Tin thế giới sáng thứ Bảy: Đòi lương trở thành trào lưu mới nhất ở Trung Quốc

Thụy Điển: Trộm cắp thực phẩm gia tăng khi giá cả tăng

Thụy Điển: Trộm cắp thực phẩm gia tăng khi giá cả tăng
Một siêu thị tại Jaemtland, Thụy Điển, 15/12/2012. (Mr Thinktank / Flickr / CC BY 2.0)

Các nhà bán lẻ thực phẩm tại Thụy Điển đang lên tiếng báo động về sự gia tăng các vụ trộm cắp thực phẩm trên khắp đất nước gần đây, đặc biệt là trộm cắp các sản phẩm thịt, trong bối cảnh lạm phát và chi phí sinh hoạt tiếp tục gia tăng.

Tại Thụy Điển, việc thiết lập một hệ thống trộm cắp thịt rồi bán cho các nhà hàng không phải là hiếm, theo Cảnh sát Thụy Điển ở vùng Mitt, nơi bao gồm thành phố Uppsala, chia sẻ với hãng tin UNT tại Uppsala. Khi giá thịt tăng, thì nguy cơ trộm cắp thịt cũng sẽ gia tăng, theo Jonas Eronen, phát ngôn viên báo chí của cảnh sát vùng Mitt, nói với hãng tin UNT.

Đây là hiện tượng mà nhiều cửa hàng tạp hóa ở Uppsala hiện đang chứng kiến, theo UNT cho hay.

“Các vụ trộm đã thực sự leo thang trong năm vừa qua. Chúng tôi gặp những vụ trộm vặt gần như hàng ngày. Và những vụ trộm lớn hơn xảy ra mỗi tháng một lần khi chúng tôi phát hiện ra rằng ai đó đã vào và lấy đi rất nhiều”, Andreas Selsborg, quản lý một siêu thị Willys ở Uppsala, chia sẻ với UNT.

Anders Jonasson, người đứng đầu bộ phận an ninh tòa nhà tại hệ thống bán lẻ ICA Thụy Điển, chia sẻ với hãng tin Nyheter24 rằng, các vụ trộm đã gia tăng đáng kể từ những tuần gần đến tháng 10/2022, nhưng chính xác các vụ trộm xảy ra như thế nào thì vẫn chưa rõ ràng. “Còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào, nhưng chúng tôi có thể thấy một sự gia tăng nhất định [các vụ trộm]”.

Trong khi đó, Gustav Johansson, chủ một cửa hàng ICA gần thủ đô Stockholm, nói với đài truyền hình quốc gia Thụy Điển SVT: “Chắc chắn rồi, một điều chúng tôi nhận thấy vào cuối mùa thu là đã có sự thay đổi. Người ta không ăn trộm đồ như máy cạo râu nữa, mà ăn trộm thịt”.

“Và không chỉ thịt đắt tiền, mà [ăn trộm] đủ loại thịt. Cũng có những hàng hóa khác [bị trộm]. Chúng tôi đã chặn được một tên trộm một tuần trước, người đấy đã lấy đi ba thùng bơ, tức là hơn một trăm gói bơ. Rốt cuộc thì [bơ] cũng đã trở nên đắt đỏ rồi mà”.

Theo ông Johansson, những người trộm cắp thực phẩm rất đa dạng. “Chúng tôi thấy các gia đình bình thường ăn cắp… nhưng cũng có nhiều tội phạm có tổ chức hơn”.

Để ngăn chặn nạn trộm cắp thịt, một số cửa hàng tạp hóa tại Thụy Điển đã đặt báo động trên các sản phẩm thịt để ngăn chặn trộm cắp, hoặc cất những miếng thịt đắt tiền sau quầy bán thức ăn làm sẵn, theo SVT cho hay. Chẳng hạn, siêu thị giá rẻ Lidl ở Tranås đã loại bỏ thịt đắt tiền khỏi quầy đông lạnh sau một số vụ trộm trong mùa thu, tờ Tranås Tidning cho biết.

Một số cửa hàng cũng đã thuê nhân viên bảo vệ mặc đồng phục và thường phục để giảm thiểu trộm cắp, và có chính sách yêu cầu khách hàng xuất trình hóa đơn trước khi rời khỏi cửa hàng, SVT cho hay.

Lạm phát hàng năm ở Thụy Điển đã tăng lên mức 11,5% vào tháng 11/2022 — mức cao nhất kể từ tháng 2/1991, sau khi đạt 10,9% vào tháng 10, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Thụy Điển.

Lạm phát chủ yếu tăng mạnh ở thực phẩm và đồ uống không cồn (18,1%), nhiên liệu (23,6%), và điện (36,8%).

Cao Dương

CDC Hoa Kỳ cảnh báo cấp 2 đối với người Mỹ muốn đến Trung Quốc du lịch

(Ảnh minh họa: Lek in a BIG WORLD/ Shutterstock)

Ngày 28/12, CDC Hoa Kỳ đã đưa ra mức cảnh báo cấp 2 đối với những du khách muốn đến Trung Quốc du lịch, đồng thời khuyến cáo những người dự định du lịch đến Hồng Kông và Ma Cao nên cân nhắc nguy cơ bị lây nhiễm COVID.

Tuyên bố của CDC viết: “Do số ca nhiễm COVID-19 (ở Trung Quốc) gia tăng nhanh chóng và nguồn lực y tế hạn chế, vui lòng xem xét lại việc đi du lịch đến Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao.”

CDC khuyến nghị các bước sau để bảo vệ bản thân và những người khác khỏi COVID-19 khi đi du lịch.

– Tiêm phòng chủng COVID-19 mới nhất trước khi đi du lịch, ngay cả khi đã tiêm vắc-xin COVID-19 mới nhất, vẫn có thể phải đối mặt với nguy cơ nhiễm và lây truyền COVID-19.

– Cân nhắc làm xét nghiệm COVID trước khi đến Trung Quốc Đại Lục, Hồng Kông và Ma Cao.

– Chuẩn bị một bộ đồ dùng y tế du lịch với các vật dụng như thuốc hạ sốt có thể sẽ khó tìm được tại nơi đến du lịch.

– Xem xét bảo hiểm du lịch và bảo hiểm y tế du lịch nếu cần chăm sóc y tế hoặc nếu chuyến đi bị gián đoạn.

– Đeo khẩu trang trong nhà hoặc ở nơi công cộng, tuân thủ các khuyến nghị của CDC về việc đeo khẩu trang khi đi du lịch và quá cảnh.

– Tuân thủ tất cả các yêu cầu xuất nhập cảnh và các liên kết bên ngoài được đề xuất tại điểm đến.

– Tiếp nhận xét nghiệm COVID 3-5 ngày sau khi về Mỹ. Khi tham gia các chương trình theo dõi biến thể mới của COVID, một số sân bay của Hoa Kỳ sẽ cung cấp bộ dụng cụ xét nghiệm mang về nhà miễn phí.

Trong một tuyên bố, CDC nêu ra tình trạng hiện tại ở Trung Quốc. “Tháng 12/2022, Trung Quốc đã chấm dứt chính sách zero-COVID. Kể từ đó, số ca nhiễm mới đã tăng lên nhanh chóng, dẫn đến số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện ở Trung Quốc.”

“Ngoài ra còn có các dấu hiệu cho thấy số ca bệnh nặng và số ca nhập viện đang gia tăng. Có báo cáo cho thấy hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc đã quá tải, khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thuốc men của người dân bị hạn chế. Khi các ca bệnh gia tăng, khả năng xuất hiện các biến thể mới của COVID cũng sẽ gia tăng”.

CDC cũng đưa ra một tuyên bố vào thứ Tư (28/12), yêu cầu hành khách từ Trung Quốc trình báo chứng nhận xét nghiệm COVID âm tính.

Bắt đầu từ ngày 5/1/2023, giờ miền Đông Hoa Kỳ (EST), hành khách hàng không từ 2 tuổi trở lên đi từ Trung Quốc, Hồng Kông hoặc Ma Cao đến Hoa Kỳ, và những người đi từ Seoul, Toronto và Vancouver từng ở Trung Quốc, Hồng Kông hoặc Ma Cao trong vòng 10 ngày, phải tuân theo các yêu cầu nhập cảnh mới.

Tuyên bố viết: “Bất kể quốc tịch hay tình trạng tiêm chủng của họ ra sao, đều phải xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính được thực hiện trong vòng 2 ngày trước khi chuyến bay khởi hành. Những người mắc COVID-19 trong vòng 90 ngày trước khi đến Hoa Kỳ có thể xuất trình chứng nhận đã phục hồi.”

Ngoài ra, CDC cho biết cơ quan này đang mở rộng “Chương trình giám sát bộ gen dựa trên khách du lịch” (TGS). Đây là chương trình phục vụ tự nguyện, như một hệ thống cảnh báo sớm, nhằm phát hiện và mô tả các biến thể mới và hiếm của virus gây ra COVID-19.

Tại các sân bay quốc tế lớn của nước này, TGS thu thập dịch mũi họng ẩn danh từ các du khách quốc tế đến Hoa Kỳ trên các chuyến bay được chọn. Nếu phát hiện thấy virus, TGS sẽ giải trình tự bộ gen của virus, để xác định bất kỳ biến thể mới nào.

Chương trình hiện đang được mở rộng, tăng thêm 7 sân bay gồm Los Angeles và Seattle, bao gồm khoảng 500 chuyến bay mỗi tuần từ ít nhất 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trong tất cả các khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong đó có khoảng 290 chuyến bay hàng tuần từ Trung Quốc và các vùng lân cận.

Trong vài tuần đầu tiên của đợt tăng biến chủng Omicron, vài tuần trước khi chúng được báo cáo ở nơi khác, 2 biến thể con BA.2 và BA.3 của Omicron đã được TGS phát hiện và báo cáo cho cơ sở dữ liệu toàn cầu. Điều này chứng minh rằng quy trình trên có thể phát hiện sớm các biến chủng.

CDC tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục hợp tác với WHO và các quốc gia đối tác, nhằm tăng cường khả năng giải trình tự gen và cải thiện khả năng phát hiện các biến thể mới của COVID trên toàn cầu.

Sau tối ngày 26/12 khi Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông báo chính thức về chính sách nêu trên, dữ liệu công bố vào lúc 0:00 sáng ngày 27/12 của nền tảng du lịch Trung Quốc “Tongcheng Travel” (ly.com) đã cho thấy lượng người Trung Quốc Đại Lục tìm kiếm thị thực nước ngoài tăng gấp 10 lần, và lượng tìm kiếm vé máy bay quốc tế cũng tăng 8,5 lần.

Theo đó lượt người Trung Quốc Đại Lục tìm kiếm vé máy bay đi nước ngoài và khách sạn ở nước ngoài đều đạt mức cao nhất trong 3 năm qua.

Trong bối cảnh COVID-19 bùng nổ ở Trung Quốc, khiến vô số người thiệt mạng thì ĐCSTQ lại tuyên bố đổi tên dịch bệnh này và cho mở cửa đất nước. Các chuyên gia cảnh báo rằng đây là biểu hiện vô trách nhiệm của ĐCSTQ, và cộng đồng quốc tế nên có phản ứng kịp thời.

Bình Minh

Nhà Trắng duyệt bán hệ thống rải mìn Volcano 180 triệu USD cho Đài Loan

Hệ thống rải mìn M136 Volcano gắn trên xe tải M977 HEMTT. (Nguồn: Sgt. Kris Wright, US Army)

Hôm 28/12 Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo chính quyền Biden phê duyệt bán hệ thống rải mìn Volcano cho Đài Loan, tổng trị giá lên đến 180 triệu USD. Đây là trong bối cảnh leo thang căng thẳng quân sự giữa Hoa Lục cộng sản và đảo quốc Đài Loan dân chủ tự do.

“Thương vụ được đề xuất này phục vụ các lợi ích quốc gia, kinh tế và an ninh của Hoa Kỳ bằng cách hỗ trợ những nỗ lực liên tục của bên nhận nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang và duy trì khả năng phòng thủ đáng tin cậy,” theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại Giao về thông báo của Nhà Trắng cho Quốc Hội. “Thương vụ được đề xuất sẽ giúp cải thiện an ninh của bên nhận và hỗ trợ duy trì ổn định chính trị, cân bằng quân sự và tiến bộ kinh tế trong khu vực.”

Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, trong đơn mua của Đài Loan có bao gồm các xe tải chở hàng M977A4 HEMTT 10 tấn có gắn hệ thống rải mìn tự động Volcano M136, mìn chống tăng (AT) M87A1, mìn giả M88 (mìn huấn luyện hộp rỗng), mìn thử nghiệm M89, cùng một số hỗ trợ hậu cần và trợ giúp kỹ thuật.

Căng thẳng giữa Hoa Lục và Đài Loan, một đồng minh của Hoa Kỳ, đã tăng vọt trong năm nay sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi vào tháng 8.

Chính quyền Bắc Kinh, vẫn luôn tuyên bố Đài Loan là thuộc về Trung Quốc và phản đối các quốc gia khác thiết lập quan hệ với đảo quốc dân chủ tự do này, đã lấy đó làm cái cớ để tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh đảo quốc Đài Loan.

Ngay sau đó, Bắc Kinh tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật và phóng 11 tên lửa đạn đạo vào vùng biển xung quanh Đài Loan.

Căng thẳng lại gia tăng thời gian gần đây vào ngày 26/12 khi ĐCSTQ cử 71 máy bay và 7 tàu chiến đi vòng quanh hòn đảo trong khoảng thời gian 24 giờ, ngay sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ký Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2023 vào ngày 23/12/2022, trong đó bao gồm dự kiến sẽ tài trợ lên đến 10 tỷ USD cho Đài Loan trong quãng thời gian 5 năm, cùng nhiều hỗ trợ khác.

Trước đó vào tháng 9, chính quyền đã phê duyệt hơn 1,1 tỷ đô la tiền bán vũ khí cho Đài Loan; đánh dấu gói bán hàng lớn nhất cho Đài Loan kể từ khi ông Biden nhậm chức.

“Chừng nào Đài Loan còn đủ mạnh, đây sẽ là ngôi nhà của dân chủ và tự do trên toàn thế giới, và sẽ không trở thành chiến trường,” Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói trong dịp Đài Loan gia hạn nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

“Là người đứng đầu các lực lượng quân đội, nhiệm vụ không thể tránh khỏi của tôi là bảo vệ lợi ích quốc gia và lối sống dân chủ của chúng ta,” bà Thái Anh Văn nói. “Không ai muốn chiến tranh, Đài Loan và người dân Đài Loan cũng vậy, và cộng đồng quốc tế cũng vậy.”

Hệ thống rải mìn Volcano

Hệ thống Volcano M136 là hệ thống rải mìn tự động được Quân Lực Hoa Kỳ phát triển từ những năm của thập kỷ 1980. Nó có thể rải mìn chống người (AP) và/hoặc mìn chống tăng (AT) với tốc độ cực nhanh.

Volcano thường được dùng để rải các bãi mìn rộng trên các loại địa hình khác nhau, có ưu thế đặc biệt khi đòi hỏi thời gian gấp rút, để bảo vệ cánh sườn chiến thuật cho cả tấn công và phòng thủ.

M136 Volcano hoạt động trong diễn tập. (Ảnh chụp màn hình video)
Hệ thống rải mìn M136 gắn ở trực thăng BlackHawk (Chim Ưng Đen) cho phép rải mìn từ trên không. (Ảnh chụp màn hình video)

Đài Bắc kỳ vọng có được 14 hệ thống rải mìn Volcano và đã gửi yêu cầu mua sắm tới Hoa Kỳ vào tháng 1, trong đó kèm theo hỗ trợ hậu cần và trợ giúp kỹ thuật.

Northrop Grumman và Oshkosh Corporation —các nhà sản xuất mìn và xe tải— là những nhà thầu chính.

Mìn được phân tán bằng phương tiện mặt đất (xe tải) hoặc trên không (trực thăng). Phiên bản mà Đài Loan nhắm tới được gọi là “Ground Volcano” (địa thượng hỏa diệm sơn), phù hợp nhu cầu mà Đài Bắc cần để ngăn chặn hoặc trì hoãn một cuộc tấn công tiềm năng từ Hoa Lục.

Nếu chiến tranh xâm lược nổ ra, mìn có thể được rải thảm ở một số bãi biển Đài Loan mà thích hợp cho đổ bộ, bổ sung cho các biện pháp phòng thủ của đảo quốc này. Các nhà phân tích an ninh ước tính có khoảng một chục địa điểm như vậy.

Tuy bãi mìn không phải để chủ động tấn công, nhưng sẽ trì hoãn bước tiến của quân địch, và cũng có thể dùng để bảo vệ các cánh sườn của các lực lượng đồng minh khỏi các cuộc phục kích tiềm ẩn.

Về lớp phòng thủ này, ngoài bãi mìn ra thì còn phương án đặt đặt thủy lôi ở eo biển Đài Loan trước khi xâm lược bắt đầu. Để giải quyết vấn đề đó, Đài Bắc đã đưa vào hoạt động 4 tàu rải thủy lôi mà họ gọi là “Min Jiang-class” từ tháng 8/2020 đến tháng 12/2021, theo NewsWeek đưa tin.

Thiên Đức

Chính quyền địa phương Trung Quốc phá sản? Đòi lương trở thành trào lưu mới nhất của dân tình

Đòi lương trở thành trào lưu mới nhất của dân tình.

Kể từ “cuộc cách mạng giấy trắng” ở Trung Quốc, đã có nhiều phong trào bảo vệ quyền lợi lớn nhỏ diễn ra ở nhiều nơi. Gần đây, ở Trung Quốc nổi lên làn sóng đòi lương của người lao động. Công nhân đòi lương bao gồm cả tài xế xe buýt và nhân viên y tế.

Theo một video được người dùng Twitter “Thầy Lý không phải là giáo viên của bạn” đăng hôm nay (28/12), một tài xế xe buýt ở thành phố Bộc Dương, tỉnh Hà Nam đã treo một biểu ngữ trên xe buýt để cáo buộc chính quyền địa phương và các công ty xe buýt không trả lương trong 16 tháng.

Một người dùng twitter khác là “Đôi tai của Lương Gia Hà đã chỉ đạo chính cô mèo nhấc nắp nồi” cũng đăng lại một video yêu cầu trả lương. Trong video, các nhân viên y tế ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc cũng giương cao biểu ngữ rằng nhân viên y tế phụ trách xét nghiệm axit nucleic bị nợ lương. 

Tình trạng nợ lương của chính quyền địa phương ở Trung Quốc không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần, theo một báo cáo của Author News vào tháng 8 năm 2022, do thâm hụt ngân sách của chính quyền địa phương, các công ty xe buýt và bệnh viện công trên cả nước đã bị nợ lương. Xe buýt ở thành phố Chu Khẩu, cũng thuộc tỉnh Hà Nam, bị đình chỉ hoạt động hoàn toàn với lý do không thể trả được lương, các bệnh viện công ở tỉnh Liêu Ninh vào thời điểm đó cũng bị nợ lương hơn 5 tháng.

Theo Newstalk của Đài Loan, một số chuyên gia đã phân tích rằng làn sóng đòi lương ở Trung Quốc là do tình hình kinh tế Trung Quốc không ngừng suy thoái, tình trạng nợ lương đã kéo dài từ lâu, nhưng chưa có làn sóng đòi lương nào, trước đây cùng lắm chỉ là một ít bất mãn lẻ tẻ mà thôi. Vì vậy, người dân khắp nơi hiện nay đều dám đấu tranh cho quyền lợi của mình, phần lớn là do sau khi trải qua “cuộc cách mạng giấy trắng”, người dân bắt đầu dám biến sự bất mãn của mình thành hành động.

Nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi “chính sách Zero Covid”, hiện tại nước này đang phải đối mặt với sự bùng phát dịch bệnh sau khi nới lỏng, và nền kinh tế dường như sẽ tiếp tục suy thoái trong thời gian ngắn. Do đó, rất có thể làn sóng đòi lương sẽ ngày càng phổ biến ở Trung Quốc trong thời gian tới.

Bá Long

Related posts