Ngày 19/12, trang nhất tờ “Nhật báo Đông Phương” một lần nữa đăng bài chỉ trích sự kém cỏi của chính quyền Hồng Kông, như chống dịch không hiệu quả, không chịu lắng nghe dân ý, khiến sinh kế của người dân sa sút, và có tới 60% thanh niên muốn di cư.
Sau Phong trào Chống dẫn độ, những người trẻ tuổi ở Hồng Kông đã trở thành mục tiêu bị chấn chỉnh của chính quyền.
“Nhật báo Đông Phương” (Oriental Daily News) thi thoảng đăng các bài chỉ trích chính quyền Hồng Kông, được gọi là “một lời mắng mỏ nhỏ nhưng giúp ích rất nhiều”, người ta nói đùa rằng họ muốn thay thế tờ “Apple Daily” đã bị đóng cửa.
“Nhật báo Đông Phương” nổi cơn thịnh nộ trong bài viết có tiêu đề “Cảng nước nghèo Hồng Kông vô vọng, 60% người trẻ muốn rời đi”: “Chính quyền Hồng Kông bất tài, chống dịch không hiệu quả, và không chịu lắng nghe dân ý.”
“Các lệnh phòng chống dịch nghiêm ngặt đã được duy trì trong một thời gian dài. Sự đàn áp đối với tất cả các ngành công nghiệp đã khiến Hồng Kông rơi vào tình trạng khó khăn. Kho bạc có thể đã ghi nhận khoản thâm hụt hơn 100 tỷ nhân dân tệ (khoảng 14,3 tỷ USD).” Giới trẻ tuyệt vọng và buộc phải “nằm ngửa” (không làm gì).
Bài viết trích dẫn kết quả của một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 12/2021, chỉ ra rằng giới trẻ Hồng Kông đã trở nên tiêu cực.
Dữ liệu cho thấy năm 2017, họ khá lạc quan, 92,3% thanh niên nghĩ rằng mình có ích. Đến năm 2021, chỉ 73,1% thanh niên được khảo sát cho rằng mình có ích. Đây là mức thấp kỷ lục kể từ năm 2002.
Ngoài ra, 25,3% thanh niên được khảo sát cho rằng cách nhìn của họ về cuộc sống khá tiêu cực, tăng 8,1 điểm phần trăm so với mức 17,2% của năm 2017. Điều này phản ánh sự suy giảm về sức khỏe tinh thần và giá trị cá nhân của giới trẻ.
Kết quả cuộc khảo sát “Liệu dân ý có ảnh hưởng đến các chính sách của chính quyền Hồng Kông” cho thấy, 70% thanh niên cho rằng chính quyền Hồng Kông phớt lờ dư luận, và họ không có quyền tác động đến sự điều hành của chính quyền.
Riêng tỷ lệ “quan tâm đến tin tức chính sách xã hội” đã giảm từ 86,8% năm 2017 xuống còn 67,4% vào năm 2021. Điều này phản ánh giới trẻ ít tin tưởng vào ảnh hưởng của cá nhân đối với các chính sách, và chính quyền không còn lắng nghe dư luận.
Dữ liệu thăm dò dân ý cho thấy, không chỉ giới trẻ cảm thấy bất lực trước các chính sách xã hội, tỷ lệ sẵn sàng kết hôn và sinh con của họ cũng giảm sút.
Năm 2017, 91,4% thanh niên được khảo sát mong muốn kết hôn, và con số này đã giảm xuống còn 81,8% vào năm 2021. Những người trẻ nghĩ rằng họ sẽ sinh con đã giảm từ 87,6% trong năm 2017 xuống còn 70,5%.
Cảm giác thuộc về Hồng Kông của giới trẻ cũng giảm đáng kể, từ mức cao 93,7% năm 2017 xuống còn 62,6% vào năm 2021. Cảm giác tự hào là người Hồng Kông của họ cũng giảm từ 83,9% xuống còn 62,3% trong cùng kỳ. Những năm gần đây, có đến 60% thanh niên hy vọng được di cư sang nước ngoài.
Thêm vào đó, niềm tin của giới trẻ vào pháp quyền cũng giảm sút nghiêm trọng. Tỷ lệ tin cậy đã giảm mạnh từ 88% năm 2017 xuống còn 39,4% vào năm 2021.
Một số cư dân than thở: “Thế giới đang thay đổi, thế hệ trước không thể thay đổi, nhưng thế hệ sau lại buộc phải đi theo con đường cũ.”
“Một xã hội luôn đàn áp giới trẻ, buộc thế hệ mới phải gánh giá nhà cao cũng phải đạt được thành quả của thế hệ trước, liệu có hy vọng gì không.”
“Hậu quả của việc đàn áp các thế hệ sau thập niên 80 và 90 trong 10 năm qua chỉ là sự phản ánh của thời đại: Đã xuất hiện các vấn đề như làn sóng di cư, tình trạng thiếu hụt thế hệ kế thừa, và lực lượng lao động giảm sút mạnh, các vấn đề hiện tại tiếp tục trong vòng luẩn quẩn.”
Một thanh niên đã để lại lời nhắn: “Tôi ủng hộ nằm ngửa. Nhà không đến lượt người Hồng Kông mua, còn chung cư lại bị người Hồng Kông mới giành lấy; lại thêm những người ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc một cách mù quáng, v.v… Nên nghĩ đến chuyện kết hôn, sinh con, mua nhà là điều không thể.”
Một số cư dân để lại bình luận chỉ trích “Nhật báo Đông Phương” rằng: “Đông Phương cũng góp phần chèn ép giới trẻ, có bao giờ mèo lại khóc thương chuột”.
Kể từ khi “Luật An ninh Quốc gia” được thực thi ở Hồng Kông vào ngày 1/7/2020, đã diễn ra một làn sóng di dân chưa từng có và chưa có dấu hiệu suy giảm. Theo số liệu thống kê do Cục quản lý Xuất nhập cảnh Hồng Kông cung cấp, trong 2 năm qua, lượng người dân Hồng Kông di cư xuất cảnh qua sân bay lên tới gần 380.000 người.
Bình Minh