Bá Long
Trong số các vấn đề nóng nổi bật trên toàn cầu hiện nay, từ chiến tranh Ukraina, tranh chấp lãnh thổ của nhiều nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, xung đột ở chảo lửa Trung Đông, cho đến vụ sụp đổ sàn giao dịch tiền mã hóa FTX làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư tiền số thì một số vấn đề ở Trung Quốc được các nhà quan sát coi là chuyện lớn của năm qua.
Trong số đó là câu chuyện liên quan đến chiến tranh ở Ukraina, việc phương Tây đóng băng một nửa dự trữ vàng và ngoại hối của Nga sau cuộc xâm lược nước láng giềng hồi tháng 2 là một cú sốc đối với Matxcova – và là một bất ngờ không mong muốn đối với Bắc Kinh: Một ngày nào đó, tài sản quốc tế của nước này cũng có thể là một mục tiêu hấp dẫn.
Dù rằng trước đây Mỹ đã áp lệnh trừng phạt đối với hàng chục tập đoàn Trung Quốc bao gồm Huawei và ZTE, tuy nhiên các cố vấn chính sách Trung Quốc chưa bao giờ tin rằng Washington sẽ tiến xa đến mức vũ khí hóa toàn bộ hệ thống tài chính thế giới.
Trong khoảng thời gian một tháng, Mỹ đã đi từ việc tịch thu 7 tỷ đô la từ chế độ Taliban trong kho dự trữ của ngân hàng trung ương Afghanistan sang việc trừng phạt Nga và đóng băng khoảng 300 tỷ đô la tài sản trong số 640 tỷ đô la dự trữ vàng và ngoại hối của nước này.
Theo Bộ tài chính Hoa Kỳ, tính đến tháng 1/2022, Trung Quốc chỉ nắm giữ hơn 1 nghìn tỷ đô la trong số dự trữ ngoại hối trị giá khoảng 3 nghìn tỷ đô la của nước này trong trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ. Theo Nikkei Asia, điều này hiện là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận nội bộ ở Trung Quốc và đặt câu hỏi cho những nỗ lực chứng minh hệ thống tài chính của họ có thể tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu.
Yu Yongding, một nhà kinh tế nổi tiếng và là cựu cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, nói với Nikkei Asia, đề cập đến việc đóng băng dự trữ ngoại tệ của Nga: “Chúng tôi bị sốc. Chúng tôi không bao giờ ngờ rằng một ngày nào đó Hoa Kỳ sẽ đóng băng dự trữ ngoại tệ của một quốc gia.” Và hành động này về cơ bản đã hiểu được uy tín quốc gia trong hệ thống tiền tệ quốc tế.
Ông nói tiếp: “Bây giờ câu hỏi là, nếu Mỹ ngừng chơi theo luật, Trung Quốc có thể làm gì để bảo đảm an toàn cho tài sản nước ngoài của mình? Chúng tôi chưa có câu trả lời, nhưng chúng tôi phải suy nghĩ rất kỹ.”
Khi phương Tây phản ứng trước cuộc xâm lược Ukraina của Putin bằng quyết định cắt đứt 7 ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính SWIFT cho các khoản thanh toán quốc tế – một động thái thường được coi là “lựa chọn hạt nhân” trong số các biện pháp trừng phạt tài chính – thì Trung Quốc “có chút lo lắng, ngạc nhiên,” mặc dù đã lường trước khả năng xảy ra, các cựu quan chức Trung Quốc và cố vấn chính phủ nói với Nikkei.
Trung Quốc cho rằng Nga chiếm 2% thương mại toàn cầu sẽ khiến phương Tây thận trọng hơn về các biện pháp trừng phạt. Kết hợp với việc đóng băng dự trữ của Nga, quyết định kể trên chứng tỏ rằng Washington sẵn sàng vũ khí hóa trật tự tài chính toàn cầu dưới danh nghĩa địa chính trị.
Rõ ràng là Trung Quốc sẽ cần phải chuẩn bị một Kế hoạch B.
He Weiwen, cựu nhà ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ, hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: “Các biện pháp trừng phạt đối với Nga là một ví dụ điển hình đối với Trung Quốc. Nếu Hoa Kỳ có ý định áp đặt các biện pháp trừng phạt tàn khốc đối với Trung Quốc, thì đây có thể là phương cách. Vì vậy, chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng.”
Vào năm 2015, Trung Quốc ra mắt Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới CIPS, được nhiều chuyên gia gọi là “giải pháp chắp vá” nhằm thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên toàn cầu. Tuy nhiên, tính đến nay CIPS không hoạt động hiệu quả như mục đích được nêu.
Giờ đây, khi căng thẳng địa chính trị gia tăng nhanh chóng, các chuyên gia Trung Quốc đang thúc giục Bắc Kinh đa dạng hóa tài sản bằng đô la, đẩy nhanh tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và ứng dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trong thanh toán xuyên biên giới, cũng như nỗ lực phá bỏ quyền bá chủ tài chính tập trung vào đồng đô la trong dài hạn.