Chính sách zero COVID của ĐCSTQ tàn phá nền kinh tế Trung Quốc

Chính sách zero COVID của ĐCSTQ tàn phá nền kinh tế Trung Quốc
Nhân viên làm việc tại một bệnh viện dã chiến sẽ được sử dụng cho các bệnh nhân COVID-19 ở Thượng Hải hôm 07/04/2022. (Ảnh: CNS/AFP/Getty Images) Trung Quốc

Chính sách zero COVID hà khắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất. Trước các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng, nhiều thành phố đã bắt đầu nới lỏng các quy tắc zero COVID nhưng đồng thời đang xây dựng một số lượng lớn các cơ sở cách ly. ĐCSTQ đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan do tỷ lệ chích ngừa thấp và tính kém hiệu quả của vaccine COVID-19 của Trung Quốc, điều đó có nghĩa là việc nới lỏng các quy định có thể dẫn đến hơn một triệu ca tử vong do COVID-19.

Chính phủ địa phương mắc nợ do chính sách zero COVID

Chi phí xét nghiệm acid nucleic COVID hai ngày một lần và việc thực thi những chính sách kiểm dịch bắt buộc đã khiến các chính quyền địa phương thiếu tài chính. Trong ba năm xảy ra đại dịch COVID-19 vừa qua, các chi phí ngày càng chồng chất, gây áp lực tài chính to lớn lên các chính quyền địa phương ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, trong 10 tháng đầu năm nay, chi tiêu của chính phủ địa phương ở Trung Quốc đã tăng hơn 11.8 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.65 ngàn tỷ USD) so với doanh thu. Nợ chính phủ ngày càng gia tăng đặt ra mối đe dọa trực tiếp đến nền kinh tế Trung Quốc. Điều đó không chỉ làm tăng nguy cơ chính quyền địa phương vỡ nợ mà còn hạn chế khả năng của chính quyền trong việc kích thích tăng trưởng, ổn định việc làm, và mở rộng các dịch vụ công.

Hồi tháng Hai, cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu DBRS Morningstar có trụ sở tại Toronto cho biết thâm hụt ngân sách cao của chính quyền địa phương Trung Quốc là một vấn đề nghiêm trọng. Họ ước tính rằng thâm hụt gia tăng và tăng trưởng GDP chậm lại sẽ khiến tổng nợ chính quyền của Trung Quốc tăng lên 50.6% GDP trong năm 2022, cao hơn nhiều so với mức 38.1% hồi năm 2019, một năm trước khi đại dịch bắt đầu.

Tình hình tài chính yếu kém của các chính quyền địa phương đang ảnh hưởng đến nền kinh tế chung của Trung Quốc. Theo tính toán của CNN dựa trên dữ liệu từ Bộ Tài chính của ĐCSTQ, thâm hụt tài khóa lớn của Trung Quốc đạt 6.66 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 944 tỷ USD) trong 10 tháng đầu năm 2022, gần gấp đôi so với một năm trước đó.

Ông Triệu Vỹ (Zhao Wei), chuyên gia kinh tế trưởng tại IFC Securities có trụ sở tại Thượng Hải, ước tính rằng thâm hụt tài khóa lớn của Trung Quốc có thể vượt quá 10 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.4 ngàn tỷ USD) trong năm nay, đạt mức cao nhất trong lịch sử.

Chính sách zero COVID cũng dẫn đến sự xấu đi của các chỉ số kinh tế khác. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã tăng lên mức kỷ lục 19.9% hồi tháng Bảy năm nay. Tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc giảm mạnh trong tháng Mười. Từ tháng Một đến tháng Mười, lợi nhuận trong 41 lĩnh vực công nghiệp ở Trung Quốc đã giảm 3%. Công ty chứng khoán Nomura hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 4 năm nay xuống 2.4% từ mức 2.8% trước đó.

Từ chối các loại vaccine phương Tây có thể dẫn đến hàng triệu ca tử vong

Có một số lo ngại cho rằng nếu Trung Quốc từ bỏ các chính sách đại dịch, thì các vấn đề sẽ xảy ra.

Hồi tháng Mười Một, công ty phân tích và thông tin khoa học Airfinity của Anh cho biết Trung Quốc có thể chứng kiến ​​từ 1.3 triệu đến 2.1 triệu ca tử vong nếu loại bỏ chính sách zero COVID, do tỷ lệ chích ngừa thấp và thiếu khả năng miễn dịch hỗn hợp.

Theo một nghiên cứu được tạp chí Nature Medicine công bố hồi tháng Năm, các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ ước tính rằng nếu không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào, chẳng hạn như chích ngừa tốt hơn và tiếp cận với việc điều trị, thì Trung Quốc sẽ có nguy cơ có hơn 1.5 triệu người tử vong vì COVID-19.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Avril Haines nói tại Diễn đàn Quốc phòng Regan ở California hôm 04/12 rằng bất chấp tác động kinh tế và xã hội tiêu cực của COVID-19 đối với Trung Quốc, ông Tập Cận Bình “không muốn có được một loại vaccine tốt hơn từ phương Tây, mà thay vào đó lại dựa vào một loại vaccine của Trung Quốc không hiệu quả đối với biến chủng Omicron.” Reuters đưa tin thêm rằng các quan chức Hoa Kỳ cho rằng rất khó có khả năng Trung Quốc chấp thuận một loại vaccine phương Tây.

Số lượng lớn các cơ sở cách ly đang được xây dựng

Đối mặt với đại dịch, ĐCSTQ đã âm thầm xây dựng một số lượng lớn các cơ sở cách ly COVID-19 ở Trung Quốc, và cho đến nay, một số lượng lớn người đã bị cách ly trong đó như một phần của các quy định zero COVID hà khắc của Trung Quốc.

Anh Trần Sấm Sáng (Chen Chuangchuang), nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc và là giám đốc Đảng Dân Chủ Trung Quốc, nói với The Epoch Times hôm 04/12: “Do làn sóng phản đối lớn này, nên chính quyền ông Tập Cận Bình đã sớm có hành động nới lỏng chính sách zero COVID, nhưng tất cả các vấn đề về cấu trúc vẫn chưa được giải quyết – cho dù đó là nguồn lực y tế hay là các loại vaccine. Ông Tập Cận Bình chưa chuẩn bị cho điều mà các chuyên gia cho rằng có thể dẫn đến sự tử vong của hàng triệu người. Những gì chúng ta có thể phỏng đoán một cách hợp lý bây giờ là ông ấy vẫn đang xây dựng thêm các cơ sở cách ly ở nhiều nơi khác nhau với mục đích chuyển những người bị bệnh nặng đến các cơ sở cách ly đó và để họ ở đó tự lo cho mình, khi biết rằng nguồn lực y tế của Trung Quốc hoàn toàn không đủ và không thể ứng phó với đại dịch.”

Trong một dấu hiệu cho thấy tư duy mâu thuẫn của ĐCSTQ về chính sách zero COVID, các trạm xét nghiệm acid nucleic COVID-19 ở Bắc Kinh, vốn đã bị dỡ bỏ trên một diện rộng trong tuần qua, đã mở cửa trở lại từ ngày 05/12 nhằm dập tắt sự bất mãn của công chúng. Người dân Bắc Kinh nói rằng trong khi xe buýt, tàu điện ngầm, và các bệnh viện không còn yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính với COVID, thì nhiều nơi như các tòa nhà văn phòng, các trung tâm mua sắm lớn, các cửa hàng bách hóa, và các công viên vẫn yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính, và việc dỡ bỏ các trạm này đã khiến việc mọi người được xét nghiệm và đi lại trở nên bất khả thi.

Cô Jenny Li đã viết bài cho The Epoch Times từ năm 2010. Cô đã đưa tin về các vấn đề chính trị, kinh tế, nhân quyền, và quan hệ giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc. Cô đã phỏng vấn sâu rộng các học giả, kinh tế gia, luật sư, và các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc ở Trung Quốc và hải ngoại.

Olivia Li BTV Epoch Times Tiếng Anh

Vân Du biên dịch

Related posts