Loại bỏ trục ma quỷ mới khỏi Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới, WTO, và IMF?

Robert Genetski

Loại bỏ trục ma quỷ mới khỏi Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới, WTO, và IMF?
Các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tập trung cho một cuộc họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York, hôm 27/09/2018. (Ảnh: Don Emmert/AFP/Getty Images) Bình luận

Trong Đệ nhị Thế chiến, các cường quốc Trục — Đức Quốc Xã, Phát xít Ý, và Đế quốc Nhật — xâm chiếm thế giới tự do mà không bị trừng phạt. Dàn trận chống lại họ là quân Đồng minh — Hoa Kỳ, Đế chế Anh, và hầu hết thế giới phương Tây.

Với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, thế giới một lần nữa bị đặt vào thế đối đầu trong cuộc chiến giữa thiện và ác. Lịch sử đang lặp lại khi các chính quyền đàn áp xâm lược và đe dọa các quốc gia khác. Một lần nữa, các quốc gia yêu chuộng hòa bình lại chiến đấu với trục ma quỷ mới: Nga, Trung Quốc, Iran, và Bắc Hàn.

Sự bành trướng của Nga về phía tây đã khích động Hoa Kỳ và Âu Châu trong khi NATO sẽ trở nên mạnh mẽ hơn với khả năng bổ sung thêm Thụy Điển và Phần Lan. Trung Quốc, Bắc Hàn, và Iran thông cảm với Nga, vì sự hung hăng của Nga phù hợp với các nỗ lực khuếch trương ảnh hưởng của họ đối với các quốc gia khác. Các quốc gia tự do là mối đe dọa khôn nguôi đối với khả năng kiểm soát người dân của các quốc gia đàn áp.

Những hành động đe dọa xâm lược Đài Loan của Trung Quốc và việc Trung Quốc ức hiếp các nước láng giềng cũng có những tác động tương tự ở Á Châu. Nhật Bản, Nam Hàn, và các quốc gia Á Châu khác đang xây dựng quân đội của họ và liên kết chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ để được bảo vệ.

Trong bối cảnh một kiểu trật tự thế giới mới xuất hiện, các quốc gia và doanh nghiệp phải đối mặt với một lựa chọn chiến lược quan trọng: Ủng hộ các chính quyền đàn áp hay là ủng hộ các quốc gia gắn liền với tự do kinh tế và chính trị.

Cả Viện Fraser và Quỹ Di sản đều đo lường mức độ tự do kinh tế của một quốc gia dựa trên việc quốc gia ấy tuân thủ các nguyên tắc cổ điển của thị trường tự do như thế nào. Những nguyên tắc này bao gồm 1) tuân thủ pháp quyền, 2) giảm thiểu gánh nặng thuế, 3) kiềm chế sự gia tăng chi tiêu và các quy định của chính phủ, 4) dựa vào thị trường tự do để phân bổ nguồn lực, và 5) thiết lập sự ổn định tiền tệ.

Những nguyên tắc này liên quan trực tiếp đến quyền tự do cá nhân. Một quốc gia càng xa rời những nguyên tắc này, thì quốc gia đó càng tiến gần hơn đến việc mở rộng sự kiểm soát đối với các quốc gia khác cũng như tiến gần hơn đến chế độ độc tài.

Mặc dù không có quốc gia nào đạt được thang điểm hoàn hảo 100%, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng điểm tự do kinh tế cao hơn tương quan với tự do cá nhân nhiều hơn và thịnh vượng hơn. Điểm tự do thấp hơn liên quan đến đàn áp và nghèo đói. Cuốn sách của tôi, “Rich Nation, Poor Nation: Why Some Nations Prosper While Others Fail” (“Quốc Gia Giàu, Quốc Gia Nghèo: Tại Sao Một Số Quốc Gia Thịnh Vượng Trong Khi Một Số Quốc Gia Khác Thất Bại”), đã cho thấy việc chuyển đổi các chính sách hướng tới tự do kinh tế sẽ cải thiện các điều kiện sinh sống như thế nào, trong khi việc xa rời mục tiêu này lại mang đến khó khăn và nghèo đói ra sao.

Khi các quốc gia và doanh nghiệp chọn bên, họ phải hiểu ý nghĩa sự lựa chọn của họ.

Liên minh các quốc gia Hoa Kỳ–Âu Châu–Nhật Bản có điểm tự do kinh tế hầu hết nằm trong top 25% của thế giới. Họ không chỉ là những quốc gia tự do nhất về kinh tế mà còn tự do nhất về chính trị. Liên minh này cung cấp khoảng 50% sản lượng của thế giới và có thu nhập bình quân đầu người cao hơn 300% so với mức trung bình của thế giới.

Ngược lại, trục Nga–Trung Quốc–Iran–Bắc Hàn có điểm tự do kinh tế thuộc vào nửa thấp nhất thế giới. Nga có điểm tự do cao nhất trong nhóm này, với 56% trên 100%, Trung Quốc ở mức 48%, Iran ở mức 42%, và Bắc Hàn đứng cuối với mức 3%. Tất cả những điểm số này đều là điểm trượt.

Về mặt kinh tế thế giới, các cường quốc Trục mới sản xuất tổng cộng khoảng 20% ​​sản lượng của thế giới. Mặc dù có nguồn tài nguyên rất lớn, nhưng thu nhập bình quân đầu người của Nga chỉ cao hơn 62% so với mức trung bình của thế giới. Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc ngang với mức trung bình của thế giới; Iran giàu dầu mỏ có thu nhập bình quân thấp hơn 25% so với mức trung bình của thế giới; còn thu nhập bình quân của Bắc Hàn là không thể đo đếm được.

Những nhà nước thất bại so với các chính phủ tự do

Mỗi một quốc gia Trục trong số này đều là một nhà nước thất bại. Nga, mặc dù được ban phước với một số nguồn tài nguyên lớn nhất trên thế giới, nhưng đã không tận dụng được nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình. Dân số của Nga đang giảm. Dân số Trung Quốc đang già đi, không bền vững theo bất kỳ thước đo nào và sẽ sớm sụt giảm nhanh chóng. Các cuộc biểu tình hàng loạt ở Trung Quốc và Iran xác nhận rằng người dân của họ sẵn sàng mạo hiểm tính mạng của mình như thế nào để bày tỏ sự bất mãn và tức giận khi sống dưới các chế độ đàn áp như vậy.

Một điểm chung khác của các quốc gia đàn áp này là người dân thường muốn đến các quốc gia nơi sự tự do nâng cao phẩm giá của một người và cho phép họ tận dụng tối đa tài năng bẩm sinh của mình. Ai dám mạo hiểm tất cả để chuyển đến Nga, Trung Quốc, Iran, hay Bắc Hàn? Chẳng ai cả.

Trục ma quỷ mới không phải là mối đe dọa kinh tế đối với Hoa Kỳ hay phần còn lại của thế giới tự do. Chính kho vũ khí hạt nhân và khuynh hướng sử dụng vũ khí gây hấn của họ khiến họ trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng.

Để tránh Đệ tam Thế chiến, các quốc gia yêu chuộng tự do phải tái cấu trúc các cơ quan quốc tế không hiệu quả và thường là tham nhũng. Tư cách thành viên của Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế chỉ nên dành riêng cho các quốc gia thúc đẩy tự do kinh tế và chính trị. Loại trừ các chế độ đàn áp khỏi liên minh các quốc gia tự do là cách hiệu quả nhất để tăng cường sức mạnh và khả năng thương lượng của những quốc gia đối đầu với trục ma quỷ này.

Các quốc gia tự do vốn đã kiểm soát một nửa sản lượng của thế giới. Nhờ tự do kinh tế dẫn hướng, các quốc gia này sẽ tự nhiên chuyển thành một khu vực thương mại tự do, đả khai một lực lượng mạnh mẽ để mở rộng sự thịnh vượng của các quốc gia tự do. Một khu vực thương mại tự do như vậy sẽ là một lực lượng đáng kể để thu hút các quốc gia trung lập đang tìm kiếm tự do và hòa bình.

Sức mạnh kinh tế to lớn mà các quốc gia được tổ chức xoay quanh các nguyên tắc tự do kinh tế và chính trị nắm giữ sẽ tạo ra sức bật đáng kể chống lại những kẻ xâm lược tiềm năng. Các chính quyền đàn áp sẽ không cần phải đợi đến khi tiến hành các cuộc xâm lược quân sự của họ để biết về các chi phí kinh tế của việc đi xâm lược. Họ sẽ dễ dàng cảm nhận được cái giá của việc bị cô lập khỏi thế giới tự do trước khi thực hiện hành động quân sự.

Một liên minh gồm các quốc gia tự do có thể tăng cường đáng kể tiềm năng cho hòa bình toàn cầu bằng cách gây áp lực lên tất cả các chính quyền đàn áp để được hưởng những lợi ích của một thế giới tự do thịnh vượng và ngày càng mở rộng.

Tiến sĩ Robert J. Genetski là một diễn giả, tác giả, nhà bình luận chuyên mục, và là một trong những nhà kinh tế hàng đầu Hoa Kỳ. Ông đã giảng dạy môn kinh tế học tại Trường Kinh doanh Sau Đại học thuộc Đại học Chicago và NYU. Cuốn sách gần đây nhất của ông có nhan đề “Rich Nation, Poor Nation: Why Some Nations Prosper While Others Fail” (Quốc Gia Giàu, Quốc Gia Nghèo: Tại Sao Một Số Quốc Gia Thịnh Vượng Trong Khi Một Số Quốc Gia Khác Lại Thất Bại).

Related posts