Lê Học Lãnh Vân
Chia sẻ với phóng viên báo điện tử VietnamPlus sáng 9/12, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng: “Thông tin đá vỉa hè khi mưa xuống thì bị giãn nở, tự vỡ là câu trả lời thiếu trách nhiệm. Điều này làm cho cộng đồng xã hội rất ái ngại về khả năng chuyên môn của người đứng đầu ngành xây dựng Thủ đô” (VietnamPlus, 09/12/2022). Người đưa ra thông tin trên là ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, khi cho rằng “vỉa hè lát đá tự nhiên “có độ bền 70 năm” ở Hà Nội vỡ nát sau thời gian ngắn sử dụng một phần do “mưa xuống đá giãn nở nên tự vỡ”” (TTO ngày 8/12/2022).
Có quá nhiều điều có thể rút ra từ phát biểu trên của ông Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội.
1) Trước hết là năng lực chuyên môn. Người đứng đầu ngành xây dựng của thủ đô phải biết chọn lựa loại vật liệu xây dựng đáp ứng yêu cầu sử dụng bền vững trong một thời gian xác định dưới tác dụng của các điều kiện không thuận lợi của môi trường. Chọn vật liệu xây dựng khiến công trình công cộng hư hao quá chóng vánh rồi đổ lỗi cho thời tiết có phải là thiếu chuyên môn không?
2) Hay không phải thiếu chuyên môn mà thiếu tinh thần trách nhiệm? Tinh thần trách nhiệm yêu cầu người đứng đầu phải thường xuyên theo dõi chất lượng, từ khâu chọn vật liệu cho tới khâu hoàn thành và đưa ra sử dụng, và khi cần thiết phải kiểm tra chất lượng các công trình đã được thi công. Khi nghe phản ánh về chất lượng, người ấy phải lập tức xem xét, thu thập thông tin, lập đội kiểm tra và cần thiết thì thanh tra… chứ không phải đưa ra một giải thích như vậy. Chỉ xin lặp nhận xét của Kiến trúc sư Trần Huy Ánh: câu trả lời đó “Thiếu Trách Nhiệm”.
3) Mới nghe lần đầu, một người quen sống trong xã hội minh bạch và liêm chính sẽ ngạc nhiên vì câu trả lời thiếu trách nhiệm của nhân vật đứng đầu ngành Xây dựng Hà Nội. Tuy nhiên người quan sát xã hội chăm chú sẽ chỉ thêm một lần ngao ngán: đã biết bao nhiêu lần những người có trách nhiệm, thậm chí có trách nhiệm cao, rất cao, đưa ra những câu trả lời thiếu trách nhiệm? Như vậy sự thiếu trách nhiệm không chỉ ở một, hai cá nhân đơn lẻ mà ở tầm vóc tổ chức. Nói một cách khác, sự thiếu trách nhiệm ở tầm mức tổ chức và quản lý xã hội rất quy mô!
4) Người tuyên bố có nghĩ rằng dân chúng dễ dàng tin vào câu trả lời không? Bài viết này nghĩ rằng xác suất rất cao là nhân vật đưa ra câu trả lời cũng biết người hiểu biết trong đám đông thấy rõ câu trả lời ấy chỉ nói lấy được bất chấp lập luận và lẽ phải đương nhiên. Như vậy nhân vật tuyên bố lẫn người nghe tuyên bố đều hoàn toàn mất tin tưởng vào nhau. Nếu biết một vài chục năm trước hiện tượng này xảy ra ít hơn hiện nay rất nhiều, ta có thấy đạo đức, lòng tin cậy lẫn nhau trong xã hội bây giờ đã sa sút tới mức tan nát một cách đáng sợ như thế nào không?
5) Những câu trả lời thiếu trách nhiệm như vậy được công nhiên đưa ra chứng tỏ sự thiếu vắng lòng tự trọng. Cùng với đó là thiếu vắng sự e sợ quyền lực của dân chúng, phải chăng những thành viên công quyền này không còn cần phải sợ dân chúng nữa? Lạ thay, nhân vật ấy cầm tiền dân tiến hành những dự án thiếu chất lượng tới vậy rồi vẫn điềm nhiên đưa ra những giải thích mà dư luận có nơi cho là bao che. Dân chúng nghĩ gì về một hệ thống tổ chức công quyền như vậy? Trong một xã hội mà tính liêm chính công quyền thường xuyên bị nghi ngờ, những câu trả lời như thế góp phần xây dựng hay phá hủy nền tảng phát triển xã hội, quốc gia?
Vỉa hè vỡ nát hay niềm tin vỡ nát?
Ngày 10 tháng 12 năm 2022