5 lý do khiến Trung Quốc thèm muốn, đố kỵ và thù hận Đài Loan

Vương Hữu Quần

5 lý do khiến Trung Quốc thèm muốn, đố kỵ và thù hận Đài Loan
Một số người đi ngang qua lá cờ Đài Loan ở thành phố Tân Bắc, Đài Loan vào ngày 13/1/2024. Hàng triệu người Đài Loan đã bỏ phiếu bầu tổng thống mới vào ngày 13/1 trước mối đe dọa từ Trung Quốc. (SAM YEH/AFP via Getty Images)

75 năm trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dùng mọi thủ đoạn để lật đổ Trung Hoa Dân Quốc ở Trung Quốc đại lục, buộc Trung Hoa Dân Quốc phải rút lui về đảo Đài Loan. 75 năm sau, Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan lại trở thành đối tượng bị Đảng Cộng sản Trung Quốc thèm muốn, đố kỵ và thù hận.

Đảng Cộng sản Trung Quốc liên tục tìm mọi cớ để đe dọa Đài Loan, nhất quyết muốn xóa bỏ Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan. Tại sao lại như vậy? Dưới đây là bài phân tích của Tiến sĩ Vương Hữu Quần (Wang Youqun) – cựu quan chức Bộ Giám sát thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc.

Qua lịch sử 100 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Vương Hữu Quần cho rằng chủ yếu có 5 lý do sau:

Thứ nhất, Trung Hoa Dân Quốc là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc. Chừng nào ĐCSTQ không tiêu diệt được Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan, tính hợp pháp của ĐCSTQ sẽ còn bị thách thức.

Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan có nguồn gốc từ Trung Hoa Dân Quốc được thành lập tại thành phố Nam Kinh, Trung Quốc vào ngày 1/1/1912.

Trong Thế chiến II, Trung Hoa Dân Quốc là một trong những thành viên quan trọng trong khối Đồng minh chống phát xít, là trụ cột vững chắc trong cuộc chiến của dân tộc Trung Hoa chống lại quân xâm lược Nhật Bản.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, Trung Hoa Dân Quốc là nước ký kết “Tuyên ngôn của Liên Hợp Quốc”, là nước thành viên sáng lập Liên Hợp Quốc và là một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Cho đến ngày nay, nguyên văn Điều 23 của “Hiến chương Liên Hợp Quốc” vẫn có nội dung: “Trung Hoa Dân Quốc, Pháp, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an”.

Có một lý do đặc biệt khiến Trung Hoa Dân Quốc bị buộc phải rút khỏi Liên Hợp Quốc vào năm 1971.

Cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài 10 năm từ 1966 – 1976 do ông Mao Trạch Đông phát động được chính Bắc kinh gọi là “10 năm thảm họa”. Năm 1971, khi ĐCSTQ đang ở giữa “thập kỷ thảm họa” này, làm sao họ có thể thay thế Trung Hoa Dân Quốc tại Liên Hợp Quốc được?

Câu trả lời rất đơn giản, chính quyền Bắc Kinh đã không từ thủ đoạn để có được kết quả này.

Cũng giống như khi nạn đói nghiêm trọng đã giết chết hàng chục triệu người ở Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn tiếp tục gửi một lượng lớn tiền bạc, tài sản và vật tư đến Albania. Albania là một trong những nước nhỏ đã “nâng” ĐCSTQ vào Liên Hợp Quốc. Đây là hành vi mang mạng sống của vô số người dân Trung Quốc đi “hối lộ” Albania!

Từ năm 1913 – 1979, trong 66 năm, hầu hết các quốc gia trong thế giới tự do, mà dẫn đầu là Hoa Kỳ, đều đã công nhận Trung Hoa Dân Quốc là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc.

Hai loại quốc ấn của Trung Hoa Dân Quốc – tượng trưng cho chính quyền hợp pháp của Trung Quốc, có tên là “Trung Hoa Dân Quốc Chi Tỷ”“Vinh Điển Chi Tỷ” – vẫn được truyền thừa ở Đài Loan cho đến ngày nay.

Trong 28 năm từ năm 1921 – 1949, mục tiêu quan trọng nhất mà ĐCSTQ luôn nhắm tới là lật đổ chính quyền hợp pháp của Trung Hoa Dân Quốc.

Một khách du lịch tạo dáng với một tượng đài đại diện cho Trung Quốc đại lục (trái) và Đài Loan (phải) trên đảo Bình Đàm, thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc vào ngày 06/08/2022. (HECTOR RETAMAL / AFP via Getty Images)

Thứ hai, Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan đã hoàn thành quá trình chuyển đổi chính trị và trở thành ngọn hải đăng của tự do và dân chủ trong thế giới người Hoa. Nền dân chủ tự do của Đài Loan trái ngược hoàn toàn với chế độ độc tài chuyên chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong những năm cuối của chính quyền Tưởng Kinh Quốc, Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan đã đi theo dòng chảy của thời đại, hủy bỏ lệnh cấm thành lập các đảng phái chính trị và lệnh cấm tự do báo chí, dỡ bỏ lệnh giới nghiêm và chuyển từ nền chính trị chuyên chế sang chính trị dân chủ.

Ngày 23/3/1996, Trung Hoa Dân Quốc đã tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên trong lịch sử để bầu ra tổng thống và phó tổng thống. Kể từ đó, việc công dân Trung Hoa Dân Quốc trực tiếp bầu tổng thống 4 năm một lần đã trở thành thông lệ. Tổng thống và Phó Tổng thống nước Trung Hoa Dân Quốc được công dân ủy quyền hợp pháp thông qua bầu cử trực tiếp.

Ngày nay, các cuộc bầu cử ở Đài Loan được chia thành ba loại chính: bầu cử Tổng thống, bầu cử Lập pháp viện (Quốc hội) và bầu cử công chức địa phương. Các ủy viên lập pháp và tổng thống được bầu với nhiệm kỳ bốn năm. Kể từ năm 2012, cuộc bầu cử tổng thống và các ủy viên lập pháp được tổ chức trong cùng một ngày, còn được gọi là “cuộc bầu cử 2 trong 1”.

Còn cuộc bầu cử công chức địa phương đã được thay đổi cách thức vào năm 2014, trở thành “cuộc bầu cử 9 trong 1” được tổ chức 4 năm một lần vào giữa nhiệm kỳ của tổng thống (tức tháng 11 của năm thứ hai), bao gồm các cuộc bầu cử:

  1. Người đứng đầu huyện và thành phố
  2. Đại biểu nhân dân cấp huyện và thành phố
  3. Thị trưởng thành phố trực thuộc trung ương
  4. Đại biểu nhân dân của thành phố trực thuộc trung ương
  5. Người đứng đầu thị trấn và xã
  6. Đại biểu nhân dân cấp thị trấn và xã
  7. Trưởng khu thổ dân vùng núi
  8. Đại biểu nhân dân của khu thổ dân vùng núi
  9. Trưởng thôn, lý

Ông Lại Thanh Đức (trái) chính thức đắc cử Tổng thống Đài Loan 2024. Người dân Đài Loan đã đi bỏ phiếu vào ngày 13/1/2024. (Ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)

Cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan năm 2000 là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa Dân Quốc, các đảng chính trị thay nhau tiếp quản chính phủ trong hòa bình. Quyền lực chính trị được chuyển giao từ Quốc dân đảng (KMT) sang Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) theo luật pháp, một cách hòa bình và có trật tự.

Khi Đài Loan chuyển đổi từ nền chính trị chuyên chế sang nền chính trị dân chủ, 4 quyền tự do gồm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do khỏi sợ hãi, và tự do khỏi nghèo khó của người dân Đài Loan đều đã được đảm bảo.

ĐCSTQ luôn mê tín rằng “chính quyền đến từ nòng súng”. Sau khi lật đổ Trung Hoa Dân Quốc ở Trung Quốc đại lục vào năm 1949, Bắc kinh vẫn luôn dựa vào “nòng súng” để duy trì chế độ chuyên chế của mình.

Trong 75 năm qua, ở Trung Quốc chưa bao giờ có một cuộc bầu cử thực sự công bằng và tự do mà luôn là một “cuộc bầu cử giả tạo” do ĐCSTQ kiểm soát. Vì vậy, các lãnh đạo của chính quyền này chưa bao giờ nhận được sự ủy quyền hợp pháp từ người dân Trung Quốc.

Cũng trong 75 năm này, chính quyền hiện tại ở Trung Quốc đã gây ra vô số thảm họa trên khắp đất nước, hàng trăm triệu người dân Trung Quốc đã bị tước đoạt quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do khỏi sợ hãi, và tự do khỏi nghèo đói.

Đường phố vắng tanh ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc khi bị phong tỏa vào ngày 3/2/2020 do dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). (Getty Images)

Thứ ba, Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan đã trở thành một nền kinh tế phát triển. Nền kinh tế ngày một phát triển của Đài Loan trái ngược hoàn toàn với nền kinh tế đang chìm trong khủng hoảng của Trung Quốc.

Đài Loan thực hiện chế độ chủ nghĩa tư bản và thiết lập nền kinh tế thị trường tự do. Sau nhiều thập niên phát triển, kinh tế Đài Loan đã có bước nhảy vọt về chất.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xếp Đài Loan là một nền kinh tế phát triển. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng xếp Đài Loan vào danh sách nền kinh tế có thu nhập cao.

Vào ngày 6/1, một thông cáo báo chí do Bộ Kinh tế Trung Hoa Dân Quốc ban hành cho thấy GDP của nước này đã tăng từ 17,6 nghìn tỷ Đài tệ (khoảng 580 tỷ USD) vào năm 2016 lên hơn 23 nghìn tỷ Đài tệ (khoảng 750 tỷ USD) vào năm 2023, tăng trưởng hơn 30%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 7 năm qua của Đài Loan là 3,4%, cao hơn mức bình quân của các nước phát triển trên thế giới.

Năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 ở thời kỳ tồi tệ nhất, Đài Loan là nền kinh tế phát triển duy nhất vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế bất chấp suy thoái và còn đứng đầu trong số các nền kinh tế phát triển ở châu Á. Đồng thời, xuất khẩu là động lực tăng trưởng kinh tế chính của Đài Loan, lượng xuất khẩu của quốc đảo này đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây và đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022, tăng 70% so với năm 2016. Mặc dù xuất khẩu năm 2023 bị ảnh hưởng bởi kinh tế toàn cầu nhưng vẫn lập kỷ lục lịch sử với mức 430 tỷ USD trong 3 năm liên tiếp.

Các doanh nhân Đài Loan và nước ngoài tiếp tục duy trì niềm tin vào môi trường đầu tư của Đài Loan.

“Ba kế hoạch đầu tư lớn vào Đài Loan” đã vượt mức 2,17 nghìn tỷ Đài tệ (khoảng 70 triệu USD), tạo ra 148.000 việc làm; lượng đầu tư nước ngoài đã tăng gấp đôi kể từ năm 2016, vượt 2,3 nghìn tỷ Đài tệ (khoảng 80 triệu USD). Đồng thời, Chỉ số chứng khoán TAIEX của Đài Loan cũng phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu đối với Đài Loan. Trong 7 năm qua, chứng khoán Đài Loan không chỉ có mức tăng cao nhất trong số các chứng khoán châu Á mà còn tăng gấp đôi từ hơn 8.000 điểm vào năm 2016 lên gần 18.000 điểm.

Vào tháng 6/2022, tờ RedaktionsNetzwerk Deutschland (RND) của Đức đã đăng một bài viết nói rằng Đài Loan cách Đức 9.000 km và diện tích chỉ tương đương với tiểu bang Baden-Württemberg của Đức, nhưng tầm quan trọng của hòn đảo nhỏ này đối với Đức lại nằm ngoài sức tưởng tượng của hầu hết người dân Đức. Bài báo này có nhan đề “Mất Đài Loan, nền kinh tế thế giới sẽ bị hủy hoại trong chốc lát”, trong đó viết rằng: “Công lao này chủ yếu thuộc về một công ty Đài Loan: TSMC”.

Một người phụ nữ đi ngang qua logo của Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) tại Công viên Khoa học Tân Trúc ở Tân Trúc, Đài Loan, vào ngày 5/7/2023. (Ảnh: SAM YEH/AFP qua Getty Images)

TSMC là công ty sản xuất chip bán dẫn lớn nhất toàn cầu, và đã sản xuất 90% chip siêu tiên tiến của thế giới. Năm 2022, giá trị thị trường của TSMC đạt 541 tỷ USD, đứng đầu ngành này trên toàn cầu.

Chip bán dẫn của Đài Loan đã trở thành nguyên liệu chiến lược mà các nước trên thế giới rất cần.

Trung Quốc đã thực hiện nền kinh tế kế hoạch trong một thời gian dài. Khi cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài 10 năm kết thúc, nền kinh tế Trung Quốc đã bị ĐCSTQ đưa đến bờ vực sụp đổ. Năm 1978, nước này buộc phải tiến hành cải cách mở cửa, tuyên bố thiết lập nền kinh tế thị trường chủ nghĩa xã hội.

Nhưng cho đến nay, nền kinh tế ở Trung Quốc vẫn không phải là nền kinh tế thị trường do thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ tài nguyên, mà là do quyền lực đóng vai trò quyết định.

Chính quyền ĐCSTQ nhấn mạnh rằng “Đảng lãnh đạo mọi việc”. Nói cách khác, xúc tu quyền lực của đảng này vươn đến tất cả các lĩnh vực có lợi nhuận cao nhất; kết quả là các giao dịch quyền lực – tiền bạc – sắc tình tràn ngập mọi lĩnh vực.

Quyền lực tuyệt đối chắc chắn sẽ dẫn tới hủ bại, tham nhũng tuyệt đối. Luật sắt (Iron law) này đã được ĐCSTQ kiểm chứng đầy đủ nhất.

Năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua một tình huống hiếm có trong lịch sử kinh tế nhân loại: thị trường chứng khoán, thị trường ngoại hối, thị trường bất động sản, và thị trường trái phiếu cùng lúc “vỡ trận”; nền kinh tế lao xuống vực.

Đến cuối năm 2022, toàn bộ 31 cơ quan tài chính cấp tỉnh của Trung Quốc đều thâm hụt ngân sách. Trong đó, tỉnh Quảng Đông đã ngừng công bố số liệu tài chính ngay từ năm 2021, thâm hụt tài chính trong báo cáo cuối năm 2022 đã lên tới hàng chục tỷ nhân dân tệ; tình hình tài chính ở Thượng Hải là ‘tốt nhất’, nhưng cũng thâm hụt 1,8 tỷ nhân dân tệ. Tất cả các chính quyền địa phương đều đang rơi vào tình trạng thâm hụt, đây là điều chưa từng có trong 75 năm qua. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sụp đổ tài chính.

Ngày nay, ở Trung Quốc có câu nói “công an kiểm soát thị trường chứng khoán, cơ quan an ninh quốc gia trấn áp nền kinh tế”. Nếu mọi việc không được giải quyết theo quy luật kinh tế mà lại do bộ máy chuyên chế trực tiếp nhúng tay, liệu nền kinh tế của Trung Quốc có thể khởi sắc?

Thứ tư, Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan đã giữ vững được nền tảng văn hóa truyền thống.

Năm 1966, khi ông Mao Trạch Đông phát động Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc đại lục và phá hủy văn hóa truyền thống Trung Hoa, thì ở Đài Loan, Trung Hoa Dân Quốc dưới sự cai trị của ông Tưởng Giới Thạch đã phát động một phong trào phục hưng văn hóa Trung Hoa trên quy mô lớn.

Vào tháng 11/1966, 1.500 người đã cùng nhau gửi một lá thư tới Hành chính viện Đài Loan, đề xuất phát động “Phong trào Phục hưng Văn hóa Trung Hoa” và yêu cầu lấy ngày 12/11 – ngày sinh nhật của ông Tôn Trung Sơn – làm “Ngày Phục hưng Văn hóa Trung Hoa”. Đề nghị này đã được ông Tưởng Giới Thạch chấp thuận.

Ngày 28/7/1967, các tầng lớp xã hội ở Đài Loan đã tổ chức cuộc họp ra mắt Ủy ban Xúc tiến Phong trào Phục hưng Văn hóa Trung Hoa (sau đổi tên thành Tổng hội Phong trào Phục hưng Văn hóa Trung Hoa), do Tổng thống Tưởng Giới Thạch của Trung Hoa Dân Quốc làm Hội trưởng, và phong trào này đã được thúc đẩy ở cả Đài Loan và hải ngoại.

Mục tiêu cuối cùng của phong trào này là lấy đạo đức và luân lý làm nền tảng, để làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn, bao gồm: trung, hiếu, nhân, ái, tín, nghĩa, hòa, bình; trong đó nền tảng triết học quan trọng nhất là “nhân” – tức lòng nhân ái.

Người xưa đã nói: “Lễ – Nghĩa – Liêm – Sỉ là bốn điều cần giữ gìn của một quốc gia; nếu không giữ được bốn điều này thì quốc gia sẽ diệt vong”.

Hầu như tất cả các khẩu hiệu mà ông Tưởng Giới Thạch viết cho các trường học đều là “Lễ – Nghĩa – Liêm – Sỉ”.

Ông Tưởng Giới Thạch nói: “‘Lễ – Nghĩa – Liêm – Sỉ là những nguyên tắc chung trong việc lập quốc từ xưa đến nay. Tuy nhiên, do thời gian và không gian khác nhau nên chúng cũng mang các ý nghĩa khác nhau. Ngày nay khi chúng ta áp dụng chúng vào cách đối nhân, xử thế, giao thiệp, tu thân thì có thể giải thích ngắn gọn như sau: ‘Lễ’ là thái độ cư xử đúng mực. ‘Nghĩa’ là hành vi chính đáng. ‘Liêm’ là biết phân biệt thật giả đúng sai. ‘Sỉ’ là sự tỉnh ngộ, nhận thức thực sự”.

Học sinh Đài Loan được giáo dục “Lễ – Nghĩa – Liêm – Sỉ” ngay từ khi còn nhỏ, điều này đã nuôi dưỡng nên tâm thái thiện lương và ôn hòa của người Đài Loan.

Nhiều người Trung Quốc đại lục sau khi tới Đài Loan du lịch thì đã phát hiện ra rằng cảnh đẹp nhất ở Đài Loan chính là con người nơi đây.

Từ ngày 7/4 đến ngày 21/4/2007, Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun đã lần đầu tiên biểu diễn tại Đài Loan với 15 suất diễn. Năm 2024 là năm thứ 15 Shen Yun tới Đài Loan lưu diễn, với 32 buổi biểu diễn.

Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun có trụ sở tại New York, Mỹ lấy việc phục hưng nền văn hóa Thần truyền Trung Hoa đích thực làm sứ mệnh. Với hình thức nghệ thuật thuần thiện thuần mỹ, Shen Yun đã triển hiện sự tráng lệ và huy hoàng của nền văn minh Trung Hoa 5.000 năm.

Người Đài Loan được thấm nhuần văn hóa truyền thống từ khi còn nhỏ, nên họ có thể hiểu ngay ý nghĩa văn hóa truyền thống chứa đựng trong các tiết mục của Shen Yun. Ngày nay, xem Shen Yun đã trở thành một trong những bữa tiệc tinh thần quan trọng nhất của người dân Đài Loan.

ĐCSTQ đã phá hủy văn hóa truyền thống Trung Hoa và thay thế bằng ‘văn hóa Đảng’ với các đặc trưng cơ bản là “giả, ác, đấu”.

Chính quyền này đã phát động hàng chục phong trào chính trị đẫm máu và tàn bạo trong 75 năm qua. Để bảo vệ Đảng và quyền lực, lời dối trá nào ĐCSTQ cũng dám nói, điều thương thiên hại lý (điều tàn ác, vô nhân tính, trái với Thiên lý, đạo đức) nào ĐCSTQ cũng dám làm. Nó có thú vui bất tận là đấu với Trời, với Đất, với Người.

Tới nay, Trung Quốc đã bị biến thành một nơi điên đảo đúng – sai, thiện – ác, chính – tà.

Hồng vệ binh của ĐCSTQ đập phá tượng Phật, phá hủy văn hóa truyền thống trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa. (Ảnh tổng hợp)

Thứ năm, một Đài Loan chính nghĩa được thế giới ủng hộ là sự đối lập rõ ràng với một Đảng Cộng sản Trung Quốc bị quốc tế bao vây lên án.

Khi đại dịch năm 2020 bùng phát ở Vũ Hán và lan rộng khắp Trung Quốc cũng như thế giới, Bắc Kinh đã mạnh tay thúc đẩy “Luật An ninh Quốc gia” ở Hong Kong, rũ bỏ lời hứa thi hành “một quốc gia, hai chế độ” ở Hong Kong trong 50 năm tính từ năm 1997.

Sau khi hạ được Hong Kong, Trung Nam Hải ngay lập tức coi việc hạ gục Đài Loan là mục tiêu chiến lược tiếp theo của mình.

Năm 2020, khi quốc nạn đang rình rập và người dân khắp Trung Quốc đang cần được chăm sóc sức khỏe khẩn cấp, thì Bắc Kinh lại phát động hàng chục cuộc tập trận quân sự ở Biển Bột Hải, Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông để gây “áp lực cực hạn” lên Đài Loan.

Do chính quyền Trung Quốc không ngừng leo thang đe dọa quốc đảo này, vào ngày 1/5/2021, tạp chí Economist của Anh đã mô tả Đài Loan là “nơi nguy hiểm nhất thế giới”.

May mắn thay, Đài Loan của ngày nay, nhờ tuân thủ các giá trị truyền thống và phổ quát, nên đã được Hoa Kỳ và các đồng minh coi là “một quốc gia lương thiện, một hình mẫu dân chủ và một đối tác đáng tin cậy của thế giới”.

ĐCSTQ càng gây áp lực lên Đài Loan, Đài Loan lại càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của thế giới tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được CBS phỏng vấn vào ngày 18/9/2022, người dẫn chương trình hỏi rằng: “Liệu Hoa Kỳ có giúp bảo vệ Đài Loan không?”, ông Biden trả lời: “Có, nếu trên thực tế (Đài Loan) bị tấn công theo cách chưa từng có”. Người dẫn chương trình lại hỏi: “Nếu Trung Quốc xâm phạm Đài Loan bằng vũ lực, không giống như khi Ukraine bị Nga xâm chiếm, liệu quân đội Mỹ và người Mỹ có bảo vệ Đài Loan không?”, ông Biden trả lời: “Có”.

Đây là lần thứ tư kể từ khi ông Biden nhậm chức, Mỹ công khai tuyên bố sẽ giúp bảo vệ Đài Loan.

“Nếu Đài Loan xảy ra chuyện, tức là Nhật Bản xảy ra chuyện”; “Nếu Đài Loan xảy ra chuyện, tức là Philippines xảy ra chuyện”. Điều này đã trở thành sự đồng thuận của lãnh đạo hai nước Nhật Bản và Philippines – láng giềng của Đài Loan.

Trong những năm gần đây, Nhóm G7 (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada), Liên minh Châu Âu, Nghị viện Châu Âu, NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), v.v. đã nhiều lần đưa ra các tuyên bố hoặc thông qua các nghị quyết liên quan về việc duy trì hòa bình, ổn định trên eo biển Đài Loan.

Cờ Trung Quốc (trái) và cờ Đài Loan. (Trái: China Photos/Getty Images; Phải: Mandy Cheng/AFP/Getty Images)

Kể từ khi cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ nổ ra vào năm 2018, ngày càng nhiều chính phủ và người dân trên thế giới hiểu rõ về bản chất “giả, ác, đấu” của ĐCSTQ.

Ngày nay, quan hệ Trung – Mỹ đã xấu đi và xuống đến mức thấp nhất trong hơn 40 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Thế giới tự do, do Hoa Kỳ dẫn đầu, đang bao vây chính quyền Trung Quốc từ nhiều khía cạnh như kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học công nghệ, thương mại, tài chính, ngoại giao, nhân quyền, Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương, v.v.

Kết luận

Khi các cuộc khủng hoảng đối nội và đối ngoại của Trung Quốc ngày càng sâu sắc, để chuyển dời áp lực, không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ có hành vi mạo hiểm quân sự ở khu vực eo biển Đài Loan.

Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc rất khó làm được điều này. Lực lượng Tên lửa là đơn vị át chủ bài được Bắc Kinh sử dụng để tấn công Đài Loan bằng vũ lực. Tuy nhiên, vào năm 2023, Lực lượng Tên lửa đang vướng vào một vụ thanh trừng trên quy mô lớn, liên quan đến cả Bộ Quốc phòng, Bộ Phát triển Trang bị Quân ủy Trung ương, Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương, Lực lượng Chi viện Chiến lược, Không quân, và các doanh nghiệp công nghiệp quân sự, v.v. Ông Tập Cận Bình đã phải thanh trừng các tướng lĩnh do chính mình đề bạt, thăng chức.

Đài Loan là yếu địa chiến lược của thế giới tự do do Hoa Kỳ dẫn đầu, và đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh. Nếu ĐCSTQ phạm phải sai lầm lớn – chiếm Đài Loan bằng vũ lực, đó có thể là hành động đẩy nhanh sự sụp đổ của chính quyền này.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

Related posts