Hàng nghìn thuốc đặc trị, kháng sinh, hen suyễn… giả bị tuồn vào nhà thuốc: Khởi tố 6/7 người
Sau gần 2 tuần bị bắt giữ, nhóm sản xuất thuốc giả ở TP.HCM với hơn 21.000 sản phẩm thuốc bị phát hiện đã bị công an khởi tố. Hai “đầu nậu” khai nhận đã mua thuốc giả nhiều lần từ nhóm này với tổng số tiền lên đến 2,3 tỷ đồng.
Ngày 24/12, Công an quận 8 (TP.HCM) cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt giam đối với 6 người để điều tra về các hành vi Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh và Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015.
Các bị can gồm: ông Nguyễn Xuân Cường (SN 1976, ngụ quận Tân Phú); ông Ao Vạn Hạnh (SN 1997, ngụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu); bà Trương Thùy Trinh (SN 1973), ông Trương Phong Hào (SN 1998, cùng ngụ quận 8); ông Huỳnh Nhật Khoa (SN 1998) và ông Phạm Quốc Quyền (SN 1979, cùng ngụ quận 10).
Ngoài 6 người trên, ông Đặng Văn Hóa (SN 1982, ngụ tỉnh Đồng Nai) đang bị công an củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định.
Theo cơ quan điều tra, trước đó, vào khoảng 11h30 ngày 13/12, Công an quận 8 tiến hành kiểm tra bãi xe không số trên đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8, TP.HCM.
Tại đây, công an bắt quả tang ông Cường, ông Hạnh, ông Hào và bà Trinh đang sản xuất thuốc giả.
Qua khám xét, công an thu giữ gần 9.000 sản phẩm thuốc chữa bệnh các loại như: Terpin Codein, Decotyl, Asmacort, Glotal… Đây là các loại thuốc kháng sinh, trị ho, hen suyễn, giảm đau.
Tại cơ quan công an, ông Cường khai thuê ông Hạnh, ông Hào và bà Trinh để sản xuất thuốc giả, trả tiền công theo tháng. Nguyên liệu sản xuất thuốc giả được ông Cường mua qua mạng xã hội từ nhiều người khác nhau ở TP.HCM, TP. Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.
Với thuốc giả dạng viên nang, nhóm này xếp vỏ viên nang vào khuôn cho bột vào ép thành viên rồi cho vào lọ dán nhãn, đậy nắp là hoàn thành. Với quy trình sản xuất thuốc giả dạng viên nén, nhóm lấy viên nén mua sẵn cho vào lọ đậy nắp và dán nhãn.
Số thuốc giả sau đó được ông Cường mang bỏ “mối” cho các đại lý kinh doanh thuốc để tuồn vào các cửa hàng, chợ thuốc ở TP.HCM, trong đó, có bán cho ông Khoa và ông Quyền.
Từ lời khai của ông Cường, ngày 14/12, công an tiếp tục bắt giữ ông Khoa ở căn nhà trên đường Tô Hiến Thành gần chợ thuốc tây ở quận 10. Khám xét căn nhà này, công an thu gần 9.000 sản phẩm thuốc chữa bệnh nhãn hiệu các loại như Gold 500, Celecod 200, Cephalexin 500, Terpin Codein viên nang, Terpin Codein viên nén, Ciproxacin 500, Decotyl, Asmacort, Cepha Pharmacy 500, Cefadroxil 500, amoxicillin 500. Trong số này có nhiều loại thuốc đặc trị và thuốc kháng sinh liều cao chỉ bán theo đơn chỉ định của bác sĩ.
Đồng thời, công an khám xét căn nhà ở đường Tô Hiến Thành gần chợ thuốc tây quận 10 và bắt giữ ông Quyền. Tại đây, công an thu giữ gần 1.000 sản phẩm thuốc chữa bệnh nhãn hiệu Metronidazol, Asmacort. Đây là 2 loại thuốc trị nấm và hen suyễn.
Hai bị can Khoa và Quyền khai nhận trao đổi, thỏa thuận mua bán thuốc chữa bệnh với bị can Cường thông qua mạng xã hội. Hai người này thừa nhận mua thuốc giả của ông Cường nhiều lần với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng, sau đó, bán lại cho các cửa hàng thuốc tây, chợ thuốc ở TP.HCM.
Riêng bị can Quyền còn khai mua thuốc giả của ông Hóa.
Mở rộng điều tra, Công an quận 8 bắt giữ ông Hóa, đồng thời, khám xét nơi ở của người này ở Đồng Nai. Tại đây, công an thu giữ nhiều dụng cụ sản xuất thuốc giả cùng 2.706 hộp thuốc chữa bệnh có nhãn hiệu Ciproxacin 500 và Augbactam. Đây là 2 loại thuốc kháng sinh đặc trị nhiễm trùng và nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Ông Hóa khai từng kinh doanh thuốc với ông Quyền. Mới đây, ông Quyền đặt mua thuốc tây nên ông Hóa tự mua nguyên vật liệu, dụng cụ để sản xuất thuốc giả.
Tuy nhiên, do ông Hóa không thuộc thẩm quyền của Công an quận 8 giải quyết nên cơ quan này đã gia hạn tạm giữ, củng cố hồ sơ để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền.
Trong quá trình điều tra, công an đã mời nhiều người mua thuốc của ông Quyền và ông Khoa tới làm việc và đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định.
Khánh Vy
Lừa tình và tiền hai cô gái qua Zalo, Tiktok, sĩ quan quân đội giả bị truy nã
Chỉ trong hai tháng, một người đàn ông ở Gia Lai đã lừa tình và tiền của hai cô gái bằng “chiêu” giả danh sĩ quan quân đội. Hai cô này đã bị viên sĩ quan giả lừa số tiền hàng chục triệu và 1 chiếc điện thoại di động trị giá khoảng 20 triệu đồng.
Ngày 24/12, Công an quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng) vừa ra quyết định truy nã bị can Lương Ngọc Long (SN 1987, trú tại Thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo điều tra ban đầu của cơ quan công an, tháng 2/2021, ông Long từ tỉnh Gia Lai xuống TP. Đà Nẵng tìm việc làm. Trong thời gian thất nghiệp, ông Long nảy ý định lừa đảo, kiếm tiền bằng cách mạo danh sĩ quan quân đội.
Sau đó, ông Long lên mạng xã hội tìm mua 3 bộ quân phục (2 bộ quân phục thường dùng mùa hè, 1 bộ quân phục dã chiến), đặt làm 1 bảng tên Lương Ngọc Long, 1 mũ đồng phục, cầu vai quân hàm đại úy và phù hiệu của quân chủng phòng không không quân với giá 750.000 đồng.
Tiếp đó, ông Long lập nhiều tài khoản Zalo, Tik Tok và mặc quân phục, chụp ảnh làm hình đại diện cho các tài khoản mạng xã hội.
Để tạo sự tin tưởng, ông Long lên mạng tải các hình ảnh liên quan đến hoạt động của một số đơn vị quân chủng phòng không không quân về và đăng lên trang cá nhân. Sau khi dựng lên hồ sơ sĩ quan quân đội, ông Long kết bạn với nhiều cô gái và gửi hình ảnh giả đại úy không quân cho các cô để gây dựng lòng tin.
Trong tháng 2/2021, ông Long kết bạn với chị L. (ngụ tại TP. Đà Nẵng) qua Tik Tok. Ông Long nói dối chị L. rằng mình là đại úy quân đội và còn độc thân. Chỉ sau vài ngày yêu nhau qua mạng, chị L. cho ông Long mượn 4 triệu đồng cùng 1 điện thoại di động hiệu One Plus 8Pro trị giá khoảng 20 triệu đồng.
Đến cuối tháng 3/2021, ông Long tiếp tục kết bạn với chị S. (ngụ tại TP. Đà Nẵng) qua Zalo. Cũng chỉ trong thời gian ngắn có quan hệ tình cảm, ông Long mượn chị S. 57 triệu đồng. Sau đó, ông Long vứt bỏ các bộ quân phục, bảng tên, mũ… và trở về quê.
Sau khi bị khởi tố về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Long đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Cơ quan công an thông báo ai tìm thấy Lương Ngọc Long đều có quyền bắt giữ và giao cho cơ quan chức năng gần nhất hoặc báo cho Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu qua SĐT 0987883559 (gặp điều tra viên Trần Phước Hiếu).
Khánh Vy
Phó giám đốc Trung tâm GDTX mặc CSGT bám trên nắp capo, tăng ga bỏ chạy
Bị cảnh sát yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng cồn, một phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở tỉnh Vĩnh Phúc bất ngờ quay xe bỏ chạy, nhằm hướng vào một cảnh sát giao thông.
Theo tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) ngày 25/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) đã tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Lâm (SN 1975, trú tại TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) do hành vi chống người thi hành công vụ tại chốt kiểm tra nồng độ cồn.
Ông Lâm là Phó giám đốc một trung tâm giáo dục thường xuyên ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Một ngày trước, vào khoảng 13h ngày 24/12 trên đường Tô Hiến Thành (phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên), tổ công tác của Đội CSGT-TT (Công an TP. Vĩnh Yên) phát hiện xe ô tô BKS 19N-3347 (đi hướng Lập Thạch – Vĩnh Phúc) có dấu hiệu vi phạm nên đã yêu cầu tài xế dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn.
Tuy nhiên, tài xế bất ngờ quay đầu bỏ chạy, nhằm hướng vào một cảnh sát giao thông trong tổ công tác. Để tránh bị tông, người này đã nhảy lên nắp capô nhưng tài xế vẫn lái xe bỏ chạy suốt đoạn đường dài.
Ông Lâm bị cảnh sát giao thông khống chế đưa ra khỏi xe. (Ảnh chụp màn hình/video/Facebook)
Tổ công tác truy đuổi chiếc xe đến khu vực đầu đường Tô Hiến Thành – Hùng Vương mới chặn được và khống chế tài xế vi phạm.
Kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy ông Lâm vi phạm với mức 0,056 mg/l khí thở, còn chiếc xe đã hết hạn kiểm định từ ngày 22/12.
Minh Sơn