Châu Âu bớt phụ thuộc vào khí đốt của Nga, Putin đã lãng phí đòn của mình

Huệ Liên

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (ảnh: AFP qua Getty Images).

Phó thủ tướng Đức, ông Robert Habeck cho biết, các quốc gia châu Âu hiện đang đa dạng hóa thành công nguồn cung cấp năng lượng của họ, cho nên Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lãng phí cơ hội khi muốn dùng nguồn cung cấp khí đốt của mình đối với châu Âu làm công cụ mặc cả đối với cuộc xâm lược Ukraina.

Ông Robert Habeck kiêm luôn chức bộ trưởng kinh tế của Đức. Trong một cuộc họp báo chung với thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store ngày 5/1, ông cho biết Đức ban đầu đã bị hớ trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina hồi tháng 2/2022 do phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga.

Ông nói rằng: “Vấn đề của Đức, hay vấn đề của Trung Âu, là một nửa số trứng của chúng ta nằm trong một giỏ của Putin. Ônh ấy đã phá hủy những quả trứng đó.”

Sau khi Nga tiến hành xâm lược Ukraina, có những lo ngại về tình trạng mất điện ở Đức và các quốc gia khác trên khắp châu Âu, khi Nga giảm mạnh nguồn cung cấp khí đốt trong bối cảnh bị chỉ trích về hành động gây hấn đối với Ukraina.

Trước cuộc xung đột, Đức đã phụ thuộc khoảng 60% vào lượng cung khí đốt từ Nga. Nhiều quốc gia khác ở châu Âu cũng có sự phụ thuộc nặng nề như thế.

Nhưng Đức đã nỗ lực để tìm ra nguồn cung cấp năng lượng thay thế và đã thành công, với việc nước này chuyển sang các nguồn năng lượng như khí tự nhiên hóa lỏng.

Ông Habeck cho biết Đức hiện đã hoàn thành 1/3 việc thay thế nguồn cung năng lượng từ Nga thông qua các phương tiện khác.

Ông nói: “Giờ đây, tôi có thể khẳng định rằng các kho chứa nhiên liệu ở Đức đã đầy khoảng 90%, chúng tôi sẽ qua được mùa đông này và giá khí đốt đang giảm.”

3 cuộc xung đột liên quan đến Nga, có thể khiến ông Putin rơi vào thế lưỡng nan

Vào đầu năm 2023, khói súng bốc lên ở nhiều nơi trên thế giới. Chiến tranh Nga – Ukraine lại leo thang, tình hình giữa Nga và Nhật Bản đột ngột trở nên căng thẳng, Israel bất ngờ phát động chiến tranh với Syria. Việc xảy ra liên tiếp 3 cuộc xung đột quân sự lớn này đều liên quan đến Nga, có thể đặt Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Vào ngày 3/1, quân đội Nga phải đối mặt với tổn thất nặng nề nhất kể từ khi bắt đầu chiến tranh Nga – Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, quân đội Ukraine đã sử dụng tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp để tấn công Makiivka ở vùng Donetsk, khiến 89 binh sĩ Nga thiệt mạng. Mặc dù Nga đã chặn được hai trong số các tên lửa bằng hệ thống phòng không của mình, nhưng bốn tên lửa còn lại đã bắn trúng mục tiêu. Theo các nguồn tin, thương vong lần này là do quá nhiều binh lính Nga sử dụng điện thoại thông minh, nên đã bị phía Ukraine định vị chính xác. Ukraine tuyên bố khoảng 400 binh sĩ Nga thiệt mạng và 300 người bị thương.

Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đẩy nhanh quá độ sang quân sự hóa, Nhật Bản cũng tiến hành tập trận quy mô lớn gần biên giới Nga sau khi Nga tiến hành các cuộc tập trận ở Thái Bình Dương trước đó. Hơn nữa, vào tháng 12/2022, Nhật Bản đã công bố kế hoạch trang bị vũ khí siêu thanh gần biên giới Nga, điều này cho thấy Nhật Bản rõ ràng đã đưa Trung Quốc, Nga và Triều Tiên vào phạm vi tấn công của tên lửa siêu thanh của mình. Về vấn đề này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko chỉ trích đây là thách thức nghiêm trọng đối với an ninh của Nga, đồng thời cảnh báo nếu Nhật Bản tiếp tục hành động này, Nga sẽ có biện pháp trả đũa nhằm ngăn chặn Nhật Bản uy hiếp quân sự đối với Nga.

Ngoài ra, Israel đã phát động tấn công Syria vào ngày 2/1. Sáng sớm cùng ngày, Lực lượng Không quân Israel đã tiến hành cuộc tấn công tên lửa vào Sân bay Quốc tế Damascus và các khu vực lân cận. Vụ tấn công khiến 2 binh sĩ Syria thiệt mạng, và 2 người khác bị thương, đồng thời khiến sân bay phải đóng cửa. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Syria ra tuyên bố, cho rằng đây là cuộc tấn công trực tiếp vào đất nước và người dân Syria. Người dân Syria sẽ kiên quyết bảo vệ độc lập quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời phản đối sự can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

Năm 2023 mới bắt đầu, nhưng ông Putin đã rơi vào một loạt tình huống khó xử có liên quan mật thiết với nhau. Trước hết, cuộc chiến giữa Ukraine và Nga đã rơi vào thế giằng co lâu dài, sự ủng hộ của các nước phương Tây dành cho Ukraine dần phát huy tác dụng trong cuộc chiến. Hiện nay Nga đã dần rơi vào thế bất lợi. Trong hoàn cảnh như vậy, điều mà ông Putin có thể cần cân nhắc là nước Nga sẽ bị thiệt hại như thế nào nếu chiến tranh tiếp diễn, và liệu nước này có thể chịu đựng được một cuộc chiến lâu dài hay không.

Thứ hai, xung đột giữa Israel và Syria cũng sẽ đặt ông Putin vào tình thế khó khăn. Do Syria và Nga luôn tỏ ra khá thân thiện với nhau, nhưng đối thủ Israel lại là đối tượng bảo vệ của các nước phương Tây, nếu để Syria tấn công Israel thì Nga có thể hứng chịu nhiều đòn tấn công trực diện hơn từ phương Tây.

Thứ ba, do tiến bộ quân sự tăng tốc của Nhật Bản, Nga đã cảm thấy áp lực chưa từng có. Hiện vẫn chưa rõ cuộc tập trận quân sự giữa Nhật Bản và Nga liệu có leo thang thành xung đột thực sự hay không, điều này khiến ông Putin buộc phải ứng phó với những thay đổi của tình hình bất cứ lúc nào.

Vương Quân, Vision Times

Related posts