Ngăn truyền thông đưa tin từ hiện trường, Trung Quốc cử cảnh sát canh giữ lò hỏa táng
Thế giới bên ngoài đang nghi ngờ về số người chết do Covid-19 tại Trung Quốc. Cùng lúc, chính quyền đã cử cảnh sát và nhân viên an ninh canh gác bên ngoài nhà tang lễ Đông Giao ở Bắc Kinh để ngăn giới truyền thông tiết lộ thêm về tình hình thực tế tại lò hỏa táng. Nhà tang lễ Đông Giao là một trong những lò hỏa táng được Bắc Kinh chỉ định để xử lý thi thể tử vong do Covid.
Bloomberg đưa tin, vào thứ Hai (ngày 19/12), khi hơn chục chiếc xe van màu đen tiến vào địa điểm chuẩn bị và xử lý thi thể hỏa táng ở nhà tang lễ Đông Giao tại Bắc Kinh, các nhân viên an ninh đã đẩy các phóng viên truyền thông ra phía sau bãi đậu xe của nhà tang lễ.
Dịch Covid-19 gần đây đã nhanh chóng lan rộng khắp Trung Quốc, mức độ nghiêm trọng tại quốc gia này đang thu hút sự chú ý của thế giới bên ngoài. Kể từ ngày 7/12 khi nước này dỡ bỏ chính sách Zero Covid cho đến ngày 17/12, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc luôn tuyên bố “không có trường hợp tử vong mới”.
Sau khi các phương tiện truyền thông nước ngoài gần đây đưa tin rằng các lò hỏa táng đã quá tải, Bắc Kinh mới thông báo vào thứ Hai rằng ngày 18/12 có 2 ca tử vong mới. Đây là các trường hợp tử vong đầu tiên được chính quyền chính thức xác nhận trong gần một tháng qua. Sáng nay ngày 20/12, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết 24 giờ qua ghi nhận thêm 5 ca tử vong. Cả 7 ca này đều ở Bắc Kinh.
Nhưng dữ liệu này vẫn còn cách xa dữ liệu từ lò hỏa táng.
Các phóng viên của Financial Times, The Wall Street Journal, AFP, Reuters và AP gần đây đã trực tiếp đến nhà tang lễ ở Bắc Kinh để chụp ảnh hoặc phỏng vấn nhân viên nhà tang lễ qua điện thoại, để tìm hiểu về các ca tử vong do dịch bệnh. Kết quả điều tra chỉ ra rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang che giấu số người chết do nhiễm Covid-19.
Điều này khiến các nhà tang lễ trở thành mục tiêu kiểm duyệt của ĐCSTQ. Các bức ảnh được chụp vào đầu ngày thứ Hai (19/12) cho thấy hàng dài xe ô tô, một số được trang trí bằng dải ruy băng dùng trong đám tang, đang tiến vào nhà tang lễ Đông Giao, còn các nhân viên mặc đồ bảo hộ đang di chuyển quan tài, Bloomberg cho hay.
Tờ The Wall Street Journal ngày 16/12 đưa tin, nhân viên các nhà tang lễ ở Bắc Kinh tiết lộ, nhu cầu hỏa táng và các dịch vụ tang lễ khác gần đây tăng cao, họ bận rộn suốt 24 giờ mỗi ngày.
Một người phụ nữ trả lời điện thoại ở nhà tang lễ trên cho biết, cô ước tính có khoảng 200 thi thể được đưa đến nhà tang lễ mỗi ngày, so với con số 30 hoặc 40 như thường ngày.
Trong khi đó, các nhân viên nhà tang lễ nói với Financial Times rằng, có ít nhất 30 thi thể tử vong do Covid đã được hỏa táng chỉ riêng trong chiều ngày thứ Tư tuần trước (14/12).
Kể từ khi ĐCSTQ tuyên bố bỏ phong tỏa, hoạt động tuyên truyền cũng quay ngoắt 180 độ. Nếu trước kia chính quyền luôn tuyên truyền về khả năng gây chết người của virus, thì nay họ lại mô tả virus chỉ như bệnh cảm mạo. Ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), một viện sĩ của Viện Công Trình Trung Quốc (CAE), mới đây tuyên bố rằng Omicron chỉ như bệnh cúm mùa thông thường, vì nó đã không còn mang triệu chứng viêm phổi.
Hôm 19/12, trên nền tảng Weibo – mạng xã hội giống Facebook và phổ biến ở Trung Quốc, chủ đề (hashtag) về hai ca Covid mới tử vong đã nhanh chóng lên top tìm kiếm và được đông đảo cư dân mạng bình luận, đặt nghi vấn: “Số liệu thống kê không đầy đủ này có ý nghĩa gì?”; “Đây không phải là lừa dối công chúng sao?”.
Reuters đưa tin, ông Hoàng Nghiêm Trung (Huang Yanzhong), nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại – một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết: “Các số liệu [của chính quyền Trung Quốc] rõ ràng là ước tính thấp số người chết vì Covid”.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng rớt giá vào hôm thứ Hai khi các nhà đầu tư lo ngại rằng, bất chấp những cam kết hỗ trợ từ chính phủ, số ca nhiễm Covid-19 gia tăng sẽ gây thêm áp lực lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Virus đã quét qua các sàn giao dịch ở Bắc Kinh và lây lan nhanh chóng qua trung tâm tài chính Thượng Hải. Dịch bệnh bùng phát cùng sự vắng vẻ trên sàn khiến các giao dịch vốn đã thưa thớt nay lại thêm phần hiu quạnh. Tình huống này đã buộc cơ quan quản lý phải hủy cuộc họp xem xét phát hành cổ phiếu công khai – vốn được tổ chức mỗi tuần một lần.
Theo The Epoch Times tiếng Hoa
Đông Phương biên dịch
TT Putin yêu cầu cơ quan an ninh truy tìm ‘những kẻ phản bội và gián điệp’
Tổng thống Nga cũng ra lệnh tăng cường biên giới Nga và đảm bảo an toàn cho cư dân ở các khu vực sáp nhập của Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh củng cố biên giới của Nga và chỉ thị cho các cơ quan an ninh duy trì sự kiểm soát xã hội tốt hơn và loại bỏ tận gốc “những kẻ phản bội, gián điệp và những kẻ phá hoại”, các hãng thông tấn của nước này đưa tin, theo Al Jazeera.
Phát biểu nhân Ngày Dịch vụ An ninh Nga, ông Putin hôm thứ Hai đã chỉ thị cho các quan chức an ninh của mình bảo vệ biên giới, tăng cường kiểm soát xã hội và tối đa hóa “việc sử dụng tiềm năng hoạt động, kỹ thuật và nhân sự” để ngăn chặn rủi ro đến từ nước ngoài và những kẻ phản bội nội bộ.
Hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời ông Putin cho biết: “Các cơ quan phản gián, bao gồm cả tình báo quân sự, hiện cần phải có sự điềm tĩnh tối đa, tập trung lực lượng.”
TASS cho biết: “Cần phải trấn áp nghiêm khắc hành động của các cơ quan đặc nhiệm nước ngoài, nhanh chóng xác định những kẻ phản bội, gián điệp và những kẻ phá hoại”.
Ông nói, biên giới của Nga cũng phải được củng cố.
“Công việc phải được tăng cường thông qua các dịch vụ biên giới và Cơ quan An ninh Liên bang [FSB],” hãng thông tấn RIA thuộc sở hữu nhà nước của Nga dẫn lời ông Putin cho biết hôm thứ Hai.
“Và nó [biên giới] phải được bảo vệ chắc chắn. Bất kỳ nỗ lực xâm nhập nào phải bị ngăn chặn một cách nhanh chóng và hiệu quả bằng cách sử dụng bất kỳ lực lượng và phương tiện nào chúng ta có sẵn, bao gồm cả các đơn vị hành động cơ động và lực lượng đặc biệt,” ông nói.
Ông Putin cũng nói rằng nhiệm vụ của các cơ quan an ninh đặc biệt là đảm bảo an toàn cho người dân sống ở các khu vực tại Ukraine mà Moscow tuyên bố sáp nhập vào Nga hồi tháng 9. Kyiv và các đồng minh phương Tây đã coi các động thái này là sự thôn tính bất hợp pháp.
“Mọi người có nhiệm vụ làm mọi thứ cần thiết để đảm bảo an ninh tối đa cho họ, tôn trọng các quyền và tự do của họ”, ông Putin nói, đồng thời hứa hẹn với họ nhiều “thiết bị và vũ khí hiện đại hơn”.
Bình luận của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào Ukraine ngày càng gia tăng và cuộc chiến của Nga với Ukraine hiện đã bước sang tháng thứ 10 và chưa có hồi kết.
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo của một số quốc gia NATO thông qua liên kết video hôm thứ Hai, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục thúc giục các đồng minh Ukraine cung cấp thêm vũ khí cho quân đội của họ.
Trước đó, ông Zelensky cho biết trong một bài phát biểu vào đêm khuya Chủ nhật rằng khoảng 9 triệu trong số 40 triệu người Ukraine ước tính đã được khôi phục điện sau cuộc tấn công tên lửa của Nga vào tuần trước.
Cũng trong ngày thứ Hai, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc ông Zelensky “thiếu hiểu biết về mức độ nghiêm trọng của thời điểm này và thiếu quan tâm đến người dân của mình”.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Belarus 1 ở Minsk, ông Lavrov cũng công kích mạnh mẽ phương Tây, mô tả họ “phản ứng cuồng loạn” đối với tình hình ở Ukraine.
TASS dẫn lời Ngoại trưởng Nga cho biết, việc Moscow xâm lược Ukraine đã phá hủy “trò chơi địa chính trị của phương Tây” vốn muốn biến Ukraine thành mối đe dọa thường trực đối với Nga.
Xuân Lan (theo Al Jazeera)
World Bank hạ dự báo tăng trưởng của TQ do COVID và khủng hoảng bất động sản
Ngân hàng Thế giới (WB) hôm thứ Ba (20/12) đã hạ thấp dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm vừa qua, do đại dịch COVID và những yếu kém trong lĩnh vực bất động sản đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cụ thể, Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ mức dự đoán 4,3% hồi tháng 6 xuống còn 2,7%. Tổ chức này cũng điều chỉnh mức dự báo cho năm tới từ 8,1% xuống 4,3%.
Cả hai con số này đều thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5% của Bắc Kinh trong năm nay, con số mà nhiều nhà phân tích đều nhận định là không thể đạt được.
Ngân hàng Thế giới cho biết: “Hoạt động kinh tế ở Trung Quốc tiếp tục diễn biến theo những thăng trầm của đại dịch – sự bùng phát và suy giảm tăng trưởng kéo theo sự phục hồi không đồng đều”.
“Tăng trưởng GDP thực tế được dự đoán sẽ đạt 2,7% trong năm nay, trước khi phục hồi lên 4,3% vào năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa trở lại.”
Sau một vài năm liên tục phong tỏa đóng cửa, tiến hành xét nghiệm hàng loạt, cách ly kéo dài và hạn chế đi lại, đến tháng 12 vừa qua Trung Quốc đã dần từ bỏ chính sách zero-COVID.
Tuy nhiên, sự gián đoạn đối với các doanh nghiệp tiếp tục diễn ra khi các ca bệnh gia tăng và một số hạn chế vẫn được áp dụng.
Các cơ quan y tế phải thừa nhận rằng, số liệu chính thức không còn phản ánh bức tranh đầy đủ về các ca nhiễm bệnh trong nước khi các yêu cầu xét nghiệm hàng loạt đã bị loại bỏ.
Bà Mara Warwick, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc, Mông Cổ và Hàn Quốc nhận xét: “Việc tiếp tục điều chỉnh chính sách COVID-19 của Trung Quốc rất quan trọng, vừa để giảm thiểu rủi ro sức khỏe cộng đồng vừa để giảm thiểu sự gián đoạn kinh tế hơn nữa.”
Tuần trước, IMF đã cảnh báo, họ cũng có thể sẽ hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc một lần nữa, nguyên nhân chủ yếu là do số ca nhiễm COVID được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng.
Quỹ này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong tháng 10 xuống còn 3,2% trong năm nay – mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ – trong khi kỳ vọng tăng trưởng sẽ lên đến 4,4% trong năm tới.
Nhưng “rất có thể, chúng tôi sẽ hạ dự báo tăng trưởng của mình đối với Trung Quốc, cho cả năm 2022 và 2023,” Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh với AFP.
Đáng quan ngại, kinh tế Trung Quốc còn phải chịu áp lực trên các lĩnh vực khác.
“Căng thẳng dai dẳng” trong lĩnh vực bất động sản – chiếm khoảng 1/4 GDP hàng năm – có thể gây ra những tác động tài chính và kinh tế vĩ mô rộng lớn hơn, Ngân hàng Thế giới lưu ý.
Ngoài ra, tình trạng thất nghiệp của thanh niên, rủi ro từ thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra và suy thoái toàn cầu trên diện rộng cũng đe dọa tăng trưởng của Trung Quốc.
Thêm vào đó là việc kinh tế thế giới đang bị tác động bởi lãi suất tăng cao nhằm chống lại lạm phát phi mã do cuộc chiến của Nga ở Ukraine gây ra, cũng như sự đình trệ của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện tại, Bắc Kinh đã tìm cách cải thiện mức tăng trưởng thấp bằng một loạt biện pháp nới lỏng để hỗ trợ, cắt giảm lãi suất cơ bản và bơm tiền vào hệ thống ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc Elitza Mileva cho hay: “Việc hướng các nguồn tài chính vào chi tiêu xã hội và đầu tư xanh sẽ không chỉ hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn mà còn góp phần vào tăng trưởng toàn diện và bền vững hơn trong trung hạn.”
Minh Ngọc (Theo AFP)
Chính phủ Canada tuyên bố sẽ tịch thu tài sản của tỷ phú Abramovich
Ngày 19/12, Chính phủ Canada tuyên bố sẽ tịch thu khoản tiền 26 triệu USD từ Granite Capital Holdings Ltd, công ty do tỷ phú người Nga Roman Abramovich sở hữu, theo hãng tin Reuters.
“Đây là lần đầu tiên Canada sử dụng quyền hành mới cho phép chính phủ tịch thu tài sản của những người đã bị cấm vận”, trang web của chính phủ Canada thông báo, đồng thời cho hay thêm rằng Ngoại trưởng Mélanie Joly đang cân nhắc đưa đề nghị tịch thu ra tòa.
Chính phủ Canada cho biết rằng họ là quốc gia đầu tiên trong G7 (nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới, bao gồm Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada) thực thi biện pháp này. Số tiền thu được sẽ được sử dụng để hỗ trợ Ukraine.
Được biết, ông Roman Abramovich đã có tên trong danh sách trừng phạt của Canada từ ngày 11/3, chỉ vài tuần sau khi Nga phát động cuộc tấn công nhắm vào Ukraine.
“Lệnh trừng phạt với các quan chức và tài phiệt Nga như Abramovich nhắm trực tiếp lên những người này, bảo đảm họ không thể hưởng lợi từ các hoạt động kinh tế ở Canada hay các công ty mà họ đầu tư”, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố vào thời điểm ấy, theo tờ Reuters.
“Rõ ràng là chúng tôi sẽ theo dõi sát sao. Chúng tôi cũng tự tin rằng [các lệnh cấm vận] sẽ không ảnh hưởng tới những người dân Canada chăm chỉ, đang làm tốt công việc tại các công ty trên khắp đất nước”, ông Trudeau cho hay.
Phan Anh
Thêm hai tiểu bang tại Mỹ áp đặt lệnh cấm TikTok
Hôm 19/12 vừa qua, Louisiana và West Virginia đã trở thành những tiểu bang mới nhất tại Mỹ áp đặt lệnh cấm TikTok trên các thiết bị thuộc sự quản lý của các cơ quan Chính phủ Mỹ, theo hãng tin Reuters.
Như vậy, tính đến nay, có khoảng 19 trong số 50 tiểu bang tại Mỹ đã áp đặt lệnh cấm TikTok (một phần hoặc hoàn toàn) do lo ngại rằng dữ liệu người dùng do TikTok, thuộc công ty Byte Dance (có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc), thu thập có thể bị lạm dụng. Hầu hết các lệnh hạn chế này được đưa ra trong vòng 2 tuần qua. Tuần trước, một số thành viên của Quốc hội Mỹ thậm chí đã đề xuất một lệnh cấm trên toàn quốc, tương tự như điều mà một số quốc gia khác (như Ấn Độ…) đang thực hiện.
Jamf Holding Corp, công ty cung cấp phần mềm bảo mật trên các thiết bị của Apple, cho biết các cơ quan chính phủ là khách hàng của công ty này đã tăng cường chặn quyền truy cập TikTok kể từ giữa năm nay. Số liệu của Jamf Holding Corp chỉ ra rằng trong tháng này khoảng 65% nỗ lực kết nối với TikTok đã bị chặn lại trên các thiết bị thuộc khu vực công do công ty này quản lý trên toàn thế giới, tăng so với mức 10% ghi nhận hồi tháng 6 vừa qua.
Trước những diễn biến này, ngày 19/12, TikTok bày tỏ thất vọng về “những chính sách được ban hành dựa trên những lập luận vô căn cứ về TikTok, trong khi những điều này sẽ không giúp ích gì cho việc tăng cường an ninh quốc gia của Mỹ”.
Hôm 14/12, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm các nhân viên liên bang tải xuống hoặc sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ vì lý do an ninh quốc gia, theo hãng tin Reuters.
Dự luật cấm TikTok cũng sẽ phải được Hạ viện thông qua trước khi Tổng thống Biden ký thành luật. Các quan chức chính phủ và nghị sĩ thuộc cả 2 đảng ở Mỹ đã bày tỏ quan ngại về ứng dụng TikTok của Trung Quốc và nhận định rằng đây là một rủi ro an ninh lớn.
Phan Anh
Cắt giảm nhân sự, nhiều kỹ sư công nghệ mất việc làm trước dịp Năm mới
Tình trạng cắt giảm nhân sự trong lĩnh vực công nghệ vẫn diễn ra ngay cả khi nền kinh tế của Mỹ chưa có dấu hiệu suy thoái, theo tờ The Guardian.
Cụ thể, nhiều kỹ sư tại Mỹ đang vật lộn với khó khăn khi đột ngột bị sa thải trước dịp Năm mới. Sau khi nhiều gã khổng lồ công nghệ phàn nàn về tình trạng thiếu hụt lao động trong năm 2021 và đầu năm 2022, một số công ty trong ngành đã sa thải công nhân hàng loạt trước khi kết thúc năm.
Tình trạng cắt giảm việc làm ở Mỹ đã trở nên tồi tệ trong năm nay, với mức tăng 6% trong 11 tháng của năm 2022 so với năm ngoái. Trong năm 2021, số lượng người lao động bị sa thải được ước tính vào khoảng 320,173 người, dù số lượng việc làm bị cắt giảm trong 2 năm qua thấp hơn so với nhiều thập kỷ trước đó.
Được biết, công nghệ là lĩnh vực dẫn đến sự cắt giảm việc làm gay gắt nhất khi nhiều hãng công nghệ lớn, bao gồm Meta, Twitter và Amazon thông báo sa thải hàng loạt nhân sự trong những tuần gần đây.
Trong năm 2008, các hãng công nghệ đã sa thải khoảng 65.000 nhân viên. Trong khi đó, 965 công ty công nghệ đã đuổi việc hơn 150.000 nhân viên trên toàn cầu trong năm 2022, vượt qua con số trong thời gian đại suy thoái 2008 – 2009.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc sa thải là hành động có phần “nặng tay” của các công ty trước mùa nghỉ lễ lớn nhất trong năm. “Những công ty này đều đang kiếm tiền. Họ phải làm điều đó bởi vì các công ty khác cũng làm điều tương tự”, Giáo sư Jeffrey Pfeffer của Trường Kinh doanh Stanford cho hay.
Phan Anh