Naveen Athrappully
Bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gần đây đã dự đoán rằng nhiều quốc gia sẽ rơi vào suy thoái vào năm tới, và Hoa Kỳ có khả năng tránh được tình trạng đó.
Nói trên chương trình “Face The Nation” của đài CBS, bà Georgieva cho biết IMF dự đoán năm 2023 sẽ là một “năm khó khăn” đối với nền kinh tế thế giới, thậm chí “khó khăn hơn cả năm mà chúng ta đã bỏ lại phía sau.” Bà lập luận rằng lý do cốt lõi của việc này là do sự tăng trưởng chậm lại của ba nền kinh tế lớn là Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, và Trung Quốc. Bà lưu ý rằng EU đang “bị ảnh hưởng nặng nề” bởi cuộc chiến của Nga ở Ukraine, với một nửa khu vực dự kiến sẽ rơi vào suy thoái vào năm 2023. Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một “năm khó khăn” vào năm 2023, bà lưu ý.
Khi nói đến Hoa Kỳ, bà Georgieva cho biết quốc gia này có thể tránh được suy thoái kinh tế. Thị trường lao động Mỹ dự kiến sẽ vẫn mạnh. Tuy nhiên, đây là một “sự may rủi lẫn lộn” vì thị trường lao động mạnh mẽ có thể buộc Fed phải giữ lãi suất thắt chặt hơn trong một thời gian dài hơn để giảm lạm phát.
Bà Georgieva nói, “Chúng tôi cho rằng ⅓ nền kinh tế thế giới sẽ suy thoái. Và vâng, như quý vị đã nói, ngay cả những quốc gia không bị suy thoái, thì hàng trăm triệu người cũng sẽ cảm thấy giống như suy thoái. Nhưng nếu khả năng phục hồi của thị trường lao động ở Hoa Kỳ được duy trì, thì Hoa Kỳ sẽ giúp thế giới vượt qua một năm rất khó khăn.”
Các nền kinh tế mới nổi
Đối với các thị trường mới nổi ở các nền kinh tế đang phát triển, người đứng đầu IMF dự đoán tình hình của họ sẽ “khủng khiếp” hơn vào năm tới.
Các quốc gia này không chỉ phải đối phó với các xu hướng toàn cầu tiêu cực mà còn phải đối mặt với lãi suất cao và sự lên giá của đồng USD. Bà Georgieva nói, “Đối với những nền kinh tế có các ảnh hưởng tiêu cực như vậy ở mức độ cao, đây là một sự tàn phá.”
Đồng USD mạnh là tin tốt cho công dân Mỹ nếu họ đi mua sắm ở ngoại quốc. Đối với các quốc gia nghèo đã vay bằng USD, đây là một tin xấu. Theo IMF, 60% các quốc gia có thu nhập thấp gặp khó khăn đang ở trong tình trạng đó do nợ kiểu này.
Tuy nhiên, bà Georgieva chỉ ra rằng các quốc gia đang đối mặt với tình trạng khó khăn như vậy không “có tầm quan trọng mang ý nghĩa hệ thống” để gây ra một cuộc khủng hoảng nợ. Điều này bao gồm các quốc gia như Sri Lanka, Chad, Ethiopia, Surinam, Zambia, Lebanon, và Ghana.
Bà cho biết thêm, nguy cơ xảy ra tác động lan truyền từ các quốc gia này là “không cao.” Nhưng nếu danh sách các quốc gia như thế tăng lên, thì nền kinh tế toàn cầu có thể gặp phải một “bất ngờ tồi tệ.”
Suy thoái EU, Hoa Kỳ
Cảnh báo của người đứng đầu IMF được đưa ra sau khi một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) dự đoán rằng, nền kinh tế thế giới có thể sẽ phải đối mặt với suy thoái vào năm 2023 do lãi suất cao để đối phó với lạm phát cao.
Báo cáo này cho biết, “Câu hỏi đặt ra cho năm tới là các biện pháp kiềm chế lạm phát sẽ gây đau đớn như thế nào đối với nền kinh tế thế giới và liệu có thể giữ cho bất kỳ sự suy giảm kinh tế tiềm năng nào chỉ nội trong ngắn hạn và ở mức nông hay liệu việc giảm nhu cầu lâu hơn có là cần thiết để đưa mức tăng trưởng giá trở lại mức bình thường.”
Tại Hoa Kỳ, các dấu hiệu suy thoái đã xuất hiện. Chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 20% trong năm 2022, ghi nhận hiệu suất hàng năm tồi tệ nhất kể từ năm 2008.
Một cuộc khảo sát gần đây của Numerator cho thấy 53% người tiêu dùng Mỹ lên kế hoạch cho các mục tiêu năm mới tập trung vào tài chính, với 57% cho rằng tiết kiệm tiền là mục tiêu và 48% mong muốn cẩn thận hơn trong việc theo dõi chi tiêu.
Khả năng nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái là động lực thúc đẩy 48% số người được hỏi ưu tiên tài chính.
Naveen Athrappully
Vân Du biên dịch