Bộ Công an: Có một giám đốc trung tâm đăng kiểm không biết chữ
Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, giám đốc Trung tâm kiểm định 50-17D ở Nhà Bè khi bị bắt đã lộ ra việc không biết đọc, viết, khai học đến lớp 3.
Báo Thanh Niên đưa tin, chiều 3/1, trung tướng Tô Ân Xô cho hay, trong vài tuần vừa qua, Công an TP.HCM và một số cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã phát hiện, làm rõ các hành vi sai phạm trong cấp giấy chứng nhận kiểm định tại một số trung tâm đăng kiểm ở một số tỉnh, thành như TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bắc Giang, Bắc Ninh… và sẽ còn mở rộng điều tra thêm nhiều trung tâm đăng kiểm nữa.
Theo báo cáo của Công an TP.HCM, tới thời điểm này đã khám xét 12 trung tâm đăng kiểm, khởi tố 6 vụ án, 43 bị can làm rõ về các tội danh: môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác.
Cụ thể, hành vi sai phạm của các trung tâm đăng kiểm gồm: bỏ qua lỗi vi phạm; cho thuê phụ tùng thay thế, ví dụ như xe vào kiểm định có lốp mòn được cho thuê lốp để thay… Sử dụng phần mềm để can thiệp hệ thống đăng kiểm; ví dụ có 2 đầu lọc thì chỉ cắm 1 đầu, còn 1 đầu xe vẫn đảm bảo tiêu chuẩn khí thải…
“Ước tính hơn 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định theo dạng làm luật, các trung tâm đăng kiểm đã cấp 52.300 giấy kiểm định, tiền thu lợi bất chính hàng chục tỉ đồng”, ông Xô cho biết.
Theo Chánh văn phòng Bộ Công an, một số trung tâm đăng kiểm không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn lập danh sách kiểm định viên ảo, hợp thức hoá quy định của Chính phủ khi thành lập trung tâm đăng kiểm như phải có 3 kiểm định viên, phải có 1 kiểm định viên bậc cao.
“Trong quá trình điều tra, đã phát hiện có giám đốc trung tâm đăng kiểm không biết chữ, khi điều tra viên hỏi thì không viết được và không đọc được. Người này khai mới học lớp 3 cách đây 50 năm nhưng lên làm Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-17D ở H.Nhà Bè (TP.HCM). Hành vi liều lĩnh như thế cũng là lần đầu được phát hiện, ngoài ra còn có nhiều nữa trong quá trình điều tra”, ông Xô cho biết.
Sai phạm của các trung tâm này bị bại lộ sau khi CSGT TP HCM phát hiện nhiều phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật như xe tải, xe ben cơi nới thành, thùng; biển số mờ, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải… vẫn được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Vào cuộc, Công an TP.HCM xác định hàng loạt trung tâm đăng kiểm đã nhận tiền “lót tay” để bỏ qua vi phạm cho các ôtô khi đăng kiểm, thu lợi bất chính gần 10 tỷ đồng. Ông Xô khẳng định số lượng bị can chắc sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Hội An
Nguyên nhân Chủ tịch UBND thị trấn huyện Cẩm Giàng bị đình chỉ công tác
Chủ tịch UBND thị trấn huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) bị khởi tố và đình chỉ công tác liên quan đến việc đấu giá khu đất hơn 4.913 m2 tại thị trấn này. Trước buổi đấu giá khu đất đã xảy ra nhiều sự việc ồn ào.
Chiều 3/1, ông Trần Văn Quyết – Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) xác nhận với báo giới rằng Ban Thường vụ Huyện ủy Cẩm Giàng đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng, đồng thời, UBND huyện Cẩm Giàng tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Ngọc Đường – Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Giàng.
Ông Quyết cho biết thêm, việc điều hành công việc ủy ban thị trấn Cẩm Giang được giao cho Phó Chủ tịch thị trấn đến khi có quyết định thay thế.
Theo thông tin ban đầu, ông Đường (SN 1971, trú tại khu dân cư Kim Quan, thị trấn Cẩm Giàng) bị đình chỉ công tác do ngày 22/12/2022 ông đã bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Cẩm Giàng khởi tố bị can về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Cụ thể, ông Đường bị khởi tố vì liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng khu đất có tổng diện tích hơn 4.913 m2, được chia làm 50 lô tại vị trí quy hoạch khu dân cư, nghĩa trang liệt sĩ, khu Văn Chỉ, bể bơi thị trấn Cẩm Giàng.
Trước đó, theo kế hoạch, chiều 2/10, giá khu đất sẽ được công bố vào buổi đấu giá. Giá khởi điểm dao động từ 12-18 triệu/m2, theo từng vị trí thửa đất. Khách mua phải đặt trước 20% giá trị lô đất theo giá khởi điểm.
Tuy nhiên, vào các ngày 28 và 29/9, một số người tập trung tại khu vực cổng, sân, bên trong hội trường UBND thị trấn Cẩm Giàng và cổng dự án gây huyên náo tại khu vực bán hồ sơ, khu vực xem đất để những người đến mua hồ sơ, xem vị trí đất nghĩ rằng đất không rõ nguồn gốc, có mồ mả… và khuyên khách không nên mua hồ sơ đấu giá.
Cũng liên quan đến vụ việc trên, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cẩm Giàng đã quyết định khởi tố hàng chục bị can cản trở đấu giá đất để tiến hành điều tra.
Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra.
Khánh Vy
Hải Dương: Người đàn ông tống tiền CSGT
Cho rằng CSGT phạt sai lỗi vi phạm, một người đàn ông ở Hải Dương đã tống tiền cán bộ này.
Chiều 3/1, Công an huyện Tứ Kỳ cho biết đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hải Dương bắt quả tang người cưỡng đoạt tiền của CSGT.
Trước đó, bà Lê Bá H. (trú tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hoá) bị cơ quan Công an huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) ra quyết định xử phạt hành chính vì vi phạm giao thông.
Lý do xử phạt là xe tải loại 4 trục của bà H. đi vào đường 391 (đường cấm không cho phép xe 4 trục lưu thông).
Sau đó, bà H. ủy quyền để đi nộp phạt cho ông Nam (SN 1989, trú tại khu dân cư Phú Tảo, phường Thạch Khôi, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Ông Nam cho rằng tại các ngã ba giao cắt đi vào đường dân sinh không có biển nhắc lại nên làm đơn khiếu nại CSGT lập biên bản vi phạm.
Sau khi gửi đơn, ông Nam liên lạc với cán bộ này và đưa ra điều kiện để rút đơn là viên cảnh sát phải đưa 10 triệu đồng. Đồng thời, ông Nam yêu cầu cán bộ này phải mang tiền tới nhà trọ mà mình đang thuê ở TP. Hải Dương. Nếu không đưa tiền, ông Nam dọa sẽ đưa vụ việc ra tòa, cản trở công việc, gây mất uy tín…
Cán bộ CSGT bị tống tiền đã báo cáo sự việc với lãnh đạo Công an huyện Tứ Kỳ. Ngày 23/11, khi ông Nam đang nhận số tiền 5 triệu đồng tại nơi ở của mình thì bị lực lượng công an bắt quả tang.
Sau khi hoàn tất công tác điều tra ban đầu, do sự việc xảy ra tại TP. Hải Dương nên cơ quan chức năng bàn giao vụ việc cho công an khu vực tiếp tục thụ lý.
Khánh Vy