Các quan chức Nga đã thẳng thắn bác bỏ đề xuất của Ngoại trưởng Ukraine về việc triệu tập một hội nghị thượng đỉnh hòa bình giữa hai bên do Liên Hợp Quốc làm trung gian để chấm dứt xung đột Nga – Ukraine.
Ông Leonid Slutsky, người đứng đầu Ủy ban các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), đã mô tả đề xuất của Kyiv giống như một “màn hỏa mù” (smokescreen). Bởi vì Ukraine đã đưa ra điều kiện đàm phán là Nga sẽ phải bị xét xử trước một “Tòa án Tội ác Chiến tranh Quốc tế”.
“Ukraine vẫn chưa sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình”, hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời ông Slutsky hôm 27/12.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba lần đầu tiên đưa ra đề xuất này trong một cuộc phỏng vấn ngày 26/12 với hãng tin AP.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Kuleba đã đưa ra ý tưởng tổ chức một “hội nghị thượng đỉnh hòa bình” giữa Ukraine và Nga trong vòng hai tháng tới.
Theo các điều khoản của đề xuất, hội nghị thượng đỉnh này sẽ do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres làm trung gian, người mà ông Kuleba mô tả là “nhà hòa giải và đàm phán xuất chúng”.
“Mọi cuộc chiến đều kết thúc bằng ngoại giao. Mọi cuộc chiến đều kết thúc bằng những kết quả trên chiến trường và ngồi vào bàn đàm phán”, nhà ngoại giao hàng đầu của Kyiv cho hay.
Tuy nhiên, ông tiếp tục đưa ra điều kiện đàm phán rằng Nga sẽ bị xét xử trước một “Tòa án Tội ác Chiến tranh Quốc tế”.
Ông Kuleba nói: “Các đại biểu Nga ‘chỉ có thể được mời tham dự [hội nghị thượng đỉnh] theo cách này’”.
Hôm 25/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc lại việc Moscow sẵn sàng tham gia đàm phán, đồng thời cáo buộc Kyiv “từ chối đàm phán”.
“Chúng tôi sẵn lòng đàm phán với tất cả các bên liên quan đến các giải pháp có thể chấp nhận được, nhưng điều đó tùy thuộc vào họ [Ukraine]. Chúng tôi không phải là phía từ chối đàm phán”, ông Putin nói với kênh truyền hình nhà nước Rossiya 1 trong một cuộc phỏng vấn.
Về phần mình, Moscow yêu cầu Kyiv công nhận Bán đảo Crimea mà nước này chính thức sáp nhập vào năm 2014 là lãnh thổ của Nga.
Điện Kremlin cũng yêu cầu quốc tế công nhận chủ quyền của Nga đối với các khu vực mới sáp nhập hồi tháng 9/2022 sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi, bao gồm: Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson.
Chuyến công du ‘chóng vánh’ của Tổng thống Nga tới Minsk
Chuyến công du tới Minsk thuộc Belarus vào tuần trước của ông Putin, cùng với Bộ trưởng quốc phòng và Bộ trưởng ngoại giao của Nga, đã nâng vị thế của nước láng giềng Belarus trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Trong chuyến thăm kéo dài một ngày, Tổng thống Nga đã có các cuộc thảo luận khép kín với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, một đồng minh thân cận của Nga.
Cuộc họp khiến Kyiv không khỏi lo ngại rằng, Belarus có thể được sử dụng làm bàn đạp cho một bước tiến tiềm năng của Nga nhằm đổ bộ vào miền bắc Ukraine.
Ukraine có chung đường biên giới dài trên 1.000 km với Belarus và Kyiv nằm cách biên giới khoảng 152 k về phía nam.
Vào tháng 10, Moscow đã phái hàng nghìn binh sĩ và một lượng lớn thiết bị quân sự đến lãnh thổ Belarus.
Ngay sau đó, lực lượng không quân Nga đã bắt đầu tổ chức các chuyến bay tuần tra thường xuyên qua biên giới Belarus.
Phát biểu với hãng thông tấn nhà nước Nga TASS ngày 26/12, ông Dmitry Ryabikhin, một quan chức quốc phòng Belarus, cho biết, hợp tác quân sự giữa Belarus và Nga không thay đổi “về chất lượng cũng như số lượng”.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, “một số phương thức nhất định” của hợp tác quân sự song phương đã có sự thay đổi.
Một ngày trước đó, Minsk xác nhận rằng tên lửa Iskander và các hệ thống phòng không S-400 do Nga triển khai hiện đã hoạt động trên lãnh thổ Belarus.
Tương tự như Ukraine, Belarus đã tồn tại trong nhiều thập kỷ với tư cách là một “nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa” bên trong Liên bang Xô viết cho đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.
Kể từ năm 1999, Nga và Belarus đã được ràng buộc với nhau bởi Hiệp ước thành lập Nhà nước Liên minh nhằm củng cố quan hệ kinh tế và quân sự giữa hai nước.
Belarus và con đường gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải
Mặc dù có quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với Moscow, nhưng Belarus đã không đóng một vai trò nào trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Cuộc chiến hiện đã bước sang tháng thứ 11.
Ông Lukashenko cũng đã nhiều lần nói rằng, ông không có ý định gửi quân đội Belarus tới Ukraine để tham chiến cùng Nga.
Belarus hiện là thành viên của một số khối khu vực do Nga đứng đầu, bao gồm Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
Nước này cũng đang trên đường trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một khối đáng gờm gồm các quốc gia Á – Âu do Moscow và Bắc Kinh lãnh đạo.
Phát biểu vào ngày 26/12, ông Ryabikhin nhấn mạnh về “thành phần quân sự” trong các thỏa thuận hiện tại của đất nước ông với các quốc gia thành viên SCO.
Ông nói: “Điều quan trọng là thành phần quân sự của SCO, đồng thời xin được nhấn mạnh rằng, một nửa trong số 10 đội quân lớn nhất thế giới – xét về sức mạnh tổng thể của quân đội – là do các quốc gia thành viên SCO đảm nhận”.
Cùng với Nga và Trung Quốc, chín thành viên SCO cũng bao gồm Pakistan và gần đây nhất là Iran.
Vào tháng 9, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố mong muốn được gia nhập khối này.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch