Tin thế giới trưa thứ Hai: Tiền chuyển ra ngân hàng nước ngoài từ Nga tăng 26 lần

Tiền chuyển ra ngân hàng nước ngoài từ Nga tăng 26 lần

Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nga chỉ ra rằng trong quý IV năm 2022, người dân nước này đã chuyển số tiền lớn kỷ lục ra nước ngoài, theo hãng tin RT.

Cụ thể, dữ liệu đăng trên trang web của Ngân hàng Trung ương Nga ngày 30/12/2022 cho thấy trong quý 3 của năm 2022, tiền gửi ngoại tệ mới do công dân Nga nắm giữ tại các ngân hàng nước ngoài đạt mức kỷ lục 1,47 nghìn tỷ RUBLE (tương đương 19,9 tỷ USD).

Trong khi đó, số lượng tiền chuyển ra nước ngoài gần như tăng gấp 3 lần so với quý trước, lên tới 551 tỷ RUBLE. Số tiền này cũng tăng 26 lần so với quý III năm 2021, khi công dân Nga chỉ chuyển 57 tỷ RUBLE sang tài khoản ở nước ngoài.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nga báo cáo rằng tính đến ngày 1/11/2022, người dân đã giữ gần 4,19 nghìn tỷ RUBLE trong tài khoản nước ngoài. Tổng số tiền được chuyển trong cả 3 quý của năm 2022 đều ở mức cao kỷ lục.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nga bà Elvira Nabiullina, tình trạng này không đáng lo ngại. Bà cho hay: “Việc các khoản tiền quay lại hệ thống ngân hàng Nga, bằng đồng nội tệ RUBLE, sẽ xảy ra khi mọi người lấy lại niềm tin vào sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả”. Thêm vào đó, bà Elvira Nabiullina cho rằng các nhà lập pháp hiện chưa có kế hoạch về bất cứ biện pháp đặc biệt nào nhằm thay đổi tình trạng chuyển tiền ra nước ngoài này.

Vào tháng 3/2022, Ngân hàng Trung ương Nga đã đặt các hạn chế đối với việc các cá nhân chuyển tiền ra ngân hàng nước ngoài. Động thái trên được thực hiện nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt lên Moscow. Ban đầu, công dân Nga chỉ được phép chuyển tối đa 5.000 USD một tháng vào tài khoản ở nước ngoài, nhưng giới hạn sau đó đã tăng dần lên 1 triệu USD. Các hạn chế sẽ được áp dụng cho đến ngày 31/3 tới đây.

Phan Anh

Trung Quốc xây dựng kính thiên văn tương tự James Webb của NASA, nhưng đặt trên Trái đất 

Phác hoạ mô tả Kính thiên văn phân đoạn khẩu độ mở rộng (EAST) của Trung Quốc. (Hình ảnh: Đại học Bắc Kinh)

Trung Quốc vừa công bố một dự án chế tạo Kính thiên văn có khả năng quan sát mạnh như Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA, nhưng nó nằm trên Trái đất, và sẽ được tiếp tục nâng cấp vào năm 2030.

Đại học Bắc Kinh đang bắt đầu một dự án xây dựng Kính viễn vọng quang học lớn nhất ở châu Á, qua đó Trung Quốc đang ngày càng thu hẹp khoảng cách về khả năng thiên văn học với Mỹ và các nước phương Tây.

Dự án nhằm mục đích tạo ra một Kính viễn vọng với khẩu độ gương ban đầu là 6 mét vào năm 2024; gương sẽ được mở rộng lên 8 mét vào năm 2030. Dự án, trong tiếng Anh được gọi là Expanding Aperture Segmented Telescope (tạm dịch: Kính thiên văn phân đoạn khẩu độ mở rộng), viết tắt là EAST, do Đại học Bắc Kinh dẫn đầu.

Theo một tuyên bố của Đại học Bắc Kinh, Kính viễn vọng “sẽ cải thiện đáng kể khả năng quan sát của Trung Quốc trong thiên văn học quang học”.

Chữ viết tắt EAST (phía Đông) là rất phù hợp với tên của dự án, vì cơ sở này sẽ trở thành kính viễn vọng quang học đẳng cấp thế giới đầu tiên ở bán cầu phía Đông. Các cơ sở hàng đầu hiện nay đều nằm ở Tây bán cầu, tại các địa điểm xung quanh Mauna Kea ở Hawaii, Atacama ở Chile và Quần đảo Canary ngoài khơi bờ biển phía Tây Bắc châu Phi.

Giai đoạn đầu tiên của dự án EAST là việc xây dựng một chiếc gương gồm 18 phân đoạn gương lục giác, giống như gương được sử dụng trên Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) của NASA. Chiếc gương sẽ có đường kính khoảng 6 mét, một lần nữa, lại có cùng kích thước với gương của JWST.

Nhưng không giống như kính viễn vọng không gian mới nhất, quay quanh Trái đất ở khoảng cách 1,5 triệu km tại điểm Lagrange thứ hai giữa Mặt trời và Trái đất, EAST sẽ được xây dựng ngay trên Trái đất, tại núi Saishiteng gần thị trấn Lenghu, tỉnh Thanh Hải trên cao nguyên Tây Tạng, ở độ cao khoảng 4.200 m, theo bài báo đăng trên trang Nature. Đây cũng là một lợi thế rất lớn cho Kính viễn vọng của Trung Quốc, vì họ sẽ dễ dàng nâng cấp nó cùng với thời gian và công nghệ.

Một sơ đồ cho thấy hai giai đoạn của gương của Kính thiên văn phân đoạn khẩu độ mở rộng (EAST) do Trung Quốc đang sản xuất. (Hình ảnh: Đại học Bắc Kinh)

Giai đoạn thứ hai sẽ thêm một vòng gương bên ngoài, gồm 18 phân đoạn hình lục giác xung quanh gương đã có, mở rộng nó đến đường kính lớn hơn 8 mét vào năm 2030.

Đại học Bắc Kinh ước tính dự án sẽ tiêu tốn khoảng 500-600 triệu nhân dân tệ (69-84 triệu USD). Trang Qinghai News đã đưa tin vào tháng trước rằng công việc của dự án đang tiến triển một cách thuận lợi.

Đại học Bắc Kinh cho biết rằng thiên văn học đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của công nghệ và xã hội; giải thưởng Nobel Vật lý năm 2020 đã được trao cho các nhà khoa học đã phát hiện ra lỗ đen ở trung tâm Dải Ngân hà; thông qua việc sử dụng các kính thiên văn quang học cực mạnh bao gồm cả kính thiên văn Keck song sinh trên đỉnh Mauna Kea và Kính thiên văn cực lớn (VLT) ở sa mạc Atacama của Chile.

EAST cũng sẽ là một sự bổ sung tuyệt vời cho năng lực thiên văn đang phát triển rộng lớn hơn của Trung Quốc. Nước này đã chế tạo kính viễn vọng vô tuyến khẩu độ đơn lớn nhất thế giới, FAST, và có kế hoạch phóng một đài quan sát không gian lớn có tên Xuntian vào cuối năm 2023.

Theo Space.com

Ánh Dương biên dịch

Trung Quốc – Hồng Kông sắp thông quan khiến người dân lo ngại

Hồng Kông vào tháng 3/2020. (Nguồn: Lewis Tse/ Shutterstock)

Chính phủ Hồng Kông thông báo rằng Trung Quốc và Hồng Kông sắp thông quan. Nhà bình luận Đỗ Diệu Minh mô tả Hồng Kông rất dễ thất thủ.

Một khi du khách Đại Lục đến Hồng Kông để tranh giành các nguồn lực y tế, chắc chắn sẽ làm gia tăng sự bất tiện và hoảng loạn của người dân Hồng Kông, đồng thời làm gia tăng xung đột giữa Trung Quốc và Hồng Kông.

Dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bùng phát tại Trung Quốc Đại Lục đã làm dấy lên sự cảnh giác trên toàn thế giới. Anh, Ý, Tây Ban Nha, Pháp… liên tiếp công bố các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt hơn đối với hành khách đi máy bay từ Trung Quốc.

Chỉ trong chốc lát, Đại Lục đã hoàn thành quá trình chuyển đổi từ zero-COVID sang “nằm ngửa” (không làm gì), dẫn đến các ca xác nhận nhiễm COVID tăng đột biến. Điều này làm dấy lên sự cảnh giác của các quốc gia trên toàn thế giới, lo ngại sự lây lan toàn cầu của dịch bệnh năm 2020 sẽ tái diễn.

Hầu hết các quốc gia, như Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Nhật Bản, đều yêu cầu hành khách từ Trung Quốc cung cấp chứng nhận xét nghiệm COVID âm tính trước khi khởi hành. Thậm chí một số quốc gia còn yêu cầu hành khách từ Trung Quốc phải xét nghiệm axit nucleic khi nhập cảnh, những bệnh nhân dương tính phải được cách ly.

Vào thời điểm nhiều nước đang tăng cường phòng chống dịch bệnh đối với du khách từ Trung Quốc, Trưởng đặc khu Hồng Kông Lý Gia Siêu lại tuyên bố Trung Quốc và Hồng Kông sắp thông quan.

Trung Quốc Đại Lục thông báo từ ngày 8/1, du khách Hồng Kông có thể vào Đại Lục mà không cần cách ly. Ông Lý Gia Siêu chỉ ra rằng các chi tiết cụ thể của thủ tục hải quan vẫn đang được phê duyệt, và hy vọng sẽ được thực hiện trước ngày 15/1.

Hồng Kông luôn là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng đối với du khách Trung Quốc. Sau khi thông quan sẽ có một lượng lớn du khách Đại Lục đổ vào, nhất định sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Hồng Kông.

Nhà bình luận Đỗ Diệu Minh mô tả Hồng Kông rất dễ thất thủ. Ông nói rằng khi thông quan vào tháng 1/2023, trùng với giai đoạn cao điểm của dịch bệnh tại Đại Lục, khi mỗi ngày có đến hàng chục triệu người được chẩn đoán nhiễm bệnh.

“Bệnh viện quá đông, cơ sở vật chất và nhân lực khan hiếm, thuốc men bị cắt từ lâu, vắc-xin mRNA cũng không có. Con người sẽ tìm cách tự cứu lấy mình, chạy ra ngoài tìm cách thoát thân là lẽ đương nhiên,” ông nói.

Ông dự đoán rằng sau khi thông quan, đây sẽ là thời cơ tốt để đồng bào Đại Lục đến Hồng Kông tránh dịch, khám bệnh hoặc mua thuốc, nhưng điều này sẽ gây ra hàng loạt vấn đề cho xã hội Hồng Kông.

Việc thông quan rơi đúng vào dịp mùa đông, và số ca nhiễm COVID được xác nhận ở Hồng Kông sẽ tăng vọt. Ngày 31/12, Hồng Kông ghi nhận 29.207 ca nhiễm mới, trong đó có 28.783 ca nhiễm trong nước và 424 ca ngoại nhập; thêm 52 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số ca tử vong trong đợt thứ 5 tăng lên 11.594 người.

Ông Đỗ Diệu Quang chỉ ra rằng số bệnh nhân nhập viện ở Hồng Kông hiện đã vượt quá 5.100 người, chiếm khoảng phân nửa tổng số giường bệnh được sử dụng để đối phó với COVID. Nhân lực và cơ sở vật chất cần thiết cho hạn ngạch còn lại là dành cho các dịch vụ khác của bệnh viện.

“Nếu mở phần còn lại cho du khách Đại Lục, chắc chắn sẽ làm suy yếu khả năng đối phó với những thay đổi đột ngột của dịch bệnh tại Hồng Kông. Vấn đề quan trọng hơn là các nguồn lực được sử dụng cho COVID sẽ phá hỏng các dịch vụ giường bệnh khác.”

Ông bổ sung thêm rằng sự xuất hiện của một lượng lớn du khách Đại Lục đến Hồng Kông không chỉ cướp mất dịch vụ y tế và nguồn cung cấp thuốc, mà còn mang dịch bệnh, thậm chí cả biến thể mới đến Hồng Kông.

“Vấn đề không chỉ dẫn đến cung và cầu tài nguyên bị thắt chặt, mà còn tạo ra xung đột giữa Trung Quốc và Hồng Kông,” ông nói.

Ông viết rằng trong 3 năm qua, Hồng Kông đã phải hứng chịu dịch bệnh, việc thông quan không đúng lúc này sẽ gây bất tiện và hoang mang cho cuộc sống của người dân Hồng Kông. “Thử hỏi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hồng Kông tốt đẹp đến mức nào? Có cần phải nói là yêu cầu nhân tâm trở về hay không.”

Việc thông quan này cũng làm dấy lên các cuộc thảo luận trong người dân. Nhiều người Hồng Kông lo lắng việc thông quan sẽ dẫn đến lây nhiễm thứ cấp cho toàn dân. Hồng Kông bị nước ngoài phong tỏa, bị cộng đồng quốc tế bỏ rơi cùng với Đại Lục, nguồn lực y tế đã cạn kiệt.

Một số người Hồng Kông nhận xét rằng một khi thông quan, thuốc và sữa bột của Hồng Kông sẽ được thông quan, và tất cả nguồn cung sẽ bị cướp sạch, Hồng Kông sẽ trở thành thế giới thứ ba (nước nghèo). “(Thật đáng tiếc) người dân hoàn toàn bất lực trong việc chống lại nó, vì vậy tự cứu mình vẫn hơn!”

Hôm thứ Năm (29/12), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, tổ chức này cần thêm thông tin để tiến hành đánh giá rủi ro toàn diện về đợt bùng phát COVID ở Trung Quốc Đại Lục.

Do lo ngại đại dịch COVID ở Trung Quốc bùng phát mạnh có thể gây ra đột biến virus, Hoa Kỳ đang xem xét tiến hành xét nghiệm nước thải từ các chuyến bay quốc tế nhằm truy tìm biến thể mới của COVID-19.

Bình Minh

Related posts