Sau khi đột ngột dỡ bỏ Zero Covid, Trung Quốc bước vào thời kỳ hậu dịch hỗn loạn, số ca nhiễm tăng nhanh, hệ thống y tế quá tải, người dân không kịp trở tay. Một học giả ở Thượng Hải cho rằng, một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc hơn đang lộ ra với tốc độ ngày càng nhanh, các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng giống như Liên Xô cũ, đang chờ đợi một cuộc cách mạng.
Theo thông tin từ các kênh truyền thông và cư dân mạng Trung Quốc, nước này đang trong cảnh trùng trùng hỗn loạn sau khi chính quyền đột ngột dỡ bỏ Zero Covid. Ví như ở Bắc Kinh, hơn một nửa nhân viên y tế trong một bệnh viện nọ đã bị nhiễm Covid, do thiếu nguồn lực y tế nên hàng nghìn bệnh nhân ung thư không được hóa trị kịp thời khiến bệnh ngày càng nặng. Hệ thống tang lễ hiện đang bị quá tải do số người chết tăng đột biến. Sau khi dỡ bỏ phong tỏa, nhiều ngành nghề bị suy thoái, tỷ lệ nhân viên đi làm tại các đơn vị xí nghiệp và hành chính sự nghiệp cũng giảm mạnh.
Học giả Thượng Hải: Zero Covid khiến chế độ tan rã, quan chức ngồi chờ cách mạng
Một học giả chính trị ở Thượng Hải đã viết một bài báo trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) vào ngày 15/12 và lấy bút danh là Giang Phong (Jiang Feng, 江枫). Ông nói rằng sau khi gỡ bỏ phong tỏa, Trung Quốc sẽ tiếp tục trải qua sự hỗn loạn khủng khiếp mà đáng lý không nên có. Sau khi người dân đứng lên phản đối chính sách Zero Covid, họ mới kinh ngạc nhận ra rằng chế độ Bắc Kinh đã “nằm thẳng” suốt ba năm qua. Trong ba năm qua, hầu hết nguồn lực quốc gia đều được đổ vào việc kiểm soát dân thường và xây dựng các trại tập trung quy mô lớn, hệ thống y tế công cộng không được cải thiện nhiều.
Ông Giang Phong cho rằng, trong ba năm thi hành Zero Covid hà khắc vừa qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ ưu tiên cho việc “làm sạch Covid trong xã hội”; còn các quan chức trong đảng và chính phủ thì như những xác sống, chỉ biết thực thi mệnh lệnh một cách máy móc từ trên xuống dưới.
Những cán bộ đó, bề ngoài có vẻ như tuyệt đối trung thành và tích cực nhất, nhưng họ mới chính là nhóm người “nằm thẳng”, họ dành cả sự nghiệp chính trị của mình để chờ đợi chỉ thị cao nhất, không dám chủ động làm gì, chỉ ngồi nhìn xã hội bùng phát khủng hoảng, thậm chí là ngồi chờ cách mạng. Điều này rất giống với tâm lý chung của các quan chức Đảng Cộng sản Liên Xô trước khi Liên Xô sụp đổ, ông Giang phân tích.
Bài báo đề cập rằng, cuộc “Cách mạng Giấy trắng” nổ ra vào tháng trước đã buộc chính quyền phải rút lại Zero Covid. Đây có thể coi là buổi diễn tập cho tương lai của nền chính trị Trung Quốc. Với tốc độ ngày càng nhanh, một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc hơn đang bộc lộ ra.
Sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, Bắc Kinh lần đầu tiên điều chỉnh chính sách phòng dịch để cứu vãn nền kinh tế đang trên đà suy thoái. Nhưng những thay đổi đó cũng không đủ để giữ vững hàng tuyến phong tỏa ở Thạch Gia Trang, Trịnh Châu, Quảng Châu, v.v. Vào ngày 23/11, một cuộc xung đột tập thể đã nổ ra tại nhà máy Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Ngày hôm sau (24/11), vụ hỏa hoạn trong một khu dân cư bị phong tỏa ở Urumqi, Tân Cương khiến ít nhất 10 người tử vong đã thổi bùng sự uất hận trong nhân dân.
Bắt đầu từ ngày 25/11, công dân tại các khu dân cư bị phong tỏa ở Nam Kinh, Bắc Kinh, Trùng Khánh, Vũ Hán, Thành Đô và nhiều nơi khác đã xông ra ngoài và đạp đổ hàng rào cổng sắt; sinh viên các nơi cũng tự phát cử hành hoạt động bày tỏ lòng thương tiếc với các nạn nhân ở Urumqi và kháng nghị tập thể.
Do người biểu tình cầm giấy trắng để phản đối nên đây được gọi là “Cách mạng Giấy trắng” hay “Phong trào Giấy trắng”. Trên đường phố Thượng Hải, người dân còn cùng nhau hô vang các khẩu hiệu yêu cầu ông Tập Cận Bình từ chức, yêu cầu ĐCSTQ giao lại chính quyền. Điều này đã khơi dậy sự chú ý và ủng hộ của người dân Trung Quốc ở cả trong và ngoài nước.
Thời gian gần đây, nhiều nơi vẫn có các nhóm sinh viên biểu tình trong các trường đại học và trường y khoa, nhưng phần lớn là để phản đối sự đối xử bất công.
Lãnh đạo phong trào dân chủ: Cách mạng lúc giao thời thường bắt đầu từ các cuộc nổi dậy trong nhân dân
Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao) là một trong những nhà lãnh đạo của phong trào dân chủ sinh viên năm 1989 ở quảng trường Thiên An Môn. Ông hiện là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ Trung Quốc ở nước ngoài.
Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên The Epoch Times vào ngày 15/12, ông nói rằng dưới sự kiểm soát của một chế độ độc tài chuyên chế, quá trình chuyển đổi thường bắt đầu từ các cuộc nổi dậy trong nhân dân, sẽ xuất hiện tan rã từ quan chức cấp cơ sở cho đến cấp cao. Bằng cách này, phe đối lập trong chính quyền sẽ nhân cơ hội triển khai hoạt động. Cũng giống như cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 ở Trung Quốc, khi đó người dân đã đứng lên lật đổ triều đại Mãn Thanh.
Ông Vương nói rằng, chế độ ĐCSTQ ngày càng trở nên cứng nhắc, từ Zero Covid trước đó cho đến việc đột ngột nới lỏng hiện nay, chính sách nào cũng tạo ra sự tức giận và bất bình trong nhân dân. “Cuối cùng, nhất định sẽ xảy ra điều gì đó khiến nó (ĐCSTQ) sụp đổ”.
Dù ĐCSTQ đã rút lại chính sách Zero Covid, nhưng có biết bao nhiêu người đã phải bỏ mạng vì nó. Ông Vương dự đoán rằng, gia đình của các nạn nhân sẽ không để yên cho ĐCSTQ, hiện giờ chính quyền này đang đẩy toàn bộ trách nhiệm cho các ủy ban khu phố, sau đây có thể người dân sẽ đứng lên thỉnh nguyện, yêu cầu lời giải thích và đòi quyền lợi.
“Tôi nghĩ rằng cuộc cách mạng giấy trắng vẫn chưa thể kết thúc, bởi vì các vấn đề cần giải quyết trong quá trình [bảo vệ quyền lợi] này thực sự có thể còn sâu sắc hơn và toàn diện hơn nhiều”, ông nói.
Cựu cố vấn của ông Triệu Tử Dương: ‘Phong trào Giấy trắng’ khơi dậy lòng nhân đạo cho người Trung Quốc
Về phong trào này, Tiến sĩ Ngô Quốc Quang (Wu Guoguang), cựu cố vấn của cố Tổng bí thư ĐCSTQ Triệu Tử Dương, đã viết một bài báo trên VOA vào ngày 15/12. Ông nói rằng, cuộc biểu tình này đã có tác động tích cực lên người dân Trung Quốc, giúp họ giải phóng tinh thần và khơi dậy lòng nhân đạo. Ông quan sát thấy có bốn điểm nổi bật trong các cuộc biểu tình vừa qua:
Đầu tiên là sự dũng cảm và phong thái của các cô gái trẻ trong cuộc biểu tình giấy trắng, rất thu hút sự chú ý và đáng cảm phục.
Thứ hai là những người dân Trung Quốc tham gia biểu tình, đặc biệt là những người trẻ tuổi, họ bắt đầu hiểu được tại sao người dân Hong Kong luôn kiên trì kể từ hồi “Cách mạng ô dù” tới nay.
Điểm thứ ba cũng tương tự như vậy, đó là trong các cuộc biểu tình giấy trắng, người Hán bắt đầu thông cảm hơn với người Duy Ngô Nhĩ và ngược lại.
Ông Ngô chỉ ra rằng, nguồn gốc của cuộc biểu tình này là vụ hỏa hoạn ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương, “nhà tù lớn” mà ĐCSTQ dựng lên cho người dân Trung Quốc trong 3 năm qua cũng tương đồng với các “trung tâm chuyển hóa giáo dục” ở Tân Cương. Vì đều ở trong “trại tập trung”, dù chưa từng gặp mặt nhưng họ đều thấu hiểu hoàn cảnh của nhau. Người dân ở Trung Quốc đại lục đang thức tỉnh và bắt đầu đồng cảm hơn với người Hong Kong và người Duy Ngô Nhĩ.
Cuối cùng là, phong trào này đã mở rộng ra nước ngoài. Tiến sĩ Ngô cho biết, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, các du học sinh Trung Quốc đã dám đứng lên đòi quyền lợi, theo đuổi tự do và ủng hộ “Cách mạng Giấy trắng” trong nước. Và hải ngoại không còn là địa bàn riêng của các “tiểu phấn hồng” (thuật ngữ mô tả những thanh niên yêu ĐCSTQ mù quáng, sẵn sàng công kích và đáp trả mọi bất đồng chính kiến trên Internet).
Theo The Epoch Times tiếng Hoa
Đông Phương biên dịch