Bị đưa vào ‘Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo’, Việt Nam nói gì?
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng vừa lên tiếng trong việc Việt Nam bị Mỹ đưa vào “Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo”.
“Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan, cũng như thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam”, bà Hằng tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay (15/12).
Bà Hằng đưa ra tuyên bố trên khi được đề nghị bình luận về thông tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 2/12 thông cáo “đưa Việt Nam vào Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo”.
Bà Hằng cho rằng chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người, cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, điều đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm tôn trọng trên thực tế.
“Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền con người, bảo đảm tự do tín ngưỡng tôn giáo cho người dân đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Mỹ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”, bà Hằng nói.
Trước đó, trong thông cáo ngày 2/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố “hôm nay tôi đưa Algeria, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam vào ‘Danh sách theo dõi đặc biệt’ vì có tham gia hoặc chấp nhận những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo”.
Các nước có mức độ vi phạm nặng hơn bị liệt vào Danh sách quan tâm đặc biệt (Countries of Particular Concerns – CPC) gồm Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Iran, Nicaragua, Bắc Hàn, Pakistan, Nga, Saudi Arabia, Tajikistan và Turkmenistan.
Việt Nam từng bị liệt vào danh sách CPC. Tuy nhiên đến năm 2006, trước khi gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới WTO, Việt Nam được rút tên khỏi danh sách Các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo.
Theo Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế Việt Nam 2021 của Hoa Kỳ, Hiến pháp Việt Nam quy định mọi cá nhân đều có quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng; trong khi đó Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo lại cho phép Chính phủ Việt Nam có quyền kiểm soát đáng kể đối với các thực hành tôn giáo theo những điều khoản mơ hồ với lý do an ninh quốc gia và đoàn kết dân tộc.
Chính quyền Việt Nam sách nhiễu, hành hung, bắt người, truy tố, theo dõi, từ chối hoặc không trả lời yêu cầu đăng ký và các yêu cầu xin phép khác của các tổ chức tôn giáo độc lập.
Trong ngày 2/12, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) cũng công bố báo cáo mới về danh sách nạn nhân tự do tôn giáo hay niềm tin. Trong danh sách này có ông Phan Văn Thu (người sáng lập Ân Đàn Đại Đạo – một tổ chức Phật giáo độc lập được chính quyền miền Nam Cộng hòa công nhận trước năm 1975), người tử vong trong nhà tù Gia Trung, tỉnh Gia Lai hôm 20/11, được cho là gặp một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khi phải thụ án chung thân vì niềm tin tôn giáo của ông.
USCIRF cũng đã đưa ông Lê Tùng Vân và năm bị cáo khác trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai vào Danh sách Nạn nhân Tự do Tôn giáo và Niềm tin toàn cầu.
Trong vụ án trên, lúc 18h40 ngày 3/11/2022, HĐXX phiên phúc thẩm tuyên phạt ông Lê Tùng Vân 5 năm tù; 5 bị cáo còn lại, mỗi người từ 3 đến 5 năm tù.
USCIRF hồi tháng 4 đã đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC về tự do tôn giáo. Căn cứ cho đề nghị đó là vì Việt Nam có những vi phạm mang tính hệ thống, liên tục và quá mức quyền tự do tôn giáo.
Minh Long
Trà Vinh: Giám đốc HTX điện bị thanh tra phát hiện dùng điện 7 năm không trả tiền
Sử dụng điện của hợp tác xã để bơm nước về nhà chạy nước đá và nấu thuốc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Điện An Trường ở tỉnh Trà Vinh bị thanh tra phát hiện dùng điện suốt 7 năm không trả tiền. Trước khi được bầu làm giám đốc hợp tác xã, ông này từng giữ chức Bí thư huyện ủy.
Ngày 15/12, Thanh tra tỉnh Trà Vinh thông báo kết luận thanh tra về quá trình hoạt động của Hợp tác xã Điện An Trường (HTX Điện An Trường) (xã An Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) từ đầu năm 2016 đến giữa năm 2022.
Nhiều sai phạm tại HTX Điện An Trường
Kết quả thanh tra cho thấy HTX Điện An Trường đã có nhiều vi phạm trong công tác quản lý thành viên, tổ chức bộ máy.
Cụ thể, hiện nay, HTX Điện An Trường hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã do Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Càng Long cấp và Giấy phép hoạt động điện lực do Sở Công Thương cấp. Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy HTX Điện An Trường không đảm bảo điều kiện để được cấp phép cả hai loại giấy tờ này.
Người quản lý điều hành HTX Điện An Trường từ khi thành lập cho đến nay không đảm bảo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Luật Điện lực năm 2004; Kiểm soát viên không nắm được cơ cấu tổ chức HTX Điện An Trường và chưa thực hiện hết các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của HTX Điện An Trường…
Việc thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý thu – chi tài chính cũng có nhiều hạn chế, thiếu sót. Theo đó, HTX Điện An Trường kê khai không đầy đủ doanh thu theo thực tế; ghi nhận việc giảm doanh thu không phù hợp; đưa vào chi phí được loại trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; các khoản chi phí không đảm bảo hóa đơn, chứng từ theo quy định.
Những việc làm trên của cán bộ, nhân viên HTX Điện An Trường làm giảm số tiền thuế phải nộp và phải truy thu hơn 150 triệu đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, HTX Điện An Trường chưa đóng kinh phí công đoàn số tiền hơn 28 triệu đồng.
Giám đốc HTX Điện An Trường “xài chùa” điện suốt 7 năm
Đáng lưu ý, một thành viên HTX Điện An Trường gửi đơn tố giác đến các cơ quan có thẩm quyền về việc ông Nguyễn Minh Thương – Giám đốc HTX Điện An Trường có hành vi trộm cắp điện của HTX này.
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Trà Vinh, hộ ông Thương “câu điện” trước công tơ để nấu thuốc là hành vi trộm cắp điện nhưng Tổ kiểm tra không tiến hành lập hồ sơ và xử lý hành vi vi phạm vì không xác định được số lượng điện bị trộm.
Hộ ông Thương còn sử dụng điện của HTX Điện An Trường để bơm nước về nhà để chạy nước đá từ năm 2013 đến năm 2020. Tuy nhiên, HTX Điện An Trường không ký hợp đồng mua bán điện, không xuất hóa đơn và không thu tiền điện của ông Thương.
Việc làm của hộ ông Thương dẫn đến giảm nguồn thu của HTX Điện An Trường số tiền 10,5 triệu đồng; đồng thời, làm cho việc kê khai thuế của HTX Điện An Trường không chính xác.
Thanh tra nhận định sai sót này thuộc trách nhiệm của Ban Quản trị và Ban Giám đốc HTX Điện An Trường giai đoạn 2011 – 2015; 2016 – 2020.
Đối với ông Thương, từ tháng 1/2013 đến tháng 2/2014, ông Thương giữ chức Bí thư Huyện ủy Càng Long. Từ ngày 16/1/2020 đến nay, ông Thương được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Điện An Trường.
Với cương vị trên, ông Thương vẫn sử dụng điện của HTX Điện An Trường để bơm nước về nhà chạy nước đá mà không trả tiền là hành vi lợi dụng chức vụ, vi phạm pháp luật.
Hành vi của ông Thương gây ảnh hưởng xấu đến danh dự của bản thân và tập thể HTX Điện An Trường, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước.
Do đó, Chánh Thanh tra tỉnh Trà Vinh kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy kỷ luật về mặt Đảng đối với ông Thương; đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương đề xuất các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với HTX Điện An Trường.
Khánh Vy
Báo cáo: Việt Nam đẩy mạnh việc mở rộng các tiền đồn ở Biển Đông
Việt Nam đã tiến hành mở rộng đáng kể công việc nạo vét và đổ đất tại một số tiền đồn ở Biển Đông trong nửa cuối năm nay, báo hiệu ý định củng cố đáng kể các tuyên bố chủ quyền của mình trong tuyến đường thủy đang tranh chấp, một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ đưa tin hôm thứ Tư ( ngày 14/12).
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Washington cho biết công việc bồi đắp ở quần đảo Trường Sa, cũng được Trung Quốc và các nước khác tuyên bố chủ quyền, đã tạo ra khoảng 170 ha đất mới và nâng tổng diện tích mà Việt Nam đã khai hoang trong thập kỷ qua lên 220 ha.
Dựa trên những phát hiện thông qua hình ảnh vệ tinh thương mại, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của CSIS cho biết nỗ lực này bao gồm mở rộng việc lấp đất tại bốn thực thể và nạo vét mới tại năm thực thể khác.
“Quy mô của công việc lấp đất, mặc dù vẫn còn thua xa so với hơn 1.300ha đất do Trung Quốc tạo ra từ năm 2013 đến năm 2016, lớn hơn đáng kể so với những nỗ lực trước đây của Việt Nam và thể hiện một động thái lớn nhằm củng cố vị thế của Việt Nam ở Trường Sa,” báo cáo cho biết.
AMTI cho biết các tiền đồn cỡ vừa của Việt Nam tại đảo Nam Yết (Namyit Island), đảo Phan Vinh (Pearson Reef) và đảo Sơn Ca (Sand Cay) đang được mở rộng quy mô lớn, với một cảng nạo vét có khả năng tiếp nhận các tàu lớn hơn đã hình thành tại Nam Yết và Phan Vinh.
Đảo Nam Yết, rộng 47ha và đả Phan Vinh, rộng 48ha, cả hai hiện đều lớn hơn đảo Trường Sa rộng 39ha – nơi từng là tiền đồn lớn nhất của Việt Nam. Báo cáo cho biết đá Tiên Nữ (Tennent Reef), nơi trước đây chỉ có hai cấu trúc hình hộp nhỏ, giờ đã có 26ha đất nhân tạo.
AMTI cho biết Việt Nam đã sử dụng tàu nạo vét vỏ sò để xúc các phần của rạn san hô nông và dùng các trầm tích để chôn lấp, một quá trình ít gây phá hủy hơn so với việc nạo vét bằng máy cắt-hút mà Trung Quốc đã sử dụng để xây dựng các đảo nhân tạo.
“Các hoạt động nạo vét và bồi lấp của Việt Nam vào năm 2022 là đáng kể và báo hiệu ý định củng cố đáng kể các thực thể mà Việt Nam chiếm đóng ở Trường Sa,” báo cáo cho biết.
“Cơ sở hạ tầng nào mà các tiền đồn mở rộng này sẽ chứa đựng sẽ còn phải xem xét. Trung Quốc và các bên yêu sách khác có phản ứng hay không cũng sẽ được theo dõi,” báo cáo nói.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với hầu hết Biển Đông và đã thiết lập các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng ở đó. Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở vùng biển có các tuyến đường hàng hải quan trọng cắt ngang và chứa các mỏ khí đốt cũng như ngư trường phong phú.
Lê Vy (theo Reuters)