Trung Quốc lại bơm thêm 157 tỷ CNY chỉ vài ngày sau khi đã đẩy gần 800 tỷ cho ngân hàng
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm tổng cộng 894 tỷ CNY, tương đương với 128 tỷ USD trong 20 ngày qua trong bối cảnh thị trường BĐS đang suy giảm, tình trạng vỡ nợ BĐS đe doạ an ninh tài chính quốc gia (Ảnh: Getty Images)
Trung Quốc lại bơm thêm 157 tỷ CNY chỉ vài ngày sau khi đã đẩy gần 800 tỷ cho ngân hàng
Song hành với đại dịch COVID-19 đang hoành hành, nghi vấn lượng người tử vong “chật kín bệnh viện và nhà cấp cứu”, tình trạng sức khoẻ thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại Trung Quốc cũng đang suy yếu. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm nay đã tiếp tục bơm thêm 157 tỷ CNY sau vài ngày sau khi đã giải phóng gần 800 tỷ CNY đổ vào hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm tổng cộng 157 tỷ nhân dân tệ (CNY) qua công cụ repo đảo ngược vào hôm nay (thứ Năm) cho hệ thống ngân hàng thương mại đang có vẻ suy yếu thanh khoản.
Theo Trading Economics, PBOC đã bơm 4 tỷ CNY qua repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày và 153 tỷ CNY cho kỳ hạn 14 ngày, đồng thời giữ nguyên lãi suất repo ở mức 2%/năm.
Ba ngày trước đó, vào ngày 19/12, PBOC cũng bơm 87 tỷ CNY cho hệ thống NHTM qua nghiệp vụ repo đảo ngược kỳ hạn 7 và 14 ngày.
Như vậy, cho tới nay (22/12), trong vòng 20 ngày, PBOC đã bơm tổng cộng 894 tỷ CNY, tương đương 128 tỷ USD vào hệ thống NHTM để hỗ trợ thanh khoản.
Repo đảo ngược, giải thích đơn giản là việc ngân hàng trung ương nhận cầm cố các giấy tờ có giá hoặc tài sản đảm bảo của ngân hàng thương mại trong thời gian ngắn (ở đây là 7 ngày và 14 ngày), với lãi suất là 2%. Sau thời hạn này, các ngân hàng thương mại sẽ trả gốc, lãi cho ngân hàng trung ương rồi nhận lại tài sản của mình.
Ngân hàng trung ương cho biết động thái này nhằm mục đích duy trì thanh khoản hợp lý và đủ trong hệ thống ngân hàng vào cuối năm, theo một tuyên bố trực tuyến.
Hôm thứ Tư, trong một tuyên bố, PBOC nói rằng họ sẽ nỗ lực để giữ thanh khoản trong hệ thống tài chính ở mức hợp lý với nhiều công cụ chính sách tiền tệ như nghiệp vụ thị trường mở nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến lĩnh vực bất động sản, đảm bảo dòng vốn tín dụng có thể chảy vào các doanh nghiệp nền tảng, các doanh nghiệp trọng điểm.
Quang Nhật
Nga đề xuất tăng 30% quy mô lực lượng vũ trang
Ngày 21/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ủng hộ kế hoạch tăng quy mô lực lượng vũ trang lên hơn 30%, khi ông bày tỏ rằng Moscow cần học hỏi và khắc phục những vấn đề mà nước này đã mắc phải ở Ukraine.
Tại một hội nghị cuối năm của các quan chức quân sự hàng đầu của Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã đề xuất tăng cường lực lượng vũ trang từ 1,15 triệu binh sĩ chiến đấu lên 1,5 triệu người.
Đề xuất này được đưa ra “để đảm bảo giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh quân sự của Nga”, ông Shoigu nhấn mạnh với Tổng thống Putin tại sự kiện trên truyền hình. Ông nhận định, 695.000 binh sĩ phải là quân nhân chuyên nghiệp – chứ không phải là binh lính tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc.
Trước đó, ông Putin đã ký sắc lệnh tổng động viên thêm 137.000 binh sĩ vào quân đội Nga kể từ ngày 1/1/2023, nâng mức quân nhân trong năm tới dự kiến lên 1,15 triệu người.
Hoa Kỳ và các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng, hàng chục nghìn binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong 10 tháng kể từ khi Moscow xâm lược Ukraine. Ngày 21/9 – lần cuối cùng một thống kê chính thức được chia sẻ công khai – ông Shoigu tiết lộ, 5.937 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc chiến.
Ông Shoigu cũng đề xuất tăng độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc của Nga, để có thể mở rộng phạm vi các công dân Nga trong độ tuổi 21-30.
Theo hệ thống hiện tại, người Nga trong độ tuổi từ 18-27 có thể bị gọi nhập ngũ – mặc dù ông Shoigu và TT Putin đã nhiều lần khẳng định lính nghĩa vụ không được điều động đi chiến đấu ở Ukraine.
Ngoài ra, ông Shoigu còn đề xuất thành lập một số đơn vị quân sự mới, bao gồm 5 sư đoàn pháo binh, 8 trung đoàn máy bay ném bom, 1 trung đoàn máy bay chiến đấu, và 6 lữ đoàn không quân.
Phát biểu tại hội nghị, ông Putin tuyên bố đồng ý các đề xuất của ông Shoigu. Đáng lưu ý, ông Putin nhấn mạnh sẽ không đặt ra giới hạn về tài chính trong việc tăng cường năng lực của quân đội Nga. “Chúng ta không đặt ra hạn chế tài chính. Quốc gia và chính phủ đang hỗ trợ mọi thứ mà quân đội yêu cầu.”
Nhật Minh (Theo Reuters)
TT Zelensky nói hòa bình với Nga có nghĩa là không thỏa hiệp về chủ quyền, lãnh thổ
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Tư (21/12) nói rằng hòa bình với Nga có nghĩa là không có sự thỏa hiệp nào đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ông, nhưng đặt câu hỏi liệu có thể có hòa bình như vậy cho các bậc cha mẹ đã mất con không.
Xuất hiện tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden giữa chuyến thăm ngắn ngủi, TT Zelensky đã tái khẳng định về mặt cá nhân các điều kiện của ông đối với cuộc xâm lược của Nga gây ra gần 10 tháng trước.
“Tôi không biết hòa bình một cách đích đáng là gì,” ông trả lời câu hỏi về điều mà ông coi là một cách thích đáng để chấm dứt cuộc xung đột đã giết chết hàng chục nghìn người, khiến hàng triệu người mất nhà cửa và phá hủy các thành phố và thị trấn. “Đó là một mô tả rất triết học. Nếu có một cuộc chiến thích đáng, tôi không biết nữa.”
“Đối với tôi với tư cách là Tổng thống, hòa bình không phải là sự thỏa hiệp đối với chủ quyền, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước tôi. Sự đền bù cho tất cả những thiệt hại do sự xâm lược của Nga gây ra”, ông Zelensky tiếp tục, đề cập đến yêu cầu bồi thường thiệt hại từ Moscow.
Ông nói thêm rằng ông không thấy làm thế nào có thể có hòa bình cho những bậc cha mẹ có con cái bị giết.
“Làm thế nào các bậc cha mẹ lại có thể mất con trai và con gái của họ trên tiền tuyến? Vì vậy, hòa bình cho họ là gì? Tiền bạc không là gì cả”, người cha của hai đứa trẻ tiếp tục. “Bồi thường không có cách gì. Họ (cha mẹ) sống bằng nỗi hận thù.”
“Chiến tranh càng kéo dài, sự xâm lược này càng kéo dài, sẽ có nhiều bậc cha mẹ sống vì mục đích trả thù và tôi biết rất nhiều người như vậy”, ông Zelensky nói.
Video: Tổng thống Zelensky đến Mỹ, Washington cam kết chuyển tên lửa Patriot cho Ukraine
Trả lời câu hỏi tương tự, TT Biden cho biết Hoa Kỳ chia sẻ với TT Zelensky “tầm nhìn giống như vậy về một Ukraine tự do, độc lập, thịnh vượng và an toàn”.
Ông Biden cho biết ông và Tổng thống Ukraine muốn cuộc xung đột chấm dứt, rằng nó có thể dừng lại “ngay hôm nay nếu (Tổng thống Nga Vladimir) Putin có bất kỳ phẩm giá nào” và rút quân khỏi Ukraine. “Nhưng điều đó sẽ không xảy ra.”
TT Biden nói rằng Hoa Kỳ, các đồng minh của họ và các nước khác sẽ tiếp tục vũ trang cho Ukraine, “để nếu và khi Tổng thống Zelensky sẵn sàng nói chuyện với người Nga, ông ấy cũng sẽ có thể thành công, bởi vì ông ấy sẽ thắng trên chiến trường”.
Điện Kremlin hôm thứ Tư cho biết họ không thấy có cơ hội đàm phán hòa bình nào với Kyiv và sẽ tiếp tục điều mà TT Putin gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” để loại bỏ Ukraine khỏi những người theo chủ nghĩa dân tộc và bảo vệ các cộng đồng nói tiếng Nga.
Ukraine và phương Tây cho rằng Nga đang theo đuổi một cuộc chiến tranh xâm lược bất hợp pháp và vô cớ.
Lê Vy (theo Reuters)
Tàu vũ trụ của NASA kết thúc sứ mệnh khám phá sao Hỏa
Ngày 21/12, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã nói “lời tạm biệt” với tàu vũ trụ InSight, loại tàu robot thăm dò đầu tiên được thiết kế đặc biệt để nghiên cứu phần sâu bên trong sao Hỏa, qua đó kết thúc sứ mệnh khám phá “Hành tinh Đỏ” kéo dài 4 năm.
Cụ thể, NASA cho biết bộ phận phụ trách sứ mệnh của tàu InSight đã 2 lần liên tiếp không thể liên lạc với tàu này, dẫn đến nhận định rằng pin năng lượng mặt trời của tàu đã cạn kiệt. Theo NASA, InSight có thể ngừng hoạt động, nhưng di sản mà con tàu để lại, cùng với những khám phá quan trọng từ sâu bên trong sao Hỏa, sẽ tồn tại mãi.
NASA cho hay rằng các chuyên gia sẽ tiếp tục theo dõi các tín hiệu từ tàu đổ bộ, dù biết điều này khó xảy ra do bụi sao Hỏa tích tụ ngày càng nhiều trên 2 tấm pin mặt trời của tàu làm cạn kiệt năng lượng.
Được biết, InSight là 1 trong 4 tàu đang thực hiện sứ mệnh khám phá Sao Hỏa, cùng với các tàu tự hành Perseverance và Curiosity của Mỹ và tàu Zhurong của Trung Quốc. Tàu InSight đổ bộ lên sao Hỏa vào tháng 11/2018 với các thiết bị được thiết kế để phát hiện âm thanh địa chấn của hành tinh này.
Các nhà nghiên cứu cho biết dữ liệu của InSight đã tiết lộ độ dày của lớp vỏ bên ngoài, kích thước, mật độ của lõi bên trong và cấu trúc của lớp phủ nằm ở giữa của sao Hỏa. Một trong những thành tựu chính của InSight là chứng minh rằng “Hành tinh Đỏ” thực sự đang có các hoạt động địa chấn, ghi lại hơn 1.300 trận động đất.
Đầu năm nay, NASA đã cố gắng mở rộng sứ mệnh của InSight bằng cách sử dụng cánh tay robot và một công cụ nhỏ để nhẹ nhàng lau sạch bụi bám trên các tấm pin năng lượng mặt trời. Lần gần nhất InSight liên lạc với Trái Đất là cách đây khoảng 1 tuần.
Phan Anh
Nhà lập pháp Nga dự đoán NATO sẽ “sụp đổ từ bên trong”
Một nhà lập pháp hiếu chiến của Nga đã dự đoán rằng liên minh NATO sẽ sụp đổ dưới sức nặng của sự chia rẽ nội bộ, khi Điện Kremlin cố gắng biến vũng lầy quân sự của mình ở Ukraine thành một cuộc đấu tranh sinh tồn chống lại phương Tây.
Leonid Slutsky, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do cánh hữu của Nga và là Chủ tịch ủy ban các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia, cho biết hôm thứ Ba rằng ông hy vọng liên minh xuyên Đại Tây Dương [NATO] sẽ sụp đổ mà không cần có áp lực bên ngoài từ Moscow và Bắc Kinh.
Bài viết của ông Slutsky nhằm phản hồi lại những bình luận của Đại sứ Hoa Kỳ tại NATO Julianne Smith, người đã viết trên tờ Financial Times hôm thứ Ba rằng Moscow và Bắc Kinh đang “chia sẻ một bộ công cụ” về các chiến lược nhằm làm suy yếu các thành viên NATO.
“Cả Nga và Trung Quốc sẽ không phải nỗ lực gì cả,” ông Slutsky viết trên kênh Telegram của mình. “Có nhiều khả năng liên minh sẽ sụp đổ từ bên trong. Ngay cả báo chí có thẩm quyền của Mỹ cũng ám chỉ rằng việc Hoa Kỳ rút khỏi NATO sẽ là cách tốt nhất để chấm dứt xung đột Ukraine.”
“Tôi chắc chắn rằng châu Âu không thể tránh khỏi việc khó chịu trước quyền bá chủ mục nát của Mỹ,” ông Slutsky nói thêm.
Việc rút khỏi NATO hiếm khi là một đề xuất chủ đạo ở Mỹ. Cựu Tổng thống Donald Trump được cho là đã nêu ra ý tưởng này với các đồng minh trừ khi họ tăng chi tiêu quốc phòng và đồng ý “chia sẻ gánh nặng” nhiều hơn với Mỹ.
Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã thúc đẩy sự gắn kết lớn hơn bên trong liên minh, với việc NATO dồn sức mạnh quân sự và ngoại giao của mình sau lưng Kyiv. Liên minh đã triển khai các nguồn lực bổ sung đáng kể tới biên giới phía đông, nơi có mối đe dọa lớn nhất từ Nga.
Ukraine từ lâu đã tìm cách gia nhập NATO, một lằn ranh đỏ đối với Moscow và là một trong những lời biện minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi phát động cuộc xâm lược vào tháng Hai.
Ông Slutsky cho biết hôm thứ Ba rằng chiến tranh ở Ukraine có thể tránh được nếu không nhờ “chính sách liều lĩnh của việc mở rộng về phía đông của NATO và kế hoạch chống Nga.”
Cuộc xâm lược của Nga cuối cùng có thể phản tác dụng. Các nhà lãnh đạo Ukraine chưa bao giờ từ bỏ tham vọng trở thành thành viên NATO, và vào tháng 9, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đệ trình đơn đăng ký chính thức của NATO.
Sự ủng hộ của công chúng đối với tư cách thành viên NATO đã tăng lên mức lịch sử kể từ ngày 24 tháng 2 và các mục tiêu gia nhập cả NATO và Liên minh châu Âu vẫn được ghi trong hiến pháp quốc gia của Ukraine.
Triển vọng về một NATO Ukraine có thể vẫn là một lằn ranh đỏ đối với Moscow trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai.
Ngân Hà (theo Newsweek)