Tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở các thành phố lớn tại Trung Quốc vượt quá 50%

Thanh Hải

Tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở các thành phố lớn tại Trung Quốc vượt quá 50%
Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân ở Thiên Tân, Trung Quốc, vào ngày 28/12/2022. (Ảnh: Noel Cells /AFP/Getty Images)

Theo các chuyên gia và quan chức y tế, tỷ lệ nhiễm Covid-19 có thể đã vượt quá 50% ở các tỉnh thành lớn tại Trung Quốc, thậm chí có thể lên tới 80% ở Bắc Kinh. Những con số này đã khắc họa nên một bức tranh ảm đạm hơn nhiều so với những thông tin mà chính quyền Bắc Kinh tiết lộ. Điều này vô hình trung đã khiến ngoại giới mất lòng tin về chính quyền nước này.

“Tỷ lệ lây nhiễm của làn sóng Covid hiện tại đã rất cao. Tại nhiều thành phố lớn, tỷ lệ này vượt quá 50%”, ông Zhang Wenhong, Giám đốc Trung tâm Dịch bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Trung Quốc, cho biết vào ngày 29/12 tại một diễn đàn trực tuyến.

Vị chuyên gia này ước tính rằng, con số trên có thể lên tới 80% trong dịp Tết Nguyên đán, vì hầu hết người dân sẽ đi khắp đất nước để đoàn tụ với gia đình.

Trung Quốc đang vật lộn với đợt bùng phát đại dịch Covid-19 sau khi chính quyền nước này đột ngột dỡ bỏ chính sách Zero Covid-19 mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã áp đặt từ lâu.

Bất chấp cái giá phải trả về kinh tế và nhân mạng, ĐCSTQ vẫn cam kết loại bỏ mọi ca lây nhiễm trong cộng đồng thông qua xét nghiệm thường xuyên, phong tỏa nhanh chóng, cách ly kéo dài và giám sát kỹ thuật. Chiến dịch này được chính quyền Bắc Kinh áp đặt kể từ khi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên ở Vũ Hán ba năm trước.

Các phương tiện truyền thông nhà nước và các quan chức liên tục cảnh báo công chúng Trung Quốc về những hậu quả thảm khốc – chẳng hạn như hàng triệu ca tử vong liên quan đến Covid – nếu họ từ chối các chính sách hạn chế Covid-19 lựa chọn chung sống với virus như phương Tây.

Nhưng sau các cuộc biểu tình rộng rãi phản đối các biện pháp hạn chế hà khắc vào cuối tháng 11, chế độ này đột ngột ngừng các nỗ lực kiểm soát đại dịch và bãi bỏ hầu hết chính sách Zero Covid đặc trưng của mình.

Các phương tiện truyền thông nhà nước đã nhanh chóng mô tả biến thể Omicron là một loại virus nhẹ giống như cúm mùa, bất chấp việc Covid-19 lây lan trong 1,4 tỷ người dân Trung Quốc – những người có khả năng miễn dịch tự nhiên sụt giảm sau ba năm sống trong cảnh bị phong tỏa hà khắc. Bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên băng ca tại Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân ở Thiên Tân, Trung Quốc, vào ngày 28/12/2022. (Ảnh: Noel Celis/AFP/Getty Images)

Giới chức Trung Quốc đã báo cáo hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 hàng ngày và một số ít trường hợp tử vong. Nhưng trên thực tế, sự chuẩn bị của các bệnh viện trở nên rất sơ sài trong khi trên toàn quốc thì tràn ngập bệnh nhân. Điều này buộc các bác sĩ phải tiếp tục làm việc trong khi bản thân họ bị nhiễm Covid-19. Thuốc hạ sốt và thuốc ho cũng hết hàng. Các nhân viên tang lễ mô tả những hàng dài thi thể đang chờ được hỏa táng.

Ông Tăng Quang, cựu trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, nói với một hội thảo trực tuyến riêng vào ngày 29/12 rằng: “Chúng tôi không nghĩ rằng làn sóng bùng phát đại dịch sẽ dữ dội đến vậy”.

Ông Tăng ước tính, có hơn 80% cư dân Bắc Kinh, tương đương 17,6 triệu người, có thể đã bị nhiễm Covid-19. Ông nói thêm rằng tỷ lệ đó trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

Thật khó để biết chính xác số ca nhiễm hay số ca tử vong vì Covid-19 ở Trung Quốc. Các số liệu thống kê chính thức thường bị làm sai lệch, làm dấy lên nghi ngờ trong công chúng về độ tin cậy của các số liệu này.

Tuần trước, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) của Trung Quốc đã ngừng công bố các ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 mỗi ngày. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, một bộ phận trực thuộc NHC, công bố thông tin về đợt bùng phát liên quan chỉ để “tham khảo và nghiên cứu”.

Tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 hiện đã vượt quá 50%

Trong trường hợp không có số liệu Covid-19 đáng tin cậy, ngoại giới đã chuyển sang dữ liệu trong khu vực và đưa ra con số cao hơn đáng kể so với số ca nhiễm và số ca tử vong trên toàn quốc do cơ quan y tế của nước này công bố. Động thái này nhằm đánh giá tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu và sức khỏe của thế giới.

Dựa trên kết quả khảo sát, một số tỉnh thành gần đây ước tính rằng, có hơn một nửa cư dân của họ đã bị nhiễm Covid. Từ tỉnh cực bắc Hắc Long Giang đến tỉnh cực nam Hải Nam, hàng chục tỉnh và thành phố lớn trên khắp Trung Quốc đã chuyển sang khảo sát trực tuyến.

Động thái này được cho là nhằm đánh giá quy mô của đợt bùng phát đại dịch sau khi chính quyền ĐCSTQ dỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm hàng loạt và cho phép người dân báo cáo kết quả xét nghiệm kháng nguyên tại nhà một cách tự nguyện.

Một nghiên cứu ở tỉnh Hải Nam cho thấy, tỷ lệ nhiễm Covid-19 trên hòn đảo nhiệt đới này đã vượt quá 50%. Với dân số 10 triệu người, số người nhiễm bệnh có thể lên tới 5 triệu người.

Các cơ quan y tế ở Hải Nam đã gửi một vòng câu hỏi thứ hai trên Wechat để khảo sát trải nghiệm của người dân với sự bùng nổ của đại dịch Covid-19. Đến ngày 27/12, CDC Hải Nam đã nhận được hơn 33.000 phản hồi, các quan chức cho biết tại cuộc họp giao ban ngày 30/12.

Tỷ lệ lây nhiễm ở tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam đất nước, nơi có dân số hơn 84 triệu người, là hơn 63%. Giới chức nước này cho biết trong một tuyên bố ngày 26/12 rằng, tỷ lệ trên thực tế có thể cao hơn nhiều, do gần 30% trong số 158.000 người được hỏi có biểu hiện sốt, ho hoặc xuất hiện các triệu chứng Covid-19 khác mà không thực hiện xét nghiệm kháng nguyên hoặc PCR .

Con số trên trùng khớp với một bản ghi nhớ bị rò rỉ từ một cuộc họp nội bộ của các quan chức y tế hàng đầu của đất nước tỷ dân. Một nửa dân số ở Tứ Xuyên, cũng như Bắc Kinh, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 trong 20 ngày đầu tiên của tháng 12, theo các ghi chú bị rò rỉ được xác nhận bởi một số hãng truyền thông.

Làn sóng lây nhiễm Covid-19 vẫn chưa đạt đỉnh ở nhiều khu vực. Ông Ngô Tôn Hữu (Wu Zunyou), trưởng nhóm dịch tễ học tại CDC Trung Quốc, cho biết trong cuộc họp báo ngày 29/12 rằng, đợt bùng phát đại dịch ở Bắc Kinh, Thiên Tân và Thành Đô của Tứ Xuyên có thể đã lên đến đỉnh điểm. Nhưng Thượng Hải và một số tỉnh ở miền trung và miền nam Trung Quốc vẫn đang chứng kiến ​​​​các ca nhiễm Covid-19 gia tăng, ông nói thêm.

Dữ liệu chính thức đối mặt với sự hoài nghi của công chúng

Tại nhà tang lễ Hán Khẩu ở ngoại ô Vũ Hán, một dòng người liên tục đưa tiễn và những chiếc xe tang cũng trở nên “tấp nập” vào ngày đầu năm mới.

Nhân viên nhà tang lễ đã từ chối trả lời các câu hỏi về khối lượng công việc gần đây của họ. Nhưng các nhà tang lễ ở các thành phố khác ở Trung Quốc, bao gồm cả Thành Đô và Bắc Kinh, nói rằng, họ bận rộn hơn bao giờ hết kể từ khi chính quyền đột ngột mở cửa trở lại vào tháng trước.

Bức tranh ảm đạm trên trái ngược hoàn toàn với số ca tử vong do truyền thông Trung Quốc công bố. ĐCSTQ đã báo cáo một trường hợp tử vong do Covid-19 mới ở nước này vào ngày 31/12, giống như một ngày trước đó, CDC Trung Quốc cho biết hôm Chủ nhật (1/1).

Trung Quốc mới chỉ ghi nhận 11 trường hợp tử vong do Covid-19 kể từ ngày 7/12, trong bối cảnh chế độ này đột ngột đảo ngược hướng đi và nới lỏng chính sách Zero Covid hà khắc.

Các quan chức y tế gần đây đã giải thích rằng, họ chỉ tính những ca tử vong vì suy hô hấp do Covid-19 gây ra, chứ không tính những trường hợp tử vong do các bệnh và tình trạng khác, ngay cả khi người chết đã xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Tại một cuộc họp báo vào ngày 20/12, ông Vương Quý Cường (Wang Guiqiang), Giám đốc Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Số 1 Đại học Bắc Kinh, cho biết, chỉ những người viêm phổi hoặc “suy hô hấp do Covid-19” mới được tính là tử vong do Covid-19.

Ông Vương tuyên bố rằng, nguyên nhân chính gây tử vong do nhiễm Covid-19 là các bệnh mãn tính tiềm ẩn của người già; còn nguyên nhân tử vong trực tiếp vì suy hô hấp do nhiễm Covid-19 là rất ít.

Do đó, những ca tử vong do các bệnh như “bệnh tim mạch, mạch máu não, nhồi máu cơ tim, v.v. không được phân loại là tử vong do nhiễm Covid-19”, ông Vương nói.

Ông nhấn mạnh rằng “việc tham khảo ý kiến của bác sĩ” sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân thực sự của mỗi ca tử vong. Một người đàn ông cầm vòng hoa tại lò hỏa táng ở Bắc Kinh vào ngày 22/12/2022. (Ảnh: STF/ AFP qua Getty Images)

Ông Mike Ryan, Giám đốc Chương trình Cấp cứu Y tế của WHO, nói với các phóng viên vào ngày 21/12: “Tôi cho rằng định nghĩa [về các ca tử vong do Covid-19] ở Trung Quốc là khá hẹp”.

Ông nói thêm, những tiêu chí như vậy “sẽ đánh giá thấp rất nhiều về số ca tử vong thực sự liên quan đến Covid”.

Airfinity, một công ty phân tích sức khỏe có trụ sở tại Anh, ước tính có tới 9.000 người ở Trung Quốc tử vong mỗi ngày vì Covid-19. Hôm 29/12, các nhà nghiên cứu cho biết, số ca tử vong lũy kế ở Trung Quốc kể từ ngày 1/12 có thể lên tới 100.000 với tổng số ca nhiễm là 18,6 triệu.

Đối mặt với sự hoài nghi ngày càng tăng về độ tin cậy của các số liệu thống kê chính thức, ông Ngô Tôn Hữu nói với các phóng viên trong cùng một cuộc họp báo vào thứ Năm tuần trước (29/12) rằng, sự khác biệt giữa số ca tử vong trong làn sóng lây nhiễm hiện tại và tỷ lệ tử vong trong cùng thời kỳ trong những năm không có đại dịch sẽ được đem ra nghiên cứu.

Khắp thế giới lo ngại về đợt bùng phát Covid-19 lần này tại Trung Quốc

Kể từ khi đại dịch bùng phát, ĐCSTQ đã hứng chịu không ít chỉ trích vì che đậy thông tin liên quan đến Covid-19 nhằm hạ thấp những tin tức mà họ cho là làm hoen ố hình ảnh của đất nước. Trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh hiện nay, việc thiếu dữ liệu minh bạch đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại, đặc biệt là về khả năng xuất hiện một biến thể mới và có sức lây lan mạnh hơn từ Trung Quốc.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên

ÚcCanada trở thành những quốc gia mới nhất yêu cầu du khách từ Trung Quốc cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 khi nhập cảnh vào những nước này. Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Hàn Quốc và một số quốc gia khác cũng đều đã áp dụng các biện pháp tương tự. Bộ Ngoại giao Maroc cho biết, nước này sẽ áp đặt lệnh cấm đối với những du khách đến từ Trung Quốc.

Tờ Global Times, cơ quan ngôn luận của Trung Quốc, đã chỉ trích việc ngày càng có nhiều chính phủ nước ngoài bắt buộc xét nghiệm Covid-19 đối với du khách Trung Quốc và gọi các hạn chế này là “phân biệt đối xử”.

Các yêu cầu nhập cảnh mới đối với những du khách đến từ Trung Quốc được đưa ra khi ĐCSTQ tuyên bố vào tuần trước rằng, họ sẽ mở cửa biên giới từ ngày 8/1/2023.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng chính phủ hoan nghênh việc nối lại du lịch giữa Úc và Trung Quốc… Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng đây là một biện pháp tạm thời, phản ánh tình trạng thiếu thông tin toàn diện về tình hình [dịch bệnh] ở Trung Quốc hiện nay”, Bộ trưởng Y tế Úc Mark cho biết trong một tuyên bố.

Theo The Epoch Times

Thanh Hải biên dịch

Related posts