Các tàu chiến của Iran, Nga và Trung Quốc trong một cuộc tập trận chung ở Ấn Độ Dương trong một bức ảnh không ghi ngày tháng. (Ảnh: Văn phòng quân đội Iran/AFP/Getty Images)
Bắt đầu từ ngày 21/12, Bắc Kinh và Moscow sẽ tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung, báo hiệu sự hợp tác ngày càng tăng giữa hai đối thủ lớn nhất của Mỹ. Các cuộc tập trận chung, là một sự kiện thường niên kể từ năm 2012, sẽ diễn ra ở Biển Hoa Đông.
“Giai đoạn tích cực của cuộc tập trận sẽ liên quan đến hoạt đọng phối hợp bắn tên lửa và pháo vào các mục tiêu trên không, bắn pháo vào các mục tiêu trên biển và huấn luyện các hoạt động chống tàu ngầm chung bao gồm cả việc sử dụng vũ khí thực tế”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố.
Bộ Quốc phòng Nga lưu ý, mục tiêu chính của cuộc tập trận chung là “tăng cường hợp tác hải quân giữa Nga và Trung Quốc”. Hải quân Nga cho biết tàu tuần dương tên lửa Varyag, tàu khu trục Marshal Shaposhnikov và hai tàu hộ tống của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga cũng sẽ tham gia cuộc tập trận.
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ cử hai tàu tuần tra, hai tàu khu trục, một tàu ngầm diesel và một tàu tiếp tế tổng hợp tới cuộc tập trận.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tập trận cũng sẽ có sự tham gia của các máy bay trực thăng và máy bay từ Hạm đội Thái Bình Dương và PLA. Tàu chiến Nga đã khởi hành từ Vladivostok (Nga) vào ngày 19/12 để tham gia cuộc tập trận.
Quan hệ đối tác Nga – Trung Quốc
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng 2, sự hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh đã được tăng cường.
Vào tháng 9, Trung Quốc đã cử hơn 2.000 binh sĩ cùng với 300 phương tiện quân sự, 3 tàu chiến và 21 máy bay chiến đấu tham gia một cuộc tập trận chung với Nga. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh cử lực lượng từ 3 quân chủng tham gia một cuộc tập trận. ở Nga.
Vào tháng 11, các máy bay ném bom của lực lượng Nga và Trung Quốc đã tham gia tuần tra chung trên Biển Hoa Đông và Biển Nhật Bản. Trong khi các máy bay ném bom của Trung Quốc bay đến một căn cứ không quân của Nga, thì các máy bay ném bom của Nga đã hạ cánh lần đầu tiên ở Trung Quốc.
Đáp lại, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno đã nêu quan ngại về cuộc tập trận chung Nga – Trung.
“Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ sự hợp tác ngày càng tăng giữa hai nước với tinh thần quan tâm”, ông nói trong một cuộc họp báo vào thời điểm đó.
Trung Quốc đã từ chối chỉ trích Moscow vì cuộc xâm lược Ukraine. Thay vào đó, Nga đã đổ lỗi cuộc xung đột cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Hoa Kỳ vì đã khiêu khích Nga.
Chính quyền Bắc Kinh cũng đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Đổi lại, Nga đã mở rộng hỗ trợ cho Trung Quốc trong căng thẳng với Hoa Kỳ liên quan đến Đài Loan.
Đối phó với Trung Quốc và Nga
Trong Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ năm 2022 (NSS) được công bố vào tháng 10 (pdf), Washington chủ trương áp dụng hai chiến thuật riêng biệt để đối phó với những thách thức do Trung Quốc và Nga đặt ra.
“Trung Quốc và Nga ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau, nhưng những thách thức mà họ đặt ra ở những khía cạnh quan trọng là khác biệt. Mỹ sẽ ưu tiên duy trì lợi thế cạnh tranh lâu dài so với Trung Quốc trong khi hạn chế một nước Nga vẫn đang cực kỳ nguy hiểm”, báo cáo viết.
Báo cáo nhấn mạnh Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất” có cả ý định và năng lực định hình lại trật tự quốc tế. Bắc Kinh đang tìm cách hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh quân sự, đồng thời làm xói mòn các liên minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.
Để đối phó với Trung Quốc, Washington đề ra 3 chiến lược: đầu tư vào các lợi thế của Mỹ như dân chủ, sáng tạo, cạnh tranh và khả năng phục hồi; phối hợp các nỗ lực của Hoa Kỳ với các đồng minh và đối tác của mình; và cạnh tranh để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ và phát triển tầm nhìn của Hoa Kỳ cho tương lai.
Báo cáo nhấn mạnh rằng cuộc xung đột của Nga tại Ukraine đã làm “suy giảm sâu sắc” vị thế của nước này so với Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác như Nhật Bản và Ấn Độ.
Theo The Epoch Times
Thanh Hải biên dịch