Hội An
Áp lực khi cả lớp đi học thêm còn con mình thì không, nhiều phụ huynh đã chuyển con từ trường công sang trường tư, chấp nhận trả học phí cao hơn.
Vấn nạn dạy thêm, học thêm trái quy định, biến tướng diễn ra hàng ngày, hàng giờ từ thành thị đến nông thôn, len lỏi cả trong thôn, ngõ, ấp, học thêm từ lớp mẫu giáo,… để lại nhiều hậu quả xấu tác động đến vai trò, vị trí, trách nhiệm, lương tâm, đạo đức người thầy và ảnh hưởng rất lớn đối với học sinh.
Môi trường dạy học thân thiện, học sinh tích cực bị biến thành môi trường mua-bán, học sinh từ người học trở thành ‘khách hàng’. Hàng loạt bức xúc, bất công,…sinh ra từ việc dạy thêm, o ép dạy thêm khiến môi trường dạy học méo mó.
Học sinh vì thơ ngây, vì theo đám bạn, vì điểm số,… đã bị vắt kiệt sức do học thêm từ lớp 1.
Học thêm đã biến học sinh và gia đình trở thành nạn nhân, phụ huynh mất tiền, học sinh mất đi thời gian vui chơi, tham gia các phong trào, hoạt động xã hội,…
Giáo viên vô tình hoặc cố ý tạo áp lực
Theo bài viết trên báo Dân Trí phản ánh, hết kỳ nghỉ hè vừa qua, con trai chị Nguyễn Thu Thủy (Hà Nội) lên lớp 8, chị quyết định chuyển con từ một trường công sang trường tư. Trước đó, vợ chồng chị đã bức xúc vì những bất công ở trường công trong nhiều năm liền.
Chị Thủy cho biết, khi học ở trường công, con chị phải đi học phụ đạo ở trường vào các buổi chiều từ thứ 2 đến thứ 6. Bức xúc hơn cả là ngoài học thêm ở trường, con chị và nhiều bạn khác phải chịu áp lực “không học thêm là không yên”.
Đầu năm học nào giáo viên chủ nhiệm cũng gửi mẫu đơn xin học phụ đạo hoặc trái ca vào nhóm lớp, nhắc phụ huynh viết tay và nộp vào buổi họp đầu năm, ngoài ra không giải thích gì thêm. Lúc có phụ huynh thắc mắc, cô giáo mới nói đây là lịch học tự nguyện.
Theo chị Thuỷ: “Cô giáo không quên nhấn mạnh là cả lớp đã đăng ký, con nên học phụ đạo để củng cố kiến thức. Dù không định phản đối học phụ đạo nhưng tôi cảm giác con mình bị bắt buộc học trên tinh thần tự nguyện”.
Mỗi tháng, con phải học hơn 60 tiết vào buổi chiều. Tiền học phụ đạo hơn 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nhà trường còn phát sinh thêm tiết học câu lạc bộ. Có lần, chị gợi ý con nghỉ học câu lạc bộ nhưng thằng bé bảo không được, vì giáo viên chủ nhiệm thường thay tiết học này bằng tiết dạy bù, ôn tập.
Khó chịu vì con phải “tự nguyện” học phụ đạo quá nhiều đã đành, điều khiến chị không chấp nhận được là áp lực học thêm mà thầy cô tạo ra cho phụ huynh và học sinh. Đa số thầy cô của con đều mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường, ngang nhiên động viên phụ huynh cho con đi học thêm, giao bài tập ở lớp học thêm ngay trong nhóm chat chung của lớp chính khóa.
Gần 2/3 học sinh trong lớp đi học thêm các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh với thầy cô dạy chính khóa. Chị Thủy không cho con trai học thêm vì cho rằng con học phụ đạo buổi chiều là quá đủ.
Tuy nhiên, theo chị Thuỷ: “Con không học thêm là không yên. Bất cứ thông báo gì về lịch học, chương trình ôn tập trước kỳ thi hay điểm số của các con ở lớp học thêm đều được các thầy cô thông báo vào nhóm chat chung của lớp chính khóa. Thỉnh thoảng, thầy cô lại nhắn tin động viên cha mẹ cho con đi học thêm. Lý do là chương trình ngày càng khó, sắp tới kỳ thi và cả lớp đều học thêm.
Tôi không dám khẳng định là con không học thêm sẽ bị thầy cô trù dập, nhưng giáo viên dù vô tình hay cố ý bàn chuyện học thêm trong nhóm lớp chung đã tạo áp lực, khiến nhiều phụ huynh phải “cắn răng” cho con đi học. Trong đó, nhiều người còn có hoàn cảnh khó khăn”
Phải chứng kiến những bất cập trên, đúng lúc kinh tế gia đình khá giả hơn, vợ chồng chị quyết định chuyển con sang trường tư thục.
Theo chị Thủy, con sang trường tư không có nghĩa là được học ít hơn ở trường công. Con vẫn phải học vào các buổi chiều nhưng phần lớn là tiết tiếng Anh, con được tự chọn các môn thể thao, nghệ thuật để học.
“Chạy trốn” khỏi áp lực điểm số, thi cử
2 năm trước, chị Vũ Thị Đào (Hà Nội) cũng đã chuyển con gái từ một trường công sang trường tư. Mục đích là giúp con “chạy trốn” khỏi áp lực điểm số, thi cử.
Chị Đào nhớ lại, khi còn học ở trường công, con gái chị rơi vào cảnh sợ học. Lý do là con phải học từ sáng đến tối, từ ở trường đến lớp học thêm. Buổi tối, con phải thức đến nửa đêm để hoàn thành bài tập chính khóa và luyện đề của thầy cô dạy thêm giao.
Ngày nào không đi học thêm, con thường chỉ phải dành 1,5-2 tiếng mỗi buổi tối để làm bài tập. Nếu học thêm, 7 rưỡi tối con mới về đến nhà, ăn cơm, tắm rửa xong là 8 giờ hơn. Con ngồi vào bàn học đến 12 giờ đêm mới được nghỉ ngơi vì bài tập ở lớp học thêm còn nhiều hơn bài tập trên lớp.
“Học buổi chiều ở trường đã mệt, con còn phải học thêm 5 buổi tối/tuần. Đề cương, đề thi thử chất đống trên bàn học. Việc học thêm cướp hết thời gian nghỉ ngơi, giải trí khiến con sợ học. Ngày trước, không ít lần con xin bố mẹ cho nghỉ học thêm”.
Theo chị Đào, ở trường công, điều khiến chị bất bình nhất là việc thầy cô có sự phân biệt giữa học sinh đi học thêm với phần còn lại.
Năm con gái lên lớp 6, giữ quan điểm từ ngày con học tiểu học, chị Đào chỉ cho con học thêm tiếng Anh với gia sư, nói không với các môn khác. Trong khi đó, có tới hơn nửa lớp chọn học thêm toán, ngữ văn, tiếng anh với các thầy cô dạy chính khóa.
Kết quả là cả năm lớp 6, con gái chị và phần lớn những bạn không đi học thêm luôn đứng ở nửa dưới của bảng điểm các môn trên.
Ở môn ngữ văn, điểm thi của những bạn không học thêm không đến nỗi kém, con chị Đào luôn được điểm khá nhưng điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên lại thấp hẳn so với phần còn lại. Đây cũng là những học sinh được cô “quan tâm” gọi lên bảng trả bài nhiều nhất.
Đáng nói, ở môn toán, đề cương ôn tập được giáo viên phát cho cả lớp. Tuy nhiên, thầy giáo chỉ chữa đề cương chi tiết ở buổi học thêm, các em không đi học thêm chỉ được chấm điểm chứ không được chữa trong buổi học chính khóa. Vì vậy, điểm môn toán cũng có sự chênh lệch lớn giữa 2 nhóm đối tượng.
“Hết năm lớp 6, gần như cả lớp phải đăng ký học thêm. Nhiều phụ huynh “nói nhỏ” với nhau rằng cho con học thêm để được yên thân. Nếu không thì thỉnh thoảng lại bị thầy cô nhắc tên trong nhóm chat hoặc trong cuộc họp phụ huynh hết vì lý do này đến lý do khác. Tôi cũng không thể làm ngơ nên buộc phải cho con đi học với các bạn.
Bi hài hơn là tôi phải cho con học thêm tiếng Anh cùng lúc với cô chủ nhiệm và gia sư. Học với giáo viên chủ nhiệm để lấy lòng cô, còn học với gia sư để lấy kiến thức và kỹ năng giao tiếp cho con”, chị Đào nói.