Huệ Liên
Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đang sử dụng hệ thống giám sát để bắt giữ và trấn áp những người biểu tình của Phong trào Giấy trắng.
Mức độ lo lắng của chính quyền Trung Quốc đã tăng lên sau khi số người tham gia vào Phong trào Giấy trắng vào tháng 11 năm ngoái vượt xa các nhà hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến.
Sau các cuộc biểu tình chưa từng có ở các thành phố lớn của Trung Quốc năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh đã nhanh chóng đảo thay đổi chính sách COVID-19 hà khắc. Đó dường như là trường hợp biểu tình công khai đầu tiên được chính quyền công nhận, thậm chí ngầm đồng ý.
Trang tin Washington Post ngày 4/1 tiết lộ rằng một câu chuyện khác đang diễn ra trên khắp Trung Quốc. Cảnh sát trên khắp đất nước đang sử dụng các hệ thống giám sát công nghệ cao để bắt giữ và thẩm vấn những người tham gia vào các cuộc biểu tình hồi tháng 11.
Hàng chục người tham gia biểu tình đã bị cảnh sát theo dõi, bắt giữ, thẩm vấn và xúc phạm. Cảnh sát Trung Quốc cũng đe dọa gia đình của họ.
“Virus không còn là kẻ thù, người biểu tình là kẻ thù”
Doya là một công nhân 28 tuổi, làm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ở Bắc Kinh. Cô bị chính quyền bắt giữ sau khi tham gia vào một cuộc biểu tình gần cầu Liangma.
Cô cho biết: “Virus giờ không còn là kẻ thù nữa, cán bộ y tế và kiểm dịch cũng không phải kẻ thù… Bây giờ, chỉ có những người biểu tình là kẻ thù.”
Cô cho biết sau nửa đêm ngày 28/11 năm ngoái, cô và bạn bè ở lại các địa điểm biểu tình trong khoảng nửa giờ. Mặc dù họ không huyên náo, tránh chụp ảnh bằng điện thoại di động và tránh nói chuyện trực tiếp với cảnh sát, nhưng cảnh sát đã tìm thấy cô ấy vài ngày sau đó.
Cô Doya tiết lộ rằng cô từng làm việc trong ngành truyền thông trước đây, nên cô biết những thiết bị giám sát bị cảnh sát lợi dụng như thế nào. Cảnh sát vẫn tìm thấy cô.
Hai ngày sau, cô bị đánh thức bởi các cuộc điện thoại và tin nhắn của mẹ cô. Cảnh sát đã gọi cho mẹ cô và nói rằng con gái bà đã tham gia vào “các cuộc bạo loạn bất hợp pháp” và sẽ sớm bị bắt giữ.
Vài giờ sau, cảnh sát gọi trực tiếp cho cô, triệu tập cô đến một đồn cảnh sát ở phía bắc Bắc Kinh. Tại đó, cô bị tịch thu điện thoại di động và trải qua một loạt các phiên chất vấn. Họ còn bắt cô cởi quần áo để khám xét.
Doya cho biết cảnh sát đã hỏi cô như thế nào cô đã nghe về các cuộc biểu tình và yêu cầu các chi tiết về tài khoản và tên của người dân trong vòng tròn bạn bè của cô.
Cô đoán rằng cảnh sát đã tìm thấy cô thông qua định vị điện thoại di động.
Các quan chức Trung Quốc không công bố số người bị giam giữ sau các cuộc biểu tình, và cũng không trực tiếp thừa nhận họ đã bắt giữ người biểu tình.
Chất vấn thông điệp năm mới của Tập Cận Bình
Tạp chí Phố Wall ngày 4/1 dẫn lời các quan chức và cố vấn chính phủ cho biết làn sóng biểu tình hiếm hoi xảy ra ở các thành phố lớn của Trung Quốc vào cuối tháng 11/2022, cùng với các yêu cầu khẩn cấp từ nhiều cơ quan bộ ngành, cuối cùng đã khiến nhà lãnh đạo Tập Cận Bình phải thực hiện một thay đổi trong chính sách COVID.
Các quan chức đó cho biết sự phẫn nộ của công chúng và người biểu tình đã gây sốc cho ông Tập và bộ máy lãnh đạo của ông. Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu “Đả đảo Đảng Cộng sản Trung Quốc” và “Đả đảo Tập Cận Bình”.
Trong thông điệp năm mới đưa ra ngày 31/12/, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc lớn như vậy, nên những người khác nhau sẽ có nhu cầu khác nhau, và sẽ có nhiều quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề, điều đó là bình thường, cần thông qua trao đổi và tham vấn để xây dựng sự đồng thuận.
Nhiều cư dân mạng đã chất vấn trên mạng xã hội rằng liệu ông Tập có bỏ qua cho những người đã tham gia vào Phong trào Giấy trắng và bày tỏ khiếu nại không?
Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương Trung Quốc, cơ quan phụ trách việc giám sát thực thi pháp luật trong nước, đã đưa ra một cảnh báo mơ hồ vào ngày 29/12/2022, rằng họ sẽ chống lại các hành vi lợi dụng dịch bệnh để làm mất ổn định tình hình, lan truyền tin đồn và gây rối trật tự xã hội.
Ủy ban này cũng nói rằng việc ông Tập bỏ chính sách zero-Covid là hoàn toàn hợp lý.
Khi truyền thông phương Tây hỏi về tình hình của những người biểu tình bị bắt giữ mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết không có điều đó.
Trong khi đó, các luật sư và người biểu tình cho biết ít nhất có hàng chục vụ bắt giữ đã xảy ra.
Những người biểu tình bị bắt bị thẩm vấn thâu đêm
Trang tin China Post đã phỏng vấn 6 người biểu tình bị bắt giữ. Họ đều xác nhận rằng họ đã trải qua một cuộc thẩm vấn cực kỳ căng thẳng tại đồn cảnh sát.
Một nam thanh niên 25 tuổi đến từ Thượng Hải cho biết: “Chúng tôi chỉ được phép đứng và không được nói chuyện với nhau. Họ không cho chúng tôi ngủ, nếu tôi ngủ, họ sẽ đập cửa và đánh thức tôi dậy”.
Anh thanh niên này bị bắt ở Thượng Hải khi đang tham gia lễ tưởng niệm vụ hỏa hoạn một tòa nhà ở đường Urumqi, Tân Cương. Anh cho biết cảnh sát đã kiểm tra điện thoại di động của anh trong quá trình thẩm vấn.
Anh thanh niên bị cảnh sát phạt ngồi xổm trong một giờ, trong khi những người khác bị bắt bị còng tay. Trong thời gian đó, cảnh sát cũng mắng họ là kẻ phản bội.
Anh thanh niên nói mục đích của việc cảnh sát thẩm vấn là để tìm ra ai đã lên kế hoạch cho vụ việc này, họ cho rằng đó là những kẻ ly khai hoặc một thế lực nước ngoài.
Giáo sư xã hội học Trần Chí Châu tại Đài Loan cho rằng cảnh sát Trung Quốc thường đưa ra những cáo buộc vô căn cứ để chụp mũ người biểu tình là thông đồng với người nước ngoài, khiến họ xấu hổ.
Ông cho rằng ĐCSTQ hoàn toàn kiểm soát hệ thống pháp luật và thường không cho người biểu tình có được một phiên tòa công bằng, đặc biệt là nếu những người biểu tình được dán nhãn là “thế lực thù địch”.
Trường hợp của người biểu tình là “rất nhạy cảm”
Các chuyên gia tư vấn pháp lý nói rằng họ hầu như không có hy vọng có thể giúp những người biểu tình có được một phiên tòa công bằng trong luật pháp của Trung Quốc.
Một luật sư cho biết trường hợp của những người biểu tình rất nhạy cảm, thậm chí nhạy cảm hơn các trường hợp trước đây của các nhà hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến.
Vị luật sư này nói các nhà chức trách trên toàn quốc đang cố gắng ngăn chặn các luật sư cung cấp tư vấn pháp lý cho những người biểu tình của Phong trào Giấy trắng, chưa nói đến việc bào chữa cho họ.
Những người tham gia vào Phong trào Giấy Trắng hiện đang bị bôi nhọ ngày càng nhiều trên mạng xã hội đại lục. Các nhà kiểm duyệt web chỉ cho phép các cuộc thảo luận có chọn lọc về những người biểu tình. Đối với các mạng xã hội nước ngoài, chính quyền Trung Quốc những năm gần đây cũng mở rộng hoạt động giám sát.