Nạn nhân trở thành nhà báo để vạch trần các vụ bê bối tiền mã hóa

Bảo Nguyên

Nhà đầu tư và nhà báo độc lập Tiffany Fong. (Ảnh: Tiffany Fong)

Sau khi mất tiền cho Celsius, một nạn nhân đã điều tra và công bố các thông tin về công ty này. Nhờ đó, bà đã thu hút được sự chú ý của cựu CEO FTX và sau đó đã công bố một cuộc phỏng vấn với cựu CEO, cung cấp thêm nhiều thông tin thú vị đằng sau sự sụp đổ của FTX.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Nam California vào năm 2017, bà Tiffany Fong đã khởi xướng một số công việc kinh doanh thương mại điện tử, giúp bà kiếm được thu nhập thụ động khi đi du lịch khắp thế giới. Gần đây, bà ấy đã nói chuyện với The Epoch Times về cách mà bà ấy đã mất rất nhiều tiền khi đầu tư vào tiền mã hóa, điều đã khiến bà tham gia vào việc vạch trần các vụ bê bối trong lĩnh vực tiền mã hóa, chẳng hạn như sự sụp đổ của FTX.

Khởi đầu là một nạn nhân

Bà Fong bắt đầu làm quen với tiền mã hóa từ rất sớm, khi một thành viên trong gia đình tặng bà một số đồng Bitcoin vào năm 2011. Khi đó bà Fong vẫn đang học trung học, và bà không nghĩ nhiều về món quà này.

Vào cuối năm 2011, 1 đồng Bitcoin chỉ có giá 4,25 USD. Bà Fong vẫn sở hữu một số đồng tiền này hiện nay. Giá Bitcoin đạt đỉnh hơn 68.000 USD vào tháng 11 năm ngoái. Kể từ đó, giá của nó đã giảm đáng kể và hiện đang được giao dịch ở mức hơn 17.000 USD một chút.

Trong khi thị trường tiền mã hóa tăng giá vào năm 2017, bà Fong bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến loại tài sản này và triết lý cơ bản của nó: sự tự do thoát khỏi các loại tiền tệ do nhà nước phát hành và khả năng giao dịch với bất kỳ ai mà được chọn. Sau một vài năm gián đoạn, bà Fong bắt đầu đầu tư mạnh tay hơn vào tiền mã hóa trong đợt tăng giá năm 2021.

Mở rộng các khoản nắm giữ Bitcoin ban đầu của mình, bà Fong bắt đầu quan tâm đến nền tảng cho vay phi tập trung Celsius. Người sáng lập dự án, ông Alex Mashinsky, thường quảng cáo trên khắp các phương tiện truyền thông tài chính về lợi nhuận mà người dùng Celsius kiếm được, hứa hẹn lợi nhuận hàng năm cao tới 18%.

Những lợi nhuận này là sự thực trong một thời gian, nhưng không có gì tồn tại mãi mãi.

Lãi suất tăng và thị trường tiền mã hóa giảm giá nhanh chóng khiến mạng lưới Celsius mất khả năng thanh toán, buộc Celsius phải đóng băng việc rút tiền vào tháng 6 và nộp đơn phá sản vào tháng 7. Bà Fong nói rằng cá nhân bà đã mất 250.000 USD mà bà ấy đã lưu trữ trên nền tảng này.

Được thúc đẩy bởi sự mất mát, bà Fong bắt tay vào nhiệm vụ khám phá những gì đã xảy ra. Chỉ với vài trăm người theo dõi vào thời điểm đó, bà ấy đã lên YouTube và Twitter để chia sẻ các cuộc điều tra của mình.

Sau khi thấy việc làm của bà ấy trên mạng xã hội, một số nhân viên của Celsius đã gửi cho bà những đoạn ghi âm bí mật về những lời phát biểu của ông Mashinsky tại các cuộc họp nội bộ. Bà Fong sau đó đã đạt được một cột mốc đáng chú ý trong sự nghiệp báo chí của mình bằng cách xuất bản các đoạn ghi âm bị rò rỉ với The New York Times.

Bankman-Fried

Việc bà Fong tham gia đưa tin về tiền mã hóa đã thu hút sự chú ý của Giám đốc điều hành FTX lúc bấy giờ là ông Sam Bankman-Fried, người đã bắt đầu theo dõi công việc của bà Fong để cập nhật tình hình về tình trạng của Celsius. Theo bà Fong, cả hai đã nhắn tin trên Twitter và thỉnh thoảng giữ liên lạc.

Mối quan hệ này đã trở thành một sự tình cờ thúc đẩy bà Fong tiếp tục đưa tin về lĩnh vực tiền mã hóa. Ông Andrew Ross Sorkin và ông Sam Bankman-Fried trên sân khấu tại Hội nghị thượng đỉnh DealBook 2022 của The New York Times vào ngày 30/11/2022 tại Thành phố New York, Mỹ. (Ảnh của Thos Robinson/Getty Images cho The New York Times)

Vào đầu tháng 11, khi FTX trải qua một loạt sự kiện giống như Celsius, đóng băng tài sản của khách hàng và nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 luật Phá sản Mỹ, bà Fong đã liên hệ với ông Bankman-Fried. Danh tiếng của ông Bankman-Fried đã bị hoen ố và công ty của ông đã bị hủy hoại, bà Fong không mong đợi phản hồi từ người sáng lập đã thất bại.

Tuy nhiên, ông Bankman-Fried đã dành cho bà Fong một cuộc phỏng vấn, qua đó tiết lộ nhiều điều chưa biết về sàn giao dịch bị sụp đổ và cung cấp một cái nhìn thú vị về chính bản thân ông. Trong cuộc trò chuyện, người sáng lập FTX tuyên bố rằng ông đã quyên góp số tiền bằng nhau cho cả hai đảng phái chính trị của Mỹ và thú nhận đã nói dối về sự tham gia của các cơ quan quản lý Bahamas trong các quyết định quan trọng của FTX.

Bà Fong nói với The Epoch Times rằng bà không chắc liệu mình có thể tin tưởng vào các câu trả lời do ông Bankman-Fried cung cấp hay không. “Có một số câu hỏi tôi đã hỏi ông ấy mà tôi cảm thấy là ông ấy rõ ràng đang lảng tránh”, bà nói, sau đó nói thêm rằng bản thân hành vi lảng tránh của ông ấy là một điều thú vị đáng chú ý.

Trong cuộc trò chuyện vào tháng 11 của họ, bà Fong đã hỏi ông Bankman-Fried về cáo buộc về “cửa sau”, thứ cho phép tiền của khách hàng bị rút từ FTX để chuyển sang công ty chị em của nó, Alameda Research. Ông Bankman-Fried tuyên bố rằng ông không thành thạo về lập trình máy tính và do đó, không thể tạo ra một công cụ như vậy, điều mà bà Fong coi là một câu trả lời không chính xác một cách cố ý.

Vào thời điểm phỏng vấn, bà Fong tin rằng người sáng lập thực sự thấy hối hận, nhưng bà cũng nói rằng niềm tin của bà ấy đã phai nhạt theo thời gian. “Cách nhìn của tôi đã thay đổi khi nghe ông ấy ấy nói nhiều hơn”, bà nói, đề cập đến những lần xuất hiện sau đó của ông Bankman-Fried trên các phương tiện truyền thông chính thống, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh DealBook của The New York Times, cuộc trò chuyện của ông ấy với chương trình Good Morning America và nhiều cuộc thảo luận của ông ấy trên Twitter Spaces.

“Trong cuộc gọi điện cuối cùng của chúng tôi, ông ấy đã đề cập rằng ông ấy sẽ sớm tăng cường sự liên lạc [với giới truyền thông], nhưng tôi không mong đợi nó ở mức độ này”, bà Fong nói, ngạc nhiên trước phạm vi chiến dịch quan hệ công chúng của ông Bankman-Fried.

“Thật vui khi là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến đi xin lỗi của ông Bankman-Fried”, bà Fong viết đùa trong một tweet vào ngày 07/12.

Nhà báo độc lập

Thành công của bà Fong với tư cách là một phóng viên độc lập và kinh nghiệm ngắn ngủi khi làm việc với các phương tiện truyền thông kiểu truyền thống [đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí…] đã giúp bà hiểu rõ hơn về lợi thế của một phóng viên độc lập so với phóng viên kiểu truyền thống.

Sau khi ra mắt một vài câu chuyện khi làm việc với các hãng truyền thông truyền thống như The New York Times, CNBC và những hãng khác, bà Fong nhận ra rằng các nhà báo công dân [người dân thường không phải nhà báo chuyên nghiệp đăng bài đưa tin] có lợi thế là có thể đăng tin tức nhanh hơn và tránh được một số hạn chế và nguyên tắc biên tập của các hãng truyền thông lớn.

“Ví dụ, khi tôi nhận được bản ghi âm của cuộc họp toàn thể nội bộ của Celsius Network, trong đó rõ ràng có giọng nói của ông Alex Mashinsky, lẽ ra tôi có thể tự mình đăng nó ngay lập tức”, bà nói.

Tuy nhiên, bà Fong thừa nhận rằng các phương tiện truyền thông kiểu truyền thống có sẵn các quy trình và tài nguyên vượt trội để xác minh tính xác thực của các nguồn và tuyên bố, mặc dù các quy trình này tạo ra sự thiếu hiệu quả. “Mặc dù điều này đảm bảo độ tin cậy, nhưng nó cũng làm chậm quá trình chia sẻ tin tức trong thời gian thực, vốn có thể thực hiện được đối với bất kỳ ai hiện nay thông qua Twitter, YouTube, v.v.”.

“Đặc biệt trong lĩnh vực tiền mã hóa, sự sụp đổ có thể xảy ra nhanh chóng – chỉ trong vài ngày hoặc thậm chí vài giờ – vì vậy tôi cảm thấy việc có thể chia sẻ thông tin trong thời gian thực là rất quan trọng”.

Mặc dù thị trường tiền mã hóa đã có một năm khó khăn, nhưng bà Fong vẫn tin tưởng vào tiền mã hóa và vẫn có những khoản đầu tư đáng kể trong lĩnh vực này.

Bảo Nguyên

Theo Liam Cosgrove – The Epoch Times

Related posts