Tin thế giới tối thứ Hai: Cơ quan tị nạn của HQ: Ít nhất 180 người Rohingya được cho là đã chết

Cơ quan tị nạn của HQ: Ít nhất 180 người Rohingya được cho là đã chết

ít nhất 180 người thiểu số Rohingya mắc kẹt trên biển trong nhiều tuần sau khi rời Bangladesh (Reuteurs)

Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc (UNHCR) cho biết, ít nhất 180 người thiểu số Rohingya mắc kẹt trên biển trong nhiều tuần sau khi rời Bangladesh vào tháng 11 được cho là đã chết vì chiếc thuyền của họ có thể đã bị chìm trong tháng này.

Người Hồi giáo Rohingya sống trong trại tị nạn làm tạm bằng tre ở Bangladesh (Ảnh minh họa: Getty Images)

Trích dẫn các báo cáo chưa được xác nhận, cơ quan này cho hay, chiếc thuyền “không đủ khả năng đi biển” có thể đã chìm sau khi mất tích trên biển.

UNHCR viết trên Twitter hôm thứ Bảy: “Những người thân đã mất liên lạc với họ. Những người liên lạc cuối cùng cho rằng tất cả đều đã chết.”

Hơn 1 triệu người tị nạn Rohingya từ Myanmar đang sống trong các khu trại tồi tàn ở Bangladesh, nơi có đa số người theo đạo Hồi, trong đó có hàng chục nghìn người đã trốn khỏi Myanmar sau khi quân đội nước này tiến hành một cuộc đàn áp chết người vào năm 2017.

Tại Myanmar, đa số đều theo đạo Phật, và hầu hết người Hồi giáo Rohingya đều bị từ chối quyền công dân, bị coi là những kẻ xâm lấn hay những người nhập cư bất hợp pháp từ Nam Á.

Tuy nhiên, khi tị nạn tại Bangladesh, họ hầu như không tìm được công việc nào. Do đó, những kẻ buôn người thường dẫn dụ họ thực hiện những chuyến đi đầy nguy hiểm với những lời hứa hẹn về công việc ở các nước Đông Nam Á như Malaysia.

Bất chấp đói khát và bệnh tật, những người tị nạn thường trôi dạt vào vùng biển quốc tế sau khi rời miền nam Bangladesh với hy vọng tìm được thức ăn, việc làm và nơi trú ẩn ở những nơi khác ở châu Á.

Tuần trước, hai nhóm hoạt động của người Rohingya ở Myanmar cho biết, có tới 20 người đã chết vì đói hoặc khát trên một chiếc thuyền bị mắc kẹt trong hai tuần ngoài khơi bờ biển Ấn Độ. Con thuyền chở ít nhất 100 người được cho là đang ở vùng biển Malaysia.

Đầu tháng này, hải quân Sri Lanka cũng cứu được 104 người Rohingya trôi dạt ngoài khơi bờ biển phía Bắc của hòn đảo ở Ấn Độ Dương.

UNHCR đã kêu gọi các quốc gia trong khu vực giúp giảm thiểu cuộc khủng hoảng nhân đạo, trong khi chính những người tị nạn cũng kêu gọi thế giới đừng quên hoàn cảnh của họ.

Nhật Minh (Theo Reuters)

Kinh tế Trung Quốc lao dốc, giao thông tàu điện ngầm Bắc Kinh giảm 80%

Hoạt động kinh tế Trung Quốc lao dốc do dịch bệnh bùng phát.

Số ca nhiễm tăng đột biến đã khiến các hoạt động kinh tế của Trung Quốc rơi vào vực thẳm. Việc hủy các các biện pháp phong tỏa không theo trình tự của Trung Quốc đã dẫn đến sự gia tăng các trường hợp mắc COVID-19. Điều này khiến mọi người ngại ra ngoài và gây thiệt hại nặng nề cho các hoạt động kinh tế và du lịch.

Theo thống kê, mức độ tắc nghẽn ở các thành phố quan trọng và số lượng chuyến bay nội địa đã giảm mạnh. Và tàu điện ngầm đang chạy với ít hành khách hơn.

Gần đây, số lượng hành khách đi tàu điện ngầm đã giảm mạnh ở các thành phố bao gồm Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, Tây An và Nam Kinh khi các ca nhiễm bệnh gia tăng. Tại Bắc Kinh, việc sử dụng tàu điện ngầm đã giảm 80% so với năm 2019.

Theo một chỉ số do tạp chí Tài chính năng lượng mới Bloomberg tổng hợp, mức độ tắc nghẽn ở 15 thành phố lớn của Trung Quốc thấp hơn 56% so với tháng 1 năm 2021.

Công ty dữ liệu hàng không Trung Quốc VariFlight cho biết tần suất bay vào ngày 22 tháng 12 đã giảm xuống 42% so với mức của năm 2019.

Guan Yi Low, người đứng đầu bộ phận tài sản cố định tại công ty quản lý đầu tư M&G, chỉ ra rằng tỷ lệ lây nhiễm gia tăng sau khi dỡ bỏ một số hạn chế sẽ làm giảm hoạt động kinh tế của Trung Quốc vào tháng 12 và tháng 1 năm 2023.

Liên Thành

Indonesia thông qua bộ luật hình sự mới cấm tuyên truyền cộng sản

Indonesia thông qua bộ luật hình sự mới cấm tuyên truyền cộng sản
Nhà máy phát điện Celukan Bawang 2 do Trung Quốc tài trợ ở Singaraja trên đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia vào ngày 29/10/2020. (Ảnh: Sonny Tumbelaka/AFP qua Getty Images) Đông Dương

Indonesia đã thông qua một bộ luật hình sự mới trong tháng này nhằm cấm tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Marx-Lenin. Các chuyên gia tin rằng hành động này là một phần trong xu hướng chung nhằm cô lập và bài trừ nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc trên toàn cầu.

Hôm 06/12, Quốc hội Indonesia đã thông qua một sửa đổi đối với bộ luật hình sự quốc gia, trong đó quy định những người tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Marx-Lenin có thể bị kết án từ 4 đến 15 năm tù.

Theo Điều 188 của bộ luật này, bất kỳ ai truyền bá hoặc quảng bá chủ nghĩa cộng sản hoặc chủ nghĩa Marx-Lenin, dù là bằng lời nói hoặc bằng văn bản, hay thông qua bất kỳ hãng thông tấn nào, sẽ phải đối mặt với mức án tối đa là bốn năm tù; nếu các hành vi được đề cập ở trên gây rối trật tự xã hội hoặc gây thiệt hại về tài sản, thì mức án tối đa là bảy năm; nếu gây thương tích hoặc gây thiệt mạng thì có thể bị phạt tù từ 12 đến 15 năm.

Hôm 20/12, nhà bình luận thời sự Tần Bằng (Qin Peng) nói với The Epoch Times rằng, “Không phải ngẫu nhiên mà Indonesia ban hành luật này. Hành động này nhằm mục đích kiềm chế và đề phòng trước chính quyền Trung Quốc, đó là xu hướng chung của thế giới,” ông nói.

Ông nói rằng sự bành trướng trên toàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng trở nên trắng trợn hơn, và ngày càng có nhiều quốc gia chú tâm hơn đến hành động này. Số người phản đối ĐCSTQ ở nhiều quốc gia cũng đang không ngừng gia tăng.

Hồng Ân biên dịch

Related posts