Các nạn nhân của vụ bê bối ngân hàng tại Trung Quốc đã bất chấp nhiệt độ lạnh giá vào ngày đầu năm mới để biểu tình đòi công lý, cùng với số tiền tiết kiệm của họ. Không những thế, họ còn phải đối mặt với sự ngược đãi của chính quyền Trung Quốc.
Cuộc biểu tình diễn ra sau nhiều tháng thất vọng của các chủ tài khoản ở nông thôn, những người đã vướng vào vụ lừa đảo và chứng kiến chính quyền đóng băng tài khoản tiết kiệm của họ nhiều tháng trước. Đáp lại điều đó, những người biểu tình đã phải đối mặt với sự đối xử tàn bạo và bị bắt giữ dưới bàn tay của cảnh sát Trung Quốc, và nhiều người đã được báo cáo là mất tích sau cuộc biểu tình.
Nhiều người trong số những người biểu tình đã không thể sử dụng tiền tiết kiệm của họ trong hơn 9 tháng. Vào tháng 04/2022, các nhà chức trách đã đóng băng các tài khoản tại các ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc.
Ít nhất 400.000 khách hàng của ngân hàng đã bị hạn chế quyền truy cập vào tài khoản của họ vào ngày 19/04, liên quan đến tổng số tiền ước tính là 5,93 tỷ USD.
Vụ lừa đảo tài chính lịch sử
Theo cảnh sát, một băng đảng tội phạm đã nắm quyền kiểm soát các ngân hàng, dụ dỗ những người gửi tiền bằng những lời hứa hẹn về lợi nhuận hàng năm lên tới 18%. Theo cáo buộc, các nghi phạm kiểm soát một số ngân hàng thông qua một công ty tập đoàn, sử dụng nền tảng sản phẩm tài chính của bên thứ ba và công ty riêng của họ để thu tiền gửi và bán các sản phẩm tài chính. Sau đó, họ thực hiện các khoản vay giả mạo để chuyển tiền bất hợp pháp.
Vụ bê bối ngân hàng được cho là một trong những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc. Trong vài tháng sau đó, các cuộc biểu tình nổ ra ở Trịnh Châu, thủ phủ của Hà Nam, khi những người biểu tình đòi lại tiền của họ, nhưng những lời cầu xin của họ dường như bị bỏ ngoài tai.
Cuối cùng, vào ngày 10/07, một cuộc biểu tình ôn hòa của hơn 1.000 người biểu tình đã gây chú ý sau khi bị cảnh sát và nhân viên an ninh đàn áp dữ dội. Một nhân viên của chi nhánh Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đếm tiền khi phục vụ một khách hàng tại Khu Thương mại Tự do Thí điểm Trung Quốc (Thượng Hải) vào ngày 24/09/2014. (Ảnh: JOHANNES EISELE / AFP qua Getty Images)
Phản ứng của chính quyền
Sau cuộc biểu tình, cơ quan quản lý tài chính của Hà Nam cho biết những người gửi tiền sẽ nhận lại được tiền.
Theo kế hoạch hoàn trả, các khoản hoàn trả sẽ được thực hiện cho người gửi tiền có tổng số tiền gửi dưới 50.000 CNY (nhân dân tệ) (khoảng 7.410 USD) vào ngày 15/07, dưới 100.000 CNY (khoảng 14.816 USD) vào ngày 25/07 và dưới 150.000 CNY (khoảng 22.196 USD) vào ngày 01/08.
Vào đầu tháng 8, các quan chức tại Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc cho biết các nhà chức trách đã hoàn trả 18,04 tỷ CNY (2,68 tỷ USD) cho 436.000 người, theo tin của Reuters. Con số đó tương đương với gần 70% người gửi tiền và tiền gửi bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, vào cuối tháng 8, theo một bài báo của CNN, các cơ quan tài chính Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố nói rằng họ đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thu hồi các khoản thiệt hại từ vụ lừa đảo và đợt hoàn trả cuối cùng sẽ đảm bảo rằng hầu hết những người bị mất tiền sẽ được bồi thường.
Tuy nhiên, theo các thông tin trực tiếp từ các nạn nhân của vụ lừa đảo, nhiều người gửi tiền đã không nhận lại được tiền.
Không nhận được xu nào
Một bài báo trên ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times vào cuối tháng 7 đã trích lời một người biểu tình ẩn danh, người cho biết nhiều chủ tài khoản nhỏ hơn đã không nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào, và nói thêm: “Tôi không lạc quan về những tài khoản lớn hơn đó”.
Trong số những người có tài khoản lớn hơn, có một số chủ tài khoản có số tiền tiết kiệm hơn 500.000 CNY (72.570 USD), số tiền của họ hiện được dán nhãn là “tiền bất hợp pháp”. Hơn nữa, theo các nạn nhân, các mệnh lệnh của chính phủ đã ngăn cản nạn nhân nộp đơn kiện trong những trường hợp này.
Bài báo cho biết những người có số tiền tiết kiệm lớn hơn chủ yếu là nam nữ doanh nhân kinh doanh các sản phẩm công nghiệp nhẹ, hóa chất và dệt may ở khu vực Giang Tô và Chiết Giang. Tài khoản của họ thường chứa thu nhập suốt đời của họ. Một nạn nhân cho biết: “Những người gửi tiền với số tiền cao hơn sẽ không nhận được một xu nào”.
Theo bài báo, có tới ba nghìn người gửi tiền phải đối mặt với việc mất tiền, vốn được dán nhãn là “bất hợp pháp”.
Một video trực tuyến được đăng vào tháng 9 cho thấy một người phụ nữ lớn tuổi đã khóc nức nở sau khi bị từ chối quyền tiếp cận khoản tiết kiệm trọn đời trị giá 80.000 CNY (11.620 USD), khoản tiền này bị hạn chế dưới danh nghĩa “tiền bất hợp pháp”. Người phụ nữ và chồng cô hiện chật vật kiếm sống bằng những công việc nặng nhọc: phá bê tông, chở xi măng và thu gom rác tái chế.
Bị ngược đãi
Các nạn nhân bị lừa đảo tìm cách lấy lại tiền cho biết họ là đối tượng bị chính quyền Trung Quốc gây phiền hà và hành hung.
Ông Shi (tên giả) nói với The Epoch Times rằng ông là một trong những người bị mất một số tiền lớn. Ông bị bắt lần đầu tiên tại cuộc biểu tình tháng 7. Kể từ đó, ông đã bị cảnh sát bắt ba lần, ông ấy nói.
Theo ông Shi, một số người biểu tình phải trải qua một hành trình dài để đến Trịnh Châu cho cuộc biểu tình ngày 01/01. Nhiều người trong số họ đã bị cảnh sát chặn lại tại nhà ga xe lửa và không được đến tỉnh lỵ của Hà Nam.
Những người đến được Trịnh Châu phải đối mặt với sự ngược đãi hơn nữa. Một bài đăng trực tuyến nói rằng một người biểu tình từ Bắc Kinh đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ và đánh đập sau khi đến nơi.
Trước cuộc biểu tình, cảnh sát đã đến thăm một số nạn nhân bị lừa đảo và cố gắng đe dọa bắt họ ở nhà. Một video được đăng trực tuyến cho thấy cảnh sát địa phương đến thăm một người gửi tiền và yêu cầu bà ấy né tránh cuộc biểu tình.
Trong một số trường hợp, các chiến thuật đã hiệu quả. Ông Shi cho biết ong không tham gia biểu tình vì cảnh sát địa phương đã cảnh báo ông không được tham gia.
Chúng không phải là những lời đe dọa suông. Ông Shi nói rằng nhiều người biểu tình ngày đầu năm mới đã mất tích.
Cuộc biểu tình đầu năm mới
Nhiệt độ xuống dưới mức đóng băng vào sáng ngày 01/01, khi những người biểu tình tập trung tại Trịnh Châu.
Những người biểu tình bắt đầu đi thành hàng dọc theo đường cao tốc vào khoảng 8 giờ sáng, như thể hiện trong một video trực tuyến từ ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times. Họ hét lên “Các ngân hàng Hà Nam, hãy trả lại tiền cho tôi” và giương một biểu ngữ lớn để những chiếc xe ô tô đi qua đọc được. Biểu ngữ kể câu chuyện buồn: khách hàng của các ngân hàng nông thôn Hà Nam chứng kiến tiền tiết kiệm của họ bị xóa sổ và không bao giờ được hoàn trả.
The Epoch Times đã cố gắng liên lạc với những người được thông báo mất tích sau cuộc biểu tình, nhưng các cuộc gọi điện thoại đã không được trả lời. Các cuộc gọi cũng được thực hiện tới đồn cảnh sát địa phương tại Chi nhánh Kim Thủy của Cục Công an Trịnh Châu, nhưng nhân viên phòng an ninh đã gác máy khi nghe.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch