Tin thế giới tối thứ Bảy: Huawei có thể rời thị trường điện thoại thông minh vì hết chip

Huawei có thể rời thị trường điện thoại thông minh vì hết chip

VOA hôm 30/12 đưa tin rằng, theo báo cáo mới nhất do tổ chức nghiên cứu Counterpoint Research công bố, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei đã cạn kiệt kho chip cao cấp dùng để sản xuất điện thoại thông minh và có thể buộc phải rút khỏi thị trường điện thoại thông minh toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng Huawei đã mở ra một chiến trường khác đó là xem xét các dịch vụ đám mây 5G và năng lượng ít carbon, tuy nhiên, mạng 5G của Huawei có thể vẫn thu hút sự chú ý của Hoa Kỳ và tiếp tục bị chèn ép.

Counterpoint Research gần đây đã công bố một báo cáo cho biết sau khi kiểm tra và so sánh dữ liệu bán hàng, người ta thấy rằng Huawei đã hết sạch chip cao cấp do nhà máy sản xuất vi mạch HiSilicon sản xuất.

Theo báo cáo, thị phần của dòng chip điện thoại thông minh Kirin của HiSilicon trên thị trường ứng dụng toàn cầu đã giảm từ 3% trong quý 2 năm ngoái xuống 0% trong quý 3 năm nay.

Bị hạn chế bởi lệnh cấm của Hoa Kỳ, tập đoàn chế tạo chất bán dẫn TSMC của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc cùng các nhà sản xuất cao cấp khác không thể tiếp tục sản xuất cho Huawei. Còn chip Kirin được sử dụng trong điện thoại di động 5G cao cấp của Huawei do HiSilicon sản xuất có thể đã chết.

Kể từ khi Huawei và HiSilicon bị đưa vào danh sách đen thương mại của Hoa Kỳ vào năm 2019, họ đã khẩn trương tích trữ chip trong hơn một năm và đã hết hàng sau hơn hai năm chèo chống.

Sing Tao Daily hôm 30/142 đưa tin rằng, Từ Trực Quân, chủ tịch luân phiên của Huawei, đã có bài phát biểu mừng năm mới 2023. Tại đây ông không đề cập đến kế hoạch phát triển thị trường và kinh doanh điện thoại thông minh mà nói về số hóa và lượng carbon thấp trong môi trường vĩ mô không chắc chắn ở tương lai là những hướng đi và cơ hội nhất định của ngành.

Ông cho biết trong 10 năm tới, Huawei sẽ tạo ra các giải pháp  số hóa, trí tuệ hóa, ít carbon và nền tảng mạng công nghiệp. Dự kiến ​​doanh thu năm nay sẽ đạt 636,9 tỷ NDT, phù hợp với kỳ vọng. Huawei sẽ “vượt qua mọi khó khăn trở ngại và tồn tại với chất lượng.”

Ông Lý Thành Đông, một nhà phân tích ngành công nghiệp điện tử ở Bắc Kinh và là người sáng lập tổ chức Dolphin Think Tank, nói với VOA rằng, mỗi khi Huawei gặp khủng hoảng, sức chiến đấu của đội ngũ sẽ được cải thiện, cấu trúc đội nhóm sẽ được điều chỉnh lại và tìm thấy chiến tuyến mới. Do đó, công nghệ 5G đang được triển khai cho các dịch vụ đám mây trên ô tô thông minh và bến cảng.

Ông cho biết thị trường điện thoại di động toàn cầu chỉ có quy mô 400 tỷ USD nhưng năng lượng là thị trường rộng lớn trị giá 10 nghìn tỷ USD, Huawei có thể thất bại trong lĩnh vực điện thoại di động nhưng hãng rất lạc quan về các cơ hội kinh doanh mới. Đặc biệt trong công nghệ mạng 5G, Huawei có nhiều bằng sáng chế nhất.

Tuy nhiên, ông Lý Thành Đông cho rằng truyền thông mạng vẫn là lĩnh vực Mỹ quan tâm nên Mỹ không thể từ bỏ việc trấn áp Huawei trên chiến trường này.

Tô Dực Hào, trợ lý giáo sư tại Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Quốc gia Đài Loan, đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn rằng, liệu Hoa Kỳ có nới lỏng vòng vây đối với Huawei hay không phụ thuộc vào việc liệu Huawei có còn đe dọa đến lợi ích địa chính trị của Hoa Kỳ trong tương lai hay không.

Huệ Liên

Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng sau cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Tập

Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Reuter đưa tin, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 30/12 cho biết Washington lo ngại việc Trung Quốc nối lại quan hệ với Nga, sau khi Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức một cuộc họp video.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói: “Bắc Kinh tuyên bố trung lập, nhưng hành vi của họ cho thấy rõ ràng rằng họ vẫn đang đầu tư vào mối quan hệ chặt chẽ với Nga”. Ngoài ra, Washington cũng đang “theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Bắc Kinh”.

Tuần trước, Nga và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung, mà Tổng tham mưu trưởng Liên bang Nga, Tướng Valery Gerasimov, gọi đây là phản ứng đối với “sự tích cực xây dựng sức mạnh quân sự của Mỹ” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuần trước, TT Putin chủ trì việc phát hiện mỏ khí đốt ở Siberia, được thiết kế để thúc đẩy xuất khẩu năng lượng của Nga sang Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh và Moscow đã tìm thấy tiếng nói chung khi cả hai cảm thấy khó chịu với sự thống trị toàn cầu của Hoa Kỳ. TT Putin và Tập Cận Bình coi Washington là một trở ngại cho tham vọng địa chính trị và kinh tế của họ và tìm cách thiết lập các mối quan hệ “không biên giới” như một đối trọng với ưu thế quốc tế của Mỹ. Đặc biệt, Nga xích lại gần Trung Quốc hơn sau khi Matxcơva gánh đòn trừng phạt nặng nề vì xâm lược Ukraina.

Liên Thành

Tem năm Thỏ của Trung Quốc bị người dân chỉ trích ‘toả ra yêu khí mãnh liệt’

Bộ tem được công bố, nó đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ cư dân mạng Trung Quốc. (Ảnh: Weibo).

Bưu chính Trung Quốc phát hành tem hoàng đạo hàng năm trong dịp Năm Mới. Bộ tem đặc biệt “Năm Quý Mão” 2023 đã được công bố và dự kiến ​​phát hành một bộ gồm hai con tem vào ngày 5 tháng 1. Tuy nhiên, phong cách vẽ tranh kỳ lạ của bộ tem cho năm con thỏ được truyền thông công bố cách đây vài ngày đã khiến cư dân mạng Trung Quốc khó chịu, một số cư dân mạng gọi nó là “thỏ xanh Omicron, thỏ u linh”.

Theo Sina, bộ tem cho năm con thỏ này được thiết kế bởi Hoàng Vĩnh Ngọc, một hoạ sĩ được mệnh danh là “một trong ba thần đồng của Trung Quốc” khi còn là một thiếu niên. Trong đó, một con tem là hình một con thỏ mắt đỏ thân xanh, chỉ có bàn tay là màu da, có năm ngón giống tay người, cầm giấy và bút. Theo lời giới thiệu chính thức, chú thỏ cơ trí màu xanh đang chuyển lời chúc năm mới tốt lành đến mọi người. Con tem còn lại là hình ba con thỏ màu vàng, trắng, và xám chạy vòng tròn thể hiện sự nhanh trí, sinh cơ và ấm áp của sinh mệnh.

Tuy nhiên, sau khi thiết kế của bộ tem được công bố, nó đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ cư dân mạng Trung Quốc. Sound of Hope đã trích dẫn một số bình luận của cư dân mạng, một số người thẳng thừng nói: “Bưu chính Trung Quốc có nghiêm túc không? Nhìn thế nào cũng thấy nó toả ra yêu khí mãnh liệt!” Các cư dân mạng khác cũng bày tỏ ý kiến: “Đầu năm nay chuyên gia đều biến dị rồi sao?”, “Đây là chỉ con chuột dịch bệnh”, “Cô của tôi nhìn thấy và nói rằng đó là một con chuột”, “Họa sĩ đang cố gắng hết sức để truyền đạt quan niệm thẩm mỹ của phần lớn người Trung Quốc”.

Một số cư dân mạng còn liên tưởng đến bộ tem năm Nhâm Dần đầu năm 2022. Vào thời điểm đó, nhiều người cho rằng con hổ trên con tem trông mệt mỏi, mặt đầy vẻ lo lắng, họ mỉa mai gọi đó là “khắc hoạ chân thực người Trung Quốc”. Vì vậy, sau khi bộ tem năm con thỏ được công bố, một cuộc tranh luận khác lại nổ ra: “Năm nay hổ bệnh, sang năm thỏ ma, năm nay không có nhiều may mắn, sang năm lại là thỏ điên còn không may mắn nữa.”

Liên Thành

TSMC tuyên bố sản xuất chip 3nm tại Đài Loan, bác bỏ lo lắng “phi Đài Loan hóa”

Nhà máy của công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC tại Công viên Khoa học và Công nghệ Đài Trung, ngày 25/3/2021. (Ảnh: Jack Hong / Shutterstock)

Ngày 29/12, TSMC đã tổ chức lễ mở rộng nhà máy và sản xuất hàng loạt chip 3nm tại cơ sở xây dựng mới ở Công viên Khoa học Đài Nam.

Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin, ngày 29/11 TSMC đã tổ chức lễ mở rộng nhà máy và sản xuất hàng loạt chip 3nm. Ông Lưu Đức Âm (Mark Liu), Chủ tịch TSMC, cho biết hiệu suất của quy trình 3nm của TSMC có thể so sánh với quy trình sản xuất hàng loạt 5nm. Đây là công nghệ bán dẫn tiên tiến nhất thế giới và có thể áp dụng cho đám mây, mạng tốc độ cao và thiết bị di động, nhu cầu thị trường rất lớn. Ước tính rằng sản xuất hàng loạt 3nm sẽ giúp đưa ra các sản phẩm đầu cuối trị giá 1.500 tỷ đô la Mỹ trong vòng 5 năm, đóng góp của nó vào doanh thu sẽ lớn hơn so với 5nm trong cùng thời kỳ [5 năm].

Ông Lưu Đức Âm chỉ ra rằng nhà máy wafer Fab 18 Đài Nam là trung tâm sản xuất quan trọng cho 5nm và 3nm của TSMC, và tổng vốn đầu tư sẽ đạt 1.860 tỷ Đài tệ, sẽ tạo ra hơn 11.300 cơ hội việc làm công nghệ cao. Ngoài việc nhà máy bước vào giai đoạn mở rộng thứ 8, giai đoạn 2 của nhà máy tại Mỹ cũng sẽ được đồng bộ mở rộng nhằm củng cố lòng tin của khách hàng và gia tăng đà tăng trưởng.

Ông nhấn mạnh rằng TSMC sẽ tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ, đồng thời sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển sâu rộng ở Đài Loan. Ông ước tính trung tâm R&D của TSMC tại Công viên Khoa học Hsinchu (Tân Trúc) sẽ chính thức khai trương vào quý 2 năm sau, với 8.000 nhân viên R&D tại đó; các nhà máy sản xuất chip 2nm sẽ được đặt tại Công viên Khoa học Hsinchu và Đài Trung.

Khi ông Trương Trung Mưu (Morris Chang), người sáng lập TSMC, tiết lộ sẽ thành lập một nhà máy 3nm ở Mỹ trong tương lai, ông đã bị nghi ngờ là “phi Đài Loan hóa”. Tuy nhiên, Phó viện trưởng Viện Hành chính Đài Loan Thẩm Vinh Tân (Shen Jong-chin), cho biết trong bài phát biểu của mình tại buổi lễ: “TSMC tiếp tục đầu tư vào Đài Loan, đặc biệt là để quy trình sản xuất tiên tiến ở lại Đài Loan, xua tan những tin đồn về việc phi Đài Loan hóa chất bán dẫn.”

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan Vương Mỹ Hoa (Wang Mei-hua) cũng cho biết sẽ không có vấn đề phi Đài Loan hóa, và nguồn gốc sâu xa của TSMC tại Đài Loan không thể tách rời khỏi văn hóa chuỗi cung ứng. TSMC không chỉ có công nghệ xuất sắc mà còn có một nhóm chuỗi cung ứng lớn, các kỹ sư xuất sắc và sự hỗ trợ của chính phủ. TSMC không chỉ là niềm tự hào của Đài Loan, mà còn là “con dê đầu đàn” quan trọng trong hợp tác của Đài Loan với thế giới.

Ngoài ra, ông Thi Chấn Vinh (Stan Shih), người sáng lập Tập đoàn Acer, đã đưa ra một thông cáo báo chí thông qua Quỹ StanShih (StanShih Foundation) của mình. Thông cáo chỉ ra hầu hết mọi người lo lắng về việc phi Đài Loan hóa vì họ chỉ nhìn thấy các giá trị nhìn thấy được hữu hình, trực tiếp và hiện tại, nên cảm thấy rằng ngành sản xuất đang bị chuyển ra nước ngoài. Nhưng từ góc độ giá trị ẩn gián tiếp, vô hình và trong tương lai, các doanh nhân Đài Loan đang tiếp tục mở rộng ảnh hưởng đáng kể của họ ở nước ngoài và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế.

Ông lấy Acer làm ví dụ, vì thương hiệu Acer có ý nghĩa đặc biệt ở Đài Loan, và ông kêu gọi mọi người đừng lo lắng rằng việc doanh nhân Đài Loan triển khai hoạt động ở nước ngoài là “phi Đài Loan hóa”. Thực ra ngược lại, đó là sự vươn dài sức mạnh quốc gia Đài Loan, chỉ thông qua doanh nghiệp thì Đài Loan mới có cơ hội mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ra các nước trên thế giới.

Lý Trạch Húc, Vision Times

Enes Kanter lên án Chủ tịch NBA làm ngơ trước vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ

Cầu thủ Enes Kanter của Celtics gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “kẻ độc tài” (Ảnh chụp màn hình video)

Trong chương trình của Fox News ngày 29/12, ngôi sao NBA và “chiến binh nhân quyền” gốc Thổ Nhĩ Kỳ Enes Kanter Freedom đã lên án Chủ tịch Adam Silver của NBA Mỹ nịnh hót Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền và tội ác diệt chủng của tổ chức này.

Đối với thông tin về việc ông chủ NBA đầu tư hơn 10 tỷ USD vào Trung Quốc, và video của Đội Bóng rổ Washington Wizards có cựu Đại sứ Tần Cương của ĐCSTQ tại Mỹ, anh Kanter cho biết: “NBA [là] ‘Hiệp hội không biên giới’, NBA tuyên truyền miễn phí cho nhà cầm quyền diệt chủng”.

“Tôi đã chơi hơn 800 trận trong 11 năm ở NBA. Trong toàn bộ sự nghiệp của mình, tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ đại sứ của chính phủ nào đến và thực hiện cú ném ngẫu hứng trước hoặc sau một trận đấu. Còn nhớ rằng khi người quản lý gửi video cho tôi xem, tôi nghĩ đó là một trò đùa, nhưng khi tôi xem dòng tweet của Đại sứ ĐCSTQ, tôi thấy ‘thật là tởm’,” anh nói.

Cựu tiền đạo của đội bóng rổ Boston Celtics nói với người dẫn chương trình rằng ông Silver giữ im lặng khi Trung Quốc “thảm sát” người Hồi giáo trong các trại tập trung. Anh nói: “Khi những người Hồi giáo đang bị tàn sát trong các trại tập trung ở Trung Quốc, ông [ám chỉ Silver] im lặng, và ông không chỉ im lặng mà còn đang hợp tác với chế độ diệt chủng này, như vậy thực tế là tiếp tay cho chế độ tàn bạo nhất trên thế giới để có thể kinh doanh kiếm tiền ở đó”.

“Xin hãy nhìn vào mắt tôi và nói rằng ông không biết gì về 3 triệu người đang bị tra tấn và hãm hiếp mỗi ngày trong các trại tập trung của ĐCSTQ. Thật xấu hổ thay cho ông”.

Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 8 cho biết ĐCSTQ đã “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” khi giam giữ người Duy Ngô Nhĩ, người dân tộc Hồi giáo và các nhóm thiểu số tôn giáo khác ở Tân Cương. Những nạn nhân đã bị tra tấn, lao động cưỡng bức và triệt sản.

Năm 2018, Phó trợ lý thư ký Scott Busby của Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động – Bộ Ngoại giao Mỹ đã làm chứng trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng tính từ năm 2017, chính quyền Trung Quốc đã giam giữ từ 800.000 đến 2.000.000 người Duy Ngô Nhĩ.

Anh Kanter nói thêm: “Điều duy nhất mà NBA quan tâm là kinh doanh, tiền bạc và PR. Nhưng có nhiều thứ quan trọng hơn, chẳng hạn đạo đức, giá trị và nguyên tắc, nhưng tôi chỉ hy vọng mọi người có thể thấy được và người Mỹ có thể thức tỉnh, hãy nhìn xem đây là tổ chức 100% của Mỹ (ám chỉ NBA), nhưng nhà cầm quyền độc tài ĐCSTQ có thể thuê công dân Mỹ của tổ chức này, đó là vấn đề không thể chấp nhận được”.

Tuyển thủ NBA Kanter (29 tuổi) có thể phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp vĩnh viễn tại NBA vì công khai chống ĐCSTQ. Từ khi mùa giải tạm nghỉ đến nay, Kanter vẫn chưa nhận được lời mời từ bất kỳ đội bóng nào. Anh thẳng thắn cho biết với khả năng hiện tại, anh có thể thi đấu thêm 5 năm nữa.

Kanter đã nhiều lần công khai ủng hộ Đài Loan và Hồng Kông, đồng thời bày tỏ lập trường phản đối chế độ độc đoán của ĐCSTQ. Anh chỉ trích các đội NBA đã vì nhu cầu thị trường Trung Quốc mà bỏ rơi anh. Nhưng Kanter nhấn mạnh rằng anh không hối hận về những gì mình đã làm, vì rằng nhân quyền, dân chủ và tự do quan trọng hơn bản thân anh và bóng rổ.

Vào ngày 17/11, Đài truyền hình Fox đã trao Giải thưởng danh giá “Người yêu nước” cho cựu cầu thủ NBA từ lâu đã quan tâm đến vấn đề nhân quyền này, đồng thời còn đề cử anh cho Giải Nobel Hòa bình năm 2021.

Tiêu Nhiên, Vision Times

TQ mở cửa lại: Thế giới nên chào đón hay thắt chặt kiểm soát biên giới?

Các chính phủ nước ngoài đã đưa ra phản ứng trái chiều trước lượng du khách Trung Quốc dự kiến sẽ đổ đến sau quyết định dỡ bỏ hạn chế đi lại của Bắc Kinh vào đầu tháng tới.

Ít nhất 7 quốc gia đã công bố những hạn chế mới đối với những khách nhập cảnh đến từ Trung Quốc đại lục, nhưng các quốc gia khác đã phát động hoặc đẩy mạnh các chiến dịch nhằm thu hút du khách Trung Quốc với các khẩu hiệu như “Chờ các bạn” hoặc “Chờ gặp các bạn”.

Các ủy ban du lịch ở nhiều nước châu Âu, cũng như Úc và New Zealand, nằm trong số những bên đang cố gắng thu hút du khách trên mạng xã hội Trung Quốc.

Ủy ban du lịch của Tây Ban Nha đã đăng những bức ảnh về Barcelona với khẩu hiệu có nội dung: “Sau ba năm, Tây Ban Nha cuối cùng đã chờ đợi được các bạn!”, trong khi các bài đăng tương tự được thực hiện bởi các quốc gia khác, bao gồm Na Uy, Áo, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ và Hà Lan.

Hashtag “nhiều quốc gia đã đăng trên Weibo để chào đón khách du lịch Trung Quốc” đã trở thành xu hướng và đạt hơn 2,3 triệu lượt xem trên nền tảng tính đến trưa thứ Năm.

Hôm thứ Ba, một bài đăng từ đại sứ quán Pháp có nội dung “Gửi những người bạn Trung Quốc, Pháp chào đón các bạn với vòng tay rộng mở” đã nhận được phản ứng tích cực trên mạng, thu hút những bình luận như “những người bạn Pháp cũng được chào đón như khách khi du lịch ở Trung Quốc”.

Những người dùng web khác khi đó đã so sánh cách tiếp cận của Pháp với cách tiếp cận của Mỹ, Nhật Bản và Ý, những nước hiện bắt buộc khách du lịch từ Trung Quốc phải xét nghiệm trước hoặc khi đến nơi.

Nhật Bản là nước đầu tiên công bố các hạn chế, yêu cầu tất cả những người Trung Quốc đến phải xét nghiệm COVID. Mỹ cũng có động thái tương tự, theo đó việc xét nghiệm sẽ được yêu cầu đối với hành khách đến từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 5/1, do “thiếu dữ liệu minh bạch” về đợt bùng phát hiện tại.

Chính quyền Ý cho biết họ sẽ bắt đầu xét nghiệm tất cả những người đến từ Trung Quốc sau khi gần một nửa số hành khách trên hai chuyến bay đến Milan bị phát hiện nhiễm virus. Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn cũng có thể được áp dụng nếu các cuộc xét nghiệm ở Milan cho thấy có các biến thể mới.

Trong khi đó, Ấn Độ hiện yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính đối với du khách đến từ Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Thái Lan; Đài Loan cũng sẽ bắt đầu xét nghiệm những người đến từ đại lục.

Hôm 30/12, Pháp sau khi chào mừng du khách Trung Quốc, cũng tuyên bố việc xét nghiệm COVID-19 sẽ phải được thực hiện trong vòng chưa đầy 48 giờ trước khi khởi hành và sẽ được yêu cầu đối với hành khách đi trên các chuyến bay trực tiếp từ Trung Quốc và những chuyến bay có điểm quá cảnh ở nước này.

Trong khi đó, Indonesia và Philippines cho biết họ không có kế hoạch áp đặt thêm các hạn chế đối với du khách Trung Quốc, sau đó nói rằng họ cần mở cửa nền kinh tế và không cần thiết phải đóng cửa biên giới của đất nước.

Các cách tiếp cận khác nhau làm nổi bật tình thế tiến thoái lưỡng nan mà phần còn lại của thế giới phải đối mặt khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các hạn chế.

Vào Chủ nhật, Bắc Kinh tuyên bố rằng bắt đầu từ ngày 8/1, các giới hạn về số lượng chuyến bay chở khách quốc tế sẽ được gỡ bỏ và chính quyền sẽ bắt đầu gia hạn hộ chiếu và giấy phép đến thăm Hồng Kông và Ma Cao sau gần ba năm hạn chế chặt chẽ.

Những thay đổi này dự kiến sẽ thúc đẩy du lịch nước ngoài, cũng như giúp mọi người vào Trung Quốc đại lục dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, những thay đổi này diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh gia tăng kỳ lục sau khi nhiều biện pháp hạn chế nội bộ được dỡ bỏ và ngày càng có nhiều lo ngại rằng sự lây lan nhanh chóng của virus có thể dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể mới.

Quy mô thực sự của đợt bùng phát cũng rất khó đánh giá. Chính quyền Trung Quốc đã ngừng công bố các con số lây nhiễm, nói rằng quy mô của đợt bùng phát hiện “không thể” theo dõi và thu hẹp định nghĩa về số ca tử vong do Covid, nghĩa là nhiều người chết sau khi bị nhiễm bệnh sẽ không còn được tính.

Tuy nhiên, số liệu chính thức của chính phủ ước tính rằng gần 37 triệu người đã bị nhiễm bệnh trong một ngày vào tuần trước.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, Trung Quốc là quốc gia chi tiêu lớn cho du lịch toàn cầu trước khi đại dịch xảy ra, chiếm 255 tỷ USD, tương đương gần 20%, tổng chi tiêu du lịch nước ngoài vào năm 2019.

Con số này giảm một nửa xuống còn 131 tỷ USD vào năm sau và giảm tiếp xuống còn 106 tỷ USD vào năm 2021.

Hôm thứ Năm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trong ngày thứ hai liên tiếp đã kêu gọi các chính phủ nước ngoài áp dụng cách tiếp cận khoa học và đối xử bình đẳng với tất cả du khách.

Ngân Hà (theo SCMP)

Singapore: Có thể xuất hiện các biến thể COVID-19 mới ở Trung Quốc

Singapore sẽ hết sức thận trọng trong việc tăng công suất của các hãng hàng không trong bối cảnh Trung Quốc cho phép người dân đi du lịch trở lại. Dù vậy, đảo quốc này vẫn chưa có động thái áp đặt các hạn chế đi lại chặt chẽ hơn đối với du khách từ Trung Quốc.

Bộ Y tế Singapore cho biết trong một tuyên bố hôm 30/12, làn sóng lây nhiễm COVID ở Trung Quốc là mối quan tâm đặc biệt của họ trong bối cảnh số ca mắc bệnh gia tăng trên toàn cầu. Điều đáng lo ngại nhất chính là khả năng xuất hiện các biến thể mới và nguy hiểm hơn, đồng thời những du khách bị nhiễm bệnh có thể tạo thêm gánh nặng đáng kể cho các bệnh viện của họ.

Tính đến nay, “các chủng virus lưu hành ở Trung Quốc là những chủng đã biết và không có biến thể mới nào có khả năng lây truyền hoặc mức độ nghiêm trọng cao hơn các biến thể phụ đã xác định trước đó được phát hiện,” Bộ này lưu ý. Singapore cũng phối hợp với các đối tác quốc tế để theo dõi các biến thể mới lưu hành trên toàn cầu.

Động thái gần đây của Bắc Kinh nhằm dỡ bỏ chính sách zero-COVID nghiêm ngặt đã dẫn đến làn sóng gia tăng các ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc, đồng thời gây lo ngại về sự xuất hiện các biến thể mới. Hàng loạt quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, Ý và Nhật Bản đang đưa ra yêu cầu xét nghiệm COVID bắt buộc cho toàn bộ khách du lịch từ Trung Quốc.

Singapore cho hay, sân bay của họ đón từ 700-1.000 lượt khách đến từ Trung Quốc mỗi ngày, tương đương khoảng 1%-1,5% tổng lượng khách bằng đường hàng không, chủ yếu gồm cư dân hoặc người có thẻ cư trú dài hạn.

Ngoài ra, khoảng 40 đến 80 trong số những người đến được phát hiện dương tính với COVID-19 mỗi tuần.

Chính phủ Singapore nhấn mạnh: “Khi du lịch hàng không với Trung Quốc đang dần được khôi phục, chúng tôi sẽ tiến hành cách tiếp cận thận trọng đối với việc tăng sức chữa chỗ ngồi, tính đến đánh giá sức khỏe cộng đồng tổng thể.”

Singapore hiện vẫn yêu cầu những du khách chưa tiêm phòng đầy đủ COVID-19 phải xét nghiệm trước khi nhập cảnh. Đối với những du khách ngắn hạn chưa hoàn thành tiêm chủng cũng phải có đủ bảo hiểm du lịch.

Minh Ngọc (Theo SCMP)

Ông Putin mời ông Tập đến thăm Nga vào mùa xuân, thắt chặt quan hệ với Trung Quốc

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Nga vào mùa xuân tới để “chứng minh cho toàn thế giới thấy tình hữu nghị Nga – Trung mạnh mẽ như thế nào,” tờ SCMP đưa tin.

Trong cuộc gọi video cuối năm giữa hai nhà lãnh đạo, các bên đã tái khẳng định mối quan hệ bền chặt trong lĩnh vực thương mại và năng lượng, trong bối cảnh Nga tiếp tục là mục tiêu của các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau cuộc xâm lược Ukraine. 

Phía Trung Quốc không cho biết ông Tập có nhận lời mời hay không.

Ông Putin cho biết quan hệ Nga – Trung đang ở “thời kỳ tốt nhất trong lịch sử”, theo một tuyên bố từ Điện Kremlin, đồng thời cho biết thêm: “Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Nga – Trung với tư cách là một yếu tố ổn định đang tăng lên.”

Thương mại dầu mỏ và khí đốt của Nga với Trung Quốc đã tăng đáng kể sau các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết nước này hiện là nhà cung cấp khí đốt qua đường ống lớn thứ hai của Trung Quốc và là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn thứ tư, với 13,8 tỷ mét khối khí đốt được vận chuyển đến Trung Quốc qua đường ống Power of Siberia trong 11 tháng đầu năm 2022. Tháng trước, Nga cũng vượt Ả Rập Xê Út trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc.

Ông Putin cho biết thương mại giữa hai nước sẽ tăng khoảng 25% vào cuối năm 2022, đạt mức cao kỷ lục.

Ông cũng đề xuất hợp tác quân sự hơn nữa với Trung Quốc, để “tạo điều kiện thuận lợi cho an ninh của hai nước chúng ta và hỗ trợ sự ổn định ở các khu vực quan trọng”.

Theo một tuyên bố từ phía Trung Quốc, ông Tập cho biết quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga đã trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn, đồng thời cam kết tiếp tục hợp tác về năng lượng, thương mại và các lĩnh vực khác.

Ông cũng lên án các biện pháp trừng phạt và sự can thiệp của nước ngoài, nói rằng thế giới hiện đang đứng “ở ngã tư đường của lịch sử”.

“Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga và tất cả các lực lượng tiến bộ trên thế giới phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền, phản đối mọi chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và bắt nạt, đồng thời kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh, lợi ích phát triển và công bằng và công lý quốc tế của hai nước,” ông Tập nói, theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã.

Tuyên bố từ Bắc Kinh cho biết ông Tập đã chỉ ra rằng Trung Quốc sẵn sàng đóng “vai trò mang tính xây dựng” trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine và ca ngợi Nga vì đã không loại trừ một giải pháp ngoại giao. 

Nga và Trung Quốc vừa kết thúc một cuộc tập trận hải quân chung ở biển Hoa Đông trong tuần này và đã tổ chức nhiều cuộc tập trận chung trong năm nay, bao gồm cả cuộc tập trận quy mô lớn Vostok vào tháng 8.

Xuân Lan

Related posts