Đông Mai
Tất cả chúng ta đều có linh cảm, rất nhiều trong số đó là đúng. Cảm giác lo lắng trước khi một việc xấu xảy ra, cảm giác trong đám đông, một ai đó đang chăm chú nhìn bạn, hay đôi khi bạn quyết định làm một điều gì đó, nhưng không biết lý do tại sao.v.v. Nó rất phổ biến, nó được gọi là Giác quan thứ 6.
-Nghiên cứu khoa học về Giác quan thứ 6
-Khả năng thu nhận từ trường của cơ thể con người
-Biểu tượng Tuyến tùng trong các nền văn hóa cổ đại
-Thể tùng là một con mắt thoái hóa?
-Vị Lạt Ma khai mở con mắt thứ 3?
-Vì sao con mắt thứ ba không hoạt động với hầu hết mọi người?
-Những người sở hữu Thể tùng chưa bị vôi hóa
Có thể ngay từ những ngày đầu tiên, con người đã có một giác quan vượt ra ngoài thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác, một giác quan không mất đi theo thời gian mà chỉ tạm thời bị che khuất. Khái niệm về giác quan thứ 6 đã tồn tại trong suốt các biên niên sử của lịch sử loài người. Ngày nay, giới khoa học hiện đại đang thảo luận và nghiên cứu nó một cách nghiêm túc.
Vậy, giác quan thứ 6 là gì? Nó có thực sự tồn tại không, và nếu có thì nó dùng vào mục đích gì?
Nghiên cứu khoa học về Giác quan thứ 6
Năm 2019, nhà khoa học Joseph Kirschvink, dẫn đầu đoàn nghiên cứu của Viện Công nghệ California, đã xuất bản một bài báo gây chấn động cộng đồng khoa học. Bài báo chỉ ra rằng, con người có khả năng cảm nhận từ trường và thu nhận từ trường của trái đất, đó là giác quan thứ 6 chưa từng được ghi nhận trước đây.
Các nhà khoa học đã xây dựng một buồng cách ly, những người tham gia thực nghiệm được yêu cầu ngồi trong bóng tối và im lặng hoàn toàn trong 1 giờ. Trong thời gian này, một từ trường được truyền xung quanh buồng cách ly. Sóng não của những người tham gia được đo và ghi lại thông qua điện cực được đặt ở 64 vị trí trên đầu của họ.
Kết quả là, khi từ trường hướng về phía bắc và sau đó quét lên xuống trên đầu, hoặc quay ngược chiều kim đồng hồ, thì sóng não alpha của đối tượng giảm đáng kể và người thực nghiệm có cảm giác “hoảng loạn”. Khi không có từ trường tác động lên, não bộ ở trong trạng thái nghỉ ngơi, sóng alpha của họ lại tăng cao trở lại. Nghĩa là bộ não con người bị tác động bởi từ trường.
Nhà phát minh đi trước thời đại Nikola Tesla, cũng biết điều này, ông từng nói như sau: “Sóng alpha trong não người nằm trong khoảng từ 6 đến 8 Hz. Tần số sóng của các khoang trong cơ thể cộng hưởng từ 6 đến 8 Hz. Tất cả hệ thống sinh học hoạt động trong cùng một dải tần số. Và cộng hưởng điện của trái đất cũng nằm trong khoảng từ 6 đến 8 Hz. Do đó, toàn bộ hệ thống sinh học của chúng ta, bộ não và trái đất hoạt động trên cùng một tần số. Nếu chúng ta có thể điều khiển hệ thống cộng hưởng đó bằng điện tử, chúng ta có thể trực tiếp điều khiển toàn bộ hệ thống tinh thần của loài người”.
Khả năng thu nhận từ trường của cơ thể con người
Trong khi đó, cách xa nửa vòng trái đất, nhà khoa học người Nga Oleg Shumilov cũng đang tiến hành nghiên cứu “Từ trường trái đất” và tác động của nó lên con người. Trong suốt nhiều thập kỷ, Shumilov lưu ý rằng, có 3 “Cực đại địa từ” mỗi năm, đó là: từ tháng 3 đến tháng 5; tháng 7 và tháng 10. Ông nhận thấy, những đỉnh điểm này trùng khớp với thời gian cao điểm của các vụ tự tử được ghi nhận trên thế giới.
Minh họa về từ trường Trái đất.
Nhiều nghiên cứu sau đó cũng xác nhận, tự tử và các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, có liên quan đến sự xuất hiện của Bão địa từ hoặc Bão mặt trời. Điều này cho thấy, con người thực sự sở hữu một số loại khả năng thu nhận từ trường và nó có tác động đến giác quan thứ 6, một cảm nhận tâm linh bí ẩn. Tuy nhiên, giác quan này nằm ở đâu và nó hoạt động như thế nào?
Cho đến nay, khám phá khoa học thú vị nhất cho câu hỏi này có lẽ đến từ tác giả và nhà khoa học thực nghiệm Walter Rawls. Ông cho rằng, chính Tuyến Tùng là chìa khóa mở ra giác quan thứ 6 của con người.
Tuyến tùng nằm trên nóc não thất thứ ba, ngay phía sau gốc mũi. Bạn hãy nghĩ về khoảng cách giữa hai mắt của bạn. Nó có hình dạng giống quả thông, tên khoa học gọi là “Pineal Gland”. Tuyến tùng sản xuất ra melatonin và serotonin, là bộ phận điều chỉnh quan trọng các chức năng của cơ thể, chu kỳ sinh học, tăng trưởng, ngủ, trao đổi chất, và thúc đẩy các hormone tăng trưởng. Bí ẩn hơn, Tuyến tùng tạo ra các hóa chất gọi là beta-carbolines, chất điều hòa thần kinh có tác dụng tương tự như loại thức uống gây ảo giác trong các nghi lễ được những bộ lạc ở rừng nhiệt đới Amazon sử dụng.
Để làm thực nghiệm, ông Rawls đã đeo một chiếc mặt nạ có gắn nam châm lên mặt từ 10-30 phút. Trong tuần đầu tiên, từ khóe mắt nhìn thấy điều gì đó bất thường. Khi ông quay đầu lại để xem đó là gì, ông đã bị sốc bởi một bóng ma đi vào phòng thông qua bức tường, rồi biến mất ở phía bên kia. Tuần tiếp theo, hình dáng tương tự xuất hiện, lần này ít ma quái hơn và được xác định rõ ràng hơn. Nó nhìn Rawls, rồi biến mất. Cuối cùng, tuần thứ ba đeo mặt nạ, căn phòng xung quanh Rawls tan biến hoàn toàn, ông nhìn thấy một sườn đồi với 2 người đang ngồi dưới gốc cây. Một trong số họ là hình bóng mà ông đã nhìn thấy hai lần trước đó. Họ đều có thể nhìn thấy ông và biết ông đang quan sát họ ở một không gian khác.
Có vẻ như tuyến tùng nhỏ bé này sở hữu một sức mạnh khác thường và to lớn, một sức mạnh mà khoa học chưa thể nắm bắt được.
Giáo sư sinh lý học và thần kinh học Jimo Borjigin của Đại học Michigan nói: “Chúng ta chưa có hiểu biết đầy đủ về tuyến tùng. Nhiều phân tử được tìm thấy trong tuyến tùng chỉ được tìm thấy vào ban đêm và chúng tôi không biết rõ chức năng của chúng là gì”.
Biểu tượng Tuyến tùng trong các nền văn hóa cổ đại
Quay về thời Ai Cập cổ đại, Tuyến tùng được xem là biểu tượng của quyền lực, trí tuệ và sức khỏe, nó được gọi là “Con mắt của Horus”. Trên thực tế, “Con mắt của Horus” là một mô tả về tuyến tùng bên trong não người. Và trên đỉnh cây quyền trượng của thần Osiris là một quả tùng cũng có ẩn dụ tương tự. Khi quan sát hình ảnh con mắt Horus và Thể tùng trong giải phẫu y học hiện đại, bạn sẽ thật sự kinh ngạc bởi sự tương đồng về cấu tạo của nó.
Tuy nhiên, Ai Cập không phải là nền văn minh duy nhất sử dụng Tuyến tùng và quả tùng là biểu tượng của sức mạnh tâm linh quan trọng nhất. Tuyến tùng xuất hiện ở nhiều nền văn minh khác nhau, từ người Hy Lạp và La Mã, đến người Assyria và người Sumer, các bộ lạc cổ xưa ở Mexico ngày nay; các ngọn tháp của kỳ quan Campuchia Angkor Wat là những quả thông vươn tới bầu trời, cho đến các Lạt Ma Tây Tạng.
Ngay cả Vatican, trung tâm của Công giáo, cũng có một bức tượng quả tùng khổng lồ. Trên thực tế, Giáo hoàng cũng mang một cây quyền trượng có hình quả tùng trên đỉnh, thậm chí, đèn nhà thờ và chân nến cũng chứa biểu tượng này, nhằm đại diện cho sự chiếu sáng và chỉ ra con đường thoát khỏi bóng tối.
Còn ở phương Đông, Thể tùng chính là Thiên Mục hay “Con mắt thứ 3”, chúng ta có thể thấy điều này trong các tàn tích ở khu di chỉ Tam Tinh Đôi, Trung Quốc. Trong 2 chiếc mặt nạ khổng lồ được khai quật tại đây, 1 chiếc có một phần nhô lên ngay tại vị trí ấn đường, giống như một chiếc cột ăng-ten. Chiếc còn lại có một lỗ thủng ở cùng vị trí, trông rất giống một con mắt thứ 3 đã được mở ra; phần nhô lên như cột ăng-ten có thể mang ý nghĩa của sự xuất nhập tự do của linh hồn.
Có thể nói, hình ảnh về Thể tùng xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, trong vô số nền văn minh khác nhau. Vậy nó đơn giản chỉ là một biểu tượng tâm linh, hay nó thực sự là một con mắt thứ 3 từng tồn tại trên cơ thể chúng ta?
Thể tùng trong bộ não người (ảnh: Telese Winslow)Vị trí thể tùng trong bộ não người. Ảnh: hipercultura.comBộ phận đánh số 23 là thể tùng trong bộ não người.
Thể tùng là một con mắt thoái hóa?
Đã từ lâu, các nhà khoa học đã nhận ra sự tương đồng giữa thể tùng và con mắt. Họ cho rằng, Thể tùng chính là một con mắt thoái hóa. Năm 1919, Frederick Tilney và Luther Fiske Warren trong một báo cáo đã công bố những đặc điểm tương đồng giữa thể tùng và con mắt người, khiến nó nhạy cảm với ánh sáng và có các khả năng thị giác khác. Khoa học cho rằng, đây là con mắt thứ 3 và đã bị thoái hóa.
Tiến sĩ David Klein, trưởng bộ phận Nội tiết thần kinh tại Viện Sức khỏe Trẻ em và Phát triển Con người Quốc gia Mỹ (NICHD) nói trên tạp chí Science Daily rằng: “Thể tùng chứa mô võng mạc được cấu tạo bởi các tế bào cảm quang hình que và hình nón, giống hệt như con mắt người. Thậm chí, nó cũng có bó dây thần kinh thị giác nối đến vỏ não thị giác… Thể tùng thậm chí còn có chất lỏng thủy tinh thể giống như ở con mắt bình thường”.
Điều này quá kỳ diệu, bởi vì những giải phẫu y học đang dần chứng minh rằng, con mắt thứ 3 thật sự có tồn tại về mặt vật lý, chứ không phải chỉ trong truyền thuyết.
Vị Lạt Ma khai mở con mắt thứ 3?
Trong cuốn tự truyện có tựa đề “The Third Eye: Con mắt thứ ba”, của lạt ma Tây Tạng Lobsang Rampa. Ông đã diễn tả cuộc phẫu thuật khai mở con mắt thứ 3 trên cơ thể mình, được tiến hành tại vị trí ấn đường, chỗ giao của hai hàng lông mày, nơi được cho là đường thông dẫn đến con mắt thứ ba, hay thể tùng. Sau khi khai thông thể tùng, vị Lạt Ma đã phát triển được một số năng lực đặc dị chưa từng có trước đây.
Tự truyện của lạt ma Tây Tạng Lobsang Rampa.
Cuốn sách của ông sau đó được xuất bản rộng rãi trên khắp thế giới, các chuyên gia đánh giá rằng: “Chúng tôi thấy rằng, ông ấy vượt trên đức tin ở Tây Phương, mặc dù theo quan điểm của Tây Phương thì khó có thể chấp nhận được”.
Thực tế này đã khiến một số nhà nghiên cứu phải cân nhắc: Liệu thể tùng có phải chỉ là một con mắt bị thoái hóa hay không?
Khi giới khoa học còn có hiểu biết hạn chế về con mắt thứ ba, thì những người thực hành tín ngưỡng và tôn giáo từ lâu đã biết đến sự tồn tại của con mắt này. Không chỉ vậy, con mắt thứ ba đóng một vai trò rất quan trọng trong việc nhận biết, giao tiếp giữa họ với các không gian và thế giới mà mắt thường con người không nhìn thấy được.
Trong tín ngưỡng Vệ Đà, con mắt thứ ba tượng trưng cho luân xa thứ 6, trong Ấn Độ giáo, nó được gọi là cửa sổ của thần Brahma, tại Trung Quốc, các Đạo sĩ gọi nó là Nê Hoàn Cung, hoặc là Thiên Mục. Những người thực hành tu luyện có nhiều cách khác nhau để khai mở con mắt này. Tùy theo đặc điểm của từng người mà họ có thể xuất hiện những năng lực đặc biệt như: nhìn thấy các cảnh tượng từ xa (dao thị), nhìn thấy được quá khứ và tương lai (túc mệnh thông), thậm chí đọc được ý nghĩ người khác (tha tâm thông)… Trong các câu chuyện cổ của Phật giáo đều có ghi lại các khả năng này.
Con mắt thứ 3 được thể hiện ở tượng đồng di chỉ Tam Tinh Đôi.
Vì sao con mắt thứ ba không hoạt động với hầu hết mọi người?
Y học đã phát hiện rằng, thể tùng của hầu hết mọi người đều bị vôi hóa. Thể tùng của người trưởng thành bị vôi hóa giống như một cục canxi nằm ở giữa não bộ. Nguyên nhân của việc vôi hóa được cho là do con người hiện nay vẫn đưa vào cơ thể hàng ngày các chất Flo/Clo qua nước uống, thức ăn, kem đánh răng… Nhiều nhà khoa học tin rằng, sự vôi hoá thể tùng làm mù con mắt thứ ba, ngăn cản chúng ta có được các năng lực đặc biệt.
Người tu luyện cổ xưa cho rằng, con mắt thứ ba của trẻ em từ 6 tuổi trở xuống rất dễ khai mở và nhìn rõ ràng, do các em rất ngây thơ, trong sáng. Còn người trưởng thành thì rất khó khai mở vì ham muốn vào “thất tình lục dục” của họ quá lớn. Và khoa học cũng xác nhận rằng, trẻ trên 6 tuổi bắt đầu bị vôi hóa thể tùng. Điều này có thể lý giải tại sao chỉ các nhà sư, các lạt ma Tây Tạng hay những người tu luyện tâm tính một cách chân chính mới có thể sở hữu những năng lực siêu thường.
Tất nhiên, cũng không tuyệt đối, có nhiều trường hợp ở người trưởng thành bình thường, thể tùng của họ vẫn chưa bị vôi hóa, và như những giải thích trong các nền văn minh cổ đại, những người này đều sở hữu năng lực tâm linh hơn người.
Những người sở hữu Thể tùng chưa bị vôi hóa
Ví dụ, cô bé người Nga có đôi mắt như máy chụp X-quang Natasha Demkina. Năm 10 tuổi, một cơn đau ruột thừa suýt chút nữa cướp đi mạng sống của em. Tuy nhiên sau đó, Natasha đột nhiên có khả năng nhìn xuyên qua cơ thể người khác.
Một ngày, cô bé hét lên: “Mẹ ơi, bụng mẹ có cái hạt đậu và cái vòi xếp nếp kìa. Cả cái quả gì đo đỏ đang cử động nữa”. Quá hoảng sợ, mẹ Natasha lập tức đưa con đến bác sĩ. Tại bệnh viện, cô bé 10 tuổi khiến các bác sĩ kinh ngạc khi mô tả chính xác các bộ phận cơ thể, cho đến những vết thương của một bác sĩ mà cô bé gặp.
Sau đó, Natasha còn có thể “siêu âm” từng nội tạng, xác định tình trạng bệnh tật cũng như nhận diện tế bào, vi khuẩn hoặc virus trong cơ thể. Qua nhiều lần thử nghiệm và kiểm tra, các bác sĩ cho biết, những chẩn đoán của cô bé nhiều lúc còn chính xác hơn bác sĩ có trang thiết bị y tế tiên tiến hỗ trợ. Thật kinh ngạc, vì cô bé sở hữu năng lực như cách danh y Hoa Đà nhìn thấy một khối u trong não Tào Tháo.
Khi trưởng thành, Natasha vẫn giữ được khả năng này, cô cho biết: “Tôi có thể điều chỉnh được cách nhìn của mắt. Nếu muốn xem thể trạng sức khỏe của ai đó, tôi có thể dễ dàng chuyển sang cách nhìn thứ hai trong tích tắc. Chỉ cần tập trung suy nghĩ, tôi có thể nhìn rõ toàn bộ cấu trúc trong cơ thể người, vị trí cũng như chức năng của các cơ quan. Thật khó giải thích làm thế nào tôi có thể nhận biết bệnh tật trong cơ thể. Các nội tạng có vấn đề đều sinh ra một loại phóng xạ, giúp tôi nhận ra vị trí đang bị tổn thương. Tuy nhiên, cách nhìn thứ hai của tôi chỉ có tác dụng vào ban ngày thôi”.
Natasha Demkina trong buổi thực nghiệm đầu tiên.
Năm 1995, Cục tình báo trung ương Mỹ CIA giải mật và chấp thuận công bố một số tài liệu tiết lộ về việc tham gia một chương trình bí mật có tên Stargate kéo dài 25 năm. Ghi nhận trong nghiên cứu cho biết, Ingo Swann, một người tham gia chương trình này có thể nhìn thấy được các vòng tròn đặc trưng bao quanh sao Mộc trước khi NASA chụp ảnh nó bằng tàu không gian Pioneer 10. Một số cá nhân cũng có thể nhìn được vật thể và con người ở các phòng riêng biệt và hoàn toàn bị chặn từ vị trí người quan sát.
Vào năm 2003, báo Washington Post đưa tin, giai đoạn từ năm 1979 đến năm 1989, trong cuộc chiến với các tổ chức khủng bố, bộ Quốc phòng Mỹ đã sử dụng các nhà ngoại cảm có năng lực đặc biệt về con mắt thứ ba như Joe McMonigle, trong việc xác định nơi các con tin người Mỹ bị giam giữ, kho vũ khí hay bản doanh thủ lĩnh của các tổ chức này. Các tài liệu do Washington Post thu được cho biết, kết quả làm việc của các nhà ngoại cảm đều mang lại thành công cho các chiến dịch quân sự. Ngoài ra, McMonigle còn xuất bản một cuốn sách của riêng mình có tên: “Bí mật của khả năng dao thị”.
Theo truyền thống Ấn Độ giáo, con mắt thứ ba là nguồn trí tuệ trực giác, kiến thức về quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó là một loại ý thức vũ trụ vượt ra ngoài giới hạn điển hình của nhận thức, ngoài 5 giác quan: Thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Có ý kiến cho rằng sự phát triển của ‘con mắt’ này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự kết nối tâm linh được nâng cao, giấc mơ sáng suốt và sự đồng cảm bằng thần giao cách cảm, thậm chí là tầm nhìn tâm linh và phép chiếu thiên văn. Như tác giả Ilchi Lee đã tuyên bố, Tuyến tùng cho thấy: “Tâm linh là một tính năng được tích hợp sẵn trong bộ não con người”.
Và sau cùng, chúng ta có thể hiểu rằng, đó là một món quà của Thượng Đế. Chỉ là rất nhiều năm sau đó, con mắt thứ 3 này đã bị phủ bụi và che mờ khiến chúng ta không còn nhận ra. Tất nhiên, nó có thể bị lãng quên chứ không hề biến mất!
Đông Mai
Tổng hợp từ các nguồn:
https://universe–inside–you-com.translate.goog/6th-sense-pineal-gland/?_x_tr_sl=auto&_x_tr_tl=en&_x_tr_hl=vi
https://en.wikipedia.org/wiki/Pineal_gland#Calcification
https://www.lobsangrampa.org/ebooks/en/The-Third-Eye.pdf
https://www.sciencedaily.com/releases/2004/08/040817082213.htm
https://en.wikipedia.org/wiki/Natasha_Demkina