Bảo Nguyên
Logo Twitter được hiển thị trên một thiết bị di động ở London, Anh Quốc, vào ngày 07/11/2013. (Ảnh: Bethany Clarke/Getty Images)
Có lẽ vẫn còn nhiều vấn đề khiến người dùng không thể hưởng ứng và ủng hộ cho Twitter sau những cải thiện mà ông Elon Musk mang lại cho nền tảng này. Trên thực tế, ước mơ tốt đẹp của ông Musk khi mua lại Twitter có thể sẽ khó trở thành sự thật.
Tweet hay không tweet, đó là vấn đề. [Phỏng theo câu độc thoại nổi tiếng của nhân vật Hamlet: Sống hay không sống, đó là vấn đề].
Không, tôi sẽ không tạo ra một phiên bản mới cho đoạn độc thoại nổi tiếng của Hamlet. Vì đã có rất nhiều phiên bản như vậy, nên tôi sẽ phải làm một phiên bản đặc biệt tốt, và tôi không có chút tự tin nào để nghĩ rằng mình có thể làm được điều đó.
Tôi chỉ dùng nó như một cách để giới thiệu vấn đề.
Từ bỏ Twitter
Giống như nhiều người khác theo cánh hữu, tôi đã từ bỏ Twitter một thời gian trước đây. Lịch sử tương tác của tôi với Twitter, như tôi tưởng tượng, theo nhiều khía cạnh là điển hình. Tôi đã xây dựng được một số lượng người theo dõi, khoảng 40.000 người, rồi một ngày nọ, tôi bắt đầu thấy họ biến mất một cách bí ẩn và dần dần biến mất theo từng đợt. Tôi không nhớ những con số chính xác – đã lâu rồi và tôi không để ý kỹ – nhưng những lượng người biến mất mỗi lần lên đến hàng nghìn, diễn ra theo thời gian.
Tôi đã viết cho Twitter về điều này nhưng không được phản hồi. Tôi phải làm gì đây? Kiện họ? Thật là lãng phí thời gian và tất nhiên là tiền bạc. Bên cạnh đó, tôi chưa bao giờ được cấp một tấm thẻ xanh, trong khi tôi có lẽ đã viết lượng sách và phim gần như tương đương với bất kỳ ai trên trang web. (Tôi nên im lặng về điều đó).
Ngoài ra, ngay cả vào thời điểm đó, bất kỳ ai chú ý một chút cũng thấy khá rõ ràng rằng Twitter là một cơ quan tuyên truyền cánh tả. Những người bảo thủ và những người theo chủ nghĩa tự do được cho phép hiện diện với số lượng ít hơn để nền tảng này thể tuyên bố rằng nó công bằng trong khi nó thực sự không như vậy.
Vì vậy, tôi đã rời đi. Sau đó, tôi thỉnh thoảng viết các bài trên The Epoch Times, kêu gọi các đồng nghiệp của tôi làm điều tương tự, để làm suy yếu công ty truyền thông mạng xã hội này về mặt kinh tế. Tôi nói chúng tôi đã ngủ với kẻ thù.
Rất ít, nếu có, đã lắng nghe. Tôi không thể nói rằng tôi thực sự có thể trách cứ họ. Họ đương nhiên muốn quảng bá tác phẩm của mình tới một lượng lớn khán giả, chưa kể đến việc tranh đấu với những người cánh tả bị thiên lệch ở mức độ nghiêm trọng hơn, một số tên tuổi quen thuộc, những người hầu như luôn có những dòng tweet không trung thực gây phẫn nộ.
Tôi cũng muốn làm điều đó, mặc dù tôi nhận ra rằng nó cũng thuộc loại việc lãng phí thời gian. Rất ít người lên Twitter để tìm hiểu bất cứ điều gì hoặc thảo luận một cách lý tính, họ chỉ lên để thể hiện mình hoặc chỉ trích kẻ thù của họ.
Tất nhiên, vào thời điểm đó, tôi không nhận ra mức độ mà Twitter đã trở thành một công cụ của FBI và rất có thể là của CIA. Ai sẽ muốn tham gia vào điều đó?
Đã đến lúc quay lại?
Giờ đây, chủ sở hữu mới Elon Musk đã thực hiện một việc làm công ích to lớn, phơi bày bản chất của các thuyết âm mưu về Twitter trên podcast, “Cho đến nay, hóa ra tất cả chúng đều là đúng và nếu không muốn nói là còn đúng hơn mọi người nghĩ”.
Ông Musk rõ ràng đang làm mọi thứ trở nên trong sạch. Nhiều tán thưởng hơn cho ông ấy. Và xin hãy công bố thêm nhiều thông tin hơn nữa.
Nhưng đã đến lúc quay lại Twitter chưa?
Không nhanh như vậy đâu.
Bất chấp mọi sự xuất sắc của ông ấy, tôi tin rằng ông Musk có thể đã phạm phải một sai lầm tổng thể. Ông ấy đã mua Twitter, ông ấy khẳng định và tôi không có lý do gì để nghi ngờ, là để tạo ra một quảng trường thành phố cho tất cả người Mỹ, một nơi mà tất cả người Mỹ có thể cùng nhau tranh luận vì những điều tốt đẹp hơn.
Nhưng điều đó có thể xảy ra hay không? Trong thế giới ngày nay, nước Mỹ ngày nay, tôi e rằng là không. Người Mỹ còn xa mới đủ trưởng thành cho một điều như vậy. Hoàn toàn ngược lại – bất kể mục đích của nó là gì, Twitter, thực ra là tất cả các phương tiện truyền thông xã hội, sẽ vẫn là sân chơi cho những thôi thúc tồi tệ nhất của chúng ta, nơi mà nếu không có sự tiếp xúc thực sự của con người để làm cái thiện chúng, thì những thôi thúc tiêu cực đó chỉ có thể phát triển và gia tăng.
Hoặc là tôi sai? Có lẽ tôi quá hoài nghi về mạng xã hội, bị thiên lệch bởi tác hại của nó đối với con cái chúng ta. Và tôi viết với tư cách là một người gần đây đã bị Facebook và Instagram chặn – vĩnh viễn, theo như tôi biết – vì những lý do hoàn toàn không rõ ràng, vì tôi hiếm khi vào Facebook và chỉ một lần vào Instagram, theo như tôi có thể nhớ, và không bao giờ để lại tin nhắn. Thật đáng kinh ngạc!
Trở lại điểm xuất phát: Tweet hay không tweet, đó là vấn đề.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch