Lam Giang
Ngoại trưởng Úc Penny Wong một lần nữa phát đi tín hiệu gửi đến Bắc Kinh rằng, chìa khóa để duy trì mối quan hệ song phương mạnh mẽ giữa hai quốc gia phụ thuộc vào việc Bắc Kinh dỡ bỏ hạn chế thương mại trị giá hàng tỷ đô la đối với hàng xuất khẩu của Úc.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Úc đang xấu đi nhanh chóng khi chính phủ của Thủ tướng Turnbull công khai cáo buộc Trung Quốc cố gắng can thiệp vào chính trường Úc vào năm 2017. Do đó, Canberra đã thắt chặt luật hạn chế ảnh hưởng của nước ngoài đối với các quan chức dân cử Úc và sau đó cấm công nghệ Huawei xây dựng mạng viễn thông 5G của nước này.
Xung đột gay gắt giữa hai nước leo thang vào tháng 4/2020 khi chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều tra về nguồn gốc của virus corona gây ra đại dịch Covid-19 toàn cầu. Vào tháng 9/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marina Payne cáo buộc chính phủ Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo ở Tân Cương và cấm các quyền tự do dân sự ở Hong Kong.
Vào năm 2020, Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Úc. Đây được coi là một phần của chiến dịch gây áp lực kinh tế có chủ ý của Bắc Kinh đối với Canberra. Các biện pháp trừng phạt này đã được chứng minh là trở ngại đối với các nhà chức trách đang tìm cách bình thường hóa mối quan hệ giữa hai nước.
Theo đó, Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế bằng cách hạn chế nhập khẩu 8 mặt hàng của Úc, bao gồm rượu vang, gỗ, than đá, thịt bò, thịt cừu, hải sản, lúa mạch và mật ong. Động thái này được cho là đã khiến ngành xuất khẩu của nước này thiệt hại khoảng 15,4 tỷ USD.
Phát ngôn viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Uông Văn Bân (Wang Weibin) nói rằng, các biện pháp hạn chế thương mại mang tính cưỡng chế của Bắc Kinh đối với Úc là “hợp pháp và không thể chê trách được”.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Liên bang Micronesia, Ngoại trưởng Penny Wong cho biết, chính phủ Đảng Lao động Úc đã khuyên Bắc Kinh nên can dự với Úc một cách “khôn ngoan”.
“Chúng tôi sẽ tìm cách ổn định mối quan hệ; chúng tôi muốn làm rõ rằng việc loại bỏ những trở ngại thương mại đó là vì lợi ích của cả hai quốc gia”, bà Wong nói.
“Chúng tôi sẽ tìm kiếm một cam kết cho phép Úc đàm phán một cách khôn ngoan về những khác biệt của mình và chúng tôi cũng hoan nghênh Trung Quốc chung tay với Úc trong việc điều hướng một cách khôn ngoan sự chênh lệch về lợi ích của các bên”.
Bà Wong cho biết, rốt cuộc, việc có dỡ bỏ các hạn chế thương mại hay không còn tùy thuộc vào quyết định của ĐCSTQ.
“Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng, [quyết định dỡ bỏ các hạn chế thương mại đối với Úc] cũng mang lại lợi ích tốt nhất cho ĐCSTQ”, bà nói thêm.
Nhận xét của Ngoại trưởng Úc được đưa ra trong bối cảnh hai quốc gia đang xem xét hàn gắn căng thẳng ngoại giao sau cuộc gặp giữa Thủ tướng đương nhiệm Anthony Albanese và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Indonesia.
Tuy nhiên, ông Albanese cảnh báo về những sự thay đổi tức thì trong mối quan hệ giữa hai nước.
“Không ngờ rằng một cuộc họp như vậy lại dẫn đến việc đưa ra những tuyên bố nhanh chóng”, ông Albanese nói, đề cập đến các biện pháp trừng phạt thương mại mà Bắc Kinh áo đặt đối với Canberra.
Các chiến thuật cưỡng chế đang đẩy cộng đồng quốc tế ra xa
Việc ĐCSTQ tiến hành một chiến dịch cưỡng chế kinh tế đối với Úc đã bị cộng đồng quốc tế coi là một bước đi sai lầm. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken đã đưa ra nhận xét vào tháng 2 rằng, Trung Quốc đã làm nhiều hơn những gì họ có thể.
Ông Blinken nói với tờ The Sydney Morning Herald và The Age trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi cho rằng Trung Quốc đã thiệt hại nhiều hơn Úc trong nỗ lực siết chặt kinh tế của Úc”.
Ngoại trưởng Blinken cũng dự đoán rằng, Bắc Kinh sẽ “suy nghĩ kỹ điều này trong tương lai”.
Tương tự như vậy, các chiến thuật của Bắc Kinh được coi là chất xúc tác cho việc thành lập AUKUS. Giáo sư Rory Medcalf (Hiệu trưởng Trường An ninh quốc gia – Đại học Quốc gia Úc) và là tác giả của cuốn sách “Indo-Pacific Empire” (tạm dịch: Đế chế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương) nói với tờ Politico rằng, đó là “một sự liên kết được tạo ra từ Bắc Kinh”.
“Mức độ gây áp lực kinh tế và gián điệp mạng của Trung Quốc đối với Úc trước đây mà nói là không thể tưởng tượng được. Vì vậy, các cơ quan an ninh của Úc đã học cách dự tính những tình huống xấu nhất [có thể xảy ra]”, ông Medcalf cho biết.
Thương mại Úc tiếp tục bùng nổ
Bất chấp các lệnh trừng phạt thương mại, thặng dư thương mại của Úc đã tăng từ 9 tỷ USD vào tháng 12/2021 lên 12,2 tỷ USD vào tháng 12/2022.
Ngoài ra, Liên minh trung hữu trước đây đã thành công đáng kể khi đàm phán các hiệp định thương mại tự do mới với các thị trường lớn khác như Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ. Các hiệp định này dự kiến sẽ có hiệu lực trong vài tuần tới.
Trong một bài báo của tờ Foreign Policy năm 2021, Tiến sỹ Jeffrey Wilson, Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Perth USAsia, cho biết, mặc dù Bắc Kinh tìm cách trừng phạt Úc, nhưng điều đó không mang lại hiệu quả.
Ông nói thêm: “Các biện pháp trừng phạt không thể khiến Úc lùi bước. Thay vào đó, chính phủ Úc đã phản ứng giận dữ, với việc [cựu] Ngoại trưởng Marise Payne công khai cáo buộc Trung Quốc gây áp lực kinh tế lên Úc”, ông nói.
“Tuy nhiên, các tác động [từ lệnh trừng phạt] là rất nhỏ. Nguyên nhân là do sự chuyển hướng thương mại (trade diversion): Khi một rào cản thương mại được dựng lên, các doanh nghiệp có xu hướng tìm kiếm các thị trường thay thế cho sản phẩm của họ. Kết quả là hiếm khi các ngành xuất khẩu bị sụp đổ trong các thị trường quốc tế tự do. Phần lớn dòng chảy thương mại sẽ điều chỉnh theo rào cản này”.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch