Mỹ: Đối phó với thảm hoạ di cư, thị trưởng một thành phố của Texas tuyên bố tình trạng khẩn cấp
Hôm thứ Bảy (17/12), thị trưởng thành phố biên giới thuộc tiểu bang Texas El Paso, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp với lý do thành phố quá tải với hàng ngàn người di cư bất hợp pháp qua biên giới, họ buộc ngủ trên đường phố trong thời tiết đóng băng. Ước tính có tới 4,500 – 6,000 người vượt biên bất hợp pháp tràn vào Mỹ qua El Paso mỗi ngày.
Ngài Thị trưởng thành phố El Paso là Oscar Leeser, một chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ, đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Ông cho biết việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ cung cấp cho chính quyền thành phố các nguồn lực và khả năng cung cấp nơi trú ẩn cho những người di cư bất hợp pháp đã vượt qua biên giới Mexico tràn vào Hoa Kỳ.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Bảy tại Tòa thị chính, ông Leeser cho biết ông cảm thấy đã đến lúc đưa ra “Tuyên bố tình trạng khẩn cấp” do số lượng người di cư hiện đang ngủ bên ngoài trong bối cảnh thời tiết đóng băng, ngày một lạnh giá và khắc nghiệt. Các quan chức thành phố cho biết họ ước tính có tới 6.000 người [di cư bất hợp pháp] tràn vào thị trấn qua biên giới mỗi ngày.
“Thảo luận về vấn đề này với các đối tác liên bang của chúng tôi, các cơ quan chức năng ước tính (vào thứ Tư vừa qua), rằng con số người di cư bất hợp pháp tràn vào El Paso sẽ lên tới 4,500 đến 6,000 người. Và khi tôi hỏi họ, các vị có thể xử lý vấn đề này ngày hôm nay không. Câu trả lời các cơ quan chức năng là không. Và khi tôi nghe được câu trả lời này, tôi biết là chúng tôi phải làm gì đó ngay lập tức”, ông Leeser nói.
Bằng cách tuyên tố ‘Tình trạng khẩn cấp’, cấp chính quyền của thành phố có thể thành lập Trung tâm Điều hành Khẩn cấp, thực hiện các kế hoạch quản lý khẩn cấp nhằm bảo vệ sức khỏe, sự an toàn và đảm bảo phúc lợi cho người di cư.
Trong khi đó, Văn phòng Quản lý Khẩn cấp (OEM) đã cử các đội lưu động đến hỗ trợ những người di cư mà chính quyền đang giải tỏa ở khu vực Trung tâm thành phố trong điều kiện thời tiết mùa đông khắc nghiệt.
Leeser nói với các phóng viên: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng mọi người được đối xử với phẩm giá. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng mọi người đều an toàn”.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh thành phố El Paso, một thành trì của đảng Dân chủ có lịch sử chào đón người nhập cư, trong những tháng gần đây đã phải vật lộn để đối phó với hàng chục nghìn người di cư vượt biên giới với Mexico.
Thẩm phán Hoa Kỳ đã ra lệnh ngăn chặn các hạn chế biên giới do COVID-19 được gọi là “Tiêu đề 42”; chính sách này kết thúc trước ngày 21/12/2022. Tiêu đề 42 cho phép các nhà chức trách Mỹ trục xuất nhanh chóng những người di cư, bao gồm cả những người xin tị nạn, đến Mexico và các quốc gia khác để tránh tình trạng quá tải ở các trạm biên giới có thể làm trầm trọng thêm tình trạng COVID-19 lây lan.
Một số lượng kỷ lục người di cư đã bị bắt khi băng qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico dưới thời Tổng thống Joe Biden, một đảng viên Đảng Dân chủ nhậm chức vào tháng 1/2021.
Các đặc vụ biên giới Hoa Kỳ cho viết số lượng người nhập cư bất hợp pháp vào El Paso tháng 12/2022 đã tăng 40% so với tháng Mười, theo Reuters.
Ngay cả khi các quan chức chính phủ di chuyển người di cư ở El Paso đến các thành phố khác của Hoa Kỳ, các nơi trú ẩn địa phương khác đã bị quá tải và khó có thể tiếp nhận thêm. Rất nhiều người di cư đã phải ngủ trên đường phố trong bối cảnh nhiệt độ xuống dưới mức đóng băng.
Quang Nhật tổng hợp
Giáo hoàng giải thích vì sao “chiến tranh toàn cầu” Ukraine kéo dài
Trong một phỏng vấn ngày Chủ Nhật (18/12), khi được phóng viên tờ báo ABC tiếng Tây Ban Nha hỏi về khả năng kết thúc của cuộc chiến ở Ukraine, Giáo hoàng Francis đã trả lời rằng có thể “cuộc chiến toàn cầu” đó sẽ kéo dài, và đưa ra lời nhận xét ngắn gọn giải thích lý do.
“Tôi không thấy rằng [cuộc chiến tại Ukraine] sẽ sớm kết thúc,” Giáo hoàng trả lời, và giải thích, “vì đó là một cuộc chiến toàn cầu.”
“Hãy nhớ lấy điều này. Có nhiều bàn tay đang khuấy trong cái nồi chiến tranh ấy. Nó là toàn cầu.”
Giáo hoàng nói tiếp:
“Tôi nghĩ rằng cuộc chiến này được tiến hành khi một đế chế nào đó bắt đầu suy yếu. Và khi có những vũ khí được sử dụng, được thử nghiệm và được trao bán.”
“Có rất nhiều thứ đang bị đe dọa.”
Tờ báo RT của Nga, dường như đồng ý với quan điểm này khi trích dẫn lời của Giáo hoàng, mặc dù thời gian gần đây, những chỉ trích của Giáo hoàng về cuộc xâm lược do Nga khởi xướng này khiến phe Nga không mấy hài lòng.
“Nga vẫn luôn nói cuộc “chiến tranh ủy quyền” này thực chất chính là cuộc chiến chống lại Nga bởi một nước láng giềng do Hoa Kỳ và NATO tài trợ,” tờ báo viết. “Hoa Kỳ và các đồng minh đã cam kết hỗ trợ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ‘đến chừng nào mà’ Nga thua cuộc, đồng thời khăng khăng tuyên bố rằng họ nằm ngoài xung đột.”
Giáo hoàng Francis từng nhiều lần lên tiếng phản đối chiến tranh ở Ukraine, nhắc nhở hãy nghĩ đến những người Ukraine đang phải sống trong trong hoàn cảnh khó khăn, và thường kêu gọi hòa bình, đã trả lời như sau khi được phóng viên ABC hỏi về việc này:
“Chúng tôi đã làm những gì chúng tôi có thể làm. Nhưng họ không nghe. Những gì đang diễn ra ở Ukraine thật kinh khủng. Nhiều sinh mệnh bị tàn sát. Vấn đề này đã nghiêm trọng rồi. Tôi vẫn sẽ tiếp tục phản đối [chiến tranh] này.”
Thiên Đức
New York Times: Mỹ từng nỗ lực ngăn Ukraina sát hại Tổng tham mưu trưởng Liên bang Nga
Theo New York Times, Hoa Kỳ đã cố gắng ngăn cản Ukraina sát hại Tổng tham mưu trưởng Liên bang Nga Valery Gerasimov trong chuyến thăm của ông tới .
Các quan chức Mỹ biết rằng Tướng Valery Gerasimov đã lên kế hoạch cho một chuyến đi ra tiền tuyến vào tháng 4, nhưng đã giấu thông tin này với người Ukraina, vì sợ rằng nếu Ukraina tấn công ông Gerasimov có thể dẫn đến chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Nga
Tuy nhiên, phía Ukraina vẫn phát hiện ra chuyến đi. Sau cuộc tranh luận nội bộ, Washington đã yêu cầu Ukraina dừng cuộc tấn công. một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết:
“Chúng tôi đã nói với họ rằng đừng làm điều đó. Chúng tôi đã nói: ‘Này, thế này là quá nhiều rồi’. Thông điệp phát đi quá muộn. Quân đội Ukraina thông báo cho phía Mỹ rằng họ đã tiến hành một cuộc tấn công vào vị trí của vị tướng Nga. Các quan chức cho biết hàng chục người Nga đã thiệt mạng trong cuộc tấn công”. Quan chức Mỹ nói thêm.
Tuy nhiên, Tướng Gerasimov không nằm trong số những người thiệt mạng.
Trang Pravda của Ukraina cũng nói, sau đó, các nhà lãnh đạo quân sự Nga đã giảm bớt các chuyến thăm ra mặt trận.
Vào ngày 28 tháng 4, các nhà báo Ukraina đưa tin rằng ông Gerasimov đã đến Izyum để đích thân chỉ huy lực lượng Nga.
Một số quan chức và blogger Ukraina, bao gồm cả cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Arsen Avakov, tuyên bố rằng Lực lượng Vũ trang Ukraina đã tấn công trụ sở chỉ huy quân sự Nga gần Izyum khi ông Gerasimov đang ở đó. Lúc đó có tin Tổng tham mưu trưởng Nga đã bị thương nặng.
Liên Thành
Kính viễn vọng Webb phát hiện sự hình thành nút thắt trong Vũ trụ
Các nhà thiên văn học đã phát hiện kết cấu của vũ trụ chúng ta ở quy mô lớn và kết cấu của đại não của con người là có sự tương đồng kì diệu: chúng đều có cùng một loại kết cấu mạng lưới, các cụm thiên hà tổ thành các nút thắt trong kết cấu của mạng lưới vũ trụ. Hiện tại, kính viễn vọng James Webb đã phát hiện xung quanh một chuẩn tinh (quasar) đang hình thành các nút cụm thiên hà giống như vậy.
Chuẩn tinh hoạt động mạnh nhất từng quan sát được
Chuẩn tinh (quasar – viết tắt của tên tiếng Anh: quasi-stellar object), có nghĩa là vật thể giống sao, là thiên thể cực xa và cực sáng, với dịch chuyển đỏ rất lớn đặc trưng. Trong phần ánh sáng biểu kiến, chuẩn tinh trông giống một ngôi sao bình thường, tức nguồn phát sáng điểm.
Theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đưa tin ngày 20 tháng 10 năm 2022, chuẩn tinh được quan sát SDSS J165202.64+172852.3 là một chuẩn tinh “cực đỏ”, cách Trái Đất 11,5 tỉ năm ánh sáng. Các chuẩn tinh là các nhân thiên hà hoạt động (active galactic nucleus, AGN) hiếm thấy và phát sáng cực mạnh. Chuẩn tinh này là một trong những nhân thiên hà hoạt động mạnh nhất từng được nhìn thấy ở khoảng cách xa như vậy. Các nhà thiên văn học suy đoán, bức xạ cực đại của chuẩn tinh có thể gây nên gió thiên hà, sẽ đẩy khí tự do ra khỏi chính thiên hà đó, tạo ra ảnh hưởng rất lớn đối với việc hình thành ngôi sao tại đây trong tương lai.
Nhân thiên hà hoạt động (AGN) là vùng nhân đặc của thiên hà, phát ra bức xạ điện từ đủ làm bức xạ của các ngôi sao có trong thiên hà mờ nhạt. Các chuẩn tinh thường phát ra rất nhiều ánh sáng ở mọi bước sóng, nhưng lõi thiên hà này thuộc loại có màu đỏ bất thường. Ngoại trừ màu đỏ vốn có, ánh sáng của thiên hà này còn dịch chuyển thêm về phía đỏ do khoảng cách xa xôi của nó. Bởi vì kính viễn vọng James Webb có độ nhạy vô song đối với các bước sóng hồng ngoại nên nó rất lý tưởng để quan sát thiên hà này.
Nhóm nghiên cứu đã dùng quang phổ cận hồng ngoại trên kính viễn vọng Webb để nghiên cứu sự vận động của khí, bụi và vật chất trong thiên hà. Máy quang phổ hồng ngoại trên kính viễn vọng Webb có thể đồng thời thu thập quang phổ trong toàn thị trường của kính viễn vọng (thay vì thu thập lần lượt từng điểm một), rất quan trọng đối với việc lý giải sự vận động của vật chất xung quanh chuẩn tinh. Bởi vì sự vận động của khí xung quanh chuẩn tinh có thể làm quang phổ dịch chuyển đỏ hoặc dịch chuyển xanh, đội nghiên cứu thông qua quan sát sự thay đổi tần số của quang phổ ion oxi để xác định chuyển động của vật chất xung quanh thiên hà.
Sự hình thành của một nút thắt Vũ trụ
Trước đó, các nhà thiên văn học khác sử dụng kính viễn vọng Hubble và kính viễn vọng phương Bắc Gemini (Gemini-North telescope) đã phát hiện chung quanh chuẩn tinh này có một dòng chảy rất mạnh, họ suy đoán rằng thiên hà mà nó cư ngụ đang hợp nhất với một thiên hà đồng hành vô hình. Nhưng điều họ không ngờ tới là dữ liệu từ máy quang phổ của Webb tiết lộ rằng đó không chỉ là một thiên hà, mà là ít nhất ba thiên hà khác đang quay quanh nó. Vì vậy, kết luận mới nhất là chuẩn tinh SDSS J165202.64+172852.3 là một phần của một nút Vũ trụ đang hình thành.
Ba thiên hà đã được xác nhận này đang quay quanh nhau với tốc độ đáng kinh ngạc, điều này chỉ rõ rằng có lượng lớn vật chất ở gần đó. Kết hợp với mức độ chúng liên kết chặt chẽ với khu vực xung quanh chuẩn tinh này, nhóm nghiên cứu cho rằng dấu hiệu này cho thấy đây là một trong những khu vực hình thành thiên hà dày đặc nhất từng được biết trong Vũ trụ thời sơ khai.
Thiện Tâm, theo Chánh Kiến Net