Trịnh Hải
4-1-2023
Thật bất ngờ cho nước Mỹ khi cảnh sát tuyên bố bắt được Bryan Kohberger, kẻ tình nghi giết hại bốn sinh viên trường University of Idaho. Bryan Kohberger đang là sinh viên bậc tiến sĩ về ngành Tư pháp hình sự và Tội phạm học (Criminal Justice and Criminology) ở trường Washington State University, cách nơi xảy ra án mạng chỉ độ khoảng 15 km.
Cho đến ngày hôm nay cảnh sát vẫn giữ kín mọi chi tiết về việc điều tra và nhất là những bằng chứng đã giúp họ bắt được Bryan Kohberger. Bài viết này là ý kiến riêng của tôi để giải thích những yếu tố nào đã giúp cảnh sát bắt được nghi phạm.
Thời điểm xảy ra vụ án
Trong tất cả các vụ án, dù có người bị giết hay không, thời điểm xảy ra vụ án luôn là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất trong việc điều tra để bắt kẻ phạm tội. Một khi xác định được thời điểm, cảnh sát có thể biết được mọi sinh hoạt chung quanh nạn nhân, ai là người tiếp xúc cuối cùng… Và từ đó cảnh sát mới có thể tiến hành cuộc điều tra được.
Cảnh sát Mỹ có rất nhiều nghiên cứu để tìm hiểu và xác định thời điểm nạn nhân bị giết (the physiologic time of death). Họ đặt những xác chết, thường là vô thừa nhận, vào những môi trường tương tự như những nơi con người sinh sống hàng ngày hoặc trong thiên nhiên như rừng, núi, ruộng đồng, sa mạc… những nơi có khí hậu khác nhau để quan sát mức độ thối rữa của xác người theo thời gian. Ruồi, dòi, sâu, bọ sinh sôi nảy nở trên những xác chết được thu thập, sắp xếp và tổng kết mỗi ngày (forensic entomology) để quan sát xem các loại côn trùng tác động lên xác chết ở các thời điểm khác nhau.
Đối với người mới chết, thân nhiệt luôn được dùng để xác định nạn nhân chết cách đó bao lâu. Nếu chết trong phạm vi 3 tiếng đầu, cơ thể người chết vẫn còn ấm áp. Từ 3-8 tiếng, cơ thể trở nên cứng lại nhưng tương đối vẫn còn ấm. Sau 8 tiếng cơ thể bên ngoài trở nên lạnh nhưng nội tạng vẫn còn ấm. Lâu hơn nữa thì họ phải quan sát côn trùng, dòi bọ sinh sôi nảy nở trên người nạn nhân ra sao.
Trường hợp vụ án mạng bốn sinh viên ở Idaho thì cảnh sát được gọi đến vào khoảng 11 giờ sáng. Sau khi khám nghiệm tử thi tại hiện trường, họ cho rằng các nạn nhân bị sát hại vào lúc tờ mờ sáng. Một người hàng xóm tên Inan Harsh, 30 tuổi, kể rằng anh ta làm cho nhà hàng, về tới nhà vào khoảng 1 giờ 30 sáng và ít lâu sau có nghe tiếng gào thét. Tuy nhiên, vì các sinh viên sống gần đó ăn nhậu, la hét thâu đêm suốt sáng là chuyện bình thường nên anh ta cũng chẳng mấy quan tâm và thư thả đi ngủ vào khoảng 4 giờ sáng.
Đối với cảnh sát, chi tiết khoảng từ 2 cho tới 3 giờ sáng có vẻ thích hợp với thời điểm họ ước lượng vụ án mạng xảy ra, và mọi cuộc điều tra đều tập trung vào khoảng thời gian đó. Họ lục lọi tất cả các video từ các camera giám sát của các cửa tiệm xung quanh và phát hiện một chiếc xe Hyundai Elantra màu trắng đi ngang qua, đúng vào khoảng thời gian trên. Bên Mỹ, ở các thành phố nhỏ xe, cộ rất thưa thớt, về đêm lại càng không một bóng người, nên mọi cặp mắt đều tập trung vào chiếc xe đầy nghi vấn chạy giữa đêm khuya đó.
Nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả Việt Nam, họ đều trang bị camera giám sát ở những nơi có đèn giao thông. Có thể nhờ hệ thống đó mà cảnh sát đã có thể biết được chiếc Hyundai Elantra đã chạy đến thành phố Pullman, thuộc tiểu bang Washington. Tôi tin rằng những camera này có độ phân giải cao và có thể đọc được biển số xe nên việc xác định chủ chiếc xe Hyundai Elantra màu trắng không phải là việc khó khăn. Công việc kế tiếp của họ là phải làm thế nào để chứng minh được tên này có dính líu đến vụ giết người ở Idaho.
Báo chí cho rằng Bryan Kohberger đã để lại DNA ở hiện trường và nhờ “phả hệ di truyền” (genetic genealogy) mà họ đã tìm ra thủ phạm. Tuy nhiên ở thế kỷ thứ 21, những kẻ sát nhân mà để lại DNA là những kẻ thuộc loại tay mơ, trình độ hiểu biết kém, còn với một tên đang chuẩn bị lấy bằng tiến sĩ về Tư pháp hình sự và Tội phạm học thì chắc chắn hắn ta không thể để chuyện đó xảy ra. Vậy thì trong trường hợp này, làm thế nào để ghép một kẻ tình nghi vào một vụ án mạng được?
Giả thuyết của tôi ở đây là cảnh sát đã phải vào tận nơi ở của tên Bryan Kohberger để tìm dấu vết DNA, không phải DNA của nghi phạm mà là DNA của nạn nhân. Nếu nghi phạm trùm người kín mít từ đầu tới chân với bộ đồ giống như đồ bảo hộ y tế thì DNA của nghi phạm khó có thể vương vãi ở hiện trường. Tuy nhiên máu của nạn nhân có thể dính trên đồ bảo hộ rồi thấm vào quần áo bên trong, hoặc có nhiều cơ hội dính trên giày của nghi phạm.
Có lẽ việc đột nhập vào nhà tên Bryan Kohberger được thực hiện một cách lén lút và bí mật sau khi cảnh sát và FBI biết nghi phạm đã lái xe về quê ở Pennsylvania ăn Noel và Tết với gia đình. Sở dĩ tôi cho rằng, việc khám nhà nghi phạm là bí mật vì nếu họ muốn làm công khai thì phải có trát tòa. Trong trường hợp này quan tòa khó có thể ký trát vì cảnh sát không thể cung cấp được bằng chứng thuyết phục. Nếu cảnh sát thấy ai đó lái xe trong đêm khuya rồi đòi xét nhà người ta thì hết sức vô lý.
Chưa ai biết động lực nào hay vì sao nghi phạm lại chọn bốn sinh viên ở Idaho để giết. Người ta cho rằng, nghi phạm cũng đã giết một vài người khác trước đó và đang nỗ lực điều tra. Cá nhân tôi tin rằng, tên Bryan Kohberger này bị bệnh tâm thần. Có lẽ luật sư của tên này sẽ tìm cách cãi cho tên này được miễn tội vì lý do tâm thần (insanity).