu đồng, đến tháng 4/2022 đã trả 500 triệu đồng cả vốn và lãi (lãi suất 180%/năm).

Đến đầu tháng 10/2022, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tuyên Hóa ra kết luận số tiền ông Huyền đã cầm cố, vay mượn không có khả năng thanh toán là 960 triệu đồng như đã nêu.

Minh Sơn

Related posts