Bùng phát dịch mạnh, Trung Quốc vẫn sẽ mở cửa biên giới với Việt Nam từ ngày 8/1

Dịch bùng phát mạnh, hàng nghìn người chết mỗi ngày, nhiều quốc gia yêu cầu xét nghiệm du khách từ Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Tổng hợp / Đức Minh)

Sau khi Bắc Kinh phát đi thông tin mở cửa kinh tế từ ngày 8/1, lãnh đạo các tỉnh biên giới của Trung Quốc – Việt Nam cũng đã thông báo về việc khôi phục hoàn toàn việc giao thương ở các cửa khẩu như: Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn,… Điều này vừa mang lại hy vọng xuất nhập khẩu thuận lợi hơn nhưng đồng thời cũng để lại sự lo lắng cho người dân về biến chủng COVID-19 đang bùng phát rất mạnh ở Trung Quốc, gây ra cái chết của hàng nghìn người mỗi ngày.

UBND tỉnh Lào Cai vừa cho hay hôm 4/1, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã nhận được thư liên hệ của Ban ngoại vụ, Chính quyền nhân dân huyện tự trị dân tộc Dao Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) thông báo về việc khôi phục hoạt động tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Cụ thể, từ ngày 8/1, Trung Quốc sẽ khôi phục toàn diện hoạt động thông quan qua các cửa khẩu biên giới.

Ngay sau khi nhận được thư từ phía Trung Quốc, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết đã họp với các cơ quan, đơn vị liên quan thống nhất các phương án quản lý và giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu phù hợp với tình hình sắp tới.

Về phía Việt Nam, quốc gia này đã lựa chọn chính sách “Sống chung với COVID” như phần lớn các nước trên thế giới hiện nay, mở cửa hoàn toàn từ hôm 15/3/2022. Với việc áp đặt chính sách Zero COVID, Bắc Kinh đã khiến hàng nghìn tấn nông sản Việt Nam ùn tắc ở cửa khẩu, hư hỏng và thiệt hại hàng trăm tỷ đồng hồi đầu năm 2022.

Đối với hoạt động tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, chiều 5/1, ông Vi Công Tường – Phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết tỉnh này vẫn chưa nhận được thông báo cụ thể về kế hoạch thông thương bình thường trở lại của chính quyền tỉnh Bằng Tường (Trung Quốc) – tỉnh giáp biên giới với Việt Nam, Tuổi Trẻ đưa tin.

“Chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày 8/1, nên để tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, hy vọng cuối tuần này chính quyền tỉnh Bằng Tường và tỉnh Lạng Sơn sẽ cùng hội đàm để thống nhất các biện pháp chống dịch, thời gian thông quan… đối với hoạt động xuất nhập khẩu và xuất nhập cảnh tại các cặp cửa khẩu trên hai nước”, ông Tường nói.

Trước đó, đối với cửa khẩu tại tỉnh Quảng Ninh, hôm 3/1, UBND TP Móng Cái cho biết sẽ dừng việc xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR với người và hàng hóa xuất khẩu để thích nghi với những thay đổi trong công tác phòng dịch COVID-19 của Trung Quốc, giúp giảm chi phí và đảm bảo việc lưu thông hàng hóa được thuận tiện.

Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái khẳng định đến thời điểm hiện tại, TP Móng Cái đã sẵn sàng đón công dân, du khách, chủ doanh nghiệp của cả hai bên trong hoạt động xuất nhập cảnh.

Chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị bắt vì giúp đỡ Việt Á trục lợi

Bị can Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (ảnh: Tiền Phong).

Cơ quan CSĐT (C03) Bộ Công an hôm 4/1 đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Bạch Thùy Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV SNB Holdings và Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên chuyên viên Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam.

Theo VnExpress, bà Thuỷ, 56 tuổi cùng bà Linh, 45 tuổi bị khởi tố, tạm giam để điều tra tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, theo khoản 3 Điều 366 Bộ luật Hình sự.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, hai bị can có hành vi lợi dụng ảnh hưởng, can thiệp, tác động lãnh đạo một số Bộ, ngành để tạo điều kiện giúp Công ty Việt Á trong quá trình sản xuất, kinh doanh kit test Covid-19 để trục lợi.

Liên quan đến vụ án này, tính tới nay, Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố, bắt tạm giam 104 người để làm rõ nhiều tội danh khác nhau.

Trong số các bị can, có tới 8 người là cựu lãnh đạo, quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ KH-CN, trong đó có ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) và ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN). Các bị can còn lại phần lớn là lãnh đạo, cán bộ tỉnh ủy, UBND, CDC, sở y tế… nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Trong doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, Việt Á chi “hoa hồng” lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng.

Hội An

Related posts