2 Phó Thủ tướng thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII
Ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam thôi chức vụ ủy viên Trung ương Đảng đồng nghĩa với việc sẽ thôi chức vụ Phó thủ tướng.
Tại cuộc họp bất thường chiều 30/12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định cho ông Phạm Bình Minh thôi chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII và ông Vũ Đức Đam thôi chức vụ ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.
Hiện báo chí nhà nước không đưa lý do cụ thể cho các quyết định này.
Ban Chấp hành Trung ương cũng cho ý kiến về hai nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội khóa XV phê chuẩn chức danh Phó thủ tướng nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam thôi chức vụ ủy viên Trung ương Đảng đồng nghĩa với việc sẽ thôi chức vụ Phó thủ tướng.
Việc thực hiện miễn nhiệm đối với ông Phạm Bình Minh, ông Vũ Đức Đam và phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự thay thế sẽ do Quốc hội quyết định.
Trước đó ngày 27/8, ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý của Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, bị bắt, khởi tố với cáo buộc “Nhận hối lộ” trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.
Ngày 30/11, ông Nguyễn Văn Trịnh, Trợ lý của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bị bắt, khởi tố để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, liên quan đến công ty Việt Á.
Minh Long
‘Có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh nâng giá nhiều gói thầu ở các bệnh viện thuộc Bộ Y tế’
Thanh tra Chính phủ xác định Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc trúng nhiều gói thầu của các bệnh viện thuộc Bộ Y tế với quy mô và giá trị lớn, nhưng công ty lại mua qua nhiều đơn vị trung gian để cung cấp cho các bệnh viện, dẫn đến giá thiết bị y tế bị nâng cao.
Chiều 30/12, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh ký ban hành thông báo kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng dịch COVID-19 tại Bộ Y tế (thời kỳ từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/20221).
Theo kết luận, Bộ Y tế thẩm định, phê duyệt giá gói thầu và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với một số gói thầu có dấu hiệu vi phạm Điều 360, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Những gói thầu vi phạm gồm: Hệ thống nội soi phế quản, model CV-170 của hãng Olympus tại Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; Máy X-Quang di động kỹ thuật số, model FRD Nano/DR-XD1000 của hãng Fujifilm tại Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế.
Bộ Y tế đã ban hành một số văn bản thông báo giá sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nội dung không rõ ràng về thông tin “tham khảo” và thông tin “giá công bố” tại phụ lục văn bản, có thể dẫn đến việc hiểu đây là giá doanh nghiệp công bố hoặc giá cũng có thể là giá Bộ Y tế công bố. Trong khi đó, trang thiết bị y tế không phải mặt hàng do nhà nước quản lý giá, việc công bố giá bán trang thiết bị y tế không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Bộ Y tế quản lý không chặt chẽ việc tiếp nhận vắc-xin từ Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam và việc tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 của Công ty cổ phần vắc-xin Việt Nam (VNVC), dẫn đến VNVC giữ lại 73.504 liều vắc-xin để tiêm chủng không có trong kế hoạch tiêm chủng được phê duyệt của Bộ Y tế, không có sự kiểm soát của Bộ Y tế về đối tượng, quy trình và mục đích tiêm phi thương mại theo quy định của Chính phủ.
Chuyển 3 vụ việc liên quan đến Bộ Y tế sang Bộ Công an
Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển 3 vụ ở Bộ Y tế sang Bộ Công an để xem xét, xử lý.
Vụ thứ nhất là thẩm định, phê duyệt giá gói thầu và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Bộ Y tế đối với một số gói thầu (Hệ thống nội soi phế quản của hãng Olympus, máy X-Quang di động kỹ thuật số của hãng Fujifim…) có dấu hiệu vi phạm điều 360 của Bộ luật Hình sự.
Vụ thứ hai là việc mượn hàng hóa, mua sắm của Viện Pasteur TP.HCM trong giai đoạn 2020-2021 có dấu hiệu vi phạm Điều 222 Bộ luật Hình sự; đồng thời trong đó có một số doanh nghiệp cho Viện mượn hàng hóa, nhập khẩu hàng.
Vụ thứ ba là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc trúng nhiều gói thầu của các bệnh viện thuộc Bộ Y tế với quy mô và giá trị lớn. Tuy nhiên sau khi trúng thầu, công ty không trực tiếp mua từ đơn vị nhập khẩu hoặc đơn vị ủy quyền mà mua qua nhiều đơn vị trung gian để cung cấp cho các bệnh viện.
Theo thanh tra, việc mua bán lòng vòng qua nhiều khâu trung gian trên dẫn đến giá thiết bị y tế bị nâng cao. Đa số đơn giá thiết bị y tế trong hợp đồng của công ty này so với các bệnh viện cao gấp khoảng từ 2-3,1 lần đơn giá nhập khẩu sau thuế.
Việc này “có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để nâng giá bán cao bất thường”, Thanh tra Chính phủ kết luận.
Phạm Toàn
Tổng Giám đốc liên tiếp chiếm đoạt hàng chục tỷ tiền cọc đấu giá trong 4 năm liền
Liên tiếp chiếm đoạt tiền đặt cọc đấu giá mua gỗ rừng, một giám đốc công ty ở TP.HCM đã bị 2 cơ quan Nhà nước và ít nhất gần chục người dân tố cáo. Số tiền ông này chiếm đoạt của các nạn nhân ở nhiều tỉnh trên cả nước lên đến vài chục tỷ đồng. Trong đó, có các nạn nhân bị chiếm đoạt từ 560 triệu đồng đến 1,512 tỷ đồng.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình vừa bắt giữ ông Hoàng Minh Toàn (SN 1977, quê ở Quảng Bình) – Tổng Giám đốc Công ty TNHH đấu giá HD trực tuyến Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu, trụ sở TP.HCM), khi đang lẩn trốn tại một khách sạn ở TP.HCM.
Ông Toàn trước đó bị khởi tố để điều tra tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, nhưng đã bỏ trốn khỏi địa phương vào ngày 23/11. Đến ngày 20/12, Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định truy nã toàn quốc ông Toàn.
Ông Hoàng Minh Toàn bị nhiều người gửi đơn tố cáo vì thực hiện hàng loạt vụ “xù” tiền đấu giá.
Mới đây nhất, hôm qua (29/12), Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Hương Thủy (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) đã có đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo ông Toàn chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng.
Theo đơn, ngày 22/3/2022, BQLRPH Hương Thủy ký hợp hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với Công ty Toàn Cầu về việc đấu giá sản phẩm gỗ khai thác tỉa thửa trên diện tích 50,95ha rừng phòng hộ thuộc dự án JBIC để trồng bổ sung cây bản địa.
Ngày 8/4/2022, Công ty Toàn Cầu tổ chức đấu giá tài sản theo hợp đồng. Theo hợp đồng giữa BQLRPH Hương Thuỷ với Công ty Toàn Cầu, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày đấu giá thành công, công ty này có trách nhiệm chuyển số tiền đặt trước của khách hàng trúng đấu giá đến chủ tài sản. Tuy nhiên, đến nay, đã gần 9 tháng nhưng Công ty Toàn Cầu vẫn chưa chuyển trả 1,3 tỷ đồng tiền đặt trước cho BQLRPH Hương Thuỷ.
BQLRPH Hương Thủy nhiều lần gọi điện thoại cho ông Toàn nhưng ông này không nghe máy.
Ngoài BQLRPH Hương Thủy, UBND huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế) cũng có văn bản đề nghị cơ quan công an điều tra, xử lý việc ông Toàn và Công ty Toàn Cầu không chịu hoàn trả 7,5 tỷ đồng tiền đặt trước của khách hàng tham gia đấu giá mua gỗ rừng trồng tại huyện này.
Theo ông Hồ Đôn – Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ngày 20/7/2022, Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền ký hợp đồng với Công ty Toàn Cầu để đấu giá bán, thanh lý gỗ rừng trồng sản xuất trên diện tích 67,73ha tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền. Ngày 12/8/2022, Công ty Toàn Cầu đã tổ chức đấu giá theo hợp đồng này.
Tiếp đó, Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền ký hợp đồng mua bán gỗ rừng với người trúng đấu giá. Người trúng đấu giá đã nộp số tiền 9,12 tỷ đồng vào tài khoản tiền gửi của Phòng NN&PTNT huyện tại Kho bạc Nhà nước huyện Phong Điền sau khi trừ số tiền đặt cọc là 1,512 tỷ đồng. Nhưng đến nay đã hơn 4 tháng, Công ty Toàn Cầu không chuyển trả số tiền 1,512 tỷ đồng tiền đặt cọc cho Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền
Ngoài chiếm đoạt số tiền trên, hiện nay còn có 4 khách hàng không trúng đấu giá vẫn chưa được Công ty Toàn Cầu chuyển trả tiền đặt cọc với số tiền 6,048 tỷ đồng.
Tại TP.HCM, từ cuối tháng 9/2022, Sở Tư pháp TP cũng có văn bản gửi Công an TP tiến hành điều tra, xử lý những sai phạm của Công ty Toàn Cầu và ông Toàn.
Theo Sở Tư pháp TP.HCM, cơ quan này đã nhận được công văn của Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên-Huế và đơn tố cáo của ông Nguyễn Minh Toàn (TP. Thủ Đức, TP.HCM) và ông Đinh Kháng Chiến (xã Ân Tây, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) về việc ông Toàn đã không hoàn trả tiền đặt trước là 1,512 tỷ đồng/khách hàng.
Ngoài ra, Sở Tư pháp TP.HCM còn nhận được đơn tố cáo của các ông Đậu Quốc Vương, Mai Xuân Quang, Nguyễn Lực Tấn, Nguyễn Như Hoành (đều trú TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) tố cáo Công ty Toàn Cầu trong quá trình đấu giá gỗ, củi rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Công Nghiệp Bắc Quảng Bình, đã không hoàn trả số tiền đặt trước là 560 triệu đồng/khách hàng.
Cùng với đó, nhiều công dân ở nhiều tỉnh, thành đã gửi đơn đến Sở Tư pháp TP.HCM phản ánh việc Công ty Toàn Cầu không chuyển trả đầy đủ số tiền đặt trước cho khách hàng khi họ đăng ký tham gia đấu giá tài sản…
Theo Sở Tư pháp TP.HCM, từ năm 2019 đến nay, ông Toàn và Công ty Toàn Cầu đã thực hiện nhiều vụ việc chiếm đoạt tiền cọc ở nhiều địa phương trong cả nước với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Hiện, vụ án đang được một số công an địa phương phối hợp điều tra.
Khánh Vy