Xung đột giữa Nga và Ukraine đã kéo dài 9 tháng rưỡi và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Gần đây, Trung Quốc dường như đã công khai giữ khoảng cách với Nga, nhưng các báo cáo trên các phương tiện truyền thông Mỹ cho thấy đây chỉ là bề ngoài. Trên thực tế, ông Tập Cận Bình đã yêu cầu chính phủ phát triển quan hệ kinh tế với Nga, và hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc hội đàm vào cuối tháng 12.
Trong khi đó, có nguồn tin cho hay, một tài liệu tham khảo nội bộ từng cảnh báo các quan chức ĐCSTQ rằng, việc phát triển mối quan hệ chặt chẽ với Moscow sẽ không có lợi cho ĐCSTQ. Ngay lập tức, ông Tập đã chỉ trích bài báo này là “vô nghĩa”.
Trung Quốc tăng cường hợp tác với Nga
Kể từ khi bắt đầu chiến tranh Nga – Ukraine, ĐCSTQ đã không công khai lên án Nga, thậm chí còn bênh vực Nga và cáo buộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng lãnh thổ về phía đông. Lợi dụng việc Nga ngày càng bị phương Tây cô lập, Trung Quốc đã tăng cường mua dầu của Nga để kiếm lời. Tổn thất của quân đội Nga trên chiến trường Ukraine đã khiến ngoại giới chú ý đến tiến trình quan hệ giữa Trung Quốc và Nga.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tìm cách tách rời chính phủ Nga trước công chúng sau thất bại nặng nề của Nga trong cuộc chiến với Ukraine.
Tờ Wall Street Journal ngày 14/12 đưa tin, đằng sau bề nổi về phương diện ngoại giao này, ông Tập đang tăng cường đặt cược dài hạn vào Nga.
Theo các chuyên gia chính sách của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình đã thúc giục các quan chức của mình mở rộng kết nối kinh tế với Nga. Điều này sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia, vốn không chỉ được củng cố trong năm nay mà còn trở thành cứu cánh cho Nga trước sức ép của phương Tây.
Theo đó, ĐCSTQ có kế hoạch tăng cường nhập khẩu dầu, khí đốt và các sản phẩm nông nghiệp của Nga; tăng cường hợp tác năng lượng chung ở Bắc Cực; đồng thời tăng cường đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng như đường sắt và cảng của Nga.
Hơn nữa, Nga và Trung Quốc đang nhanh chóng thay thế đồng rúp và nhân dân tệ bằng đồng euro và đồng đô-la trong các giao dịch tài chính. Động thái này có thể bảo vệ cả hai bên khỏi các lệnh trừng phạt trong tương lai và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc lưu thông đồng nhân dân tệ
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) hôm 14/12 đưa tin, tính đến cuối năm 2022, Trung Quốc và Nga sẽ đạt được nhiều tiến bộ hơn trong hợp tác năng lượng và quân sự.
Ngày 30/11, nhóm tác chiến mang tên lửa chiến lược Tu-95MS của Nga và máy bay ném bom chiến lược Tây An H-6K của không quân Trung Quốc đã tiến hành tuần tra chung trên vùng biển Nhật Bản và biển Hoa Đông. Các máy bay ném bom của Nga lần đầu tiên hạ cánh xuống lãnh thổ Trung Quốc trong khuôn khổ cuộc tập trận chung, và các máy bay ném bom của Trung Quốc cũng đã hạ cánh xuống các sân bay của Nga.
Vào ngày 29/11, ông Tập đã gửi thư chúc mừng Diễn đàn Kinh doanh Năng lượng Trung Quốc – Nga (China-Russia Energy Business Forum) lần thứ 4, bày tỏ rằng ĐCSTQ mong muốn hợp tác với Điện Kremlin để làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác năng lượng.
Ông Sun Yun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson (China Program at the Stimson Center), một tổ chức tư vấn ở Washington, cho biết, ông Tập đang thúc đẩy mối quan hệ của Trung Quốc với Nga, vốn hầu như không bị ảnh hưởng bởi cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Ông Sun dự đoán rằng, mối bang giao Nga – Trung sẽ được cải thiện.
Tờ Wall Street Journal chỉ ra rằng, Nga và Trung Quốc từ lâu đã tìm cách làm suy yếu ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên trường thế giới. Mục tiêu chung này đã nhận được nhiều sự chú ý hơn trong những năm gần đây, khi cả hai nước ngày càng tin tưởng vào khả năng định hình lại trật tự quốc tế. Cả chính quyền Trung Quốc và Nga đều tin rằng trật tự quốc tế hiện tại có lợi cho phương Tây và các đồng minh của họ.
Trước thềm cuộc xâm lược Ukraine của Nga và ngay trước khi khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, ĐCSTQ và Nga đã ra một tuyên bố chung vào ngày 4/2, tuyên bố về “tình hữu nghị và sự hợp tác không có giới hạn”.
Sự ngưỡng mộ từ lâu của ông Tập đối với Nga và Tổng thống Vladimir Putin được cho là đã thúc đẩy nỗ lực phát triển quan hệ với nước láng giềng phía bắc của Trung Quốc.
Ông Tập đã chọn Moscow làm địa điểm cho chuyến công du quốc tế đầu tiên sau khi nhậm chức vào năm 2013. Ông từng nói với ông Putin rằng: “Chúng ta có tính cách giống nhau”. Ông Tập cũng nói rằng, ông Putin là người bạn thân nhất của ông.
Ông Tập chỉ trích bài báo của Đại học Thanh Hoa
Theo tờ Wall Street Journal, Đại học Thanh Hoa được Ủy ban Trung ương ĐCSTQ ủy quyền viết một báo cáo nghiên cứu và gửi cho ông Tập như một tài liệu tham khảo nội bộ.
Bài báo của Đại học Thanh Hoa lập luận rằng, nền kinh tế của Nga không có tương lai, trong khi nền kinh tế Trung Quốc ngày càng liên kết chặt chẽ với Mỹ và nhiều nước phương Tây. Điều này có nghĩa là, mặc dù Trung Quốc đang xây dựng mối quan hệ thân thiết với Nga nhưng ĐCSTQ sẽ gặt hái được rất ít thành quả.
Những người quen thuộc với vấn đề này nói rằng, ông Tập Cận Bình đã chỉ trích bài báo của Đại học Thanh Hoa là “vô nghĩa” vào thời điểm đó.
Theo TheBL
Thanh Hải biên dịch
Phát ngôn viên điện Kremlin: Nga không thấy cơ hội đàm phán hoà bình với Ukraine
Hôm thứ Tư (21/12) Điện Kremlin cho biết, chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tới Washington vào hôm 21/12 sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp và Nga không thấy có cơ hội đàm phán hòa bình với Kyiv.
Trong một cuộc họp báo với các phóng viên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo rằng việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ “làm leo thang” cuộc xung đột, động thái này có thể gây tác dụng ngược cho Kyiv.
“Việc cung cấp vũ khí vẫn tiếp tục và phạm vi cung cấp vũ khí ngày càng mở rộng. Tất nhiên, tất cả những điều này góp phần làm leo thang chiến tranh. Điều này không tốt cho Ukraine”, ông Peskov nói thêm.
Hôm nay (21/12), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy có kế hoạch gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ trong chuyến công du quốc tế đầu tiên kể từ khi Moscow đổ hàng chục nghìn quân vào đất nước của ông vào ngày 24/2.
Khi được hỏi liệu Moscow có kỳ vọng điều gì có lợi từ chuyến thăm của ông Zelenskyy hay không, ông Peskov trả lời: “Không”.
Chuyến công du của ông Zelenskyy diễn ra trong bối cảnh chính quyền ông Biden đang chuẩn bị gửi tên lửa đất đối không Patriot tới Kyiv để giúp đất nước đang bị chiến tranh tàn phá đối phó với các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng trọng yếu của nước này. Đây là một phần của gói viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ USD mới nhất của Washington cho Kyiv.
Theo một quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden, Tổng thống Joe Biden chào đón ông Zelenskyy đến Nhà Trắng để thảo luận song phương. Trước cuộc gặp, ông Zelenskyy được cho là sẽ có bài phát biểu trước công chúng trong một cuộc họp báo.
Cả hai nhà lãnh đạo đều nhất trí rằng chuyến thăm sẽ là “một động lực và nguồn lực quan trọng để Hoa Kỳ và các đồng minh hỗ trợ [Ukraine] càng lâu càng tốt trong những tháng tới”, vị quan chức này cho biết.
“Chúng tôi sẽ huấn luyện lực lượng Ukraine cách vận hành hệ thống tên lửa Patriot ở quốc gia thứ ba. Quá trình này sẽ mất một khoảng thời gian, nhưng quân đội Ukraine sẽ vận dụng [những kỹ năng có được sau] khóa huấn luyện này để vận hành khẩu đội Patriot ở đất nước của họ”, quan chức chính quyền ông Biden cho biết.
“Động thái này sẽ phát đi một thông điệp tới Tổng thống Nga Putin và thế giới rằng, Mỹ sẽ [sát cánh với] Ukraine cho đến chừng nào còn cần thiết; và Tổng thống Putin đã tính toán sai lầm khi phát động cuộc xung đột này vì ông cho rằng người dân Ukraine sẽ nhượng bộ và NATO sẽ bị chia rẽ. Ông ấy đã sai ở cả hai điểm này, và ông ấy tiếp tục [đánh giá] sai về sức bền bỉ của chúng tôi, và chuyến thăm này là minh chứng cho điều đó”, vị quan chức này nói.
Tuần trước, Nga cho biết họ không có ý định kết thúc chiến tranh sớm.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ đề xuất của ông Zelenskyy về việc rút quân đội Nga khỏi Ukraine và tất cả các lãnh thổ mà nước này chiếm đóng. Theo đó, các khu vực này bao gồm những vùng lãnh thổ tranh chấp như Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia mà Tổng thống Vladimir Putin đã sáp nhập vào Liên bang Nga vào cuối tháng 9. Tuyên bố của ông Putin đánh dấu sự thôn tính lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh tổng hợp