Để đàn áp quyết liệt hơn nữa những người biểu tình, chính quyền Iran sử dụng công nghệ giám sát trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc, đồng thời bắt chước mô hình quản lý cực đoan của Bắc Kinh.
Làn sóng biểu tình vẫn leo thang tại Iran kể từ sau cái chết vào ngày 16/09 của một cô gái 22 tuổi. Cô gái này có tên Mahsa Amini, bị “cảnh sát đạo đức” của nhà nước Iran giam giữ trước đó vì đeo khăn trùm đầu không đúng cách.
Trong gần 3 tháng qua, mỗi ngày đều có hàng nghìn người đổ ra các con phố trên khắp Iran. Nhiều người biểu tình đã bị bắt và giam giữ tùy tiện, bị bạo lực tình dục, tra tấn, mất tích và hành quyết.
Khoảng một tuần trước khi Amini qua đời, trong hội nghị thượng đỉnh năm 2022 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Bắc Kinh đứng đầu, Iran cùng với một số quốc gia khác đã thực hiện nhiều bước đi để củng cố hơn nữa quan hệ kinh tế và chính trị với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
MIT Technology Review đánh giá rằng mối liên kết ngày càng bền chặt đó thể hiện một phần ở việc các quốc gia này áp dụng công nghệ của Trung Quốc để kiểm soát xã hội. Các nhà nghiên cứu gọi đây là “chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số”. Báo cáo năm 2021 của Freedom House xếp Iran là một trong những môi trường tồi tệ nhất cho tự do Internet, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số
Xu hướng lạm dụng kỹ thuật số để kiểm soát xã hội gia tăng tại Iran kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra.
Hội đồng Tối cao về Không gian mạng của Iran đã tạm thời cấm Instagram, mạng xã hội phổ biến nhất tại nước này, trong thời gian diễn ra biểu tình. Telegram, một ứng dụng nhắn tin, trước đó bị cấm vào năm 2018 vì được người dân sử dụng rộng rãi trong các cuộc biểu tình chống chính quyền.
Các chuyên gia cho rằng để dập tắt bất đồng chính kiến và ngăn người dân tụ tập, chính quyền Iran đang tăng cường năng lực giám sát xã hội thông qua các công cụ của Trung Quốc.
Bà Sahar Tahvili, một chuyên gia AI, cho biết ngày càng có nhiều người Iran sử dụng các phần mềm chống kiểm duyệt để trốn tránh sự kiểm soát từ chính quyền; do vậy, Tehran phải chống lại điều này bằng cách dùng các hệ thống giám sát tinh vi hơn.
“Không có nhiều nhà cung cấp có thể xuất khẩu loại công nghệ như vậy sang Iran; trong khi đó, Trung Quốc có lịch sử kiểm duyệt Internet lâu nhất. Do vậy, họ là một trong số rất ít những lựa chọn”, cô Tahvilli nói với The Epoch Times trong một email.
Bà Tahvili nói thêm rằng chính quyền Iran đang chuẩn bị cho một kỷ nguyên đàn áp biểu tình. Họ sẽ cần loại công nghệ có thể phát hiện trực tuyến và trong thời gian thực các hoạt động chuẩn bị cho biểu tình; từ đó, họ có thể trấn áp chúng từ giai đoạn trứng nước một cách hiệu quả.
Theo một cơ quan truyền thông của Iran, các nhà hoạch định chính sách nước này đang cân nhắc triển khai camera nhận dạng khuôn mặt để giám sát việc thực thi các quy định về đeo khăn trùm đầu.
Thông tin này sau đó được Tehran Bureau, cơ quan truyền thông Iran độc lập có trụ sở ở nước ngoài, trích dẫn. “Những công nghệ như vậy, được sản xuất tại Trung Quốc, có khả năng nhận ra từng cá nhân trong đám đông, kể cả vào ban đêm, và có thể được chính quyền sử dụng để làm bằng chứng chống lại người biểu tình hoặc chống lại những phụ nữ vi phạm quy định về trang phục”, theo Tehran Bureau.
Tehran Bureau cho biết ít nhất 8 công ty Trung Quốc đang bán công nghệ giám sát cho Iran. Những công ty này bao gồm: Hangzhou Hikvision Digital Technology, Huawei Technologies, ZTE, Zhejiang Dahua Technology, Tiandy, Tencent, Zhejiang Uniview Technologies, và FiberHome Telecommunication Technologies.
Một số trong những doanh nghiệp kể trên đã bị Mỹ trừng phạt vì hỗ trợ Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Theo trang tin Iranwire, Bộ Nội vụ Iran vào năm 2020 đã mua thiết bị CCTV do công ty Dahua Technology của Trung Quốc sản xuất. Các doanh nghiệp cung cấp công nghệ giám sát như Dahua và Hikvision đã giúp ĐCSTQ thiết lập mạng lưới giám sát để đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương. Cả hai đều nằm trong danh sách đen thương mại năm 2019 của Mỹ.
Ông Jason M. Broadsky, giám đốc chính sách của nhóm vận động United Against Nuclear Iran, cho biết chính quyền Iran luôn lo sợ rằng tư tưởng phương Tây sẽ xâm nhập nước này qua Internet, đồng thời luôn coi Trung Quốc là đối tác tin cậy.
“Giới lãnh đạo Iran ngưỡng mộ mô hình nhà nước kiểm soát cực đoan của Trung Quốc. Họ đang tìm cách bắt chước một số hoạt động. Nga cũng có thể là một phần của mạng lưới kiểm soát này, vì chính phủ Mỹ tiết lộ rằng Moscow có thể đang cố vấn cho Tehran về cách chống lại những người biểu tình”, ông Broadsky nói với The Epoch Times trong một email.
Tiandy của Trung Quốc
Theo The Diplomat, truyền thông địa phương đưa tin 15 triệu camera đã được lắp đặt tại 28 thành phố của Iran; dữ liệu được chuyển đến hai trung tâm kiểm soát, một ở Tehran và một ở Trung Quốc. Công ty công nghệ Trung Quốc Tiandy được cho là nhà cung cấp cả camera và quy trình vận hành chúng.
Theo bà Sahar Tahvili, mức độ giám sát này đặt ra vấn đề lớn cho cơ sở hạ tầng bởi vì chương trình nhận diện khuôn mặt, xe hơi và các nhận dạng khác theo thời gian thực là rất nặng.
“Một camera giám sát trung bình tạo ra ít nhất 1 Mbps dữ liệu và 15 triệu camera sẽ tạo ra 162 petabyte dữ liệu mỗi ngày”, bà nói.
Ông Nariman Gharib, một nhà hoạt động người Iran sống tại Vương quốc Anh, lại tin rằng không thực sự có nhiều camera giám sát đến như thế được lắp đặt ở Iran.
“Trong một trong những cuộc tấn công mạng gần đây nhằm vào Tehran, chúng tôi phát hiện ra rằng có chưa đến 10.000 camera được lắp đặt để kiểm soát giao thông (cũng được sử dụng để giám sát công dân) trên khắp Tehran”, ông nói với The Epoch Times trong một email.
Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio (Cộng hòa – Florida), gần đây đã kêu gọi trừng phạt Tiandy vì đã bán công nghệ giám sát cho chính quyền Iran. Theo ông Rubio, chúng rất có thể được sử dụng để đàn áp những người biểu tình ôn hòa ở Iran như cách chúng được Bắc Kinh sử dụng để đàn áp Tân Cương. Công ty này hiện chưa phải chịu bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ.
“Theo các nhà hoạt động nhân quyền, chính quyền Iran đang bắt đầu mua phần mềm nhận dạng khuôn mặt tiên tiến từ Tiandy. Việc bán công nghệ tương tự cho Tehran, bao gồm cho cả Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) của chế độ này, đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về việc liệu các sản phẩm của Tiandy có đang được sử dụng để chống lại những người biểu tình ôn hòa ở Iran hay không”, thượng nghị sĩ Mỹ viết trong một lá thư ngày 01/12 gửi Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo.
Internet Halal – ‘Vạn lý tường lửa’ phiên bản Iran
Tháng 03/2021, Trung Quốc và Iran ký một thỏa thuận hợp tác 25 năm, trị giá 400 tỷ USD, có tên là Đối tác Chiến lược Toàn diện. Một trong những lĩnh vực hợp tác chính của thỏa thuận là nâng cấp hệ thống Internet quốc gia của Iran, theo các phương tiện truyền thông địa phương.
Iran đã phát triển một mạng Internet riêng trong hơn 10 năm qua. Một phân tích của “Trung tâm Ả Rập phục vụ Phân tích Chính sách và Nghiên cứu” cho biết phiên bản Internet riêng của Iran, được gọi là “Internet Halal”, đã ra mắt hồi năm 2011 bởi Ali Agha-Mohammadi – một thành viên trong Quốc hội Iran.
Tương tự “Vạn lý tường lửa” của Trung Quốc — bộ máy giám sát và kiểm duyệt Internet lớn nhất thế giới — Internet của Iran cũng lọc và kiểm soát nội dung một cách gắt gao.
“Về cơ bản, ‘Internet Halal’ được định vị là công cụ để giới tinh hoa chính trị áp đặt quyền lực lên người dùng Internet của Iran trong không gian ảo. Do đó, việc triển khai ‘Internet halal’ có thể được coi là một phản ứng trong chiến tranh mềm (soft war) đối với Phong trào Xanh Iran khởi phát năm 2009 – bao gồm các cuộc biểu tình chống lại việc ông Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử Tổng thống Iran”, phân tích nêu rõ.
Ông Broadsky cho biết chính quyền Iran cảm thấy rất bị đe dọa bởi mạng xã hội. Họ coi đó là chiến tranh mềm để phương Tây chống lại Cộng hòa Hồi giáo. Nỗi sợ hãi của họ trở nên trầm trọng hơn bởi các cuộc biểu tình gần đây.
“Vì vậy, những tiếng nói theo đường lối cứng rắn sẽ lấy các cuộc biểu tình làm cái cớ để hạn chế Internet hơn nữa”, ông Broadsky nói.
Ngoài việc chặn các nội dung mà chính quyền cho là vi phạm nguyên tắc tôn giáo, bà Tahvili lưu ý rằng Iran cũng sẽ kiểm soát tin tức, giám sát người dùng, đồng thời truyền bá tin tức giả trên mạng Internet của riêng họ.
Giám sát nhiều hơn nữa
Theo bà Tahvili, Iran có thể đang hợp tác với Trung Quốc để phát triển một ứng dụng thay thế Instagram. Tuy nhiên, chưa có báo cáo hoặc thông báo công khai nào về mối quan hệ đối tác như vậy.
“Đó có thể là một trường hợp, nhưng tôi không thể khẳng định 100%. Tuy nhiên, Iran có thỏa thuận an ninh mạng với Trung Quốc và Nga”, bà Tahvili nói.
Ông Gharib thì cho rằng Iran không tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc về phần mềm, mà thay vào đó, họ chú ý đến công nghệ phần cứng của Trung Quốc.
“Trong quá khứ, họ từng muốn quảng bá ứng dụng WeChat ở Iran, nhưng khi người dân phát hiện ra rằng ứng dụng này đến từ Trung Quốc, người dân đã không hoan nghênh nó”, ông Gharib nói.
Theo bà Tahvili, trong bối cảnh người dân Iran ngày càng bất mãn với chính quyền, Tehran sẽ tiếp tục bắt chước mô hình kiểm duyệt của Trung Quốc. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá vỡ sự kiểm soát Internet tại Iran sẽ bị coi là hành vi phạm tội ; đồng thời các hoạt động theo dõi điện thoại di động sẽ tăng lên.
“Một đội quân sẽ được trả tiền để hoạt động trên Internet và các bot sẽ được triển khai, qua đó để kiểm soát dư luận trực tuyến sao cho đúng với định hướng của chính quyền. Điện thoại thông minh và máy tính bán tại địa phương sẽ đi kèm phần mềm gián điệp do chính quyền phát hành”, bà nói.
Xuân Hoa
Theo Venus Upadhayaya – The Epoch Times