Richard Gowan | World Politics Review ngày 06/4/2022
Biên dịch: Đinh Tùng Lâm | Hiệu đính: Hải Quang
Khi một quốc gia bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc liên quan đến một cuộc khủng hoảng, có thể quốc gia đó đang tránh những lựa chọn khó khăn về vấn đề đang diễn ra. Nhưng ngoại giao của Liên Hợp Quốc hiếm khi đơn giản như vậy. Khi các nhà ngoại giao bỏ phiếu trắng trong Hội đồng Bảo An hoặc Đại Hội đồng, họ thường gửi những tín hiệu tinh tế hơn về lợi ích và ưu tiên của mình.
Trong những tuần gần đây, các thành viên Liên Hợp Quốc từ Trung Quốc đến Burkina Faso đã bỏ phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu trong một loạt các cuộc bỏ phiếu trên các diễn đàn của Liên Hợp Quốc về cuộc chiến ở Ukraine. Phiếu bầu và phiếu không bầu mơ hồ như vậy nghĩa là gì?
Đại diện của Việt Nam, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, phát biểu tại Phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) về tình hình nhân đạo Ukraine (New York, ngày 23-24/03/2022).
Để xem việc các quốc gia bỏ phiếu trắng tại Liên Hợp Quốc có thể có những ý nghĩa chính trị khác nhau như thế nào, sẽ hữu ích khi nghĩ lại cuộc xung đột ở Libya năm 2011.
Tháng 3 năm đó, Hoa Kỳ, Anh và Pháp đã thông qua một nghị quyết của Hội đồng Bảo An cho phép hành động quân sự để bảo vệ những người Libya dễ bị tổn thương. Nga bỏ phiếu trắng, Trung Quốc cũng vậy, và các quan chức phương Tây hoan nghênh việc họ bỏ phiếu trắng như một cử chỉ tích cực cho phép thông qua nghị quyết. Nhưng Đức, khi đó là một thành viên được bầu của Hội đồng, cũng bỏ phiếu trắng, các đồng minh của Berlin ở Washington và các thành viên NATO khác coi đây là một sự phản bội.
Trong các cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc về cuộc chiến Ukraine cho đến nay, Kyiv và những người ủng hộ họ đã nhận được sự ủng hộ của đa số. Trong số 193 quốc gia thành viên của tổ chức, 141 quốc gia ủng hộ nghị quyết của Đại Hội đồng lên án sự xâm lược của Moscow vào ngày 02 tháng 3. Chỉ có bốn quốc gia – Belarus, Triều Tiên, Eritrea và Syria – ủng hộ Nga. Nhưng ngay từ đầu cuộc chiến, một số ông lớn đã không làm gì.
Những phiếu trắng đáng chú ý đầu tiên đối với Ukraine diễn ra vào cuối tháng Hai, khi Hoa Kỳ đưa ra một nghị quyết của Hội đồng Bảo An chỉ trích các hành động của Nga. Đây là một nghị quyết không có hiệu lực, vì Nga đã phủ quyết như đã được dự đoán, nhưng Washington hy vọng cho mọi người thấy rằng Moscow đang bị cô lập trong hội đồng. Ba thành viên của cơ quan gồm 15 thành viên – Trung Quốc, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – đã làm phức tạp câu chuyện đó bằng cách bỏ phiếu trắng. Nhưng Washington đã nhìn nhận quyết định của bộ ba theo những cách khác nhau.
Các quan chức Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc không tham gia cùng Nga trong việc phủ quyết nghị quyết và làm giảm ngôn ngữ của dự thảo ban đầu để dễ nhận được sự đồng tình hơn từ phía Bắc Kinh. Họ coi việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng là một chiến thắng.
Họ ít hài lòng với quan điểm của Ấn Độ và Tiểu vương quốc.
Ấn Độ, với mối quan hệ kinh tế và an ninh chặt chẽ với Nga, rõ ràng đang cố gắng tránh rạn nứt với Moscow. Trong khi đó, Tiểu vương quốc cần sự ủng hộ của Nga đối với một nghị quyết của Hội đồng Bảo An về việc gọi người Houthi tại Yemen – những người đã tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất vào tháng Giêng và tháng Hai – là khủng bố. Nga đã để dự thảo đó được thông qua như một ví dụ đơn giản về giao dịch mua bán phiếu bầu của Liên Hợp Quốc. Hoa Kỳ không hài lòng khi thấy đối tác vùng Vịnh bỏ phiếu trắng.
Tổng thống Joe Biden được cho là đã gửi lời kêu gọi tới Abu Dhabi để đảm bảo rằng Tiểu vương quốc sẽ ủng hộ Ukraine trong cuộc bỏ phiếu của Đại Hội đồng vào đầu tháng 3, điều mà sau đó Abu Dhabi đã làm.
Tại Đại Hội đồng, 52 thành viên không ủng hộ nghị quyết ngày 02/3/2022 lên án Nga có nhiều lý do để bỏ phiếu trắng. Trung Quốc tiếp tục tránh né lập trường ủng hộ hoặc chống lại Moscow để tránh làm tổn hại quan hệ với Hoa Kỳ hoặc Nga. Các quốc gia Châu Phi có quan hệ an ninh ngày càng tăng với Nga, chẳng hạn như Mali và Cộng hòa Trung Phi, đã bỏ phiếu trắng. Ethiopia, quốc gia được Nga bảo vệ trước những lời chỉ trích nghiêm trọng trong Hội đồng Bảo An về cuộc chiến ở Tigray trong suốt năm 2021, đã không bỏ phiếu. Điều này giống như một sự thể hiện ngầm ủng hộ Moscow, hoặc ít nhất là từ chối tuân theo các đường lối chính sách của phương Tây đối với Ukraine. Nhưng một số quốc gia Mỹ Latinh thường liên kết với Nga và trong lịch sử đã lên án chủ nghĩa thực dân mới của Hoa Kỳ và phương Tây tại Liên Hợp Quốc – cụ thể là Bolivia, Cuba và Nicaragua – cũng bỏ phiếu trắng, ám chỉ sự khó chịu với các hành động đế quốc của Nga ở Ukraine.
Tóm lại, các thành viên Đại Hội đồng có thể sử dụng phiếu trắng để gửi cả những thông điệp ủng hộ và chống Nga mà không làm rõ chúng.
Một số quốc gia cũng thể hiện sự bỏ phiếu trắng trong các điều khoản có nguyên tắc hơn. Đại sứ của Uganda tại Liên Hợp Quốc lưu ý rằng ông có nghĩa vụ phải bỏ phiếu trắng với tư cách là chủ tịch sắp tới của Phong trào Không liên kết, hay NAM, nhóm 120 quốc gia ở phía Nam bán cầu được thành lập trong Chiến tranh Lạnh để vạch ra một hướng đi khác, không bị phụ thuộc trong bối cảnh bế tắc giữa các khối phương Tây và Xô-viết.
Trong những tuần gần đây, các quan chức và nhà bình luận không phải phương Tây đã ám chỉ việc khôi phục sự không liên kết như một nguyên tắc chỉ đạo trong ngoại giao nếu có một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Nga. Trong khi Ukraine và các đồng minh đã có thể tập hợp sự ủng hộ đáng kể tại Liên Hợp Quốc cho đến nay, ngày càng nhiều thành viên NAM sẽ chọn bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu trong tương lai về cuộc chiến nếu nó tiếp tục. Như Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group) đã cảnh báo, nhóm NAM sẽ thậm chí có nhiều khả năng làm như vậy nếu các cường quốc phương Tây không giải quyết các tác động toàn cầu của cuộc chiến, chẳng hạn như cú sốc đối với giá lương thực và năng lượng vốn đang ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia phía Nam bán cầu.
Nhưng bỏ phiếu trắng không phải là công cụ mà NAM sẽ sử dụng một mình. Đáng chú ý, Nga đã bỏ phiếu trắng vào giữa tháng 3, khi Hội đồng Bảo An bỏ phiếu về nhiệm vụ mới dành cho các quan chức Liên Hợp Quốc ở Afghanistan, những người hiện đóng vai trò là trung tâm liên kết giữa các cường quốc bên ngoài và Taliban. Mặc dù ban đầu Moscow không đưa ra bất kỳ mối liên hệ nào giữa các cuộc đàm phán Afghanistan và cuộc chiến Ukraine, nhưng vào thời điểm cuối cùng, Nga ám chỉ rằng nước này có thể bề ngoài phủ quyết việc gia hạn sự hiện diện của Liên Hợp Quốc, vì một số điểm về mặt ngôn ngữ. Thay vào đó, dường như sau khi được Trung Quốc vận động hành lang, Nga đã chọn bỏ phiếu trắng. Khi làm như vậy, Nga đã gửi một lời nhắc không chính xác đến các thành viên Hội đồng Bảo An khác rằng Nga vẫn có quyền phá vỡ quan hệ ngoại giao của Liên Hợp Quốc về các vấn đề khác ngoài Ukraine.
Ngược lại, Hoa Kỳ và các đồng minh trong Hội đồng Bảo An cũng sử dụng phiếu trắng để ngăn cản Nga hướng vào Ukraine vào cuối tháng Ba. Khi chính sách ngoại giao của Liên Hợp Quốc về cuộc chiến trở nên nóng hơn, Nga đã đưa ra một nghị quyết có thể được xem là một cách hoà hoãn, kêu gọi các cơ quan nhân đạo có thể hoạt động trong khu vực xung đột. Tuy nhiên, điều này ẩn chứa một số cạm bẫy vì nó ngầm đổ lỗi cho các lực lượng Ukraine đã gây nguy hiểm cho dân thường qua việc bảo vệ các thành phố. Các thành viên hội đồng khác đã bị giằng xé về cách trả lời. Các thành viên phương Tây muốn bác bỏ văn bản này, nhưng những người đồng cấp châu Phi không thích bỏ phiếu chống lại một nghị quyết nhân đạo. Cuối cùng, câu trả lời chính là sự bỏ phiếu trắng hàng loạt. Ngoài Nga và Trung Quốc, mọi thành viên hội đồng đều bỏ phiếu trắng về văn bản này. Vì các nghị quyết của Hội đồng Bảo An cần chín phiếu bầu để được thông qua, nghị quyết bị bác bỏ và các thành viên hội đồng che giấu sự bất đồng một cách kín đáo.
Vì vậy, mặc dù điều tự nhiên là nhìn vào số phiếu bầu của Liên Hợp Quốc để xem quốc gia nào đã bỏ phiếu cho hay chống lại các quan điểm của Ukraine và Nga, tất cả những phiếu trắng này cũng quan trọng. Các quốc gia lớn và nhỏ sử dụng chúng để gửi tín hiệu cho nhau về chiến tranh, và làm công cụ để ngăn chặn các sáng kiến ngoại giao mà họ không thích. Ngoại giao của Liên Hợp Quốc luôn bao gồm một sự mơ hồ và cả những lá phiếu trắng ngầm có ý nghĩa. Nó như một nghệ thuật mà các quan chức ở New York và Geneva phải nắm vững để thực hiện công việc của họ.
Liệu những mâu thuẫn này có ý nghĩa gì đối với người dân Ukraine hay không, và liệu các nhà sử học về cuộc chiến có coi tất cả những phiếu trắng này là ngoại giao khôn ngoan hay chỉ đơn giản là thất bại trước sức nặng của một cuộc chiến khiến Liên Hợp Quốc trông yếu ớt và bị vô hiệu hóa, thật đáng buồn là vấn đề khác.
R.G.
*
Richard Gowan là giám đốc về Liên Hợp Quốc của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group). Bản gốc được đăng tại When It Comes to U.N. Diplomacy, Not All Abstentions Are Equal. Một bản PDF được lưu ở đây.
Đinh Tùng Lâm và TS. Hải Quang lần lượt là cộng tác viên và thành viên phụ trách luật quốc tế của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
—————
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Dựa vào hỗ trợ tài chính từ cộng đồng là cách để chúng tôi có thể tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào tổ chức chính trị hay thương mại nào. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy cần phải có một dự án tri thức độc lập, hãy chung tay với chúng tôi để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.