Trung tâm thương mại ở Moscow chìm trong biển lửa
Một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại một trung tâm thương mại ở ngoại ô thủ đô Moscow của Nga, lửa bao trùm một khu vực rộng khoảng 18.000m2.
RT dẫn thông tin từ Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga cho biết, vụ hỏa hoạn xảy ra khoảng 6h sáng nay 9/12 tại trung tâm thương mại Mega Khimki thuộc vùng Moscow. Đến khoảng 7h30, lửa đã lan ra một khu vực rộng khoảng 18.000m2 kèm những tiếng nổ lớn.
“Hiện tại, cả tòa nhà đang bốc cháy, lửa lan ra khoảng 18.000m2”, TASS dẫn nguồn tin cứu hỏa cho hay.
Tính chất nghiêm trọng của vụ hỏa hoạn được đánh giá ở mức 4 trong thang đánh giá 5 mức. Do lửa có xu hướng lan rộng, ngoài xe cứu hỏa, lực lượng cứu hộ tính sử dụng máy bay chữa cháy để dập lửa.
Hiện chưa có thông tin về thương vong thiệt hại cũng như nguyên nhân hỏa hoạn. Các nhân chứng cho hay, nhân viên trong trung tâm thương mại đã được sơ tán ngay khi hỏa hoạn xảy ra. Một số nguồn tin cho hay, hỏa hoạn dường như bắt nguồn từ cửa hàng OBI, chuỗi cửa hàng vật liệu xây dựng, trong trung tâm thương mại.
Đức Giáo hoàng bật khóc khi nhắc đến Ukraine
Tờ Reuters đưa tin, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã suy sụp và bật khóc hôm thứ Năm (8/12) khi nhắc đến sự thống khổ của người dân Ukraine trong một buổi cầu nguyện truyền thống ở trung tâm Rome.
Giọng của Giáo hoàng bắt đầu run run khi nhắc đến người dân Ukraine và ông phải dừng lại trong khoảng 30 giây. Khi tiếp tục cầu nguyện, giọng của ông khàn đi.
Đám đông, bao gồm cả Thị trưởng Rome Roberto Gualtieri, người ở ngay bên cạnh Giáo hoàng, đã vỗ tay khích lệ khi ông nhận ra Đức Giáo hoàng nghẹn ngào và không nói lên lời, theo tờ Reuters.
Đức Phanxicô đã suy sụp trong một buổi cầu nguyện truyền thống với Đức Mẹ dưới chân một bức tượng vào Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, một ngày lễ quốc gia ở Ý.
“Lạy Đức Trinh Nữ Vô nhiễm Nguyên tội, hôm nay con muốn mang đến cho Mẹ lời tạ ơn của người dân Ukraine (vì hòa bình)”, ông nói trước khi xúc động đến nghẹn lời.
“Thay vào đó, một lần nữa con phải mang đến Người lời cầu khẩn của trẻ em, của người già, của cha mẹ, của những người trẻ trên mảnh đất tử đạo đang chịu quá nhiều đau khổ này”, Giáo hoàng tiếp tục.
Kể từ khi Nga xâm chiếm nước láng giềng vào tháng Hai, Đức Giáo hoàng đã đề cập đến Ukraine trong hầu hết các lần xuất hiện trước công chúng và ngày càng chỉ trích Moscow.
Hôm 7/12, Đức Giáo hoàng đã so sánh cuộc chiến ở Ukraine với một chiến dịch của Đức Quốc xã đã sát hại khoảng hai triệu người, chủ yếu là người Do Thái, trong những năm đầu tiên của Thế chiến II.
Sau khi đọc lời cầu nguyện hôm thứ Năm (8/12) tại bức tượng gần Bậc thang Tây Ban Nha, Đức Giáo hoàng đã chào đón mọi người trong đám đông, bao gồm cả các nhà báo.
Khi một trong những nhà báo nói với Giáo hoàng rằng, có vẻ như Giáo hoàng rất xúc động, ông trả lời:
“Phải. Nó (chiến tranh ở Ukraine) là một nỗi thống khổ to lớn, rất to lớn. Một thất bại cho nhân loại”.
Quan chức Ukraina: Không cần bàn đàm phán, có thể đứng để chấp nhận sự đầu hàng của Putin
Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraina, ông Oleksiy Danilov mới đây cho biết, Ukraina không cần đàm phán để chấm dứt chiến tranh. Ông đã đưa ra phát biểu này để đáp lại bình luận của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, khi bà cho rằng mọi cuộc chiến rồi sẽ kết thúc tại bàn đàm phán, và chiến tranh Nga – Ukraina cũng sẽ kết thúc như thế.
Theo ông Danilov, lần này có thể không cần chiếc bàn, vì có thể đứng để chấp nhận sự đầu hàng của Vladimir Putin. Ông đã đưa ra quan điểm này trên Twitter hôm 8 tháng 12.
Ông Danilov cũng nói bà Angela Merkel đã tham gia vào các thỏa thuận Minsk, nhưng ‘kết quả đã được biết rõ’.
Trước đó hôm 7 tháng 12, trong cuộc phỏng vấn với tờ Die Zeit, cựu thủ tướng Merkel nói rằng bà không biết chính xác khi nào cuộc chiến ở Ukraina sẽ kết thúc, nhưng một ngày nào đó nó sẽ kết thúc bằng đàm phán, mọi cuộc chiến đều kết thúc ở bàn đàm phán.
Ngoài ra, bà Merkel cũng nói các thỏa thuận Minsk năm 2014 là nỗ lực tạo cho Ukraina thêm thời gian, giúp Kyiv trở nên mạnh mẽ hơn. Theo bà, Ukraina của mô hình 2014/15 không phải là Ukraina ngày nay.
Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Đức cũng thừa nhận, phản ứng của thế giới trước việc Nga chiếm bán đảo Crimea của Ukraina vào năm 2014 là chưa đủ.
Lầu Năm Góc trao hợp đồng điện toán đám mây 9 tỷ USD cho 4 tập đoàn công nghệ
Hôm 7/12, Lầu Năm Góc thông báo trao các hợp đồng điện toán đám mây ‘béo bở’ trị giá 9 tỷ USD cho 4 tập đoàn công nghệ gồm Amazon, Google, Microsoft và Oracle.
Các hợp đồng đã được trao cho bốn công ty công nghệ để giúp xây dựng Năng lực chiến đấu đám mây (Joint Warfighting Cloud Capability – JWCC) nhằm thay thế Cơ sở hạ tầng phòng thủ doanh nghiệp chung (Enterprise Defense Infrastructure – JEDI) trị giá 10 tỷ USD, đồng thời hợp lý hóa và tăng cường hiệu quả điện toán đám mây cho quân đội Hoa Kỳ.
“Mục đích của hợp đồng này là cung cấp cho Bộ Quốc phòng các dịch vụ đám mây có thể truy cập toàn cầu, toàn doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực bảo mật và cấp độ phân loại, từ cấp độ chiến lược đến khía cạnh chiến thuật”, DoD cho biết trong một thông cáo báo chí.
“Năng lực chiến đấu đám mây sẽ cho phép chủ sở hữu nhiệm vụ có được các dịch vụ đám mây thương mại được ủy quyền trực tiếp từ những người được trao hợp đồng của Nhà cung cấp Dịch vụ Đám mây”, thông cáo cho biết thêm.
Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính rằng dự án này sẽ hoàn tất vào ngày 8/6/2028.
Thỏa thuận này sẽ đưa quân đội phù hợp hơn với các công ty thuộc khu vực tư nhân thường chọn cách tiếp cận nhiều đám mây, được phân chia giữa nhiều nhà cung cấp, thay vì phụ thuộc vào một nhà cung cấp hoặc tổ chức duy nhất. Điều này giúp giảm nguy cơ gián đoạn mạng.
JWCC là sự kế thừa của dự án điện toán đám mây trị giá hàng tỷ đô la JEDI, được trao cho Microsoft vào năm 2019.
Tuy nhiên, dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin trị giá 10 tỷ USD đã gây ra một cuộc chiến pháp lý gay gắt giữa Amazon và Microsoft, trong đó Amazon phản đối quyết định của Lầu Năm Góc về việc trao hợp đồng béo bở cho Microsoft.
Hợp đồng Microsoft bị hủy bỏ
Amazon, một công ty chủ chốt trong thị trường cơ sở hạ tầng đám mây, được coi là người đi đầu trong việc giành được dự án và tuyên bố rằng chính quyền ông Trump đã can thiệp vào quá trình trao hợp đồng.
Tổng thanh tra của Lầu Năm Góc đã mở một cuộc điều tra vào năm 2020 và đưa ra một báo cáo kết luận rằng, không có bằng chứng nào cho thấy dự án này bị ảnh hưởng bởi cựu Tổng thống Donald Trump.
Bộ Quốc phòng sau đó đã tuyên bố rằng họ sẽ không tiếp tục dự án trị giá hàng tỷ đô la được trao cho Microsoft.
Trong một tuyên bố vào thời điểm đó, Lầu Năm Góc cho biết: “Bộ đã xác định rằng, do yêu cầu phát triển, khả năng giao tiếp trên đám mây ngày càng tăng và những tiến bộ của ngành, hợp đồng JEDI Cloud không còn đáp ứng nhu cầu của Bộ nữa. Bộ tiếp tục có những lỗ hổng về năng lực đám mây chưa được đáp ứng đối với các dịch vụ đám mây thương mại, toàn doanh nghiệp ở cả ba cấp độ phân loại cạnh chiến thuật”.
Vào thời điểm đó, Microsoft cho biết trong một bài đăng trên blog vào thời điểm đó rằng, họ hiểu lý do cơ bản mà Bộ Quốc phòng rút lại thỏa thuận.
“Bộ Quốc phòng Mỹ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: tiếp tục với một cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm, hoặc tìm một con đường khác. An ninh của Hoa Kỳ quan trọng hơn bất kỳ hợp đồng nào và chúng tôi hiểu rằng Microsoft sẽ phát triển mạnh khi đất nước này phát triển”, Microsoft cho biết.
Thông báo hôm 7/12 được đưa ra sau khi Lầu Năm Góc trì hoãn quyết định trao hợp đồng JWCC vào đầu năm nay trong khi đánh giá các đề xuất từ bốn công ty.
Sau cuộc chiến pháp lý giữa Amazon và Microsoft, Bộ Quốc phòng Mỹ đã khuyến khích những gã khổng lồ kỹ thuật số, cùng với Google và Oracle, đấu thầu các hợp đồng đám mây.
Tim Cook xác nhận Apple lần đầu tiên sau một thập kỷ sẽ sử dụng chip sản xuất tại Mỹ
Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã xác nhận rằng gã khổng lồ công nghệ này sẽ sớm bắt đầu sử dụng chip bán dẫn được sản xuất tại Mỹ, lần đầu tiên sau gần 10 năm. Việc nhà máy tại Mỹ có thể sản xuất các chip tiên tiến làm dấy lên lo ngại về vấn đề an ninh cho Đài Loan.
Ông Tim Cook đã đưa ra thông báo trong khi phát biểu tại địa điểm nhà máy của Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đang được xây dựng ở Phoenix, Arizona. TSMC là công ty sản xuất chất bán dẫn độc lập chuyên dụng lớn nhất trên thế giới. Sự kiện có sự tham dự của Tổng thống Joe Biden và các giám đốc điều hành hàng đầu của các công ty sản xuất chip.
CEO của Apple cũng cho biết công ty sẽ mở rộng mối quan hệ với TSMC khi nhà máy này đi vào hoạt động vào năm 2024. Sau thời điểm đó, phần lớn chip silicon của Apple sẽ được sản xuất tại nhà máy Phoenix.
“Như nhiều người trong số các bạn đã biết, chúng tôi hợp tác với TSMC để sản xuất chip giúp vận hành các các sản phẩm của chúng tôi trên toàn thế giới”, CEO Apple cho biết, theo Bloomberg. “Và chúng tôi mong muốn mở rộng công việc này trong những năm tới… Nhờ sự làm việc chăm chỉ của rất nhiều người, những con chip này có thể tự hào được đóng dấu ‘Made in America’ [Sản xuất tại Mỹ]”.
Tại Trung Quốc, chính quyền đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt về đại dịch, điều này cuối cùng đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất iPhone tại các cơ sở của Foxconn, một trong những nhà cung cấp chính của Apple.
Một nửa số iPhone trên thế giới được sản xuất tại tổ hợp nhà máy của Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc. Tháng trước, khu vực nhà máy này đã chứng kiến các nhân viên tham gia vào các cuộc biểu tình bạo lực do các chính sách nghiêm ngặt về COVID-19 và các vấn đề về thanh toán tiền.
Bằng cách lấy nguồn cungứng chip từ nhà máy Arizona của TSMC, Apple sẽ rời xa chuỗi cung ứng Trung Quốc. Công ty cũng có thể tự tách mình khỏi những căng thẳng địa chính trị đang rình rập giữa hai siêu cường và những phức tạp trong kinh doanh kéo theo.
Chiếc Boeing 747 xuất xưởng cuối cùng, sau hơn nửa thế kỷ thành công trên thị trường
Hơn 50 năm qua, máy bay Boeing 747 đã được đông đảo khách hàng hài lòng khi sử dụng, và từng được xem như một biểu tượng của hàng không dân dụng. Nhưng hôm nay, chiếc Boeing 747 cuối cùng xuất xưởng, đánh dấu kết thúc của model sản phẩm này, theo thông cáo báo chí của Boeing hôm 7/12.
“Trong hơn nửa thế kỷ, hàng chục ngàn nhân viên tận tâm của Boeing đã thiết kế và chế tạo chiếc máy bay tuyệt vời này đã thực sự thay đổi thế giới. Chúng tôi tự hào rằng chiếc máy bay này sẽ tiếp tục bay khắp thế giới trong nhiều năm tới”, lời của ông Kim Smith, Phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc Boeing, Chương trình 747 và 767.
Hãng Boeing là hãng phát triển, sản xuất, và cung cấp dịch vụ máy bay hàng không thương mại, hệ thống quốc phòng và không gian, cho khách hàng ở hơn 150 quốc gia.
Từ 1967 đến nay, đã có 1.574 chiếc Boeing 747 xuất xưởng. Đây là một trong những sản phẩm thành công nhất của hãng.
Chiếc 747 cuối cùng này đã xuất xưởng ở Everett, nơi mà Boeing tuyên bố là xưởng lớn nhất thế giới về loại hình này tính theo lượng sản xuất. Chiếc 747 này được đưa đi bay thử kiểm tra, và sẽ đến tay khách hàng là hãng hàng không Atlas Air vào đầu năm 2023.
Chiếc 747 này dự kiến sẽ làm máy bay chở hàng hóa, với khả năng chở tới 133 tấn hàng.
Các máy bay 747 vẫn tiếp tục bay hàng chục năm nữa, nhưng model này đã dần vắng bóng trên bầu trời, nhường chỗ cho các model mới hơn. Trước đại dịch virus Vũ Hán COVID gây ảnh hưởng lớn đến ngành hàng không toàn cầu, thì hãng hàng không United và Delta đã tạm biệt model này. Trong thời đại dịch thì các hãng hàng không Qantas và British cũng cho model này nghỉ.
Cổ phiếu của Boeing đã giảm khoảng 8% trong năm nay tính cho đến hết ngày Thứ Hai (5/12), so với mức giảm khoảng 16% trên thị trường rộng lớn hơn. Bất chấp thua lỗ gần đây, cổ phiếu của Boeing đã tăng khoảng 53% trong quý này. Kế hoạch mua hàng chục chiếc 787 Dreamliners từ hãng hàng không United, có thể vào cuối năm nay, đã giúp nâng cổ phiếu, theo CNBC.
Tỷ phú George Soros bơm tiền cho 253 tổ chức truyền thông nhằm khống chế dư luận quốc tế
Hoạt động tài trợ cho các tổ chức truyền thông của ông Soros, một tỷ phú thiên tả, giúp ông có thể ảnh hưởng và nhào nặn dư luận tại mọi châu lục. Việc tài trợ cũng khiến ông Soros có được mối quan hệ thân thiện với các phóng viên.
Tỷ phú theo cánh tả George Soros có quan hệ với 253 tổ chức truyền thông toàn cầu, theo một báo cáo mới của Media Researcher Center Business (MRC Business).
Nhóm giám sát bảo thủ đã cáo buộc rằng ông Soros có thể “nhào nặn dư luận trên thực tế ở mọi châu lục” thông qua các mối quan hệ quốc tế của mình, theo báo cáo hôm thứ 3 (06/12) của ông Joseph Vasquez, Phó biên tập viên của MRC về kinh doanh và tự do ngôn luận Mỹ, và ông Dan Schneider, Phó chủ tịch MRC Business. Các mối quan hệ được thiết lập thông qua “những nỗ lực trị giá hàng triệu USD” để thúc đẩy “kế hoạch xã hội mở” của ông ấy, thứ mà theo báo cáo bao gồm “một số ý tưởng cánh tả cấp tiến nhất” về các vấn đề như phá thai, chủ nghĩa bài Mỹ, chặn nguồn tiền của cảnh sát, chủ nghĩa cực đoan về môi trường và chủ nghĩa cuồng tín LGBT…
“Sức ảnh hưởng truyền thông toàn cầu của ông ấy rất lớn”, hai tác giả viết. “Một phân tích sâu rộng của MRC Business đã phát hiện ra ít nhất 253 tổ chức hoạt động truyền thông (tổ chức truyền thông phục vụ các mục đích hoạt động xã hội) và tin tức trên khắp thế giới được tài trợ bởi các tổ chức từ thiện của ông Soros. Các nhóm này nắm giữ quyền lực to lớn đối với luồng thông tin trong chính trị quốc tế”.
Báo cáo cũng cáo buộc rằng mối quan hệ của ông Soros với các tổ chức truyền thông toàn cầu khiến mối quan hệ của ông với các phóng viên trở nên thân thiện hơn, những người có thể không coi ông là “mục tiêu điều tra”.
Bản báo cáo được công bố hôm thứ 3 có tựa đề “Ông vua tuyên truyền: Soros bơm tiền cho 253 Nhóm để tác động tới truyền thông toàn cầu” (Propaganda Czar: Soros Bankrolls 253 Groups to Influence Global Media). Đây là phần đầu tiên trong ba phần về mối quan hệ của ông Soros với giới truyền thông quốc tế.
“Khi bạn nhìn vào bối cảnh truyền thông ngày nay, phần lớn các phương tiện truyền thông dường như đang nói về cùng những thứ giống nhau”, ông Schneider nói với Daily Caller News Foundation (DCNF). “Sự tấn công của họ nhắm tới những người Mỹ bình thường dường như được phối hợp và có mục đích. Vì vậy, chúng tôi muốn tìm hiểu xem điều này đang xảy ra như thế nào và chúng tôi phát hiện ra rằng rất nhiều tiền từ ông George Soros được chuyển đến tay những đối tượng này trên khắp thế giới và ở Mỹ, những đối tượng thực hiện một cuộc tấn công phối hợp chống lại tự do và chống lại các giá trị Mỹ, những thứ đã lớn lên cùng với chúng ta”.
Các tổ chức được gắn nhãn là chịu ảnh hưởng của ông Soros bao gồm tổ chức đào tạo báo chí có tên Viện Poynter, đối tượng được cho là đã nhận được 492.000 USD từ Soros trong giai đoạn 2016–2020 để tài trợ cho Mạng kiểm tra dữ kiện quốc tế. Ngoài ra còn có Project Syndicate, được biết đến như là “Trang ý kiến của thế giới”, tổ chức nhận được 1.532.105 USD trong cùng khung thời gian.
Free Press, openDemocracy, Media Democracy Fund, cũng được liệt kê trong báo cáo. Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia (NPR) được cho là đã nhận được “600.000 USD từ quỹ của ông Soros vào năm 2016”.
“Đồng tiền biết nói. Điều rõ ràng là các tổ chức phi lợi nhuận cần nguồn lực để duy trì hoạt động, họ sẽ thực hiện các yêu cầu của các nhà tài trợ, những người trả lương cho họ”, ông Schneider nói với DCNF. “Đó là những gì chúng ta đã chứng kiến với 253 tổ chức mà ông Soros tài trợ. Những người ở các tổ chức này thực hiện yêu cầu của ông George Soros hàng ngày”.
Phần thứ hai của loạt bài sẽ thảo luận về “số tiền mà ông George Soros đã chuyển vào 253 tổ chức hoạt động truyền thông và tin tức trong mạng lưới truyền thông toàn cầu của ông ấy” trong khi phần thứ ba sẽ đi sâu vào “những người trong giới truyền thông chủ đạo có liên hệ với ông George Soros”.
Ủng hộ cho cánh tả
Ông Soros là nhà tài trợ hàng đầu cho các ứng cử viên Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, CNBC đưa tin. Ông đã quyên góp hơn 128 triệu USD, chủ yếu thông qua tổ chức siêu cấp cánh tả PAC Democracy II của mình.
Ông Soros thường xuyên dùng tiền của mình để tài trợ cho các phong trào của đảng Dân chủ, một số trong đó có phong trào “Tẩy chay, cắt giảm kinh doanh và trừng phạt” chống Israel và hoạt động cứu trợ những người nhập cư bất hợp pháp ở California. Quỹ Xã hội Mở của ông ấy cũng đã trao 220 triệu USD ủng hộ hoạt động đấu tranh vì công lý chủng tộc trong mùa hè năm 2020, theo báo cáo của quỹ.
Ông Schneider nói với DCNF rằng “công chúng cần hiểu rằng nền dân chủ chỉ có thể tồn tại nếu các cá nhân hoàn thành trách nhiệm của mình”.
“Công chúng Mỹ phải hiểu rằng nếu họ không thức tỉnh và hành động, thì ông George Soros và những người như ông George Soros sẽ chiến thắng, và tầm nhìn của họ về thế giới sẽ được thực thi”, ông nói.
49 nhóm quốc tế kêu gọi chấm dứt đàn áp ‘Phong trào giấy trắng’
Trong khi nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chính quyền Trung Quốc săn lùng những người biểu tình của “phong trào giấy trắng” nhằm chống lại lệnh phong tỏa. Gần đây, 49 nhóm nhân quyền quốc tế đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt cuộc săn lùng bạo lực đối với những người biểu tình ôn hòa.
Vào ngày 7 tháng 12, 49 nhóm nhân quyền, trong đó có Tổ chức Ân xá Quốc tế, Những người Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc, Quyền lực Công dân, Trung Quốc Dân chủ, Ngôi nhà Tự do… đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp, ngừng dùng bạo lực để giải tán và bắt bớ những người biểu tình ôn hòa.
Tuyên bố cho biết, vụ hỏa hoạn ở Tân Cương đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình của người dân Trung Quốc.
Vào ngày 24 tháng 11, một vụ hỏa hoạn đã bùng phát ở Urumqi, Tân Cương, nơi đã bị phong tỏa trong 108 ngày. Ít nhất 10 người thiệt mạng do không kịp chạy thoát vì chính sách phong tỏa của giới chức Trung Quốc.
“Cuộc cách mạng giấy trắng” nhanh chóng gây ra phản ứng toàn cầu. Sinh viên Trung Quốc từ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, Úc, Nhật Bản và các quốc gia khác đã tổ chức các cuộc mít tinh để ủng hộ cuộc nổi dậy của người dân Trung Quốc
Tuyên bố chung nhấn mạnh: “Đây là một ví dụ điển hình về việc chính quyền buộc người dân phải nổi dậy, và đó cũng là phản ứng tất yếu của người dân trước việc chế độ độc tài sử dụng các biện pháp gây áp lực nặng nề trong thời gian dài”.
Mặc dù một số chính quyền địa phương đã nới lỏng các biện pháp chống dịch nhằm cố gắng hạ nhiệt các cuộc biểu tình, nhưng ĐCSTQ đã tiến hành các cuộc truy quét ở nhiều nơi. Cảnh sát đang sách nhiễu các luật sư giúp đỡ người biểu tình, đồng thời ngăn chặn người dân xuống đường.
Các nhóm nhân quyền viết: “Do thiếu thông tin chính thức minh bạch và đáng tin cậy, chúng tôi vô cùng lo ngại về quy mô và mức độ nghiêm trọng có thể xảy ra, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục theo dõi các diễn biến và lên án mọi hành vi vi phạm nhân quyền liên quan đến cuộc đàn áp này.”
Tuyên bố kêu gọi ĐCSTQ ngừng truy sát tất cả những người tham gia biểu tình ôn hòa; ngừng theo dõi, quấy rối, tra tấn, khám xét và bắt giữ tùy tiện các nhà báo đã đưa tin độc lập về các cuộc biểu tình; và công bố số người bị giam giữ vì biểu tình ôn hòa.
Yi Lixiati, Giám đốc phụ trách các vấn đề Trung Quốc của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, người đã tham gia ký tên vào tuyên bố, nói rằng việc ĐCSTQ đàn áp những người biểu tình cũng là đàn áp tất cả mọi người.
Ông nói: “Kẻ thù chung của chúng ta là chính quyền toàn trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mọi người đều thấy rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ thực hiện tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ mà còn thực hiện tội ác diệt chủng văn hóa đối với Mông Cổ.”
Ông nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta phải hỗ trợ lẫn nhau và làm việc cùng nhau để chống lại sự bức hại và áp bức của chế độ toàn trị.”
Yilixiati cho biết thêm: “Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã đàn áp một nhóm người, bắt giữ một số người và tra tấn họ (những người bị bắt), nhưng chính phủ độc tài cũng đã nhượng bộ và việc chính sách phòng dịch đã bắt đầu nới lỏng. Điều này cho thấy rằng Một khi người dân vượt qua nỗi sợ hãi, khi người dân thức tỉnh và bước ra, chế độ độc tài bắt đầu run sợ.
Nhà hoạt động nhân quyền nhấn mạnh: “Tôi tin rằng một khi người dân cảm nhận được sức mạnh của chính quyền lực của mình, họ sẽ không dễ dàng bỏ cuộc. Mặc dù một số người bị bắt, một số người sẽ đứng lên. Từ năm 1949 đến nay, cuộc kháng chiến của người Duy Ngô Nhĩ, người Hán Sự phản kháng, sự phản kháng của các học viên Pháp Luân Công và sự phản kháng của các luật sư có lương tâm chưa bao giờ dừng lại.”
Ấn Độ chặn hãng Vivo của Trung Quốc xuất khẩu khoảng 27.000 smartphone
Nhà chức trách Ấn Độ đã chặn Vivo, hãng điện thoại của Trung Quốc – xuất khẩu khoảng 27.000 smartphone, giá trị gần 15 triệu USD, trong hơn một tuần.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết, hơn một tuần nay, bộ phận thanh tra lợi nhuận thuộc Bộ Tài chính Ấn Độ đang tịch thu lô smartphone do Vivo Ấn Độ sản xuất tại sân bay New Delhi. Nguyên nhân của hành động này là do cáo buộc khai báo sai về model thiết bị và giá trị của chúng.
Theo một trong các nguồn tin, lô hàng bao gồm khoảng 27.000 smartphone trị giá gần 15 triệu USD.
Hiệp hội Điện tử và Di động Ấn Độ đã viết thư kêu gọi các quan chức đầu ngành Ấn Độ “can thiệp khẩn cấp để ngăn chặn hành động đáng tiếc này”. Theo tổ chức, nó sẽ làm giảm nỗ lực và động lực khuyến khích sản xuất, xuất khẩu thiết bị điện tử của Ấn Độ.
Xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ leo thang sau vụ đụng độ mùa hè năm 2020 tại biên giới hai nước. New Delhi tăng cường giám sát những doanh nghiệp Bắc Kinh đang hoạt động ở đây, trong đó có các chi nhánh Xiaomi và ZTE. Hơn 200 ứng dụng liên quan đến Trung Quốc bị cấm cửa.
Bloomberg nhận định việc phong tỏa lô hàng Vivo tại sân bay có thể khiến các hãng smartphone Trung Quốc khác lo lắng. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang thúc đẩy doanh nghiệp địa phương tăng cường xuất khẩu và xây dựng chuỗi cung ứng trong nước.
Vivo xuất khẩu lô smartphone sản xuất tại Ấn Độ đầu tiên vào đầu tháng 11, sang các thị trường như Ả-rập Xê-út và Thái Lan. Song động thái mới nhất của chính quyền Ấn Độ có thể che phủ tương lai của Vivo tại thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới, nơi Vivo đang đối mặt với cáo buộc rửa tiền.
Trong khi đó, Xiaomi đồng cảnh ngộ khi bị cơ quan chống rửa tiền Ấn Độ tịch thu khoảng 275 triệu USD tài sản do cáo buộc vi phạm đạo luật ngoại hối. Các giám đốc điều hành của Xiaomi cũng bị triệu tập. Hôm 7/12, Xiaomi xác nhận Giám đốc kinh doanh tại Ấn Độ đã nghỉ việc sau 6 năm gia nhập công ty.
Tập Cận Bình tiếp tục ‘vung rìu’ chống tham nhũng
Ông Tập Cận Bình cho biết, chiến dịch chống tham nhũng sẽ tiếp tục trong nhiệm kỳ thứ ba của ông, tập trung vào các lĩnh vực tiền tệ, tài nguyên và quyền lực trong năm tới.
Bloomberg đã đưa tin vào ngày 7/12 rằng, yêu cầu chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình cũng nhắm vào hệ thống tài chính trị giá 58 nghìn tỷ USD và ngành công nghiệp bán dẫn, bởi vì giới lãnh đạo đã thất vọng vì sự thất bại trong việc nỗ lực tăng cường sản xuất chip cao cấp độc lập.
Theo Tân Hoa Xã, một cuộc họp của Bộ Chính trị gồm 24 thành viên do ông Tập chủ trì vào ngày 6/12 đã xác nhận một chiến thắng vang dội trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng chưa biết bao giờ mới kết thúc.
Chính phủ sẽ duy trì các biện pháp chống tham nhũng nghiêm ngặt trong một thời gian dài.
Ông Phạm Nhất Phi (范一飞), phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đã bị điều tra vào tháng trước với cáo buộc vi phạm pháp luật và kỷ luật.
Trong một năm trở lại đây, ông Phạm đã nhiều lần bị phỏng vấn, vì ông ấy đã phụ trách mảng thanh toán tài chính trong một thời gian dài nên những người tham gia thị trường, cho rằng việc ông ấy bị ngã ngựa có thể liên quan đến những quy định trong thanh toán.
Những gì còn lại của một Kherson
CNN đưa tin cách đây khoảng 10 ngày, đạn pháo Nga bắn vào thành phố Kherson, giết chết bốn người, phá tan không khí bình yên của vùng đất này, với cảnh những vũng máu và mảng cháy của các thiết bị quân sự.
Khu vực này đã được tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sáp nhập, dân thường ở đây được coi là người Nga và sẽ bảo vệ họ; nhưng thật oái oăm hiện giờ quân đội Nga vừa đang sát hại dân thường ở đây và vừa đang tháo chạy.
Hiện người dân Kherson đang phải chống chịu với tình trạng nhiều nơi thiếu điện và nước trầm trọng. Và tình thế sẽ tồi tệ hơn nhiều khi mà mùa đông sẽ đang đến rất nhanh.
Kherson đã bị Nga tiếp quản ngay từ những ngày đầu của cuộc xâm lược, và chỉ được giành lại sau khi quân đội của Điện Kremlin rút lui vào 11 tháng 11. Giờ đây dân chúng đang phải trải qua các cuộc công phá tương tự như nhiều nơi khác trên toàn quốc.
Tại một cửa hàng tạp hoá nhỏ mới bị pháo kích gần đây, PV thấy một người đàn ông địa phương đang tìm kiếm chút thức ăn còn sót lại và một cuộn giấy vệ sinh trong đống đổ nát, với hy vọng có thể đủ để sống sót qua ngày.
Khi PV hỏi “Mọi thứ tệ quá hả?” – “Đúng vậy!” anh ấy trả lời đầy xót xa.
Cuộc tấn công của Nga đã làm gián đoạn nguồn cung cấp nước cho thành phố. Chúng tôi thấy một người phụ nữ lớn tuổi đang đặt một cái xô để hứng những giọt nước mưa từ máng nước.
Rất nhiều người như Tatiana, cô không tiết lộ tên họ của mình, đã mạo hiểm đi lấy nước ở bờ sông Dnipro.
Các lực lượng Nga vẫn kiểm soát bờ đối diện và dòng sông chiến lược hiện đánh dấu tiền tuyến với các lực lượng Nga.
Tatiana đổ đầy nước cho hai thùng nhựa màu đen, sau đó cô cố gắng mang trở về nhà. Cô chia sẻ “Làm sao chúng tôi có thể sống mà không có nước? Chúng tôi cần nước để rửa ráy, đi vệ sinh, rửa bát. Chúng ta có thể làm gì?. Chúng ta không thể sống thiếu nước. Vì vậy, chúng tôi đến đây”.
Cách đó không xa, tiếng pháo nổ giao chiến giữa hai bên Ukraine và Nga vẫn vang lên. Đây không phải là nơi để đi dạo.
Chỉ hai tuần trước, quảng trường trung tâm thành phố là nơi ăn mừng chiến thắng sau khi quân Nga rút lui. Đó là sự kiện đánh dấu cho một trong những thất bại lớn nhất của Moscow ở cuộc chiến này.
Giờ đây, những chiếc lều do chính quyền địa phương dựng lên như bằng chứng cho những khó khăn vẫn đang hiện hữu nơi đây. Một là để sưởi ấm, một là để sạc điện thoại và một là để giúp đỡ những người đã sẵn sàng muốn hoàn toàn rời đi.
Trong lều sạc, mọi người cả già lẫn trẻ cùng nhau nhâm nhi tách trà và sạc điện thoại. Không khí ngột ngạt và nhiệt độ cũng ấm hơn lên vì quá nhiều người.
Hanna và con gái Nastya ngồi trên cũi. Hôm trước là sinh nhật lần thứ chín của cô bé, cháu trang điểm với khuôn mặt màu quốc kỳ Ukraine và quàng một lá cờ rủ trên vai.
Hanna nói: “Chúng tôi đã trải qua vô vàn khó khăn để sống sót cho đến ngày hôm nay. Tôi có thể nói, hiện tại hoàn cảnh đã khá hơn rất nhiều, mặc dù không nước, không điện nhưng quan trọng nhất là không còn người Nga. Không có gì nhưng chúng tôi sẽ vượt qua tất cả”.
Bé gái Nastya cũng chia sẻ “Cháu nghĩ rằng kẻ thù cuối cùng đều sẽ phải đền tội, người Ukraine chúng cháu sẽ cho người Nga thấy được điều gì sẽ đang chờ đón họ nếu họ dám chiếm đất Ukraine”.
Ngay cả những người ở vùng ngoại ô và lân cận cũng cảm nhận được những khó khăn đó, họ không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc chiếm đóng của quân Nga nhưng lại sống ở ngay tuyến đầu của cuộc chiến.
Kể từ đầu cuộc chiến, khi quân Nga đổ bộ, trang trại bò sữa của hai vợ chồng người nông dân, ông Valerity 51 tuổi và bà Natalia 50 tuổi, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng: nhà bếp bị đổ, máy kéo ô tô bị phá tan, còn bản thân hai vợ chồng họ phải trốn trong hầm chứa khoai tây.
Họ luôn canh cánh trong lòng về nơi chôn nhau cắt rốn – về quê hương mình. Đây là nơi tôi sinh ra. Nhưng vì cuộc chiến quá khốc liệt nên chúng tôi đã phải từ bỏ ngôi nhà và những con bò yêu dấu để đi di tản, nay chúng tôi đã trở về.
“Cuộc sống của chúng tôi hiện giờ ra sao ư?. Tuyệt vời!” Bà Natalia vừa nói vừa cười khi rửa bát bằng nước ấm hâm trên bếp. “Rất cực khổ. Nhưng ít nhất chúng tôi cũng đang ở nhà mình.”
Valeriy cầm một mảnh kim loại lớn – đó tất cả những gì còn lại của quả tên lửa rơi xuống sân nhà anh.
Ông chia sẻ: “Chúng tôi sống khá yên bình và lặng lẽ, làm việc chăm chỉ, kiếm từng đồng tiền. Một số người dân chỗ chúng tôi trồng trọt, còn những người khác thì chăn nuôi”.
Giờ nhìn lại những gì đã và đang xảy ra với ngôi làng của chúng tôi, nó như hòn đá đè nặng lên tâm hồn tôi vậy.
Từng mảnh vườn, trang trại rồi đến ngôi nhà, tất cả đều do chính bàn tay tôi làm ra. Bây giờ thật khó khăn biết bao, hãy xem những gì mà bọn khốn Nga để lại.
Nhưng ít nhất lúc này một điều thực sự bất ngờ với người đàn ông này là những con bò của ông vẫn còn sống sau nhiều tháng lang thang trên đồng cỏ.
“Tôi đã ôm chúng! Tôi rất mừng vì chúng đã sống sót, tôi đã rất lo cho chúng” giờ thì Valerity cũng ấm lòng hơn một chút.