Tin thế giới sáng thứ Sáu: Hoa Kỳ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Hoa Kỳ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ Nhật Bản

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Hoa Kỳ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ Nhật Bản
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tham gia Diễn đàn Hòa bình, An ninh, và Quản trị trong Hội nghị thượng đỉnh các Nhà Lãnh đạo Hoa Kỳ – Châu Phi, hôm 13/12/2022 tại Washington. (Kevin Dietsch/Getty Images)

Hôm 11/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố rằng, Hoa Kỳ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ đồng minh Nhật Bản và sẽ ủng hộ yêu sách của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Hôm thứ Năm (12/1), Ngoại trưởng Antony Blinken đã đưa ra thông báo trong cuộc họp tại Washington với Bộ trưởng Quốc phòng Austin và những người đồng cấp Nhật Bản – Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa và Bộ trưởng Quốc phòng Hamada Yasukazu.

Ngoại trưởng Blinken tuyên bố rằng, Nhật Bản và Hoa Kỳ đang củng cố mối quan hệ đối tác vốn đã mạnh mẽ của họ và sẽ tiếp tục chống lại ảnh hưởng tiêu cực của ĐCSTQ trên toàn thế giới.

“Thật khó để phóng đại tầm quan trọng của liên minh Mỹ – Nhật”, ông Blinken nói trong một cuộc họp báo chung.

“Trong hơn bảy thập niên, đây là nền tảng của hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bảo đảm an ninh, tự do và thịnh vượng của người dân chúng ta cũng như người dân trong khu vực”.

“Chúng tôi nhất trí rằng, Trung Quốc là thách thức chiến lược lớn nhất mà chúng tôi, các đồng minh và đối tác của chúng tôi đang phải đối mặt”, ông Blinken tiếp tục.

Nhận xét này được đưa ra sau kết luận của Ủy ban Tư vấn An ninh Hoa Kỳ – Nhật Bản năm 2023 (2023 U.S.-Japan Security Consultative Committee), thường được gọi là đối thoại “Hai cộng hai” (2+2), giữa các nhà lãnh đạo của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng của mỗi quốc gia. Sự kiện do ông Blinken và ông Austin đồng tổ chức.

Mỹ nắm quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ Nhật Bản

Ông Austin nói rằng, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đạt được “quyết định lịch sử nhằm tối ưu hóa vị thế quân sự của Hoa Kỳ tại Nhật Bản”. Theo đó, Mỹ sẽ tăng cường khả năng răn đe và hỗ trợ bảo vệ Nhật Bản.

Là một phần của nỗ lực này, ông Austin cho biết, Hoa Kỳ sẽ tái tổ chức Trung đoàn pháo binh số 12 thành Trung đoàn Thủy quân Lục chiến số 12. Động thái này phù với việc tái cấu trúc hiện tại của Thủy quân lục chiến Mỹ nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả chiến đấu trong các khu vực đổ bộ phân tán chống lại các cường quốc.

Ông Austin tuyên bố rằng, đội hình mới sẽ được trang bị khả năng tình báo, giám sát và trinh sát vượt trội, cũng như các công nghệ chống tàu và chống vận chuyển “phù hợp với môi trường đe dọa hiện tại và tương lai”.

Ông Austin cũng nhắc lại rằng, Hoa Kỳ cam kết bảo vệ đồng minh của mình và sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ họ khỏi bị tấn công, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, Hoa Kỳ công nhận yêu sách của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku như một phần của cam kết này.

Kể từ năm 1895, Nhật Bản chủ yếu kiểm soát quần đảo Senkaku nằm ở biển Hoa Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh bắt đầu khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo này vào những năm 1970 và gọi chúng là quần đảo Điếu Ngư.

“Nhật Bản và Hoa Kỳ vẫn đoàn kết trước các hành động gây bất ổn của Trung Quốc”, ông Austin khẳng định.

“Tôi muốn tái khẳng định cam kết chắc chắn của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Nhật Bản với toàn bộ khả năng bao gồm cả hạt nhân, và nhấn mạnh rằng Điều 5 của Hiệp ước An ninh chung áp dụng cho Quần đảo Senkaku”.

Điều 5 của Hiệp ước Hợp tác và An ninh chung năm 1960 giữa hai nước quy định rằng: Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Nhật Bản nếu nước này bị bên thứ ba tấn công. Hiến pháp Nhật Bản giới hạn quân đội nước này chỉ đóng vai trò chủ yếu là tự vệ. Hơn nữa, trong khi hiến pháp của Nhật Bản không cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân, quốc gia này không duy trì bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào do các chính sách lâu đời.

Tăng cường răn đe

Các quan chức của cả hai nước cũng nhất trí tiếp tục công việc của họ về “răn đe mở rộng”, cũng như làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác đa phương và khu vực để đảm bảo sự ổn định và an ninh liên tục của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Để đạt được mục tiêu đó, ông Blinken nói rằng, hai quốc gia đang mở rộng nỗ lực hợp tác với nhau trong một số lĩnh vực cụ thể.

“Chúng tôi cam kết duy trì các giá trị chung về dân chủ và nhân quyền, bảo vệ luật pháp quốc tế, tiếp tục dẫn đầu thế giới trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu mà không một quốc gia nào có thể giải quyết đơn phương, ví như khủng hoảng khí hậu và virus gây tử vong”, ông Blinken nói.

“Đối mặt với những thách thức này và những thách thức khác, hôm nay chúng tôi đã thảo luận về các cách tăng cường phối hợp, bao gồm chỉ huy và kiểm soát của đồng minh, tình báo, giám sát và trinh sát, sử dụng chung, cũng như chia sẻ các cơ sở và tăng cường các cuộc tập trận song phương”.

Ông Hayashi, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, nói rằng, nhu cầu chống lại ĐCSTQ là rất lớn và chính quyền Trung Quốc hiện vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự quốc tế.

Ông Hayashi nhận định rằng: “Trung Quốc đã đặt ra một thách thức chiến lược lớn nhất và chưa từng có. Chính sách đối ngoại nhằm tái tạo trật tự quốc tế để phục vụ lợi ích cá nhân của họ là mối lo ngại nghiêm trọng đối với liên minh Nhật – Mỹ và toàn bộ cộng đồng quốc tế”.

Ngoại trưởng Blinken cho biết, cuộc họp “rất hiệu quả và có phạm vi rộng” và sẽ đảm bảo rằng, liên minh vẫn là nền tảng lâu dài của một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Ông Blinken cho biết, “Điểm mấu chốt là thế này. Chúng tôi và người dân của chúng tôi luôn mạnh mẽ hơn và an toàn hơn khi đoàn kết với nhau”.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch

Tổng thống Zelensky: Đã rõ bên thắng trong cuộc xung đột tại Ukraine

Tổng thống Zelensky. (Ảnh chụp màn hình video)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay rằng hiện đã rõ bên thắng trong cuộc xung đột diễn ra tại Ukraine, đồng thời nhận định sẽ không có Thế chiến III, theo tờ The Hill.

“Bây giờ là năm 2023, xung đột ở Ukraine vẫn chưa kết thúc, nhưng tình thế đã thay đổi. Và bên nào giành chiến thắng đã rõ ràng”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong bài phát biểu thu trước và được phát tại lễ trao giải Quả cầu vàng diễn ra ở Mỹ hôm 10/1 vừa qua.

Ông Zelensky dường như tự tin rằng lực lượng Ukraine sẽ giành chiến thắng trước quân đội Nga, ám chỉ các đợt phản công mạnh mẽ của Kyiv gần đây, giúp họ tái kiểm soát nhiều khu vực từng do Moscow quản lý.

Lãnh đạo Ukraine nói thêm sẽ không có Thế chiến III, sau khi liệt kê rằng Thế chiến I đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và Thế chiến II đã khiến hàng chục triệu người tử vong.

Bên cạnh đó, Tổng thống Zelensky cũng gửi lời cảm ơn những người ủng hộ tự do cho Ukraine, gọi đó là “cuộc đấu tranh chung của chúng ta vì tự do, dân chủ, vì quyền sống, quyền được yêu”. Ông cho biết: “Chúng ta sẽ làm được điều đó với thế giới hoàn toàn tự do. Tôi hy vọng rằng tất cả các bạn sẽ ở bên chúng tôi trong ngày chiến thắng, ngày chiến thắng của chúng ta. Vinh quang cho Ukraine!”.

Cuộc xung đột tại Ukraine đã bước sang tháng 11 và nước này nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các nước phương Tây. Theo ước tính, tổng viện trợ quân sự phương Tây dành cho Ukraine từ cuối tháng 2/2022 gần bằng 95% ngân sách quốc phòng Nga năm 2022.

Sau các đợt phản công từ tháng 8/2022, quân đội Ukraine hôm 3/1 thông báo giành lại 40% diện tích lãnh thổ từng do lực lượng Nga kiểm soát. Trong khi đó, Nga tăng cường tập kích quy mô lớn vào các hạ tầng quan trọng của Ukraine, cũng như củng cố phòng tuyến sau khi rút quân khỏi một số khu vực.

Giới phân tích quân sự cho rằng các phương tiện chiến đấu mới do phương Tây cung cấp gần đây cho Ukraine có thể đóng vai trò quan trọng trong các cuộc tấn công của nước này trong tương lai hoặc bảo vệ họ trước các đợt tấn công mới của Nga.

Phan Anh

Nga thông báo cấm nhập cảnh 36 công dân Anh

Sân bay quốc tế Domodedovo ở Moscow. (Ảnh: bellena/Shutterstock)

Ngày 12/1, Bộ Ngoại giao Nga thông báo cấm 36 công dân Anh nhập cảnh vào nước này do các chính sách đối đầu của London đối với Moscow, theo hãng tin TASS.

Tuyên bố của bộ trên cho biết rằng danh sách đen gồm có nhiều bộ trưởng trong Nội các Anh, quan chức của các cơ quan an ninh cũng như các nhà báo, nhưng không tiết lộ danh tính cụ thể.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, Chính phủ Anh đã áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt cá nhân và tiến hành chiến dịch tuyên truyền rầm rộ nhằm hạ thấp uy tín của Nga, cũng như cô lập Moscow trên trường quốc tế.

Sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công nhắm vào Ukraine hồi tháng 2/2022, Chính phủ Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hàng nghìn cá nhân và pháp nhân Nga, bao gồm các quan chức, chính trị gia, nhà báo, doanh nhân, luật sư…

Hồi tháng 5/2022, Bộ Ngoại giao Nga đã công bố danh sách gồm 963 công dân Mỹ bị cấm nhập cảnh vĩnh viễn vào nước này, theo hãng tin TASS. Tuyên bố của bộ trên nêu rõ biện pháp được đưa ra nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Nga. Danh tính các công dân Mỹ bị cấm nhập cảnh được đăng tải cụ thể trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga.

Bộ Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh Moscow sẵn sàng đối thoại trung thực với Washington, đồng thời ngăn cản người dân Mỹ và các cơ quan có thẩm quyền kích động chứng bài người Nga. Bộ trên khẳng định Nga không tìm kiếm sự đối đầu và sẵn sàng đối thoại trung thực, tôn trọng lẫn nhau.

Phan Anh

FAA: Hơn vạn chuyến bay bị chậm, hơn ngàn chuyến bay bị hủy, chỉ vì một file bị hỏng

(Ảnh minh họa: Try_my_best/Shutterstock)

Hàng chục vạn hành khách Hoa Kỳ bị ùn tắc hôm 11/1 khi các máy bay của hầu như tất cả các hãng hàng không đều không thể cất cánh, thậm chí sau khi khắc phục sự cố còn có thông báo phải mất một thời gian nữa mới hoàn toàn giải quyết hậu quả xâu chuỗi do các chuyến bay liên quan đến nhau. Các quan chức cho biết tất cả chỉ vì một tệp (file) số liệu bị hỏng, theo BBC đưa tin.

Một file bị hỏng là điều không có gì là lạ. Đột ngột mất điện, hỏng. Virus ăn mất, hỏng. Lỡ tay xóa nhầm, hỏng. Bị tin tặc tấn công, hỏng. Quá nhiều lý do và xác suất không nhỏ cho một hệ thống có hàng vạn, hoặc hàng chục vạn file vào một ngày nào đó bị hỏng 1 file nào đó.

Hơn 11.000 chuyến bay ra hoặc vào Mỹ bị hoãn, và ít nhất 1.300 chuyến bị hủy. Tất cả các hãng hàng không —Delta Airlines, United Airlines, American Airlines, Southwest Airlines,…— đều bị ảnh hưởng.

Hiện nay vẫn chưa có con số cho biết thiệt hại là bao nhiêu.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khẩn cấp ra lệnh “điều tra toàn diện,” Thư ký Nhà Trắng cho biết.

Sau điều tra kỹ lưỡng, lý do hóa ra là do 1 file trong cơ sở dữ liệu của hệ thống FAA bị hỏng.

“Tại thời điểm này, không có bằng chứng về một cuộc tấn công mạng,” FAA cho biết.

“May quá, không phải do tin tặc cao tay hoặc thế lực thù địch nào đó tấn công vào hệ thống Hàng không Hoa Kỳ. Chúng tôi vẫn tiếp tục để điều tra thêm để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vụ việc,” các quan chức cho biết.

Các hãng hàng không đồng loạt cho hay hoạt động của họ sẽ trở lại bình thường vào thứ Năm.

Nguyên nhân vụ việc

FAA (Cục Hàng không Liên bang) có hệ thống NOTAM đảm bảo cập nhật thông tin về hoạt động của chuyến bay, và hiện nay tất cả các sân bay ở Hoa Kỳ đều dựa vào hệ thống này khi ra quyết định cất cánh.

Hệ thống NOTAM đã bất ngờ ngừng hoạt động, theo kết quả điều tra sau đó là do 1 file số liệu bị hỏng, một quan chức cao cấp cho biết.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ Pete Buttigieg nói với phóng viên rằng FAA đã quyết định không cho các chuyến bay cất cánh vì họ cảm thấy phải “hết sức thận trọng” sau khi nhận thấy những bất thường.

Ông Buttigieg nói “mối quan tâm chính” của ông trong tương lai “là hiểu chính xác làm thế nào điều này có thể xảy ra và những bước cần thiết để đảm bảo điều đó không xảy ra lần nữa.”

Theo FAA, hệ thống cung cấp thông tin an toàn theo thời gian thực cho phi công các thông tin như “về đường băng bị đóng, thiết bị ngừng hoạt động và các mối nguy tiềm ẩn khác dọc theo đường bay hoặc tại một địa điểm có thể ảnh hưởng đến chuyến bay.”

Ví như, đường băng hiện có chướng ngại tiềm ẩn hay không như đàn chim bay qua, hay hoạt động đặc thù nào đó bên cạnh, v.v.

Các phi công phải kiểm tra thông tin từ hệ thống này trước khi ra quyết định cất cánh.

Vụ việc này dễ khiến người ta liên tưởng đến câu chuyện kinh điển chỉ vì một chiếc đinh móng ngựa dẫn đến thay đổi cả một đế chế.

Hệ thống này vốn mang tên là “Notice to Airmen” (thông báo cho nhân viên máy bay), và vẫn chạy tốt nhiều năm. Nó đã được đổi tên vào năm 2021 do phong trào bài xích lối dùng các từ có phân biệt giới tính đột nhiên trở nên mạnh mẽ vào năm đó.

Trong khi các quan chức cho biết họ vẫn đang làm việc để xác định nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, thì như CNN đưa tin, có ý kiến cho rằng hệ thống đã khá cũ nhưng lại phải hoạt động với cường độ cao, thậm chí cả số liệu sao lưu backup của hệ thống cũng có file bị hỏng, và hệ thống này lẽ ra đã được nâng cấp công nghệ một thời gian trước.

“Vì một số lo lắng về quỹ… nên việc nâng cấp công nghệ đã bị hoãn lại,” nguồn tin cho biết. “Tôi nghĩ rằng giờ thì họ sẽ thật sự tìm được nguồn tiền để nâng cấp.”

Dù sao đi nữa thì “cơ sở hạ tầng của FAA là gì đó cao cấp chứ không chỉ là gạch và vữa.”

Thiên Đức

Related posts