Mỹ áp đặt trừng phạt mới với Nga và ĐCSTQ vì vi phạm nhân quyền
Theo Wall Street Journal (WSJ) đưa tin Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Nga, bao gồm nhắm mục tiêu vào các cáo buộc vi phạm nhân quyền của hai nước, và cả việc Bắc Kinh hỗ trợ đánh bắt cá trái phép ở Thái Bình Dương, cũng như việc Nga triển khai máy bay không người lái của Iran ở Ukraine.
Vào ngày 20/3/2007 tại thành phố Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), các quan chức của Cục Quản lý Nghề cá Trung Quốc trên con tàu “Cục Quản lý Nghề cá Trung Quốc 33016” lần đầu tiên đi trước làm nhiệm vụ bảo vệ. Đây là con tàu quản lý nghề cá tiên tiến nhất của tỉnh Chiết Giang, tốc độ 19,5 hải lý/giờ, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ ở biển Hoa Đông. (Ảnh: Getty Images)
Hầu hết các biện pháp trừng phạt được áp dụng theo Đạo luật Magnitsky toàn cầu, mà Mỹ sử dụng để xử phạt các quan chức chính phủ, quân đội cấp cao và doanh nghiệp bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và tham nhũng. Mục đích là truy cứu trách nhiệm của họ và răn đe những người khác.
Các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng bất kỳ tài sản nào mà các mục tiêu có trong phạm vi quyền tài phán của Mỹ, ngăn họ đến Mỹ và cấm kinh doanh với họ. Đối với các quan chức chính phủ và doanh nghiệp, các hành động này có thể làm phức tạp việc đi lại và tài chính quốc tế. Thông qua cắt đứt quyền tiếp cận thị trường lớn nhất thế giới của các công ty liên quan, lệnh trừng phạt có thể làm gián đoạn hoạt động của họ và thậm chí buộc các công ty phải giải thể.
Về phần Trung Quốc, lệnh trừng phạt được công bố sáng thứ Sáu (ngày 9/12) vì nghi ngờ đánh cá trái phép, bao gồm hai công dân Trung Quốc là Li Zhenyu và Zhuo Xinrong, cũng như 8 thực thể và hơn 150 tàu đánh cá treo cờ Trung Quốc (ĐCSTQ).
Các quan chức phương Tây cho biết Bắc Kinh đã sử dụng các thực thể này không chỉ để nuôi sống dân số lớn nhất thế giới, mà còn giúp ĐCSTQ xây dựng một mạng lưới bến cảng bên ngoài biên giới của mình.
Quan chức nắm được tình hình nói với WSJ rằng một trong những thực thể bị trừng phạt, Pingtan Marine Enterprise Co., được niêm yết trên Nasdaq. Việc đưa công ty này vào danh sách đen, đánh dấu lần đầu tiên Bộ Tài chính Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt trực tiếp đối với một công ty trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Các cổ đông Mỹ có 90 ngày để kết thúc hoặc thoái vốn bất kỳ khoản nợ hoặc vốn chủ sở hữu nào liên quan đến công ty.
Các nhà phân tích cho rằng ngoài việc làm cạn kiệt nguồn cá đánh bắt, Trung Quốc còn đang sử dụng các tàu đánh cá của mình để đạt được các mục tiêu địa chính trị. “Chính quyền trung ương và địa phương tuyển dụng một số tàu đánh cá thương mại để tham gia các hoạt động dân quân trên biển,” báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) gửi các nhà lập pháp vào tháng 4 cho biết. CRS nói rằng các quan chức Chính phủ ĐCSTQ đã yêu cầu họ hoạt động ở những vùng biển cụ thể, tham gia huấn luyện và bảo vệ chủ quyền, đồng thời hỗ trợ quân đội ĐCSTQ trong chiến đấu.
Một quan chức Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt cũng bổ sung vào danh sách các thực thể Trung Quốc liên quan đến vi phạm nhân quyền đối với người Tây Tạng. Tổ chức nhân quyền cho biết Bắc Kinh đã sử dụng lực lượng an ninh để kiểm soát tổ chức này và quấy rối những người bị tình nghi là tín đồ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong của Tây Tạng.
Điều phối viên đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ về các vấn đề Tây Tạng, bà Urza Zeya, cho biết vào đầu năm nay rằng Chính phủ Mỹ sẽ buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền đối với người dân Tây Tạng và các dân tộc thiểu số khác.
Đối với Nga, Mỹ sẽ trừng phạt các quan chức chịu trách nhiệm về các trại sàng lọc của Nga dành cho những người Ukraine bị mắc kẹt ở tiền tuyến. Tổ chức Theo dõi nhân quyền cáo buộc quân đội Nga tra tấn công dân và phạm các tội ác chiến tranh khác ở những trại sàng lọc này.
Theo các quan chức, Chính phủ Mỹ cũng có kế hoạch tấn công một số thực thể công nghiệp quốc phòng của Nga có liên quan đến việc chuyển giao máy bay không người lái quân sự của Iran, Moscow đã và đang sử dụng nó để tàn phá cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine.
Washington cũng đang chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ủy ban bầu cử trung ương của Nga. Đây là cơ quan chủ trì một hệ thống bầu cử bị các quan chức phương Tây tố cáo là gian lận và đảm bảo quyền kiểm soát của ông Putin đối với nước Nga trong gần một phần tư thế kỷ.
Bắc Kinh và Moscow đã từng là mục tiêu của các biện pháp trừng phạt nhân quyền của Mỹ. Các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với các nhà dân chủ Hồng Kông, và cả cuộc chiến của Moscow ở Ukraine.
Tiêu Nhiên, Vison Times
Ông Vladimir Putin: Nga lẽ ra nên mở chiến dịch quân sự ở Ukraine sớm hơn
Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin, cho biết bản thân cảm thấy “thất vọng” trước những bình luận gần đây của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel liên quan đến các thỏa thuận Minsk, theo tờ RT.
Cụ thể, tại một cuộc họp báo diễn ra hôm 9/12, Tổng thống Putin cho hay rằng ông bị sốc trước phát ngôn của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel liên quan đến các thỏa thuận Minsk.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với tờ Die Zeit hôm 7/12, bà Merkel cho biết mục đích thực sự của các thỏa thuận Minsk trong giai đoạn năm 2014-2015 là nhằm kéo dài thời gian và cho phép Ukraine xây dựng tiềm lực quân sự cho một cuộc đối đầu trong tương lai với Nga.
Nhà lãnh đạo Nga cho hay rằng phát biểu của bà Merkel một lần nữa chứng minh rằng việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine là một quyết định đúng đắn.
“Hóa ra, không ai có ý định thực hiện bất kỳ phần nào của thỏa thuận Minsk”, ông Putin nói, trong đó nhắc lại việc cựu Tổng thống Ukraine Pyotr Poroshenko gần đây cũng thừa nhận rằng ông không có ý định tuân thủ các thỏa thuận sau khi ký vào năm 2014 và 2015.
“Tôi nghĩ rằng những bên khác tham gia thỏa thuận này ít nhất cũng trung thực, nhưng không, hóa ra họ cũng đang nói dối chúng tôi và chỉ muốn bơm vũ khí cho Ukraine, chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột quân sự”, ông Vladimir Putin nói. Tổng thống Putin kết luận rằng Nga có thể đã nhận ra điều này muộn và lẽ ra nên triển khai “chiến dịch quân sự” ở Ukraine sớm hơn.
Ra đời năm 2015, Thỏa thuận Minsk được kỳ vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho chiến sự miền đông Ukraine và tháo ngòi căng thẳng giữa Nga – Ukraine. Điều khoản cốt lõi của Thỏa thuận Minsk là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các bên phải nhất trí rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực tiền tuyến. Quân đội chính phủ Ukraine được tái kiểm soát khu vực biên giới giáp Nga, trong khi tất cả lực lượng và lính đánh thuê nước ngoài phải rút khỏi miền đông Ukraine.
Theo giải thích từ phía Nga, các thỏa thuận Minsk buộc chính quyền Kyiv phải sửa đổi về luật và hiến pháp, qua đó mở đường cho phép các lực lượng ly khai thân Nga tại vùng Donbass có đại diện trong chính quyền Ukraine. Tuy vậy, Moscow cho rằng việc Nga công nhận độc lập cho Donbass và sáp nhập vùng lãnh thổ này là kết quả trực tiếp của việc Ukraine thất bại trong thực thi các thỏa thuận này.
Tổng thống Putin cũng cho rằng các quốc gia phương Tây đang cố tình gieo rắc sự hỗn loạn và bạo lực để đạt được các mục tiêu địa chính trị.
Phan Anh (Trí Thức VN)
EU thông qua gói hỗ trợ Ukraine trị giá 18 tỷ EUR trong năm 2023
Ngày 10/12, Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố đã thông qua gói gói hỗ trợ tín dụng cho Ukraine trị giá 18 tỷ EUR (tương đương với 18,9 tỷ USD) trong năm 2023, theo tờ Euro News.
Tuyên bố của cơ quan này cho hay: “Hội đồng đã đạt được nhất trí về gói lập pháp cho phép EU hỗ trợ Ukraine về mặt tài chính trong năm 2023 với 18 tỷ EUR. Đề xuất được Hội đồng thông qua bằng văn bản và sẽ được đệ trình lên Nghị viện châu Âu để xem xét phê chuẩn trong tuần tới”.
Các khoản vay của EU cho Kyiv sẽ có thời gian ân hạn 10 năm với sự bảo lãnh của các quốc gia thành viên EU hoặc ngân sách chung của khối.
Được biết, Ukraine đang gấp rút tìm kiếm hàng tỷ USD viện trợ tài chính khẩn cấp vào năm tới khi nước này phải chật vật vượt qua tình trạng suy thoái kinh tế do tác động của cuộc xung đột hiện nay với Nga. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính chính quyền Kyiv sẽ cần khoảng 3-4 tỷ EUR mỗi tháng trong năm 2023 nhằm nỗ lực duy trì các hoạt động của Chính phủ Ukraine khi tình hình xung đột có thể vẫn tiếp diễn.
EU hy vọng rằng khoản hỗ trợ của liên minh này cùng các khoản đóng góp của Mỹ và các nhà tài trợ quốc tế lớn khác sẽ giúp đạt được các mức viện trợ cần thiết dành cho Ukraine.
Ở một diễn biến khác, hôm 9/12 vừa qua, Nhà Trắng thông báo rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt khoản viện trợ quân sự mới trị giá 275 triệu USD cho Ukraine nhằm giúp Kyiv tăng cường năng lực phòng không, theo hãng tin Reuters.
Đây là lần thứ 27 Mỹ sử dụng Quyền rút vốn của Tổng thống (PDA) cho Ukraine, trong đó cho phép Mỹ chuyển các vật phẩm và dịch vụ quốc phòng từ các kho dự trữ một cách nhanh chóng mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong trường hợp khẩn cấp. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby, xác nhận rằng số thiết bị này đang trên đường vận chuyển tới Ukraine.
Hồi tháng trước, Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 400 triệu USD cho Ukraine, trong đó có các hệ thống phòng không và tên lửa đất đối không. Gói viện trợ quân sự mới của Mỹ bao gồm 4 tổ hợp phòng không tầm thấp và có khả năng cơ động cao Avenger, cũng như các tên lửa Stinger dùng cho 4 tổ hợp này. Được biết, đây là lần đầu tiên Mỹ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không Avenger.
Phan Anh
Ukraine sử dụng hệ thống HIMARS tấn công vùng lãnh thổ Nga tuyên bố sáp nhập
Quyền thống đốc Vùng Zaporozhye, ông Evgeny Balitsky, tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine đã phóng một loạt tên lửa về phía thành phố Melitopol ở vùng này vào tối ngày 10/12, đánh trúng một khu phức hợp khách sạn và nhà hàng, theo hãng tin RT. Vụ tấn công diễn ra vào khoảng 21 giờ (giờ địa phương) và được cho là thực hiện bằng Hệ thống Tên lửa phóng loạt cơ động cao M142 (HIMARS) do Mỹ cung cấp.
Ông Balitsky cho hay trong một bài đăng trên Telegram rằng hai trong số các quả tên lửa đã bị lực lượng phòng không đánh chặn, nhưng bốn quả tên lửa còn lại đã đánh trúng một khu nhà nhỏ ở ngoại ô thành phố và phá hủy hoàn toàn một trung tâm giải trí nhỏ.
Được biết, hai người đã thiệt mạng tại chỗ, 10 người bị thương và đã nhập viện. Ít nhất ba trong số các nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Đoạn video do ông Balitsky chia sẻ cho thấy rằng một số ngôi nhà đã bốc cháy, lính cứu hỏa và lực lượng cứu hộ đang làm việc tại hiện trường.
Hồi tháng 10 vừa qua, Nga đã tuyên bố sát nhập Zaporozhye và 3 khu vực khác tại Ukraine gồm Kherson, Donetsk và Lugansk, sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Thành phố Melitopol nằm gần biển Azov, có dân số khoảng 149.000 người trước khi xung đột nổ ra.
Ukraine cam kết sử dụng vũ lực quân sự để đẩy Nga khỏi tất cả các vùng đất mà Ukraine coi là của mình. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng ông muốn tất cả những người sống trong lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời trở lại dưới quyền của Ukraine, đồng thời cảnh báo sẽ trừng phạt những người đã hợp tác với Nga.
Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, nói rằng Nga đang yêu cầu Ukraine từ bỏ lãnh thổ và coi đây là điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán. Ukraine không thể chấp nhận điều kiện này, do vậy các cuộc đàm phán không thể diễn ra ở thời điểm hiện tại.
Phan Anh
Đài Loan cân nhắc kiện TQ ra WTO sau lệnh cấm nhập khẩu mới nhất
Đài Loan có thể kiện Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau khi quốc gia này cấm nhập khẩu thực phẩm và đồ uống của Đài Loan, Thủ tướng Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) cho biết hôm 10/12.
Đài Loan suốt hai năm qua vẫn luôn chỉ trích lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc đối với nhiều loại nông sản và thủy sản của đảo quốc này, bao gồm cả dứa và cá mú, cho rằng đây là một phần trong chiến dịch gây áp lực của Bắc Kinh.
Các lệnh cấm mới nhất bao gồm nhiều sản phẩm thủy sản hơn, chủ yếu là mực, cũng như một số loại bia và rượu, mà Trung Quốc tuyên bố là do các công ty Đài Loan không hoàn thành đầy đủ các thủ tục giấy tờ liên quan.
Phát biểu với các phóng viên, ông Tô khẳng định, Trung Quốc đang sử dụng các biện pháp hành chính để “can thiệp” vào hoạt động thương mại bình thường, điều này không phù hợp với các quy tắc của WTO.
Chính phủ Đài Loan sẽ cố gắng hết sức để liên hệ với các cơ quan liên quan của Trung Quốc về vấn đề này, ông nói thêm.
“Nếu nhận thấy Trung Quốc có bất cứ dấu hiệu nào không tuân thủ các tiêu chuẩn liên quan của WTO, chúng tôi cũng sẽ làm theo các kênh liên quan để gửi khiếu nại.”
Cả Đài Loan và Trung Quốc đều là thành viên của WTO.
Trong một tuyên bố vào cuối ngày 9/12, Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc lưu ý, nguyên nhân của lệnh cấm xuất khẩu là do thủ tục hành chính, khi các công ty bị ảnh hưởng không được đăng ký hợp lệ và đây là “biện pháp giám sát an toàn thực phẩm thông thường”.
Họ cũng bày tỏ hy vọng các công ty Đài Loan sẽ cung cấp thông tin đáp ứng yêu cầu của chính phủ càng sớm càng tốt.
“Đồng thời, chúng tôi yêu cầu các bộ phận liên quan trên hòn đảo này ngay lập tức chấm dứt mọi thao túng chính trị và không làm bất cứ điều gì ngu ngốc gây hại cho các công ty của họ,” phía Văn phòng nêu rõ.
Nhật Minh (Theo Reuters)