Taliban vừa đàn áp dân, vừa lạm dụng viện trợ của phương Tây

Liên Thành

Thói ghét phụ nữ của Taliban đang làm dấy động dư luận. Việc cướp bóc tiền viện trợ quốc tế xảy ra mà thiếu sự chú ý của dư luận.

Theo bình luận của tác giả Lynne O’Donnell trên tờ Foreign Policy. Cách đối xử gây sốc của Taliban đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu. Điều này xảy ra kể từ khi những người Hồi giáo cực đoan này giành lại quyền lực và bắt đầu quay ngược dòng thời gian, đưa đất nước này trở lại thời kỳ họ từng nắm quyền kiểm soát. 

Khi sự phẫn nộ về những vụ lạm dụng phụ nữ mới nhất làm chấn động dư luận quốc tế, thái độ khinh thường phụ nữ cực đoan của giới cầm quyền Afghanistan có thể đang che đậy việc sử dụng sai mục đích hàng triệu đôla tiền viện trợ, vốn dùng để giảm thiểu nỗi đau khủng khiếp của con người nơi đây. 

Khi thảm họa nhân đạo ngày càng siết chặt hơn vào thời điểm mùa đông đang xích lại gần, Hoa Kỳ và Liên Hợp quốc đã chuyển đến Kabul hàng chục triệu đôla mỗi tuần để phân phát trên toàn quốc. 

Các nguồn tin trong và ngoài nước cho biết phần lớn số tiền này không bao giờ đến được tay những người dân thật sự cần nó. Thay vào đó, một lượng lớn kim tiền đã bị Taliban đánh cắp nhằm phục vụ cho mục đích riêng của họ, lừa dối những người ủng hộ chìa tay ra phân pháttiền mặt và thực phẩm, cũng như tài trợ cho các hoạt động riêng của các nhà lãnh đạo cấp cao trong giới cầm quyền. Một số nguồn tin trong giới an ninh và từ thiện cho biết Taliban sử dụng hệ thống chuyển tiền hawala không chính thức để trục lợi.

Các cáo buộc đang làm dấy lên mối lo ngại rằng Taliban, kẻ đã kiểm soát việc sản xuất và cung cấp heroin toàn cầu trong nhiều thập kỷ, vẫn dính líu đến các hoạt động tội phạm có tổ chức. Việc giao tiền mặt được gửi vào ngân hàng trung ương do Taliban kiểm soát và Ngân hàng Quốc tế Afghanistan thuộc sở hữu tư nhân, nơi các cơ quan của Liên Hợp Quốc phụ trách giữ tài khoản. Giới cầm quyền Taliban hiện không có trách nhiệm phải giải trình về đích đến cuối cùng của bất kỳ khoản tiền nào.

Sau khi Taliban trở lại nắm quyền vào tháng 8 năm 2021, điều kiện sống của một quốc gia với dân số khoảng 40 triệu người, vốn nằm trong số những người nghèo nhất thế giới, lại trở nên tệ hơn. 

Các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với lĩnh vực tài chính có nghĩa là những người có tài khoản ngân hàng không thể tiếp cận khoản tiết kiệm của họ. Thiếu tiền mặt có nghĩa là người dân không thể thực hiện các giao dịch mua bán cơ bản nhất, chẳng hạn như mua bánh mì. 

Vì vậy, Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc, trong khi buộc tội Taliban vì sự tàn bạo của chúng đối với phụ nữ và các nhóm người khác, vẫn cung cấp hàng tỷ đô la cho Taliban trong nỗ lực ngăn chặn nạn đói hàng loạt tại Afghanistan. 

Hồi tháng 1 năm 2022, Liên Hợp Quốc đã đưa ra lời kêu gọi hỗ trợ Afghanistan số tiền 4,4 tỷ đô la, và mới đây đã đưa ra lời kêu gọi hỗ trợ 4,6 tỷ đô la cho nước này năm 2023. 

Đây là những lời kêu gọi hỗ trợ với quy mô lớn nhất mà Liên Hợp Quốc từng đưa ra cho một quốc gia. Một tỷ lệ lớn trong đó sẽ được dùng để trang trải các chi phí chung của cơ quan này. Viện trợ song phương của Hoa Kỳ cho Afghanistan kể từ khi nước cộng hòa này sụp đổ đã lên tới 1,1 tỷ đô la tính đến tháng 9 vừa qua. 

Nhưng việc thiếu trách nhiệm giải trình về việc tiền đã đi đâu đã dẫn đến những lo ngại trong và ngoài nước rằng Taliban đang dùng tiền của người nộp thuế Mỹ để tài trợ cho các hoạt động tội phạm trên toàn thế giới của chính họ, cũng như hỗ trợ các chế độ bị trừng phạt như ở Nga và Iran bằng cách trả tiền nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và năng lượng bằng đô la cho họ. Bù lại, Nga và Iran đã giúp Taliban củng cố quyền lực. 

Các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với hệ thống ngân hàng có nghĩa là các quá trình chuyển đổi tài chính phải thông qua mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ chuyển tiền hawala, một hệ thống không chính thức thường bị chỉ trích vì thiếu tính minh bạch về nguồn và đích đến của các khoản tiền di chuyển khắp thế giới, thường là với số lượng lớn. 

Dưới áp lực quốc tế, chính phủ trước đó đã đưa ra các quy định, vì nhiều hawala ở Afghanistan bị cáo buộc tạo điều kiện cho việc chuyển tiền kiếm được từ ma túy và các hoạt động bất hợp pháp khác. Với sự kiểm soát của Taliban, không có cách nào để biết tiền chuyển qua các sàn giao dịch tiền đến từ đâu hoặc sẽ đi đâu.

Người đứng đầu thị trường tiền tệ Sarai Shahzada ở Kabul, Mohammad Mirza Katawazai, cho biết 12 triệu đến 13 triệu USD mỗi tuần được chuyển qua các hawala để thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu và tài trợ cho các chương trình viện trợ trên toàn quốc. Ông nói rằng Taliban ít tham nhũng hơn so với nước cộng hòa do Hoa Kỳ hậu thuẫn, theo đó hàng tỷ đô la đã bị các quan chức và đồng bọn của họ đánh cắp..

Khi các thách thức gia tăng, từ suy thoái kinh tế, nghèo đói, cho đến một phe đối lập ngày càng táo bạo, Taliban có lý do chính đáng để chuyển lén viện trợ nhằm củng cố quyền lực của họ. 

Một cựu sĩ quan tình báo và quân đội Afghanistan, cho biết thực phẩm và tiền mặt được phân phát dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc ở một số khu vực được các chỉ huy địa phương của Taliban bòn rút. Ở những khu vực khác, Taliban kiểm soát danh sách phân phối.

Vị cựu sĩ quan tình báo Afghanistan cho biết thêm: “Taliban đang theo dõi và quản lý nguồn tiền. Họ quyết định số tiền đó sẽ được chuyển đến đâu, cho những người nào, ở những vùng nào của đất nước.”

“Người dân không có sự lựa chọn. [Taliban] không cung cấp sự hỗ trợ nào, đặc biệt là trong môi trường Hazara và Tajik ở các tỉnh Ghor và Badghis và các vùng sâu vùng xa khác… Người dân [Afghanistan] không có quyền phản đối—họ phải đối mặt với nguy hiểm, sự đe dọa và gia đình họ cũng vậy. Và không ai biết đến việc này sau đó.” 

Ở các khu vực khác, chẳng hạn như các tỉnh phía nam nơi dân số chủ yếu là người Pashtun theo dòng Sunni, giống như Taliban, viện trợ được chuyển trực tiếp đến các gia đình và những người ủng hộ Taliban.

Việc đánh cắp viện trợ phần lớn diễn ra dưới tầm mắt công chúng, trong khi các vụ lạm dụng của Taliban lại nổi tiếng thu hút mọi sự chú ý của dư luận. 

Taliban bắt đầu hạn chế quyền lợi của phụ nữ ngay sau khi họ giành lại quyền lực. Điều này mâu thuẫn với những lời tự tuyên truyền rằng họ không còn là những kẻ coi thường phụ nữ vốn từng cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001. 

Nhưng cái gọi là “Taliban phiên bản 2.0” cũng chẳng khác gì, khi họ đuổi phụ nữ ra khỏi công sở, ép buộc phụ nữ phải mặc quần áo che kín từ đầu đến chân. Các bé gái thì bị cấm đến trường trung học. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi trong tháng này, có thông báo cho biết rằng phụ nữ hiện cũng không thể đi học đai học. Rồi vài ngày sau đó Taliban cũng công bố sắc lệnh yêu cầu các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế sa thải tất cả nhân viên nữ.

Một số tổ chức phi chính phủ, bao gồm Hội đồng Người tị nạn Na Uy và Tổ chức Chăm sóc Quốc tế, đã đình chỉ hoạt động ở Afghanistan. Những tổ chức này tuyên bố rằng nếu không có lao động nữ, họ sẽ không thể tiếp cận những người cần đến sự giúp đỡ của họ. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho biết họ cảm thấy “quan ngại sâu sắc”, còn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres thì kêu gọi đảo ngược các lệnh cấm đối với phụ nữ tại Afghanistan. 

Người đứng đầu một tổ chức từ thiện ở Afghanistan cho biết việc đình chỉ hoạt động có giới hạn là một cử chỉ sáo rỗng. Nó “sẽ chỉ có tác dụng nếu toàn bộ các tổ chức phi chính phủ nhất trí quyết định làm điều đó. Nhưng điều này sẽ không bao giờ xảy ra ở đây.”

Vị này cho biết: “Lệnh sa thải phụ nữ hoàn toàn là một quyết định chính trị và do đó cần có phản ứng chính trị. Chúng tôi không thể phản ứng với một quyết định chính trị bằng những cách thức nhân đạo.”

Ông nói rằng đã đến lúc cộng đồng quốc tế “vào cuộc và thực hiện các biện pháp thiết thực—chẳng hạn như ngừng gửi 40 triệu đô la mỗi tuần hoặc thiết lập các cơ chế có thể giúp họ giám sát nguồn tiền của mình”.

Theo một nhà hoạt động chính trị Afghanistan làm việc với lãnh đạo Taliban, nếu không có hậu quả gì, Taliban sẽ không có thay đổi. 

Các vụ lạm dụng gây chú ý của Taliban đang che đậy hành vi trộm cắp quỹ nhân đạo, mở rộng sản xuất heroin và các loại ma túy khác, cũng như mở rộng mối quan hệ với những kẻ khủng bố bao gồm cả al Qaeda. 

Nhà từ thiện này cho biết thêm rằng không ai chống lại những quy tắc đối với phụ nữ này. Đây là điều mà tất cả Taliban muốn, bao gồm cả các nhà lãnh đạo như Bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani, người mà Hoa Kỳ thích nhìn nhận là một người ôn hòa bị phe bảo thủ cuốn đi.

Nhà hoạt động này nói rằng Hoa Kỳ nên tuân theo sự dẫn dắt của Canada và liệt Taliban vào danh sách một tổ chức khủng bố chứ không chỉ một vài cá nhân, sau đó áp đặt các lệnh cấm đi lại, cấm giao dịch tài chính và tham gia vào các tổ chức quốc tế. 

Ông nhấn mạnh rằng Taliban sẽ không có gì thay đổi cho đến khi có hành động thực tế chống lại họ.

Related posts