Điện mặt trời lên xuống

Từ Thức 

Trong khi các nước vẫn khuyến khích mua điện mái nhà của người dân, Việt Nam lại áp dụng chính sách mua 0 đồng, không khác gì hạn chế, thì là ngược đời.

Năm 2008, nhằm khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà, chính phủ Australia đưa ra chương trình hỗ trợ giá tới năm 2028 để các nhà phân phối mua lại điện mặt trời mái nhà của người dân với giá cao là 0,44 AUD mỗi kWh.

Việc này làm bùng nổ làn sóng lắp điện mặt trời, vì với giá đó, người dân có thể hồi vốn chỉ sau một đến hai năm đầu tư. Điện mặt trời làm cho một số nguồn năng lượng khác như điện than, khí trở nên đắt đỏ. Một trong các công ty năng lượng lớn nhất Australia là AGL từng phải đề nghị cải tổ bằng việc tách mảng điện than thành công ty riêng để tránh lỗ gộp vào sổ sách.

Chỉ sau một thời gian ngắn, chính phủ Australia nhận ra ngân sách hỗ trợ không đủ và việc điều động điện mặt trời mái nhà đòi hỏi vận hành phức tạp, nên giá khuyến khích này không được tiếp tục.

Hiện nay, người dân Australia lắp điện mặt trời mái nhà phải bán lại cho các nhà phân phối điện với giá rẻ hơn rất nhiều, theo biểu giá của từng nhà phân phối. Điều này khiến lợi ích đạt được chủ yếu đến từ việc hạn chế mua điện (truyền thống) thay vì bán điện (mặt trời). Mặc dù các hãng lắp đặt ra sức quảng cáo về việc thu hồi vốn nhanh, quá trình thu hồi vốn thực tế thường kéo dài tới hơn mười năm, phụ thuộc vào số lượng điện tiêu thụ trung bình của hộ gia đình. Đây là đã tính nguồn hàng giá rẻ được cung cấp từ cơn khủng hoảng thừa tấm năng lượng mặt trời từ Trung Quốc, và không có hỏng hóc nào trong thời gian vận hành. Ngoài ra các nhà phân phối còn hạn chế sản lượng điện mua vào, ví dụ Ergon – nhà phân phối cho toàn bộ phía bắc bang Queensland – chỉ mua tối đa 5 kW mỗi giờ từ một địa chỉ nhà, dù các hộ có thể sản xuất tới hơn 30 kWh do Australia chủ yếu là nhà rộng thấp tầng.

Về cơ bản, có 5 khó khăn chính trong việc điều động điện mặt trời mái nhà là: dao động hiệu điện thế, sự thiếu cân bằng nguồn-tải, quá tải đường dây, an toàn thiết bị và đồng bộ pha. Trong đó ba khó khăn đầu là trực tiếp và liên tục. Trung bình, 56-73% Trái đất được che phủ bởi mây ở các mức độ khác nhau, và các đám mây này luôn di động. Kích thước của các đám mây lớn trên dưới một km2, thậm chí lên tới hơn 100 km2 nếu có mưa lớn. Diện tích này đủ che phủ nhiều cụm dân cư với các trạm biến áp riêng. Việc di chuyển của các đám mây làm điện thế dao động mạnh theo từng vùng, đòi hỏi phải có một hệ thống điều độ điện tiên tiến cho phản ứng kịp thời, bởi thay đổi có thể diễn ra trong từng phút. Do các thiết bị điện 220 V chỉ hoạt động tốt trong dải 200-240 V, hiệu điện thế không nên dao động quá 10%. Điều này yêu cầu hạn chế số lượng hộ và công suất bán ngược lại cho điện lưới dưới 10%, nếu không được điều động.

Ngoài ra, điện mặt trời mái nhà cũng không hoàn toàn lợi như tưởng tượng. Ví dụ, hầu hết thiết bị biến đổi dòng (inverter) đều được thiết kế để hoạt động đồng bộ pha với điện lưới. Nên khi mất điện lưới, điện mặt trời cũng không được biến đổi, và nhà bạn vẫn mất điện như thường.

Khi các chương trình khuyến khích giảm dần, người dân không còn hào hứng lắp mới nữa, quy luật cung cầu của thị trường tự nhiên được thiết lập lại.

Nên tôi có thể hiểu, đề nghị mua điện giá 0 đồng của EVN là nhằm hạn chế lắp đặt quá nhiều, khiến điện thế trồi sụt thiếu kiểm soát. Tuy nhiên, nếu thấy phiền phức thì không nên mua. Còn đã mua, sao lại trả 0 đồng? Các nước vẫn mua với giá thấp vừa phải, vì điện lưới vẫn tận dụng được những lợi ích không thể chối bỏ từ việc người dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

Lợi ích thứ nhất là giảm áp lực sản xuất điện. Các hộ lắp đặt điện mặt trời mái nhà sẽ giảm tiêu thụ điện lưới, từ đó giảm yêu cầu truyền tải điện. Năm 2022, điện mặt trời mái nhà chiếm tới 25,8% sản lượng điện toàn Australia. Mặc dù chiếm tỷ lệ lớn, điện mặt trời mái nhà vẫn được điều động tốt ở Australia nhờ hệ thống điều động điện tiên tiến, phản ứng tự động và nhanh theo chuỗi sự kiện. Thêm vào đó, các hộ có thể ký tham gia một số chương trình nhà thông minh, cho phép hệ thống điều khiển thiết bị trong từng gia đình theo trạng thái điện lưới. Ví dụ, khi sụt điện do mưa, điều hòa nếu đang bật sẽ được tự động chỉnh xuống mức thấp. Điều này không gây khó chịu cho người dân, mà giảm áp lực sụt điện.

Lợi ích thứ hai là giảm áp lực điều động điện trong điều kiện khắc nghiệt. Ví dụ, trong những đợt nắng nóng kéo dài, thủy điện lâm vào trạng thái khô hạn và hoạt động cầm chừng. Ngay cả khi có nước, thì việc các cụm dân cư bật quạt và điều hòa hết cỡ cũng làm đường dây bị quá tải, dẫn tới cháy nổ hoặc cắt điện luân phiên. Lúc này, điện mặt trời mái nhà lại đạt công suất tốt nhất, làm giảm áp lực lên hệ thống điện lưới.

Do vậy, tôi tin rằng giải pháp tốt nhất về lâu dài là EVN cần nâng cấp hệ thống điều động điện của mình để phù hợp với tình hình sản xuất năng lượng mới, theo kịp xu hướng thế giới. Một giải pháp hiện bắt đầu được sự quan tâm trên thế giới là cho thuê hạ tầng. Nhà phân phối điện sẽ xây một số trạm pin để dự trữ năng lượng trong dân. Như vậy, năng lượng điện mặt trời mái nhà không bán vào lưới tổng mà được dự trữ cục bộ ở các trạm này. Người dân muốn bán điện thì trả tiền thuê hạ tầng theo tháng. Thực tế thì chi phí này không rẻ hơn lắp pin tại nhà, nhưng người dân không phải trả tiền ngay, không phải bảo trì và vẫn có lợi nếu bán điện đủ nhiều.

Mua điện mặt trời mái nhà với giá nào rõ ràng không phải là bài toán đơn giản với Bộ Công Thương. Nhưng mua với giá 0 đồng sẽ gây rất nhiều hoài nghi về việc lạm dụng nguồn điện của dân, nhất là khi hầu hết các nước không làm vậy.

Trong khi các nước vẫn khuyến khích mua điện mái nhà của người dân, Việt Nam lại áp dụng chính sách mua 0 đồng, không khác gì hạn chế, thì là ngược đời.

T.T.

Related posts